Thứ Ba, 18 tháng 6, 2024

TẦM QUAN TRỌNG CỦA TUYẾN ĐƯỜNG CAO TỐC BẮC - NAM

Là người Việt Nam thì ai cũng biết, huyền thoại về đường Trường Sơn từ Bắc vào Nam là mạch máu quan trọng vận chuyển khí tài, đạn dược và lương thực thực phẩm phục vụ chiến trường miền nam, góp phần quan trọng đại thắng mùa xuân năm 1975, thì nay tuyến đường cao tốc Bắc – Nam là minh chứng cho sự thống nhất và phát triển của đất nước, là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội thời kỳ đổi mới. Sau 49 năm ngày thống nhất đất nước, Việt Nam từng bước giành được những thắng lợi to lớn về chính trị - kinh tế - đối ngoại, trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Để có được sự phát triển vượt bậc về kinh tế, xã hội như vậy thì hạ tầng giao thông luôn phải đi trước một bước, đúng nghĩa “giao thông đi trước mở đường, đường mở tới đâu dân giàu tới đó”.

Trong thời kỳ đổi mới, đường bộ cao tốc có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã thông qua, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó xác định 1 trong 3 đột phá chiến lược là "Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị" với mục tiêu "Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông…". Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng chiều dài 2.063km được xác định là hành lang xương sống quốc gia trong thời kỳ mới. Việc đầu tư, đưa vào khai thác toàn tuyến sẽ tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần thực hiện thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội Đảng XIII đã thông qua. Hành lang vận tải trên trục Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng: Kết nối Trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố, tác động đến 62,1% dân số, đóng góp 65,7% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 74% các cảng biển (loại I, II), 75% các khu kinh tế, đặc biệt kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và ĐBSCL), kết nối với 16/23 cảng hàng không với 91% lưu lượng hành khách...

Hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, vận tải hàng hóa, hành khách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, rút ngắn khoảng cách, thời gian đi lại giữa các vùng, miền, tạo liên kết giữa các trung tâm kinh tế - chính trị, các địa phương, cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế… đầu tư phát triển đường bộ cao tốc Bắc - Nam là tất yếu khách quan, tạo động lực, sức lan tỏa để phát triển kinh tế - xã hội, gắn chặt với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực tiễn cho thấy, các tỉnh, thành phố ở nước ta có đường bộ cao tốc kết nối đều có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, tạo diện mạo mới cho địa phương. (Các địa phương có đường bộ cao tốc đi qua đều có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân cao hơn so với cả nước. Cụ thể, giai đoạn 2011-2019, GRDP của Hải Phòng tăng 12,89%, Quảng Ninh 9,91%, Hải Dương 8,62%, Long An 10,23%... trong khi tốc độ tăng GDP cả nước đạt khoảng 6,3%). Cao tốc Bắc - Nam kết nối với điểm đầu là của khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn và điểm cuối là đường vành đai thành phố Cà Mau (có thể nói là từ địa đầu Móng Cái đến đất mũi Cà Mau) là một minh chứng cho sự thống nhất đất nước, sức mạnh của tinh thần tự lực tự cường của quốc gia dân tộc và là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của đất nước, là tiền đề quan trọng để tương lai đất nước ta tiếp tục có thêm những công trình vĩ đại mang tầm lịch sử, để nhân dân ta ngày càng ấm no, dân tộc ta ngày càng hạnh phúc và đất nước ta ngày càng giàu đẹp./.

                                                                                             Thiên Đình

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét