Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2021

HIỂU ĐÚNG VỀ HAI CHỮ “THIẾT YẾU”

 

 Theo định nghĩa của từ điển Tiếng Việt: “Thiết yếu” (Necessary) có nghĩa là cái rất quan trọng và cần thiết, không thể thiếu được. Trong giai đoạn cả nước đang phải gồng mình chống dịch như hiện nay, hai chữ “Thiết yếu” ấy được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần. Vậy, cụm từ “Thiết yếu” hiện nay được thể hiện ở những phương diện như thế nào trong các mặt đời sống, xã hội?


Đi ngược lại dòng lịch sử mấy chục năm trở về trước, nhất là thời kỳ bao cấp, cái “thiết yếu” của nhân dân ta lúc này là làm sao có cơm, có cháo để ăn 3 bữa mỗi ngày, như vậy đã là hạnh phúc. Ngày nay, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16, trong đó cái “thiết yếu” trong Chỉ thị được đề cập chính là yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài trong các trường hợp thật sự cần thiết nhằm cách ly người với người, thôn bản với thôn bản, xã với xã, huyện với huyện, tỉnh với tỉnh, để hạn chế tiếp xúc, góp phần khoanh vùng dập dịch. Ấy thế mà, vẫn còn có những kẻ xuyên tạc cho rằng “thiết yếu” của Chỉ thị 16 là để ngăn sông cấm chợ, không cho buôn bán, không cho đi lại….

Hình ảnh minh họa

Thực tế hiện nay, để hạn chế sự đi lại của người dân khi ra ngoài đường không cần thiết, các lực lượng chức năng đã trực tiếp xử lý nhiều trường hợp vi phạm được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, một số ít người dân lại cho rằng những thứ “thiết yếu” bao gồm thực phẩm không chỉ ăn để sống, ăn để no mà còn phải ăn ngon, ăn tươi, đầy đủ dinh dưỡng, giải tỏa cảm giác “bị ở nhà”… và phải ra đường để giải quyết muôn vàn lý do “thiết yếu”. Vì vậy, khi lực lượng chức năng xử lý, họ viện đủ lý do, thậm chí có những trường hợp chống đối, xô xác với lực lượng chức năng.


Đặc biệt hơn, hằng ngày, các lực lượng tuyến đầu như: Y tế, Công an, Quân đội… phải tiếp xúc không biết bao nhiêu F0, F1…, đối mặt với nguy cơ lây nhiễm rất cao. Vì vậy, trong những ngày làm nhiệm vụ, đối với họ, cái thiết yếu là cần cái hơi ấm của con, của vợ, của chồng, ba mẹ, người thân, vì là tuyến đầu nên họ đành gác lại cái “thiết yếu” đó để lo chống dịch.

Vì vậy, trong thời điểm dịch bệnh phức tạp hiện nay, Đảng và Nhà nước cùng các lực lượng tuyến đầu đang gồng mình chống dịch, mọi người dân hãy nâng cao ý thức, ở chỗ nào hãy ở yên chỗ đó, đừng để đến khi bị nhiễm bệnh, gần kề giữa sự sống và cái chết mới ngỡ ra giá trị cuộc đời mình, lúc ấy đã quá muộn màng.

 

CẦN HIỂU ĐÚNG VỀ VIỆC TIÊM VACCINE

  

Như nhiều quốc gia trên thế giới, hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với tình hình dịch bệnh Covid-19 hết sức phức tạp. Số lượng các ca mắc bệnh vẫn rất đáng lo ngại, nhất là đối với TP. Hồ Chí Minh và các vùng lân cận.

Trong khi đó, hệ thống y tế đang chịu nhiều áp lực, thậm chí nhiều nhân viên y tế phải làm việc quá sức. Chính phủ đang tập trung mọi nỗ lực để làm giảm tối đa dịch bệnh. Thế nhưng, trong lúc này, một số đối tượng đã ra sức chống đối bằng nhiều cách, phao tin nhảm, xuyên tạc về vaccine, lôi kéo người dân bài trừ một số loại. Nguy hiểm hơn, chúng còn có mưu đồ "chính trị hóa vắc xin", gây hoài nghi trong nhân dân. Cụ thể, một số đối tượng đã lan truyền thông tin bài trừ vaccine Vero Cell, Sinopham trên mạng xã hội. Chúng “bấu víu” vào phát ngôn của một vài đối tượng mang danh bác sĩ, hoặc dựa vào một số phân tích mơ hồ mang tính suy diễn nhằm tuyên truyền về công dụng thấp của loại vaccine trên. Mục đích cao nhất của những đối tượng này là nhằm phủ nhận nỗ lực chống dịch của ta và cố tình chia rẽ Nhà nước với nhân dân.


