Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

CÒN NHIỀU GIẢI PHÁP THAY THẾ BIỂU TÌNH


Biểu tình là hình thức biểu thị bằng hành động bất bạo động của một nhóm người, thường tụ họp vào một nơi hay diễu hành trên đường phố để bày tỏ một cách công khai quan điểm ủng hộ hay phản đối một vấn đề, thường nhằm mục đích gây sức ép cho một thay đổi nhất định (theo Từ điển Bách khoa toàn thư). Do đặc điểm văn hóa, chính trị, biểu tình ở Việt Nam tùy theo từng thời kỳ mà diễn ra với các quy mô khác nhau. Ở nước ta, biểu tình tiêu biểu thường thấy trong các phong trào biểu tình chống chiến tranh xâm lược của thực dân, đế quốc trong các tầng lớp Nhân dân, đã góp phần làm thay đổi xã hội, thay đổi nhận thức của cộng đồng quốc tế về cuộc chiến tranh phi nghĩa. Biểu tình để đứng lên chống lại quân thù, chống áp bức sẽ mang ý nghĩa cao đẹp và tự hào cho dân tộc.
          Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định công dân Việt Nam có quyền biểu tình và việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Tuy nhiên, do chưa thông qua Luật biểu tình cho nên nếu diễn ra hoạt động biểu tình ở nước ta sẽ mang nhiều vấn đề phức tạp. Qua nghiên cứu cho thấy có mấy lý do không nên biểu tình khi chưa có Luật biểu tình:
          Một là, tổ chức biểu tình trong khi chưa có Luật biểu tình chắc chắn sẽ xảy ra xung đột cả pháp lý và thực tiễn giữa chính quyền và người tham gia biểu tình. Và một khi đã không được giải quyết bằng quy phạm pháp luật thì kết quả của biểu tình sẽ không mang lại hiệu quả tốt.
          Hai là, thành phần tham gia biểu tình đa dạng, người đứng ra tổ chức biểu tình không lường trước và cũng không bảo đảm được số người biểu tình trên thực tế; vì vậy mà các cuộc biểu tình đã xảy ra cho thấy phần đông là những người không liên quan gì nội dung biểu tình cũng a dua hùa theo biểu tình; Nội dung biểu tình thiếu tập trung, thường bị lợi dụng xen lẫn vào nhiều nội dung khác, như hô hào kêu gọi đả đảo. Vì vậy khi biểu tình xảy ra khó kiểm soát an ninh trật tự, chính quyền không thể giải quyết thấu đáo tất cả những vấn đề có liên quan đến kiến nghị của người biểu tình.
          Ba là, thực tế các cuộc biểu tình thời gian qua đều có các thế lực thù địch, bọn phản động, chống đối chính trị đứng đằng sau giật dây, kích động; dùng tiền mua chuộc, lôi kéo người dân lương thiện tham gia biểu tình, đứng ra đối trọng để rồi họ chính là những người phải gánh chịu hậu quả khôn lường.
          Bốn là, hậu quả thiệt hại về tính mạng, tài sản của tập thể và cá nhân do biểu tình, gây rối an ninh trật tự gây ra là minh chứng rõ nhất về tính tiêu cực của việc biểu tình. Bên cạnh hậu quả thiệt hại về tinh thần đoàn kết dân tộc, còn có hậu quả nặng nề về kinh tế; đối tác đầu tư rút hợp đồng, công nhân thất nghiệp, sản phẩm của nông dân làm ra phải lao đao vì không được nguồn tiêu thụ tin tưởng; nhiều người thương vong trong những cuộc xung đột, ẩu đả, những người bị lôi kéo vào biểu tình có hoạt động vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự,… để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.
          Từ những vấn đề trên, có thể thấy quyền biểu tình của công dân luôn được Nhà nước ta tôn trọng; tuy nhiên, để biểu thị quan điểm, ý kiến của mình về một vấn đề hệ trọng của đất nước và xã hội, chúng ta có rất nhiều cách để thực hiện và thực hiện đúng quy định của pháp luật.
          Điển hình như để phản đối Luật đặc khu người dân chỉ cần tập trung tham dự các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh để phản ảnh, bày tỏ và giám sát việc tiếp thu, đề đạt ý kiến của đại biểu tại các cuộc họp Quốc hội, HĐND tỉnh. Hoặc thông qua nhiều phương tiện thông tin truyền thông chính thống khác để bày tỏ quan điểm của mình. Thực tế vừa qua, từ ý kiến của đông đảo Nhân dân, Quốc hội đã tiếp thu, lắng nghe và quyết định không thông qua dự thảo Luật đặc khu, lùi thời gian để tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến. Thế nhưng vẫn có nhiều người dân tham gia biểu tình và kết quả cho thấy đều do các đối tượng xấu lợi dụng kích động thực hiện.
          Qua nghiên cứu văn bản quy phạm pháp luật cho thấy, người dân có rất nhiều cách để kiến nghị, đề đạt, khiếu nại, tố cáo,… đến các cơ quan có thẩm quyền và phải được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. Thực tế thời gian qua cho thấy nhiều vấn đề xã hội bức xúc được phanh phui làm rõ, xử lý xuất phát từ phản ảnh của người dân, của báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng cùng đồng loạt góp phần đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng. Những kết quả đó có được là từ nhận thức đúng đắn, hành động đúng pháp luật của người dân.
          Tóm lại, biểu tình là quyền cơ bản của công dân nhưng hiện nay có rất nhiều cơ chế, giải pháp để giải quyết nội hàm của biểu tình thì tại sao chúng ta không áp dụng nó thay vì biểu tình với những yếu tố mang tính tiêu cực nêu trên./.



Mạnh Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét