Thứ Ba, 22 tháng 12, 2020

WEBSITE WEFINEX.NET KINH DOANH ĐA CẤP QUA MẠNG TRÁI PHÉP


Thời gian qua, trên không gian mạng xuất hiện nhiều diễn đàn, mạng xã hội tổ chức quảng bá, kêu gọi người tham gia đầu tư vào hoạt động của website Wefinex.net để huy động vốn, tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép.


Wefinex.net được quảng cáo là một sàn giao dịch quyền chọn nhị phân - Binary Option (BO) thuộc hệ sinh thái của WinsBank, địa chỉ trụ sở tại số 9 đường Barrack, Thành phố Belize, Belize.

Wefinex cho phép người chơi thực hiện giao dịch cá cược trên sàn, mỗi người chơi có từ 30 giây để tiến hành cá cược và chọn số tiền giao dịch. Đặt lệnh Tăng (Xanh) hoặc Giảm (Đỏ) theo tỷ giá của BTC/USD tại thời điểm hiện tại, sau 30 giây tiếp theo sẽ có kết quả, nếu dự đoán đúng người chơi sẽ được hưởng 95% số tiền đặt cược, ngược lại sẽ mất toàn bộ số tiền đó, cách chơi này tương tự như trò chơi tài xỉu.

Để nhanh chóng mở rộng mạng lưới, Wefinex còn phát triển mạng lưới thành viên tham gia bằng cách tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp, dựa trên bán quyền đại lý với giá 100$ cho người tham gia. Quyền đại lý được hiểu là khi người tham gia bỏ ra 100$ để mua, người tham gia sẽ được hưởng các quyền lợi như: hưởng hoa hồng giao dịch và hoa hồng từ việc bán quyền đại lý trong hệ thống của mình. Cụ thể: được hưởng hoa hồng quyền đại lý từ F1 đến F7 lần lượt là 50$, 25%, 12,5$, 6,25%, 3,12$, 1,56$; hoa hồng giao dịch từ F1 đến F7 là 1% đến 0,0625% theo khối lượng giao dịch của hệ thống tuyến dưới trong 01 tuần.

Hiện nay, có nhiều website với mô hình hoạt động và mô hình phát triển mạng lưới người tham gia tương tự như Wefinex.net hay còn gọi là phiên bản nâng cấp (phiên bản 2), như website: raidenbo.com, bitono.io….

Tuy nhiên, theo Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương thì mô hình hoạt động, phát triển mạng lưới và trả thưởng của Wefinex.net có dấu hiệu của hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP, ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, nhưng hiện chưa có đơn vị, tổ chức nào có tên Wefinex gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đến Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng; chưa có đơn vị, tổ chức nào có tên Wefinex được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp ở Việt Nam.

Vì vậy website Wefinex.net tổ chức hoạt động huy động vốn, kinh doanh đa cấp qua mạng là trái phép. Để tránh “tiền mất tật mang” người dân không tham gia vào các hoạt động kinh doanh đa cấp qua mạng trên website Wefinex.net, raidenbo.com, bitono.io,… hay các website tương tự khác. Khi phát hiện người kêu gọi tham gia đầu tư, người dân thông báo cho cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ.

 

LÊ THẢO

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2020

BẢN CHẤT PHẢN ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC “TIN LÀNH ĐẤNG CHRIST”

 

Tổ chức “Tin Lành Đấng Christ” (viết tắt là UMCC) thành lập vào năm 2001, tại Mỹ. Tại Việt Nam, UMCC thực chất không phải là một hệ phái Tin Lành thuần túy mà là một tổ chức “phản động” núp bóng đạo Tin Lành, tập hợp tín đồ là người dân tộc thiểu số (DTTS) ở trong nước liên kết với các nhóm Tin Lành khác và số đối tượng phản động người Việt lưu vong lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo để chống phá Việt Nam, đòi thành lập nhà nước riêng, tôn giáo riêng cho người DTTS, phương thức hoạt động của UMCC tương tự như “Tin Lành Đêga”.

Cầm đầu tổ chức UMCC là Y Hin Niê (Ama Jôl, sinh 1952; quê ở huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk; dân tộc: Ê Đê; đối tượng FULRO ở Mỹ). Y nguyên là đại tá FULRO 3, từng đứng đầu tổ chức FULRO lưu vong “Hội người Thượng Đêga - MDA”. Đây là tổ chức được cơ quan Di trú Mỹ chọn làm đại diện giải quyết các vấn đề liên quan người DTTS Tây Nguyên tại Mỹ. Y Hin nhiều lần được các thế lực cực đoan tạo điều kiện tham gia điều trần trước Quốc hội Mỹ về tình hình tôn giáo, dân chủ của người DTTS Tây Nguyên (Việt Nam) và ở Mỹ; vu cáo Việt Nam “đàn áp, xâm chiếm” đất đai của người DTTS; kêu gọi chính quyền Mỹ can thiệp, gây sức ép trước khi trao “Quy chế tối huệ quốc” cho Việt Nam.

