Thứ Ba, 12 tháng 3, 2019

ÔNG PHI CÔNG CÓ XỨNG ĐÁNG LÀ NHÀ BÁO ?

Trong năm 2018, Tuổi Trẻ Yêu Nước (TTYN) đã đăng loạt bài 03 kỳ về nhà báo Nguyễn Phi Công - Trưởng Văn phòng đại diện báo Kinh tế nông thôn tại Phú Yên với tiêu đề “ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP MỘT NHÀ BÁO” của tác giả Mộc Nguyên, qua loạt bài này, đã phơi bày những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo, vi phạm pháp luật mà nhà báo Phi Công đã “tạo ra”. Thiết nghĩ, với những sự thật phơi bày như vậy, nhà báo Phi Công phải tự thấy hổ thẹn, ăn năn hối cải, tu chí mà sửa chữa sai lầm, không để làng báo phải mang tiếng xấu, nhưng…, với chứng nào tật nấy, với nhân cách và đạo đức xuống cấp trầm trọng, nhà báo Phi Công không ngừng tiếp nối những “chiến công” với những bài viết “quen thuộc” qua mặt ban biên tập Báo để đăng tải, nhằm đạt được những lợi ích vật chất tầm thường.

Liên quan đến vụ việc thu hồi đất đối với hộ ông Nguyễn Thanh Sơn để phục vụ dự án đầu tư công trình các tuyến giao thông nội thị, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, từ năm 2017 nhà báo Nguyễn Phi Công đã có nhiều bài phản ánh về nội dung này, đặc biệt ngày 22/02/2019, có bài “Sông Hinh (Phú Yên): Liệu có khuất tất trong “Dự án bỏ túi”?” với nhiều nội dung không có cơ sở, mang tính phiến diện, phản ánh một chiều, vi phạm Luật báo chí và đạo đức nghề nghiệp, thậm chí “sặc mùi phá hoại”, gây phản ứng của nhân dân và chính quyền địa phương. Trong bài viết của mình, nhà báo Phi Công lớn tiếng cho rằng “các cấp chính quyền cố tình “lòng vòng”, không ra quyết định thu hồi đất, đi đôi với phương án bồi thường cho gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn theo quy định”, “Gần đây, một số cán bộ còn hé lộ: Đây là “dự án bỏ túi”, bằng mọi giá, Sông Hinh dốc toàn lực cho kịp thời gian gia hạn trước tháng 6/2019. quá trình triển khai (từ năm 2005), huyện Sông Hinh chỉ nhằm vào việc thu hồi đất mà chưa có phương án bồi thường thỏa đáng cho gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn đã yên ổn làm ăn, sinh sống hơn 30 năm qua”, “Việc lạm dụng chức vụ, để nắm “dự án bỏ túi”, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh chẳng những qua mặt mấy đời Chủ tịch UBND tỉnh (tức sau Chủ tịch Phạm Đình Cự ký Quyết định số 861), còn có dấu hiệu hình sự với tội danh: “Tội giả mạo trong công tác” - Điều 359 Bộ luật Hình sự và “Tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái luật” - Điều 372 Bộ luật Hình sự”, “Vậy, quyết định cưỡng chế lần này vào ngày 07/3/2019 tới, UBND huyện Sông Hinh có thực hiện được không? Cốt lõi của vấn đề hiện nay là thực hiện “dự án bỏ túi” cho kịp với thời gian gia hạn trước tháng 6/2019. Vì thế, chính quyền huyện Sông Hinh có thể nhắm mắt làm liều, không cần biết luật pháp đúng sai?! Dư luận cho rằng, huyện Sông Hinh sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tạo ra “điểm nóng” ngày 7/3/2019. Với vụ việc cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn, không chỉ nằm trong khuôn khổ của một huyện, một tỉnh, nó đã lan tỏa cả nước, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện theo quy định pháp luật”.

Về vụ việc trên, TTYN đã tìm hiểu thực hư và thông tin chính xác như sau:


Ông Nguyễn Thanh Sơn sử dụng diện tích đất hơn 30.000m2 tại Khu phố 5, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên (trong đó, có 3.000m2 được UBND huyện Sông Hinh cấp giấy phép sử dụng đất vào ngày 06/6/1988, còn lại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Diện tích đất trên có nguồn gốc của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng, canh tác nông nghiệp từ trước năm 1975. Đến năm 1985, huyện Sông Hinh được thành lập, Nhà nước vận động các hộ đồng bào DTTS trên giao lại đất để xây dựng các công trình. Tháng 8/1986, ông Sơn được điều động, bổ nhiệm từ Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa đến giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Sông Hinh. Trong khi diện tích đất trên chưa được xây dựng thì từ năm 1990, ông Sơn đã đến và sử dụng cho đến nay.


Tháng 7/1987, Xí nghiệp khảo sát xây dựng - Sở Xây dựng Phú Khánh đo vẽ 09 tờ bản đồ khu vực thị trấn Sông Hinh thể hiện phần đất này là đất xây dựng công trình công cộng. Quá trình xây dựng trung tâm huyện Sông Hinh, UBND huyện Sông Hinh đã tiến hành lập quy hoạch và được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt quy hoạch đối với khu đất này như sau: Ngày 10/9/1993, UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định số 1397/UBQHXD, quy hoạch khu đất là sân vận động; ngày 08/5/2000, UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định số 1103/QĐ-UB, quy hoạch khu đất là hồ sinh thái; ngày 21/7/2005, UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định số 1609/QĐ-UB phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng thì khu đất này được quy hoạch khu dân cư.

Ngày 22/02/2008, UBND huyện Sông Hinh ban hành Thông báo số 138/TB-UBND về việc cho phép lập dự án đầu tư công trình các tuyến giao thông nội thị, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh. Ngày 24/02/2009, UBND huyện Sông Hinh ban hành Quyết định số 139/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường chi tiết của dự án, đến ngày 10/11/2016, UBND huyện tiếp tục ban hành Quyết định số 1106/QĐ-UBND về phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện dự án các tuyến nội thị, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh (bổ sung). Liên quan đến dự án, có 02 tổ chức và 24 hộ gia đình, cá nhân có đất bị ảnh hưởng, qua quá trình thực hiện các thành phần có đất bị thu hồi đều ủng hộ và bàn giao mặt bằng, riêng hộ ông Nguyễn Thanh Sơn (có tổng diện tích đất bị thu hồi là 9.753,1m2) không đồng ý với phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư đối với gia đình ông nên có đơn khiếu nại và không chấp hành việc nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, không giao đất để thực hiện thi công dự án, làm chậm tiến độ thi công từ 2009 đến nay.

