Thời gian qua, nhiều địa phương xảy ra tình trạng thanh thiếu niên mâu thuẫn, tập trung thành nhóm hẹn nhau hỗn chiến bằng hung khí dẫn đến mất an ninh trật tự. Lực lượng chức năng điều tra, làm rõ các vụ việc cho thấy, nguyên nhân chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống hay vì “lời qua tiếng lại” trên mạng xã hội, các đối tượng đã hẹn địa điểm rồi mang hung khí đi “giải quyết”. Khi xảy ra các vụ ẩu đả, đánh nhau giữa 2 nhóm thường có nhiều đối tượng tham gia dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Qua tìm hiểu, nhận thấy một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm này như:
Một là, sự quan tâm, giáo dục con cái của cha, mẹ các đối tượng thanh thiếu niên chưa thật sự được chú trọng. Vì cuộc sống mưu sinh phải đi làm ăn xa nên ít có thời gian chăm sóc, hướng dẫn, chú ý đến con cái, phó mặc cho ông bà nuôi dạy hoặc các thanh niên nhận thức còn non nớt (do bỏ học sớm), gia đình có bố mẹ ly hôn. Một số ít trường hợp, cha, mẹ của các thanh thiếu niên là các đối tượng tệ nạn xã hội nên không thể làm gương cho con cái. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến hình thành đối tượng vi phạm ở lứa tuổi này.
Hai là, do nhận thức của lứa tuổi này còn chưa hoàn thiện về tư duy, suy nghĩ lệch lạc, thích hưởng thụ, chưa nhận thức được hậu quả, tác hại của các hành vi phạm tội, thích thể hiện, dễ bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo bằng các lợi ích như cho tiền, đồ ăn hoặc cái gọi là “tình anh em, tình nghĩa giang hồ”... để lợi dụng tham gia vào các hành vi phạm tội.
Ba là, thời đại công nghệ số phát triển, các đối tượng dễ dàng tiếp cận mạng xã hội, dễ có điều kiện tiếp xúc các loại game, phim, ảnh có xu hướng bạo lực; liên lạc, trao đổi để tập hợp nhóm vi phạm nhanh chóng; bên cạnh đó, việc mua các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ qua mạng rất dễ dàng, đa dạng, phổ biến, chỉ cần 1 cú click chuột thì “hàng” đã được giao tận nhà.
Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn thanh thiếu niên vi phạm pháp luật trong thời gian tới, cần:
Thứ nhất, mỗi gia đình cần nhìn nhận rõ vai trò to lớn trong việc giáo dục con cái, tạo sự ảnh hưởng tích cực việc đến việc hình thành nhân cách mỗi cá nhân, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những lệch lạc, sai trái.
Thứ hai, Nhà trường cần tổ chức các biện pháp quản lý khoa học, chặt chẽ đối với học sinh, giúp các em hình thành thói quen, chấp hành nghiêm nội quy của nhà trường. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thầy, cô giáo trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh. Ngoài ra, cần phải tăng cường công tác tuyên tuyền, giáo dục pháp luật trong nhà trường và phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường với gia đình trong việc trao đổi thông tin để cùng quản lý giáo dục các em phát triển toàn diện.
Thứ ba, cần sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm của các ban, ngành, hội, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, giáo dục, quản lý các em, nhất là các em trong lứa tuổi vị thành niên. Tích cực phối hợp với nhà trường, gia đình thực hiện tuyên truyền pháp luật, quản lý và giáo dục thanh thiếu niên có biểu hiện vi phạm pháp luật, nhằm từng bước kéo giảm các loại tội phạm, giảm trọng án và thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, góp phần giữ gìn ANTT.
QUÝ