Ngoài Y Hin, hoạt động tích cực cho UMCC còn có số cốt cán, như: A Ga ở Mỹ; Y Quynh Bđăp, Y Phic Hđoh ở Thái Lan; Y Nuen Ayun, Y Krếch Byă ở Đắk Lắk …). Trong đó, A Ga là đối tượng đang bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai truy nã về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”; Y Quynh Bđăp, có bố từng bị đi tù vì hoạt động FULRO, nên y mang nặng tư tưởng hận thù. Từ khi còn học trên ghế nhà trường, y đã thể hiện tư tưởng ủng hộ FULRO, tìm cách móc nối FULRO lưu vong để hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước, do sợ bị bắt nên năm 2018 đã bỏ trốn sang Thái Lan. Y câu kết với số đối tượng phản động lập nhiều tài khoản Facebook, YouTube đăng bài xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm, bóp méo, thổi phồng tình hình trong và ngoài nước, đặc biệt là các vụ việc tranh chấp mâu thuẫn trong vùng đồng bào DTTS.

Thực hiện âm mưu chia tách Tây Nguyên, thành lập cái gọi “Nhà nước Đêga”, trong những năm qua, tổ chức UMCC được sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch tìm cách móc nối, liên kết với các tổ chức phản động lưu vong (các tổ chức FULRO lưu vong, tổ chức “Ủy ban cứu trợ người vượt biển - BPSOS” do Nguyễn Đình Thắng cầm đầu,…) và tranh thủ các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam (như: Tổ chức nhân quyền quốc tế - HRW, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn - UNHCR, Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ - USCIRF, Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc - HRC …) để xuyên tạc, vu cáo chính quyền đàn áp tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, cướp đất đai của người DTTS, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc… Chúng coi đó là một yếu tố quan trọng để tạo sức ép từ bên ngoài, lợi dụng kích động chống phá từ bên trong, trong đó nổi lên một số hoạt động vi phạm pháp luật đáng chú ý:

Hoạt động tuyên truyền phát triển tổ chức UMCC: Từ khi thành lập đến nay, UMCC đã lén lút móc nối với một số đối tượng trong nước (như: Điểu Khen ở Bình Phước; Mang Đây ở Khánh Hòa; Đinh Thành Ủy ở Quảng Ngãi; Y Chiến, Nay Y Ní, Nay Y Blang, Nay Y Phê ở Phú Yên; Kơ Sa Ha Bộ, K’Điệp ở Lâm Đồng; A Ga, A Đảo ở Kon Tum; Y Jôl Bkrông (con ruột Y Hin), Y Nuen Ayun, Y Krếch Byă ở Đắk Lắk… ) triệt để lợi dụng việc một bộ phận người đồng bào DTTS trình độ dân trí còn chưa cao, phong tục tập quán lạc hậu, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn và thông qua không gian mạng (Facebook, Zalo, Messenger, WhatsApp…) tăng cường hoạt động tuyên truyền, lôi kéo, phát triển lực lượng vào đồng bào DTTS, nhất là với số FULRO tù tha, số còn tin theo “Tin Lành Đêga” để thành lập “Tin Lành Đấng Christ Việt Nam” (viết tắt là ECCV).  Chúng tìm cách lừa mị với giọng điệu tuyên truyền sặc mùi phản động rằng: “Những hệ phái được Nhà nước cho phép hoạt động là đạo của người Kinh, đạo của Nhà nước, UMCC mới là đạo của người DTTS”, “UMCC có cùng chung mục đích với các tổ chức FULRO, đó là đấu tranh đòi quyền lợi, thành lập “Nhà nước riêng” cho người DTTS”, “theo UMCC sẽ được bảo vệ, quan tâm giúp đỡ”, “nếu sau này “Nhà nước Đêga” thành công, những người tham gia sẽ được chia đất đai, nhà cửa, tài sản, phong chức tước”... Chúng chỉ đạo số bên trong củng cố tổ chức, bầu “ban chấp sự UMCC”, tập trung phát triển tín đồ là người DTTS. Ở Phú Yên cũng đã có hơn 30 người bị tuyên truyền, lôi kéo tham gia UMCC.