Hiện nay, có ít nhất 17 vaccine đã được triển khai, 7 trong số đó đã được WHO phê duyệt vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Những vaccine này là Pfizer/BionNTech, AstraZeneca của Oxford, AstraZeneca của Viện Huyết Thanh Ấn Độ, Janssen, Moderna, Sinopharm/BBIP và Sinovac. Trong quá trình phê duyệt sử dụng khẩn cấp, WHO đã đánh giá hiệu quả, tính an toàn và chất lượng của vaccine Sinopharm. Thử nghiệm giai đoạn 3 tại nhiều quốc gia cho thấy 2 liều vaccine Sinopharm được tiêm cách nhau 21 ngày có hiệu quả là 79% chống lại SARS-CoV-2 không triệu chứng, được tính 14 ngày trở đi sau liều thứ hai. WHO đã có kết luận rằng lợi ích mà vaccine Sinopharm đem lại lớn hơn những nguy cơ đã được biết hoặc có thể xảy ra.

Hãy tiêm bất kỳ loại vaccine có sẵn khi đến lượt bạn. Vaccine giúp bảo vệ bạn và cả những người xung quanh bạn. Vaccine cũng sẽ làm giảm nguy cơ biến thể Delta lan truyền trong cộng đồng và gây ra các biến thể mới. Việc tiêm vaccine Vero Cell của Sinopharm là hoàn toàn tự nguyện, ai cũng có quyền tự quyết định tiêm hay không, nhưng không được yêu cầu người khác ngừng tiêm vaccine này hay phải tiêm vaccine kia. Nếu bạn không tiêm, xin hãy ở nhà để tránh lây nhiễm chéo.

Tiêm vaccin không phải là chấm dứt lây truyền trong cộng đồng, chúng ta cần phải tiếp tục thực hiện các biện pháp 5K. Những biện pháp này là rất quan trọng, kể cả khi bạn đã được tiêm phòng, nhất là ở các địa phương đang có các ca lây nhiễm cộng đồng.

“CẢ NƯỚC ĐOÀN KẾT, CHUNG SỨC, ĐỒNG LÒNG THI ĐUA PHÒNG, CHỐNG VÀ CHIẾN THẮNG ĐẠI DỊCH COVID-19”


Đại dịch Covid-19 với sự xuất hiện của các biến chủng mới có khả năng lây lan nhanh, nguy hiểm hơn đã và đang diễn biến hết sức phức tạp tại khắp các tỉnh thành trên cả nước, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Nhận định dịch bệnh có thể còn kéo dài, do đó công tác phòng, chống dịch Covid-19 đặt ra nhiều thách thức to lớn cho đất nước.

Cả hệ thống chính trị, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện mục tiêu kép. Công tác chăm lo sức khỏe, đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội đang được triển khai hết sức tích cực. Việt Nam ta đã và đang nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, đặc biệt tại những nơi có ổ dịch lớn, tâm dịch đang dần được kiểm soát chặt chẽ với nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể, mạnh mẽ.


Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết phòng, chống đại dịch Covid-19 ngày 29/7/2021 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 14/8/2021 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết, yêu nước, tương thân tương ái, nỗ lực vượt qua khó khăn của cả dân tộc để phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của nhân dân, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Phong trào thi đua đặc biệt này huy động sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, toàn dân tham gia tích cực, chia sẻ, hỗ trợ nhau, góp phần sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Bác Hồ từng căn dặn: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Càng khó khăn chúng ta càng thi đua, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm, năng động, sáng tạo, tổng hợp mọi nguồn lực của đất nước, động viên nhân dân tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19.Tập trung vào công tác phòng, chống dịch nhưng không xem nhẹ các nhiệm vụ thường xuyên.

Trên cả nước, nhiều hoạt động hưởng ứng phong trào thi đua diễn ra mạnh mẽ:

- Các doanh nghiệp phát huy tinh thần yêu nước, đồng lòng, đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn thi đua ổn định sản xuất kinh doanh, chăm lo việc làm và đời sống người lao động.

- Lực lượng tuyến đầu chống dịch với tinh thần và ý chí dũng cảm, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, chữa trị cho nhân dân.