Thực hiện việc thu hồi đất đối với hộ ông Nguyễn Thanh Sơn để triển khai thực hiện dự án, UBND huyện Sông Hinh đã ban hành 05 Quyết định thu hồi đất. Quyết định có hiệu lực hiện hành là Quyết định số 1434/QĐ-UBND ngày 26/9/2017 về việc thay thế, sửa đổi một số quyết định thu hồi đất đối với hộ ông Nguyễn Thanh Sơn. Đồng thời, trong quá trình UBND huyện Sông Hinh ban hành các Quyết định thu hồi đất và Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ông Nguyễn Thanh Sơn đã không đồng ý với các Quyết định của UBND huyện Sông Hinh. Từ năm 2010 đến nay, ông Nguyễn Thanh Sơn đã nhiều lần gửi đơn đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương với mục đích khiếu nại, tố cáo UBND huyện Sông Hinh trong công tác thu hồi đất. Trong đó, ngày 26/12/2017 ông Nguyễn Thanh Sơn có đơn khiếu nại Quyết định số 1434/QĐ-UBND ngày 26/9/2017. Ngày 23/02/2018, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh ban hành Quyết định số 395/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Thanh Sơn, kết luận: Không công nhận nội dung khiếu nại của ông Nguyễn Thanh Sơn. Ngày 31/3/2018, ông Nguyễn Thanh Sơn có đơn khiếu nại lần 2. Ngày 21/8/2018, Chủ tịch UBND Phú Yên ban hành Quyết định số 1651/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại lần 2 của ông Nguyễn Thanh Sơn, kết luận: Không công nhận toàn bộ nội dung khiếu nại đề ngày 31/3/2018 của ông Nguyễn Thanh Sơn khiếu nại Quyết định số 395/QĐ-UBND ngày 23/02/2018 của Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh. Các cơ quan chức năng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBND huyện Sông Hinh cùng các ban ngành, đoàn thể ở địa phương đã nhiều lần thực hiện đối thoại, vận động, thuyết phục ông Nguyễn Thanh Sơn tự nguyện giao đất cho Nhà nước để triển khai thực hiện dự án, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương nhưng không có kết quả.

Ngày 22/11/2018 UNND tỉnh có Công văn số 6641/UBND-NC xin ý kiến của Bộ Tài Nguyên và Môi trường về hướng dẫn bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn. Ngày 02/01/2019, Bộ Tài Nguyên và Môi trường có Công văn số 07/BTNMT-TCQLĐĐ gửi UBND tỉnh Phú Yên với nội dung (tóm tắt), gồm: Quyết định thu hồi đất số 1434/QĐ-UBND ngày 26/9/2017 của UBND huyện Sông Hinh đối với hộ gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn là phù hợp quy định của pháp luật; căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 82 Luật Đất đai năm 2013, Điều 20, Điều 22 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai thì khi Nhà nước thu hồi đất, hộ ông Nguyễn Thanh Sơn không được bồi thường đối với phần diện tích 9393,1m2 đất.

Trở lại với tư cách và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Phi Công, từ vụ việc trên, cho thấy nhà báo Phi Công đã biến sự việc từ “trắng” thành “đen”, biến “thật, giả” lẫn lộn, mục đích vẫn không nằm ngoài vòng xoáy ham muốn vật chất tầm thường, “dự án bỏ túi” mà nhà báo Phi Công đã viết với những nội dung mang tính suy diễn chủ quan, hàm hồ, không có cơ sở, thực ra đối với trường hợp nhà báo này phải nói là “viết báo bỏ túi” là chính xác nhất.

Với tư cách là một nhà báo, điều hiển nhiên phải tuân thủ Luật Báo chí và đạo đức nghề nghiệp người làm báo, nhưng thử hỏi có đạo đức nghề nghiệp và luật nào cho phép nhà báo thông tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm cá nhân? có đạo đức nghề nghiệp và luật nào cho phép nhà báo được quyền quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án? có đạo đức nghề nghiệp và luật nào cho phép nhà báo xúc phạm cả một hệ thống chính trị của địa phương, khi biến công tác vận động, thuyết phục thành việc làm “khủng bố tinh thần”?!...

Thiết nghĩ, với những hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, trước sau gì nhà báo Phi Công cũng sẽ bị xử lý thích đáng, nhưng điều rất cần thiết vào lúc này đó là sự lên án mạnh mẽ, đấu tranh với những sai phạm của nhà báo Phi Công, không ai khác mà phải chính từ độc giả và những đồng nghiệp, những người làm báo chân chính, không để tiếp diễn tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”, làm mất đi hình ảnh nhà báo “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” trong xã hội. Còn đối với nhà báo Phi Công, bây giờ dừng lại tuy đã quá muộn với một nhân cách và đạo đức xuống cấp, nhưng thà muộn còn hơn không, đừng để thêm những bài báo lố bịch của mình làm “trò cười” cho dư luận!
Minh Tâm