Hoạt động tuyên truyền vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, nhân quyền: Chúng lợi dụng các vấn đề về lịch sử, đất đai và cuộc sống khó khăn của một bộ phận đồng bào DTTS để vu cáo Nhà nước phân biệt đối xử, đàn áp người DTTS, ép người DTTS phải bỏ đạo, bỏ văn hóa dân tộc hòa nhập với cuộc sống văn minh của người Kinh; lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, giải quyết khiếu nại tố cáo ở vùng DTTS để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phủ nhận thành tựu công cuộc đổi mới nhằm làm cho Nhân dân mất niềm tin vào chính quyền. Chúng chỉ đạo cho số bên trong thu thập, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về tình hình tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền ở trong nước để tập hợp báo cáo các tổ chức quốc tế và Liên hợp quốc, gây sức ép, làm giảm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Thực tế thời gian qua cho thấy, số đối tượng UMCC ở huyện Sông Hinh đã trả lời phỏng vấn với Đài Á châu tự do - RFA, cung cấp hình ảnh, tài liệu, thông tin về việc lực lượng chức năng xử lý vì có hoạt động liên quan UMCC cho A Ga (ở Mỹ) nhằm xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo, nhân quyền ở trong nước; đối tượng A Ga sử dụng Facebook, phần mềm GoToMeeting, WhatsApp tổ chức các buổi rao giảng trực tuyến với số đối tượng ở trong nước tuyên truyền rằng: Ở Việt Nam không có tự do tín ngưỡng, tôn giáo, yêu cầu số theo UMCC cầu nguyện cho người DTTS Tây Nguyên có nhân quyền, tự do tôn giáo; đối tượng Y Quynh Bđăp lập nhiều tài khoản Facebook (“Y QUYNH BUÔN DĂP”, “Người Thượng Vì Công Lý”), YouTube (kênh “MSFJ NEWS”) chia sẻ nhiều bài viết của tổ chức phản động “Việt Tân”, BPSOS, đăng nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ Hồ Chí Minh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Hoạt động hỗ trợ tài chính, đào tạo “kỹ năng đối phó” với chính quyền: Số cầm đầu, cốt cán bên ngoài đã tìm cách gửi tiền, phương tiện và đào tạo kỹ năng hoạt động để tạo niềm tin và lên dây cót tinh thần cho số bên trong. Y Hin đã gửi tiền, máy tính xách tay cho A Đảo, Đinh Ủy, Y Nuen Ayun, Y Jôl Bkrông ở trong nước; A Ga hứa hẹn sẽ hỗ trợ tài chính, phương tiện (máy tính, điện thoại di động, máy quay phim, chụp hình…) cho số ở Đắk Lắk và huyện Sông Hinh để hoạt động. Đầu tháng 11/2019, UMCC móc nối với “Ủy ban cứu trợ người vượt biển - BPSOS” tổ chức “Hội nghị Tự do tôn giáo hay niềm tin” tại Thái Lan, xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam và tổ chức huấn luyện, đào tạo cho số tham gia hội nghị (chủ yếu là số có tư tưởng thù địch, chống đối với Việt Nam, trong đó có một số đối tượng UMCC, như: Y Quynh Bđăp, Y Phic Hđoh ở Thái Lan; Nay Y Ní ở huyện Sông Hinh, Phú Yên…). Ngoài ra, chúng còn triệt để lợi dụng Internet để viết bài, tán phát tài liệu, đào tạo trực tuyến cách thức hoạt động cũng như cách đối phó với cơ quan chức năng.

Đến nay, UMCC chưa được Nhà nước Việt Nam công nhận và cấp đăng ký hoạt động tôn giáo, nên mọi hoạt động liên quan đến tổ chức UMCC đều là hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà cơ quan chức năng sẽ có biện pháp xử lý phù hợp, đúng theo quy định pháp luật. Cần khẳng định rằng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, nhưng bên cạnh đó cũng nghiêm cấm việc lợi dụng tôn giáo để xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây mất ANTT. Mỗi tín đồ tôn giáo đồng thời là công dân của Việt Nam khi thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cần phải thực hiện nghĩa vụ công dân trên cơ sở pháp luật, không một tôn giáo nào được phép đứng ngoài hoặc đứng trên lợi ích quốc gia, dân tộc. Vì vậy, mỗi chức sắc, tín đồ và người dân hãy đề cao cảnh giác, kịp thời tố giác, ngăn chặn hành vi lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật, đó dũng là cách để bảo vệ mình, bảo vệ xã hội, và các tôn giáo chân chính.

BÀU LÂM

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2020

NHẬN DIỆN THỦ ĐOẠN CHIA RẼ ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ NHÂN DÂN

 

          Những ngày qua, trước những thiệt hại lớn do bão lũ gây ra tại miền Trung, các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương đã triển khai nhiều biện pháp cấp bách cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả. Trong lúc toàn dân đang nỗ lực, đồng lòng cùng nhau khắc phục hậu quả bão lũ thì các thế lực thù địch, số đối tượng chống đối chính trị, phản động và các phần tử xấu lại ra sức tuyên truyền, xuyên tạc, chia rẽ tình đoàn kết quân dân, tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam bằng những thủ đoạn nham hiểm. 

          Vừa qua, Fanpage của tổ chức khủng bố “Việt Tân” và Fanpage “Nhật ký yêu nước” đã đăng tải những thông tin sai trái, vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam không quan tâm đến công tác phòng, chống bão lũ tại các tỉnh miền Trung.



          Mục đích của chúng là nhằm hướng lái dư luận hiểu sai lệch, cho rằng Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương không quan tâm đến đời sống dân sinh, bỏ mặc người dân trong tình cảnh khốn khó, cần sự che chở, giúp đỡ nhất. Chúng đã bịa đặt rằng, cùng với dự án thuỷ điện, có công ty tư nhân đằng sau của một số cán bộ trong đoàn cứu hộ, khai thác bán gỗ, bán rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, bán khoáng sản như vàng và kim loại quý, từ đó quy kết các cán bộ băng rừng cứu hộ lý do này. Sau đó, chúng đã đăng lên nhiều trang mạng xã hội, nhiều trang thừa cơ dẫn lại, phân tích, suy diễn, xuyên tạc chống phá.

          Nhưng thực tế, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực, tinh thần đoàn kết của người dân, công tác phòng, chống bão lũ đang được các địa phương xử lý tích cực. Nhiều trường học, gia đình… đã được đông đảo lực lượng vũ trang, đoàn thanh niên và bà con nhân dân cùng nhau dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả để sớm ổn định cuộc sống trở lại, các em học sinh được cắp sách đến trường. Trong cuộc chiến phòng chống thiên tai, đã có những hi sinh, mất mát vô cùng thương tâm khi những chiến sỹ đã vì dân mà ra đi mãi không về. 