- Nhân dân ta đoàn kết, yêu thương nhau, “lá lành đùm lá rách”, sẵn sàng giúp đỡ cộng đồng, chấp hành tốt các quy định của cấp chính quyền, hỗ trợ và tin tưởng vào công tác phòng, chống dịch của địa phương.

- Các ban, ngành, đoàn thể thi đua nòng cốt thực hiện tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân phòng, chống dịch hiệu quả, nghiêm túc.

- Báo chí, phát thanh, truyền hình đưa thông tin chính xác, kịp thời, khách quan về công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam; đồng thời lan tỏa nhiều hình ảnh đẹp, nhân văn về hình ảnh cả nước đoàn kết chống dịch; tiếp thêm sức mạnh và truyền cảm hứng, khơi dậy niềm tin chiến thắng đại dịch Covid-19.

Hơn ai hết, mỗi người dân Việt Nam chúng ta tin chắc rằng với sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, sự giúp đỡ và ủng hộ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam nhất định sẽ sớm chiến thắng đại dịch COVID-19, đất nước sẽ sớm trở về trạng thái bình thường mới, nhân dân sẽ lại ấm no, bình yên và hạnh phúc như những giá trị cao đẹp mà chúng ta đã, đang và luôn có./.

Duy Anh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tập pháp luân công không chữa được bệnh COVID-19


Thời gian qua, trên một số trang mạng xã hội lan truyền thông tin tập Pháp luân công điều trị khỏi bệnh COVID-19 gây hoang mang trong cộng đồng đã bị các cơ quan chức năng xử lý, cụ thể: Các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình đã xử phạt hành chính với số tiền 10 triệu đồng đối với bà N.T.T về hành vi sử tài khoản Facebook tên “Quang Minh” đăng tải, chia sẻ bài viết có nội dung cho rằng Pháp luân công chữa khỏi Covid-19 trong vòng 10 ngày; Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tạm giữ 02 đối tượng có hành vi phát tán tài liệu Pháp luân công tuyên truyền tập pháp luân công có thể điều trị bách bệnh, kể cả dịch bệnh Covid-19 mà không cần đến bệnh viện…

Các cơ quan chức năng làm việc với đối tượng N.T.T

Mặc dù chưa được pháp luật Việt Nam cho phép, nhưng để phát triển rộng rãi môn phái này, các thành viên cốt cán đã tiến hành nhiều thủ đoạn khác nhau, từ công khai đến lén lút như in, phát tán tài liệu nơi công cộng, nơi đông dân cư... và lập nhiều trang website để chia sẻ cách tập Pháp luân công.

Trước các luận điệu tuyên truyền sai lệch, vô căn cứ của Pháp luân công, do tin tưởng mù quáng nhiều người đã luyện tập đến mức tâm thần hoang tưởng, nhiều trường hợp có bệnh nặng nhưng tự chữa, không đến các cơ sở khám chữa bệnh dẫn đến tử vong, bên cạnh đó còn có các hành vi đi ngược với truyền thống văn hóa dân tộc gây tác động xấu đến an ninh chính trị và đời sống Nhân dân.

Như chúng ta đã biết, dịch bệnh COVID-19 tấn công làm tổn thương hệ hô hấp và nếu không được chữa trị kịp thời có thể làm suy giảm miễn dịch của cơ thể, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong. Hiện nay các nhà khoa học phát hiện nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn. Chính vì vậy, người dân phải thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế, địa phương về công tác phòng chống dịch, nhất là thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Khi có biểu hiện mắc Covid-19 phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn khám và điều trị.

Cho đến nay chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh tập Pháp luân công có thể điều trị bệnh Covid-19. Người dân cần phải nhận thức đúng đắn trước các thông tin không có căn cứ và cơ sở khoa học để có biện pháp bảo vệ sức khỏe mình một cách tốt nhất. Nếu tham gia mạng xã hội, người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không chia sẻ, bình luận ủng hộ các trang mạng liên quan Pháp luân công, tránh tình trạng tiếp tay cho các hoạt động sai trái này.

Từ thực tiễn như đã nói trên, mọi người hãy nhận thức đúng đắn về Pháp luân công, vạch trần bản chất phản khoa học, phản văn hóa, trái pháp luật, những ảnh hưởng tiêu cực của pháp luân công đến đời sống người dân, trật tự xã hội.

L.A