Thứ Tư, 20 tháng 11, 2024

THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN GẮN CHIP KHÔNG ĐỊNH VỊ, KHÔNG THEO DÕI NGƯỜI DÙNG

  

Theo quy định tại Thông tư số 06/2021/TT-BCA, ngày 23/01/2021 của Bộ Công an về mẫu thẻ Căn cước công dân thì thẻ CCCD (nay là thẻ Căn cước) được gắn 1 con chip điện tử có kích thước nhỏ giống như trên thẻ ATM. Chip điện tử sử dụng trên thẻ CCCD tuân thủ quy định bảo mật của thế giới và Việt Nam, trên chip có thực hiện ký số, do vậy khó làm giả, bảo đảm độ tin cậy trong thực hiện các giao dịch. Thông tin lưu trữ trong chip điện tử gồm: Số căn cước công dân; họ và tên, họ và tên khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; dân tộc; tôn giáo; quê quán; nơi đăng ký thường trú; đặc điểm nhận dạng; ngày cấp; ngày hết hạn; họ tên cha/mẹ, vợ/chồng; số chứng minh nhân dân đã được cấp; ảnh chân dung; đặc điểm vân tay 2 ngón trỏ; dự phòng cho ảnh mống mắt và các thông tin khác.

Khi sử dụng thẻ CCCD gắn chip người dân có thể hoàn toàn yên tâm bởi thông tin chủ thẻ được định danh một cách chính xác, giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ, bảo đảm an toàn bảo mật nhất là trong các giao dịch tài chính. Ngoài ra, khi đề xuất sử dụng CCCD có gắn chíp điện tử, Bộ Công an đã xây dựng phương án đảm bảo tính bảo mật thông tin được lưu trữ trên chip.


Từ đó có thể khẳng định chip được gắn trên thẻ căn cước công dân với mục đích lưu trữ những thông tin cơ bản và quan trọng của công dân; chip không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chip tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Việc gắn chip trên thẻ CCCD với tiêu cao nhất là phục vụ người dân, vì lợi ích lâu dài của Nhân dân. Tuy nhiên, đi ngược với chính sách, tầm nhìn lâu dài của Nhà nước ta, một số đối tượng chống đối đã đăng tải, bình luận thông tin sai sự thật về việc sử dụng thẻ CCCD gắn chíp sẽ bị theo dõi riêng tư cá nhân, hạn chế quyền tự do của công dân nhằm tạo làn sóng phản ứng tiêu cực trong Nhân dân.

Vì vậy, trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, mỗi người dân phải nâng cao hiểu biết, là công dân số thông minh, văn minh trên môi trường mạng, cần nâng cao tinh thần cảnh giác, trang bị cho mình những kiến thức để có cái nhìn đúng đắn về chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần tạo bước đột phá quan trọng trong quá trình chuyển đổi số ở nước ta hiện nay.

 


CẢNH BÁO TÌNH TRẠNG THANH THIẾU NIÊN VI PHẠM PHÁP LUẬT

  

Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến độ tuổi thanh thiếu niên trên địa bàn thị xã Sông Cầu có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là những hành vi mâu thuẫn, sử dụng mạng xã hội Facebook để hẹn nhau giải quyết rồi dẫn đến đánh nhau gây thương tích và gây rối trật tự công cộng xảy ra liên tục; gây hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân

Thanh thiếu niên là tương lai của đất nước, là nguồn lực quan trọng để xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng thanh thiếu niên phạm tội đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là sử dụng mạng xã hội gây mâu thuẫn rồi đánh nhau, gây rối trật tự công cộng. Sau đó, đăng tải những hình ảnh, video đó lên các trang mạng Facebook để lôi kéo, thu hút người xem tác động và gây hệ lụy cho nhiều bộ phận giới trẻ, trở thành mối lo ngại lớn cho gia đình và xã hội.



Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thanh thiếu niên phạm tội, bao gồm:

Gia đình: Môi trường gia đình không lành mạnh, cuộc sống gia đình không hạnh phúc, thiếu sự quan tâm, giáo dục từ cha mẹ có thể khiến các em dễ bị lôi kéo vào các hành vi vi phạm pháp luật.

Xã hội: Áp lực từ xã hội, đặc biệt là từ bạn bè lôi kéo, thích thể hiện bản thân mình với người khác dẫn đến hành động quá khích, hung hăng rồi gây ra hậu quả thương tâm.

Môi trường giáo dục: Hệ thống giáo dục chưa thực sự chú trọng đến việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Việc thiếu những hoạt động ngoại khóa bổ ích cũng khiến các em dễ sa đà vào các hành vi tiêu cực.

Phương tiện truyền thông: Sự phát triển của công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội với nhiều thông tin không lành mạnh, bạo lực có thể ảnh hưởng xấu đến nhận thức và hành vi của thanh thiếu niên.