          Người Việt Nam chúng ta có tấm lòng nhân ái, truyền thống đùm bọc “lá lành đùm lá rách”. Điều này chúng ta thấy rất rõ trong làn sóng từ thiện giúp đỡ miền Trung đang diễn ra hiện nay. Đó chính là thứ vũ khí, sức mạnh để chúng ta đánh bại các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phần tử xấu cũng như chung tay vượt qua các đợt thiên tai, khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

 

CẢNH GIÁC VỚI LUẬN ĐIỆU TUYÊN TRUYỀN, LÔI KÉO THEO “TIN LÀNH ĐÊGA” CỦA BỌN PHẢN ĐỘNG FULRO

 

Sau vụ biểu tình, bạo loạn Tây Nguyên năm 2001, “Tin Lành Đêga” (TLĐG) bắt đầu xâm nhập, phát triển xuống địa bàn Phú Yên. Đến nay, sau 19 năm kể từ ngày Phú Yên có người bị tuyên truyền, lôi kéo, với quan niệm “đạo” của người dân tộc thiểu số (DTTS) thì cái gọi là TLĐG đã gây ra nhiều hệ lụy cho những người tham gia, tác động tiêu cực đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương. Có thể dễ dàng nhận thấy, tại các địa bàn có đối tượng theo TLĐG, khối đại đoàn kết dân tộc thường bị chia rẽ, nảy sinh các mâu thuẫn, xung đột dân tộc giữa người Kinh và người DTTS, giữa người DTTS theo và không theo TLĐG; đa số, người theo TLĐG gặp đời sống kinh tế khó khăn, nhiều trường hợp vướng vào vòng lao lý do tin theo TLĐG, bị kẻ xấu kích động, có những hoạt động chống phá chính quyền và nhân dân; nhiều gia đình bị ly tán, do có người thân trốn ra nước ngoài để tìm cái gọi là thiên đường tự do tôn giáo, tự do sinh hoạt TLĐG.

TLĐG thực chất là “công cụ”, “con bài chính trị” đội lốt tôn giáo được bọn phản động FULRO dựng lên để hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Lợi dụng TLĐG, chúng âm mưu xây dựng, hình thành một lực lượng ngầm chống đối bên trong và khi có thời cơ sẽ kết hợp với số phần tử phản động lưu vong bên ngoài gây ra các cuộc biểu tình, bạo loạn nhằm lật đổ chính quyền như đã xảy ra vào các năm 2001, 2004 ở Tây Nguyên. Sau khi Ksor Kơk chết, để củng cố thực lực, tiếp tục lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo triển khai các hoạt động chống phá vào trong nước, được sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch, FULRO lưu vong đẩy mạnh tuyên truyền, lôi kéo người DTTS theo TLĐG với những luận điệu lừa bịp, dối trá nếu không tỉnh táo người dân rất dễ bị lầm tưởng TLĐG với các hệ phái Tin Lành thuần túy khác mà tin theo. Để phòng ngừa FULRO lôi kéo, chúng ta cần cảnh giác với những luận điệu tuyên truyền của địch, đó là:

1. Chúng tuyên truyền TLĐG là "đạo của người DTTS", còn các hệ phái Tin Lành khác là "đạo của người Kinh", tham gia TLĐG là "để đấu tranh cho quyền lợi của người DTTS". Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước ta vẫn thể hiện quan điểm nhất quán đất nước Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, với 54 dân tộc anh em, các dân tộc đều bình đẳng trước pháp luật, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển. Bên cạnh đó, Luật Tín ngưỡng, Luật Tôn giáo được Quốc hội ban hành năm 2016 cũng quy định tín đồ tôn giáo là người tin, theo một tôn giáo và được tổ chức tôn giáo đó thừa nhận. Như vậy, không có cái gọi tôn giáo riêng cho người Kinh hay người DTTS, mà tất cả đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. TLĐG là “đạo của người DTTS", đây là luận điệu phản động, âm mưu gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tập trung lôi kéo số có tư tưởng bất mãn, dân tộc hẹp hòi để hình thành lực lượng chống đối, gây mất ANTT trong vùng đồng bào DTTS.

2. "Tham gia TLĐG sẽ giúp bỏ được rượu, bia, cờ bạc, thuốc lá, chăm lo làm ăn kinh tế, được Chúa phù hộ, bảo vệ". Thực tế trong giáo lý, giáo luật của đạo Tin Lành có răn dạy và quy định người tham gia phải từ bỏ rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích và các tệ nạn xã hội. Với quan niệm, khi đã từ bỏ, sửa được các thói hư, tật xấu sẽ giúp tín đồ chăm lo lao động, có điều kiện tốt hơn để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần. Đây là yếu tố mà FULRO luôn triệt để khai thác nhăm đánh lận TLĐG với các hệ phái Tin Lành thuần túy, làm người dân lầm tưởng tin theo, nhất là những trường hợp còn mơ hồ về giáo lý, giáo luật. Một số trường hợp ở xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh như Ma H’Điêng, Ma H’Min, Ma Krí vì tin theo TLĐG sẽ bỏ được rượu, thuốc lá, giảm bớt chi phí sinh hoạt cho cá nhân và gia đình nên đã tham gia nhưng đã trên 10 năm tin, theo nhưng rượu họ vẫn uống, thuốc lá họ vẫn hút, không như những gì họ được tuyên truyền trước khi tham gia.

