Thứ Hai, 22 tháng 7, 2024

CẢNH GIÁC VỚI THỦ ĐOẠN CHIẾM ĐOẠT THÔNG TIN CÁ NHÂN THÔNG QUA VIỆC CÀI ĐẶT ỨNG DỤNG VNEID

 


Thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo tiếp tục tăng cường thực hiện thủ đoạn giả danh lực lượng chức năng để gọi điện, hướng dẫn người dân cài đặt, cập nhật, bổ sung thông tin cá nhân trên ứng dụng VNEID; sau đó chiếm quyền điều khiển, sử dụng điện thoại di động và chiếm đoạt tiền trong các tài khoản ngân hàng.

Với thủ đoạn này, ban đầu, các đối tượng sẽ gọi điện giả danh lực lượng chức năng đang hỗ trợ người dân cài đặt, cập nhật, bổ sung thông tin cá nhân trên ứng dụng VNEID để tạo được sự tin tưởng, sau đó các đối tượng hướng dẫn người dân truy cập vào các liên kết do đối tượng cung cấp và cài đặt trên điện thoại; khi cài đặt thành công sẽ hướng dẫn người dân thực hiện các thao tác để chiếm quyền điều khiển và theo dõi thao tác của người dùng trên ứng dụng điện thoại, tiếp đó các đối tượng đăng nhập vào các ứng dụng ngân hàng chuyển tiền sang các tài khoản khác hoặc sử dụng thông tin của người dân để thực hiện các hành vi lừa đảo.

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các đối tượng lừa đảo, người dân cần nâng cao cảnh giác, không nên đăng tải lên mạng xã hội các thông tin cá nhân như căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử VNEID...; cần thận trọng với những người gọi điện thoại tự xưng là lực lượng chức năng để hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính. Khi nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo thì không nên cung cấp các thông tin cá nhân và cần báo ngay cho lực lượng chức năng để kịp thời xác minh, làm rõ. Đối với người dân chưa cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNEID nên đến Công an các xã, phường, thị trấn để được hướng dẫn thực hiện.

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2024

“CÁ ĐỘ BÓNG ĐÁ” VẤN NẠN TRONG MÙA EURO

 

EURO 2024 đang đi đến các trận đấu cuối cùng, người hâm mộ trong làng túc cầu đã trải qua những cung bậc cảm xúc khó mà diễn tả được, thậm chí họ cuồn nhiệt đến mức ăn, ngủ cùng bóng đá.

Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện đó vẫn còn tồn tại một góc khuất mang tên “cá độ bóng đá”. Những trận cầu diễn ra vẫn căng thẳng, hồi hộp, vẫn còn đó tiếng reo hò, cổ vũ, vẫn có niềm vui, nỗi buồn khi mỗi bàn thắng được ghi, đội bóng bản thân hâm mộ giành chiến thắng, nhưng đâu đó nó đã mất đi tính trong sáng đúng nghĩa của môn thể thao vua, khi mà người xem đã không còn xem đá bóng đơn thuần vì tình yêu dành cho một đội tuyển, một cầu thủ vĩ đại mà thực sự nó đã bị chi phối bởi đồng tiền.

Kẻ thắng thì hân hoan tìm cách để thắng tiếp, người thua thì buồn rầu tìm cách gỡ gạc với ý nghĩ chắc nịch “thua ở đâu, gấp đôi ở đó”, cứ mãi như thế họ ngày càng lún sâu vào vòng xoay cá độ bóng đá. Để có tiền tiếp tục “nướng” vào những trận cầu đỏ đen, nhiều con bạc túng quẫn đã không từ một thủ đoạn trộm cắp, cướp giật nào, không trộm, không cướp thì “tín dụng đen” sẽ lên ngôi như “địa chủ được mùa” và như thế những người nghiện cá độ trở thành những con mồi béo bở cho bọn tội phạm “tín dụng đen”. Và hệ lụy còn lại sau những đêm cuồng nhiệt cá độ bóng đá kia là gì, là bản thân lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, gia đình tan vỡ, không những thế nhiều người còn tự tử, có kẻ thì rơi vào vòng lao lý.

Với hình thức cá độ online (qua mạng internet) phổ biến như hiện nay, để ngăn chặn tệ nạn cá độ bóng đá ngoài sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp chính quyền, lực lượng chức năng, thì mỗi người dân, đặc biệt là những người hâm mộ bộ môn thể thao vua phải cần nâng cao ý thức tự chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến tội phạm về tệ nạn cờ bạc, cá độ nhất là cá độ bóng đá; phải ý thức được hậu quả, tác hại của tệ nạn cá độ bóng đá đối với bản thân, gia đình và xã hội; tuyệt đối không tham gia cá độ bóng đá dưới mọi hình thức.

Đam mê bóng đá là quyền, nhu cầu của mỗi công dân, đừng vì cá độ bóng đá mà trở nên “khuynh gia, bại sản”, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội, rơi vào vòng xoáy của tội ác. Ngay bây giờ, những người đã và đang tham gia cá độ bóng đá hãy dừng lại trước khi quá muộn./.