Việc thanh thiếu niên phạm tội không chỉ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho bản thân các em mà còn ảnh hưởng lớn đến gia đình và xã hội:

Đối với bản thân: Các em sẽ mất cơ hội học tập, làm việc, và thậm chí là mất đi tương lai tươi sáng, những trường hợp phạm tội sẽ chịu sự xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật.

Đối với gia đình: Gia đình sẽ chịu áp lực tâm lý, kinh tế khi phải lo lắng cho con em mình, đồng thời phải đối mặt với sự chỉ trích, kỳ thị từ cộng đồng, đặc biệt là những gia đình có con em bị điều tra, truy tố, xét xử.

Đối với xã hội: Tình trạng phạm tội ở thanh thiếu niên sẽ gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng nhiều mặt đến sự bình yên của đời sống xã hội.

Để ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên phạm tội, cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường, cơ quan chức năng và xã hội:

Gia đình: Cha mẹ cần dành nhiều thời gian hơn để quan tâm, lắng nghe và giáo dục con em mình. Hãy tạo cho các em môi trường gia đình ấm áp, hạnh phúc và là nơi các em có thể chia sẻ mọi vấn đề trong cuộc sống.

Nhà trường: Hệ thống giáo dục cần tăng cường việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích để học sinh có thể tham gia, học hỏi và phát triển toàn diện. Tăng cường giáo dục các em học sinh về sử dụng mạng xã hội, tránh để các đối tượng lợi dụng lôi kéo, kích động các em tham gia các hoạt động không lành mạnh.

Cơ quan chức năng: Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát, giám sát và xử lý các hành vi phạm pháp ở thanh thiếu niên; kịp thời có biện pháp xử lý, răn đe, giáo dục có hiệu quả; các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên gặp gỡ động viên, giáo dục và giúp đỡ những em có biểu hiện vi phạm pháp luật và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, tình nguyện để thanh thiếu niên có môi trường rèn luyện, phát triển lành mạnh.

Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn huyện Sơn Hoà

   

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ...”.

Trong những năm qua, với mục tiêu xây dựng thành công huyện nông thôn mới, Huyện uỷ, HĐND, UBND cùng các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể trên địa bàn huyện Sơn Hoà đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ đẩy mạnh Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Với phương châm hướng về cơ sở, huyện Sơn Hoà đã huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư, đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án, công trình an sinh xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thuỷ lợi đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối liên vùng, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai.... góp phần phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để có được những kết quả nêu trên, các cấp uỷ, chính quyền và từng cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện đã phát huy vai trò trách nhiệm, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân ngay từ cơ sở, điển hình là Dự án Kè chống sạt lở bờ Sông Ba, tại khu vực thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hoà với số vốn đầu tư 245 tỷ đồng, tổng chiều dài tuyến thi công trên 3,1km, qua 02 khu phố Tịnh Sơn, Tây Hoà của thị trấn Củng Sơn. Quá trình triển khai thực hiện Dự án, cấp uỷ, chính quyền đã tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ được ý nghĩa, tầm quan trọng của Dự án đối với sự phát kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, trong giai đoạn thi công trên địa bàn khu phố Tây Hoà, Ban Quản lý Dự án và các đơn vị thi công gặp không ít khó khăn trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, nguyên nhân là do có 03 hộ dân không thống nhất với giá tiền đền bù đất và hoa màu, nên không chịu bàn giao mặt bằng. Nắm bắt được tình hình này, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan phối hợp với UBND thị trấn Củng Sơn đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền các hộ dân với quan điểm: “lấy dân làm gốc”, theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, kiên trì vận động từng cá nhân cụ thể"; tích cực vận động, kiên trì, nhẫn nại thuyết phục, kết quả đã vận động được 3/3 hộ thống nhất bàn giao mặt bằng và không phát sinh khiếu nại, khiếu kiện quan đến công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng của Dự án.

Từ kết quả giải quyết vấn đề thu hồi đất, giải phóng mặt bằng Dự án Kè chống sạt lở bờ Sông Ba trên địa bàn thị trấn Củng Sơn, cho thấy công tác tuyên truyền, vận động quần chúng là vô cùng quan trọng. Làm tốt công tác tuyên truyền sẽ giúp đông đảo người dân hiểu rõ ý nghĩa, mục tiêu, nội dung, cách làm, từ đó tạo sự đồng thuận, chung tay của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; đồng thời, cũng là một trong những biện pháp công tác cơ bản để phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với các luận điệu xuyên tạc, hoạt động lôi kéo, kích động chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội, bất mãn và các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trên địa bàn nông thôn. Do đó, các cấp uỷ, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, địa phương phải nhận thức rõ và xác định công tác tuyên truyền, vận động quần chúng là giải pháp căn cơ, có vai trò quan trọng, cần đi trước và thực hiện xuyên suốt không chỉ trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh mà trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Phát huy vai trò của quần chúng Nhân dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn huyện Sông Hinh

 

 Thời gian qua, viêhc mở rộng mô hình phòng chống tội phạm, phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đến các làng, xã trên địa bàn huyện Sông Hinh ngày càng được nâng cao, mang lại hiệu quả tích cực. Nhân dân trên địa bàn huyện ngày càng nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ của từng người dân tham gia trong việc tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, mang lại những thành tích quan trọng, góp phần giữ vững ổn định tình hình ANTT ở địa phương.