3. "Nhà nước Đêga nhất định sẽ thắng lợi, người tham gia sẽ được chia đất đai, tài sản, phong chức sắc, tương xứng với những công lao đóng góp cho tổ chức". Sự thật trước mắt là đã 19 năm trôi qua, thành quả mà người theo TLĐG nhận được vẫn chỉ là những lời hứa xuông. Thay vì được hưởng sung sướng, được phong chức sắc, địa vị thì đa số những trường hợp tin, theo, cuộc sống gia đình bị đảo lộn, thậm chí phải trả giá bằng những hình phạt tù vì có những hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, từ khi TLĐG xâm nhập địa bàn Phú Yên đến nay, có 19 đối tượng bị phạt tù, trong đó 04 đối tượng bị phạt tù 02 lần, 04 đối tượng bị đưa đi cải tạo, giáo dục tập trung, hàng trăm lượt đối tượng bị phạt cảnh cáo và các hình thức kiểm điểm khác về các hoạt động liên quan đến TLĐG, chống phá chính quyền.

          4. Chúng rêu rao "TLĐG đã được quốc tế công nhận, ở Mỹ, Campuchia, Thái Lan đã có nhà thờ TLĐG cho người DTTS, tín đồ được tự do sinh hoạt tôn giáo, thờ phượng Chúa, sắp tới Liên hợp quốc sẽ can thiệp để Chính phủ Việt Nam phải thừa nhận TLĐG là một tổ chức tôn giáo hợp pháp ở trong nước". Thực tế, sau khi trốn ra nước ngoài, số FULRO rất tích cực hoạt động nhằm phục hồi tổ chức, thuê hoặc mua nhà thờ để tập hợp, lôi kéo người theo TLĐG và những điều kiện cần thiết khác để kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí hoạt động, số cầm đầu, cốt cán thường xảy ra xung đột, mâu thuẫn, tranh giành lợi ích nên chia tách thành nhiều nhóm hoạt động, tại các nhà thờ TLĐG ở Mỹ, số lượng tín đồ người DTTS tham gia sinh hoạt không ổn định do phải đóng kinh phí duy trì hoạt động của nhà thờ nhưng thực chất được Ksor Kơk và số cốt cán tiêu sài cá nhân. Vì lẽ đó đã có nhiều vụ kiện tụng xảy ra, như giữa Ksor Kơk và Ksor Nhưn tố cáo nhau sử dụng tài chính chung bất minh.


Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo phát triển, đồng bào trong nước được tự do thể hiện niềm tin, tín ngưỡng, tôn giáo nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật quy định và các hoạt động tôn giáo phải góp phần xây dựng quốc gia, dân tộc đoàn kết, phát triển. Nếu TLĐG tiếp tục đi theo hướng lôi kéo đồng bào DTTS, kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống Đảng, Nhà nước, đi ngược lại với lợi ích quốc gia, dân tộc thì cho dù tìm cách che đậy, mị dân kiểu gì đi nữa cũng bị đồng bào vạch trần bản chất phản động, lừa bịp. Do đó, khi có nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo, người dân cần nêu cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ về nguồn gốc cũng như các đặc điểm liên quan tôn giáo mình muốn tham gia, tuyệt đối không nghe kẻ xấu tuyên truyền, kích động theo TLĐG để hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước.

                                                                

                                                                                     MA HUẤN

CẢNH GIÁC VỚI KIỂU “SUY DIỄN NGUY HIỂM”

 

Dải đất miền Trung thân yêu bao đời nay vốn đã khó khăn, vất vả, thế nhưng năm nay lại càng vất vả hơn nữa khi mà cả nước đang phải gồng mình chống chọi với đại dịch Covid – 19 vừa xong, thì giờ đây lại tiếp tục chống chọi với thiên tai, bão lũ. Mùa nắng thì hạn hán, mùa mưa thì bão, lũ dồn dập. Cuộc sống của người dân vốn dĩ đã khó khăn, nay lại càng vất vả, không biết khi nào mới có cuộc sống ổn định trở lại khi mà bão, lũ nối chồng tiếp nhau. Ngoài tổn thất về tài sản, thì đau đớn hơn là rất nhiều sinh mạng đã phải vĩnh viễn rời xa cuộc sống, rời xa người thân, bạn bè và đồng đội.

Trước những diễn biến khó lường do thiên tai gây ra cho nhân dân Miền Trung. Nhưng người dân nơi đây không hề phải đơn độc chống chọi, mà ở đó đã có Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang và người dân cả nước đã cùng hướng về khúc ruột miền Trung bằng cả trái tim và tấm lòng của con cháu Cụ Hồ. Những việc làm thiết thực nhất, nhanh chóng đã đến với Miền Trung với quyết tâm cao không để đồng bào phải chịu đói, chịu rét. Cùng với sự chỉ đạo nhanh chóng của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đã nỗ lực vào cuộc, khẩn trương ứng cứu nhân dân, chỉ đạo các lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn đi đôi với nỗ lực khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra để nhân dân sớm ổn định đời sống.

Bên cạnh đó, thì với tinh thần “lá lành đùm lá rách” vốn có từ ngàn xưa nên cả nước cùng chung tay giúp đỡ nhân dân miền Trung bằng nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa. Nhiều tổ chức, cá nhân đứng ra quyên góp ủng hộ vật chất, tiền bạc cùng nhiều chuyến xe chở đồ ăn, đồ dùng sinh hoạt từ khắp mọi miền Tổ quốc nối đuôi nhau cùng hướng về nới đây để trao tận tay người dân ở vùng bão, lũ. Những việc làm đó chúng ta cần tích cực phát huy và nhân rộng hơn nữa.