 

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2024

LỪA ĐẢO QUA MẠNG XÃ HỘI – PHƯƠNG THỨC CŨ, THỦ ĐOẠN MỚI

Mạng xã hội là một phương tiện liên lạc, trao đổi thông tin, kết nối mọi người rất phổ biến và tiện lợi trong thời đại số. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, mạng xã hội đem lại cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ bị lợi dụng bởi các đối tượng xấu để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Một trong những thủ đoạn phổ biến và tinh vi của các đối tượng lừa đảo là hack tài khoản mạng xã hội của người khác, sau đó nhắn tin cho người thân, bạn bè của chủ tài khoản để hỏi mượn tiền, nhờ chuyển tiền hoặc đưa ra các lời đề nghị, yêu cầu khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

Vừa qua, ngày 15/5/2024, tại thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên xảy ra vụ việc bà Đ.T.P trú tại phường Hòa Xuân Tây nhận được tin nhắn của người thân xin gửi tiền để đóng học phí nhưng không biết rằng tài khoản đó đã bị các đối tượng xấu chiếm quyền sử dụng (hack). Để tạo niềm tin đó là người thân, các đối tượng đã tạo tài khoản ngân hàng trùng với tên của người thân rồi cung cấp cho bà P để chuyển tiền, số tiền bị các đối tượng chiếm đoạt là 32 triệu đồng.

Cùng với thủ đoạn đó, ngày 24/01/2024, ông Đ.M.Q trú tại xã Hòa Thành nhận được tin nhắn messenger của người quen nhờ kích vào link bài viết rồi đăng nhập và thích (like) bài, do tin tưởng người quen và không am hiểu sâu về công nghệ nên ông Q đã làm theo dẫn đến tài khoản facebook bị hack. Sau đó các đối tượng nhắn tin cho người quen của ông Q để mượn tiền. Để tạo niềm tin nghĩ rằng đó là ông Q, các đối tượng đã tạo tài khoản ngân hàng trùng với tên của ông Q rồi cung cấp số tài khoản cho những người này để chuyển tiền, số tiền bị các đối tượng chiếm đoạt là 17 triệu đồng. Các đối tượng lừa đảo thường nhắm vào những tài khoản mạng xã hội có nhiều bạn bè, người quen, hoặc là của những người có uy tín, địa vị trong xã hội như cán bộ, công chức, doanh nhân, nghệ sĩ, sư thầy... để tăng khả năng thành công của hành vi lừa đảo.

Những thủ đoạn hack tài khoản mạng xã hội các đối tượng xấu thường dùng, như:

- Gửi đường link kèm theo nội dung như: “Đang tham gia cuộc thi... nhờ bạn bè nhấp vào link chia sẻ, like, đăng ký”. Khi người khác nhấp vào đường link thì bị đối tượng xấu thu thập được tên người dùng và mật khẩu, đồng thời chiếm đoạt quyền truy cập tài khoản.

- Dùng các phần mềm, ứng dụng độc hại để xâm nhập, đánh cắp dữ liệu, thông tin cá nhân của người dùng mạng xã hội. Các phần mềm, ứng dụng này thường được cài đặt qua các trang web, email, tin nhắn không rõ nguồn gốc hoặc có dấu hiệu bất thường.

- Lập trình tạo ra các website giả mạo có dạng như: Bình chọn các chương trình giải trí, cuộc thi… có chứa các ô nhập thông tin tài khoản mạng xã hội, sau đó nhắn tin gửi đường link trang web này đến các tài khoản mạng xã hội. Khi chủ tài khoản mạng xã hội đăng nhập bình chọn đối tượng sẽ có mật khẩu rồi chiếm quyền sử dụng.

Sau khi chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, các đối tượng sẽ nhắn tin, liên lạc với người thân, bạn bè của tài khoản mạng xã hội đó để vay, mượn tiền hoặc nhờ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Đặc biệt các đối tượng lừa đảo còn có thủ đoạn tinh vi hơn khi tạo ra các tài khoản ngân hàng trùng với tên của người sử dụng mạng xã hội để những người bị hại không đề phòng, sau đó hướng dẫn chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng này rồi chiếm đoạt.

Để phòng tránh thủ đoạn lừa đảo hack tài khoản mạng xã hội, người dùng cần thực hiện các biện pháp sau:

- Thường xuyên thay đổi mật khẩu, sử dụng bảo mật hai lớp cho tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng.

- Không truy cập vào các trang mạng không chính thống; không cài đặt các phần mềm, ứng dụng không rõ nguồn gốc.

- Khi có người thân, bạn bè nhờ nhận, chuyển tiền qua mạng xã hội không thực hiện ngay mà phải liên hệ trực tiếp kiểm tra, xác minh thông tin.

- Khi phát hiện tài khoản mạng xã hội bị hack, nhanh chóng báo cáo sự cố thông qua mạng xã hội hoặc các liên hệ khác như điện thoại, email.

- Khi bị lừa đảo, nạn nhân cần lưu giữ các bằng chứng như tin nhắn, lịch sử giao dịch, số tài khoản ngân hàng... và báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời xác minh, ngăn chặn, xử lý.

Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp các bạn bảo vệ tài khoản mạng xã hội của mình và không bị mắc bẫy của các đối tượng xấu. Hãy chia sẻ bài viết này với bạn bè, người thân để cùng nhau nâng cao nhận thức và cảnh giác trước các hình thức lừa đảo trên mạng xã hội./.