Với sự phát triển của Internet, mạng xã hội, hiện nay có không ít bạn trẻ đang lệch chuẩn trong việc lựa chọn thần tượng. Nhiều bạn trẻ không chỉ hâm mộ những diễn viên, ca sĩ... mà còn sùng bái những “giang hồ mạng”. Sự nổi tiếng của các nhân vật “giang hồ mạng” xuất phát từ việc sở hữu những trang Fanpage, kênh Youtube, Tiktok có số lượng người theo dõi, chia sẻ đông đảo, có thể kể đến như: Khá “bảnh”, Huấn “hoa hồng”, “thánh chửi” Dương Minh Tuyền, Bình Trọc, Dũng Trọc, Phú Lê...
Điều đáng nói ở đây là các nhân vật này thường xuyên đăng tải các video rất phản cảm (sử dụng chất cấm, kích dục, khoe tiền, khoe của) và mang tính bạo lực (đòi nợ, thanh toán lẫn nhau), thiếu văn hoá (chửi tục), vi phạm đạo đức xã hội, gắn với những “drama” nóng trên mạng xã hội để đánh bóng tên tuổi, khoác lên mình lớp áo “chính nghĩa” hòng thu hút sự tò mò, hiếu kỳ, chạy theo trào lưu của đông đảo giới trẻ.
Nguy hại hơn, nhiều thanh thiếu niên còn xem những hành vi lệch chuẩn xã hội của các “giang hồ mạng” này là hình mẫu để bắt chước, học theo lối sống, cách hành xử của các đối tượng đó, dẫn đến tình trạng bạo lực trong giới trẻ, vi phạm pháp luật trên không gian mạng xuất hiện ngày càng nhiều.
Vì đâu lại có sự “lệch chuẩn thần tượng” này, có thể thấy:
Thứ nhất, về mặt khách quan điều này xuất phát từ việc ngày nay một bộ phận không nhỏ các bậc phụ huynh thiếu sự quan tâm, giáo dục con em trong gia đình; công tác giáo dục trong nhà trường còn nặng về bài vở chuyên môn, đôi lúc chưa thực sự quan tâm nhiều đến việc giáo dục đạo đức, uốn nắn các biểu hiện lệch lạc của học sinh, sinh viên.
Thứ hai, về chủ quan, giới trẻ hiện nay thường có tâm lý sôi nổi, nhiệt tình nhưng đôi khi dễ hoang mang, kích động và bị cám dỗ, nhất là việc không phân biệt được những thông tin đúng, sai trên mạng xã hội.
Do đó, trước những hiện tượng hay hành vi, phát ngôn “kỳ quặc” sẽ kích thích giới trẻ chạy theo trào lưu, thường xuyên theo dõi, truy cập, tương tác mà không tìm hiểu rõ cụ thể, tận tường nội dung vụ việc, không biết được bản chất trào lưu, hình tượng, hành vi ấy là như thế nào.
Để khắc phục hiện tượng “lệch chuẩn thần tượng”, việc cần thiết nhất lúc này là phải tăng cường công tác giáo dục để nâng cao nhận thức cho giới trẻ. Công tác giáo dục phải tiến hành đồng bộ từ gia đình, nhà trường đến xã hội, đầu tư giáo dục nhân cách cho trẻ, uốn nắn từ cách phát ngôn, ứng xử với mọi người đến việc định hướng cách sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, nhất là quán triệt Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Riêng các bạn trẻ phải thường xuyên trau dôi kiến thức, bản lĩnh, lối ứng xử, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức, lối sống của bản thân. Trong quá trình học tập, lao động theo thời đại công nghệ số 4.0, biết chọn lọc và tiếp thu những điều tốt đẹp để khẳng định và nâng cao giá trị của bản thân trong xã hội./.