Thế nhưng lợi dụng vấn đề này thì xuất hiện một số tổ chức, đối tượng chống phá đã thông qua mạng xã hội để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước bằng những luận điệu hết sức nguy hiểm. Những đối tượng này cố tình suy diễn, quy chụp nhằm hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước nhằm mục đích kích động nhân dân gây mất lòng tin vào các cơ quan, tổ chức Nhà nước hòng chia rẽ với ý đồ sâu xa và nham hiểm. Trên mạng xã hội đã xuất hiện những ý kiến bình luận mang tính so sánh không khách quan, khập khiễng nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta. Chúng cố tình đưa lên mạng một số vụ việc mà cán bộ cơ sở có cách làm chưa hợp lý hoặc sai lầm khi lạm dụng quyền hạn để sử dụng tiền, hàng cứu trợ sai mục đích từ nhiều năm trước để chứng minh cho nhận định đó. Từ việc bé xé ra to để gây mất niềm tin trong nhân dân đối với Đảng và Nhà nước với những luận điệu nguy hiểm, như: Một mình ca sĩ Thuỷ Tiên làm việc thiện hiệu quả hơn tất cả các cơ quan Nhà nước; cần giải tán các cơ quan làm công tác cứu trợ; thậm chí còn kích động “Đảng, Nhà nước rất thờ ơ”; “đừng tin vào cán bộ, đảng viên!”…

Mỗi chúng ta phải thật sáng suốt khi tiếp cận thông tin trên mạng xã hội để bảo vệ và tăng cường sự đoàn kết, cùng nhau góp sức, góp của giúp nhân dân miền trung sớm vượt qua thiên tai, khó khăn, góp phần vào công cuộc xây dựng nước Việt Nam giàu đẹp, vững mạnh. Chúng ta cùng nhìn nhận lại: Ai? Tổ chức chính trị nào đã thường xuyên quan tâm chăm lo trong công tác xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của nhân dân năm này qua năm khác. Từ nhiều năm nay, mỗi khi các địa phương trên cả nước có thiên tai lớn nhỏ xảy ra, trước khi nhân dân cả nước chung tay cứu trợ thì Nhà nước và các cơ quan tổ chức chính trị xã hội đã kịp thời có mặt để ứng cứu giúp người dân vượt qua hoạn nạn, thậm chí nhiều cán bộ chiến sỹ trực tiếp làm nhiệm vụ đã hy sinh cả tính mạng của mình vì nhân dân. Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở tất cả các cấp, chính quyền, các địa phương, luôn chủ động chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”, đồng thời thường xuyên tổ chức luyện tập, diễn tập để sẵn sàng ứng phó hiệu quả với mọi tình huống thiên tai.

 

 

 

 

 

 

 

     

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CẢNH GIÁC TRƯỚC NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ XỬ LÝ CÁN BỘ VI PHẠM


          Ngày 06/11/2020, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn Bình do có nhiều vi phạm trong thời gian giữ chức Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Việc Bộ Chính trị thi hành quyết định kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Bình đã thể hiện tính nghiêm minh trong kỷ luật Đảng, khẳng định quyết tâm chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch bộ máy của Đảng.

          Tuy nhiên, trên một số trang mạng xã hội lại xuất hiện nhiều bài viết với luận điệu xuyên tạc, như trang BBC đưa quan điểm của nhà văn Võ Thị Hảo với nội dung như sau: “Chỉ thi hành kỷ luật thôi ư? Nếu việc đề nghị kỷ luật này là đúng như ban Kiểm tra của Đảng CSVN nói thì Việt Nam đúng là thiên đường của những người có chức, có quyền. Nếu đúng như những thông tin đã nêu trên truyền thông Việt Nam thì vị Uỷ viên Bộ Chính trị này và nhiều vị quan chức khác đã mắc những sai phạm nghiêm trọng, và như thế họ có thể đáng bị đứng trước vành móng ngựa từ nhiều năm trước đây rồi, cũng như thậm chí phải bị buộc dùng tài sản riêng để khắc phục hậu quả là những thiệt hại khủng khiếp mà họ và những người liên quan đã gây ra cho nền kinh tế, nhân dân và đất nước này”.

Hình ảnh minh họa Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

          Có thể thấy rằng, các thế lực thù địch lợi dụng việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm cũng như những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí khác để gây ra những dao động về tư tưởng, hiểu sai trong nhân dân, làm mất lòng tin, thiếu đồng thuận trong nhân dân, kích động, chia rẽ nội bộ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, gây mất ổn định chính trị, an ninh, trật tự xã hội.

          Chúng ta phải hiểu rằng khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ của hành vi vi phạm để áp dụng hình thức kỷ luật thỏa đáng, vi phạm đến đâu xử lý đến đó, không có trường hợp ngoại lệ. Việc xử lý vi phạm để cho họ nhận thức sai lầm của mình, nếu chưa đến mức phải đưa ra pháp luật xử lý thì đây là cơ hội để cán bộ sửa chữa, phấn đấu.

          Vì vậy, trong thời đại mạng xã hội bùng nổ, hàng loạt luận điệu xuyên tạc dẫn đến nhận thức sai lệch và hình thành nên quan điểm sai trái; chúng ta cần phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác trước mọi thông tin; tuyệt đối tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, tin vào quyết định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm đúng quan điểm, nguyên tắc, đảm bảo công minh, chính xác, kịp thời để xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói rằng: “Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của Nhân dân”./.