Qua thông tin trao đổi của các cơ quan chức năng tỉnh Đăk Lăk về việc truy tìm L.X.P, sinh năm 1980, trú tại xã Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk, là đối tượng nghi vấn có hành vi trộm cắp xe máy đang di chuyển theo hướng từ Đăk Lăk đến địa bàn huyện Sông Hinh tìm đường tẩu tán tài sản. Lực lượng chức năng của huyện Sông Hinh đã tiến hành thành lập các tổ công tác chia nhiều nhánh để tuần tra trên địa bàn huyện. Sau khi phát hiện 01 đối tượng lạ mặt đang dò hỏi đường tại khu vực ngã 3 thôn Tân An, xã EaBar, có đặc điểm nhận dạng giống thông tin trao đổi về L.X.P, các tổ công tác đã tiến hành truy đuổi đối tượng, đồng thời vận động quần chúng nhân dân trên địa bàn hỗ trợ truy bắt kẻ gian. Thấy bị đông người cùng truy đuổi, đối tượng P hoảng sợ lẫn trốn vào khu vực bãi mía người dân cách đường khoảng 500m. Được sự hỗ trợ tích cực quần chúng nhân dân trên địa bàn, tổ công tác khép chặt “vòng vây” nhanh chóng bắt gọn đối tượng.

Với tinh thần, hành động cương quyết đấu tranh phòng, ngừa tội phạm góp phần đảm bảo an ninh trật tự cơ sở, các lực lượng chức năng đã được sự đồng tình ủng hộ, sự giúp đỡ nhiệt tình, tích cực của quần chúng Nhân dân trên địa bàn, đã nhanh chóng phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hành vi phạm tội các đối tượng. Qua đó, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự nghiêm minh của pháp luật, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm. bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

TĂNG CƯỜNG ĐẤU TRANH VỚI TỘI PHẠM TÀNG TRỮ VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ

          

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của huyện Sông Hinh đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đấu tranh, phòng ngừa và xử lý tội phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Qua đó góp phần ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm này ngay từ cơ sở, góp phần bảo đảm ANTT tại địa phương.

Qua công tác đấu tranh với tội phạm tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, lực lượng chức năng của huyện Sông Hinh phát hiện 02 đối tượng gồm H.V.R (sinh 1967, trú thôn Chư BLôi, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) và Đ.V.T (sinh 1992, trú thôn Tân Bình, xã Ea Ly, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) có biểu hiện nghi vấn hoạt động tàng trữ trái phép vật liệu nổ, vũ khí quân dụng. Tiến hành khám xét chỗ ở của hai đối tượng này, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 01 vật kim loại (nghi là bom mìn), 222 viên đạn chì, 01 ống ngắm sử dụng cho súng săn, 02 bơm kim loại (sử dụng để bơm hơi cho súng săn), 01 khẩu súng tự chế nòng bằng kim loại thân súng bằng gỗ (đã bị mục và rỉ sét), 01 túi nilong có chứa chất bột màu đen (nghi là thuốc súng), 01 khẩu súng dạng súng hơi, 01 khẩu súng có nòng súng bằng kim loại dưới nòng súng ốp bằng gỗ, 523 viên đạn chì, 01 bơm kim loại (sử dụng để bơm hơi cho súng săn), 01 bình hơi. Qua đấu tranh, các đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội của bản thân.


Vũ khí, vật liệu nổ của các đối tượng bị cơ quan chức năng thu giữ

Việc chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và sử dụng pháo trái phép là hành vi nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

* Về xử phạt hành chính: Các hành vi vi phạm về Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị xử phạt hành chính theo Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, cụ thể:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sau đây: Sử dụng hoặc cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép

- Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép

- Vận chuyển, tàng trữ trái phép đồ chơi nguy hiểm bị cấm

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ

- Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc các chi tiết, cụm chi tiết để sản xuất, chế tạo vũ khí, công cụ hỗ trợ có tính năng tương tự

- Vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo

* Về xử lý hình sự: Các hành vi vi phạm về Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS). Cụ thể:

1. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 304 BLHS): Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.

2. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ (Điều 305 BLHS): Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

3. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ (Điều 306 BLHS): Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Vì vậy, mỗi cán bộ và Nhân dân phải chấp hành nghiêm túc Luật số 14/2017/QH14 ngày 20/6/2017 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 về quản lý, sử dụng pháo; tích cực tham gia tố giác, thông báo với cơ quan chức năng về hành vi chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.