Chúng ta không phủ nhận sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Sau sự cố môi trường đó, Chính phủ và các cấp chính quyền đã có hàng loạt biện pháp quyết liệt để kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục cũng có chủ trương, biện pháp nhằm hỗ trợ, giúp đỡ, miễn giảm học phí cho các em học sinh trong vùng bị thiệt hại. Mặt khác, trên thực tế ngành giáo dục, các trường ở Kỳ Hà cũng chưa yêu cầu đóng góp và chưa thu bất cứ khoản nào của học sinh... Như vậy, lý do "không có tiền đóng học..." mà một số phụ huynh đưa ra là không thuyết phục.
Mọi người đều biết sự cố môi trường biển gây ảnh hưởng rộng trên địa bàn 4 tỉnh miền Trung, nhưng ở các địa phương khác, trẻ em vẫn đến trường học tập bình thường. Vậy tại sao chỉ duy nhất ở xã Kỳ Hà xảy ra chuyện một số phụ huynh không cho con em đến trường?... Rõ ràng là có điều gì khuất tất đằng sau sự cố này. Khi chính quyền, cơ quan chức năng đến tìm hiểu nguyên nhân thì một số phụ huynh nói rằng: Không dám cho con đi học vì "sợ làng đánh"... Vậy "làng" ở đây là ai? Ai đứng đằng sau sự việc này? Chính những người dân được vận động, tỉnh ngộ đã cung cấp với chính quyền, cơ quan chức năng rằng: Họ đã bị một số phần tử xấu tuyên truyền, kích động, xúi giục... Được biết, những phần tử ấy đang muốn lợi dụng việc học sinh không đến trường để gây áp lực với chính quyền trong việc khắc phục sự cố môi trường. Việc làm này là không chấp nhận được, bởi lẽ vấn đề khắc phục sự cố môi trường và việc bảo đảm quyền được đi học của trẻ em là hai việc hoàn toàn khác nhau. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, trẻ em có đầy đủ các quyền cơ bản, trong đó có quyền được giáo dục, học tập. Tại Khoản 1, Điều 37 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Điều 5, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nêu rõ: “1. Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, Nhà nước, xã hội và công dân. Trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có liên quan đến trẻ em thì lợi ích của trẻ em phải được quan tâm hàng đầu; 2. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân ở trong nước và nước ngoài góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em".  Điều 6 của luật này quy định về thực hiện quyền của trẻ em cũng chỉ rõ: “1. Các quyền của trẻ em phải được tôn trọng và thực hiện; 2. Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật”... Như vậy, dù với bất cứ lý do nào thì hành vi ngăn cản con em đến trường của một số phụ huynh ở xã Kỳ Hà cũng là trái pháp luật. Trong khi toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức phấn đấu để làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em mà một số người lại cố tình kích động, xúi giục những người dân nhẹ dạ, cả tin ngăn cản con em đến trường là không thể chấp nhận được. Mặc dù đa số phụ huynh đã cam kết sẽ đưa con em trở lại trường trong những ngày tới, nhưng để giữ nghiêm kỷ cương cần phải có các biện pháp xử lý triệt để sự việc. Đối với các bậc phụ huynh do nhẹ dạ, cả tin, bị kẻ xấu xúi giục, kích động hoặc do thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết về vai trò và trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của trẻ em và chăm sóc trẻ em mà vi phạm thì các cấp chính quyền, ngành giáo dục cần tuyên truyền, vận động để họ nhận thức ra vấn đề. Đối với những kẻ lợi dụng những khó khăn do sự cố môi trường để kích động, gây áp lực, nhằm mưu đồ chính trị, gây rối tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần vào cuộc để xử lý nghiêm trước pháp luật.
KIM NGỌC/QĐND