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2020

DỪNG LẠI ĐI CÁC "ANH HÙNG BÀN PHÍM"


Thời gian qua, khi đất nước phải gánh chịu những hậu quả lớn lao do thiên tai bão lũ gây ra và đang phải cố gắng khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Với sự phát triển của mạng internet, chúng ta được cập nhật thông tin thường xuyên, liên tục về khúc ruột miền Trung thân yêu. Thông qua mạng xã hội, chúng ta biết được tình hình hậu quả mỗi khi có bão, lũ như thế nào, chúng ta biết được có rất nhiều cá nhân, tổ chức có tấm lòng hảo tâm, góp công, góp của để cứu trợ cho đồng bào miền Trung bị thiệt hại.

Nhưng cũng qua mạng xã hội, đã có nhiều thông tin bịa đặt, xuyên tạc, cho rằng chính quyền cản trở hoạt động từ thiện, Nhà nước thờ ơ, thiếu trách nhiệm với dân, vô cảm trước khó khăn của người dân... Thậm chí một số người vô ý thức hoặc với mục đích xấu khác mà tung tin thất thiệt về số người chết; lấy hình ảnh trẻ em, phụ nữ lấm đầy bùn đất ở nước ngoài gán cho Việt Nam nhằm mục đích phê phán, phủ nhận vai trò của Đảng, chính quyền trong công tác cứu nạn, cứu hộ người dân...

Phải khẳng định rằng, những tấm lòng hảo tâm, những đoàn cứu trợ có mặt kịp thời giữa lúc miền Trung ngập trong lũ lụt đã góp phần lan tỏa mạnh tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc Việt Nam ta. Nhưng việc một số cá nhân, tổ chức cứu trợ một cách tự phát, không có kinh nghiệm tổ chức đã làm phát sinh nhiều bất cập, làm rối ren tình hình ở một số địa phương: chỗ thì dư thừa, chỗ thi thiếu hụt; thực phẩm cứu trợ thì bị hư hỏng...

Trên thực tế, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng luôn sát cánh cùng người dân, kịp thời trợ giúp người dân, tìm mọi biện pháp để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân. Đặc biệt là lực lượng vũ trang, đoàn thanh niên đang ngày đêm giúp nhân dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống. Nhưng khi lực lượng chức năng vào cuộc, họ chỉ tập trung là việc không mệt mỏi vì nhân dân, họ không livestream (chia sẻ video trực tiếp) như một số cá nhân, họ âm thầm giúp đỡ ngày đêm, dầm mưa dầm bùn, có những hình ảnh họ ăn vội những miếng bánh để tiếp tục làm việc, hình ảnh các trường học ngập trong bùn đất đã được chính quyền, lực lượng vũ trang dọn sạch chỉ trong vài ngày để giúp các em học sinh sớm trở lại trường là một ví dụ.

Thông qua các kênh truyền thông, báo, đài, chúng ta đều thấy chính quyền các cấp, các ban ngành chức năng, đặc biệt là tinh thần vì dân của các chú công an, các chú bộ đội,... tìm mọi biện pháp cứu hộ, cứu trợ người dân cùng tài sản, thậm chí đã có người phải hi sinh. Nhưng những bài báo, tin tức truyền thông lại có sức lan tỏa không bằng mạng xã hội Facebook, khi mà đa số người dân, đặc biệt là giới trẻ đều chọn cách tiếp cận thông tin trên mạng xã hội thông qua chiếc điện thoại của mình. Vì thế, những thông tin thật giả lẫn lộn, bịa đặt lại được nhiều người tiếp cận, và cứ thế quy chụp những ác cảm với chính quyền, Nhà nước.

Bão lụt đã gây hậu quả nặng nề cho đất nước, nhân dân, không giúp đỡ được thì thôi, mong các “anh hùng bàn phím” đừng vì mục đích câu like, câu view hay bị các thế lực thù địch lợi dụng mà có những hành động tung tin bịa đặt làm rối loạn xã hội, chia rẽ nội bộ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Việc đưa tin, chia sẻ tin sai sự thật, giả mạo trên mạng xã hội vẫn đang diễn ra tràn lan, phức tạp mặc dù đã có nhiều trường hợp bị xử lý theo đúng quy định pháp luật. Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần mạnh tay trong việc xử phạt những trường hợp vi phạm quy định pháp luật khi tham gia mạng xã hội để tạo nên một không gian mạng lành mạnh.

                                                                       Phương Lê

 

 

 

LỢI ÍCH TỪ VIỆC TRIỂN KHAI CẤP CĂN CƯỚC CÔNG DÂN GẮN CHÍP

 


Đề án cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đang đưa vào triển khai tại các địa phương. Nhưng hiện nay, có nhiều người hiểu sai, cho rằng khi thẻ căn cước công dân gắn chíp được sử dụng, tất cả mọi công dân đều phải đồng loạt đổi sang căn cước công dân có gắn chíp.

Điều này là không đúng, trên thực tế chỉ có những người mà chứng minh nhân dân đã hết hạn sử dụng (quá 15 năm), hoặc bị mất, hỏng mới phải cần thiết làm thủ tục để đổi sang căn cước công dân gắn chíp. Khi căn cước công dân gắn chíp được đưa vào sử dụng sẽ tồn tại song song với các loại giấy tờ tùy thân như: Chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số, căn cước công dân mã vạch và căn cước công dân gắn chíp.

Nhiều người dân băn khoăn khi đổi sang căn cước công dân gắn chíp sẽ được lợi ích gì. Căn cước công dân gắn chíp có nhiều ưu điểm so với các loại giấy tờ tùy thân hiện nay như: Tích hợp được nhiều thông tin của công dân hơn; liên thông với các thông tin khác về bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, thuế...; căn cước công dân gắn chíp vẫn giữ nguyên số như căn cước công dân mã vạch; độ bảo mật thông tin cao, giao dịch hành chính thuận tiện; điều chỉnh thông tin dễ dàng; hạn sử dụng 25 năm; chíp điện tử được gắn trên thẻ căn cước công dân không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân. Mức độ bảo mật của chíp trên thẻ căn cước công dân gắn chíp rất cao nên thông tin định danh của công dân trên thẻ là không thay đổi, không thể giả mạo được, chỉ có chủ thẻ mới sử dụng được, nếu có bị trộm cắp, hay đánh mất vào tay kẻ xấu, cũng sẽ không ảnh hưởng gì, căn cước công dân gắn chíp triển khai sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính.


Như vậy công dân chỉ cần mang theo căn cước công dân gắn chíp mà không cần mang theo nhiều loại giấy tờ khác khi đi làm các thủ tục hành chính như trước đây... Đồng thời, cũng không tốn thời gian công chứng, chứng thực giấy tờ như trước đây nữa. Sau khi được cấp căn cước công dân gắn chíp, công dân vẫn có thể thực hiện các giao dịch đã sử dụng với số căn cước công dân trước đây bình thường mà không có bất cứ phiến hà, hay khó khăn nào

APP vay tiền online, BIẾN TƯỚNG của “tín dụng đen” thời đại 4.0

  

Hiện nay, những quảng cáo mời gọi vay tiền qua điện thoại (hay gọi là vay tiên qua APP) xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội. Người dùng chỉ cần vào trang tìm kiếm Google, gõ nội dung “app vay tiền” trong vòng vài giây sẽ cho ra hơn 38.000.000 kết quả như: Những app vay tiền, app nào cho vay uy tín hơn, app nào nhanh hơn, hướng dẫn thủ tục vay qua app…

Để vay được tiền qua App online, người dùng chỉ cần tải ứng dụng từ Google Play hoặc AppStore về điện thoại. Sau đó, để hoàn tất hồ sơ, người vay tiền chỉ cần cung cấp ảnh khuôn mặt, CMND hoặc giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu, số tài khoản ngân hàng. Như vậy, hồ sơ vay tiền qua App đã hoàn thành một cách đơn giản, sau 15 phút tiền sẽ được chuyển vào tài khoản của người vay.

Hình ảnh minh họa

Đặc biệt nguy hiểm là trước khi cài đặt các App vay tiền, người vay phải chấp nhận cho các App này được quyền truy cập vào hệ thống thông tin trên điện thoại cá nhân như: Danh bạ điện thoại; quản lý cuộc gọi, ghi âm cuộc gọi; quản lý tệp tin, hình ảnh, tin nhắn cá nhân... Nhưng kể từ đây, những kẻ ẩn mình đứng sau các App cho vay này sẽ có gần như đầy đủ thông tin về danh bạ điện thoại, ảnh cá nhân, thông tin dữ liệu có trong điện thoại, facebook của người thân, đồng nghiệp, bạn bè... của người vay nhằm mục đích phục vụ cho việc đòi nợ, thu hồi nợ hay nhiều ý đồ khác sau này.

Ngoài ra, các App cho vay tiền online thường kèm theo mức lãi “cắt cổ” người vay. Nếu người vay chưa trả được nợ cho App này, thì tiếp tục phải vay tiền của một App khác hoặc lên tới vài chục App khác nhau. Từ đó, số tiền nợ, tiền lãi, tiền phạt phải trả sẽ tăng lên theo cấp số nhân mà người vay khó có thể tính ra.

Bên cạnh đó, thủ đoạn đòi nợ của các App cho vay online này còn tàn khốc hơn cả “tín dụng đen”. Đầu tiên, bọn chúng khủng bố tinh thần “con nợ” bằng tin nhắn, cuộc gọi suốt ngày đêm với lời lẽ thô tục, đe dọa; dùng số điện thoại trong danh bạ người vay để quấy rối; dùng thông tin, hình ảnh cá nhân hoặc cắt ghép hình ảnh của người vay để đăng tải trên mạng xã hội bôi nhọ, nói xấu, làm nhục người vay, nhằm gây sức ép buộc “con nợ” phải trả nợ. Thực tế đã có người vì chịu không nổi áp lực của bọn chúng nên đã phải tự tử.

Hậu quả mà các App ứng dụng cho vay gây ra rất khó lường, dồn người vay vào ngõ cụt, gây nhức nhối cộng đồng, xôn xao dư luận xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của quần chúng nhân dân, nhất là những người thiếu hiểu biết về ứng dụng công nghệ.

Từ việc cho vay với lãi suất “cắt cổ”, thủ đoạn đòi nợ bất lương, sử dụng mọi biện pháp để dồn người vay đến chân tường. Cho thấy các App vay tiền online là BIẾN TƯỚNG của “tín dụng đen” thời đại công nghệ 4.0.

Chúng ta hãy tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, đề cao cảnh giác với ứng dụng vay tiền online! - Điều đó không chỉ tốt cho bạn mà còn có ích với những người xung quanh.

                                                                   GIA TÂN