Thời gian qua, khi đất nước
phải gánh chịu những hậu quả lớn lao do thiên tai bão lũ gây ra và đang phải cố
gắng khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Với sự phát triển của mạng internet,
chúng ta được cập nhật thông tin thường xuyên, liên tục về khúc ruột miền Trung
thân yêu. Thông qua mạng xã hội, chúng ta biết được tình hình hậu quả mỗi khi
có bão, lũ như thế nào, chúng ta biết được có rất nhiều cá nhân, tổ chức có tấm
lòng hảo tâm, góp công, góp của để cứu trợ cho đồng bào miền Trung bị thiệt hại.
Nhưng cũng qua mạng xã hội,
đã có nhiều thông tin bịa đặt, xuyên tạc, cho rằng chính quyền cản trở hoạt động
từ thiện, Nhà nước thờ ơ, thiếu trách nhiệm với dân, vô cảm trước khó khăn
của người dân... Thậm chí một số người vô ý thức hoặc với mục đích xấu khác mà
tung tin thất thiệt về số người chết; lấy hình ảnh trẻ em, phụ nữ lấm đầy bùn đất
ở nước ngoài gán cho Việt Nam nhằm mục đích phê phán, phủ nhận vai trò của Đảng,
chính quyền trong công tác cứu nạn, cứu hộ người dân...
Trên thực tế, chính quyền
địa phương và các lực lượng chức năng luôn sát cánh cùng người dân, kịp thời trợ
giúp người dân, tìm mọi biện pháp để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân. Đặc
biệt là lực lượng vũ trang, đoàn thanh niên đang ngày đêm giúp nhân dân khắc phục
hậu quả, sớm ổn định cuộc sống. Nhưng khi lực lượng chức năng vào cuộc, họ chỉ
tập trung là việc không mệt mỏi vì nhân dân, họ không livestream (chia sẻ video
trực tiếp) như một số cá nhân, họ âm thầm giúp đỡ ngày đêm, dầm mưa dầm bùn, có
những hình ảnh họ ăn vội những miếng bánh để tiếp tục làm việc, hình ảnh các
trường học ngập trong bùn đất đã được chính quyền, lực lượng vũ trang dọn sạch
chỉ trong vài ngày để giúp các em học sinh sớm trở lại trường là một ví dụ.
Thông qua các
kênh truyền thông, báo, đài, chúng ta đều thấy chính quyền các cấp, các ban ngành
chức năng, đặc biệt là tinh thần vì dân của các chú công an, các chú bộ đội,...
tìm mọi biện pháp cứu hộ, cứu trợ người dân cùng tài sản, thậm chí đã có người
phải hi sinh. Nhưng những bài báo, tin tức truyền thông lại có sức lan tỏa
không bằng mạng xã hội Facebook, khi mà đa số người dân, đặc biệt là giới trẻ đều
chọn cách tiếp cận thông tin trên mạng xã hội thông qua chiếc điện thoại của
mình. Vì thế, những thông tin thật giả lẫn lộn, bịa đặt lại được nhiều người tiếp
cận, và cứ thế quy chụp những ác cảm với chính quyền, Nhà nước.
Bão lụt đã gây hậu quả nặng nề cho
đất nước, nhân dân, không giúp đỡ được thì thôi, mong các “anh hùng bàn phím” đừng
vì mục đích câu like, câu view hay bị các thế lực thù địch lợi dụng mà có những hành động tung tin bịa đặt
làm rối loạn xã hội, chia rẽ nội bộ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Việc
đưa tin, chia sẻ tin sai sự thật, giả mạo trên mạng xã hội vẫn đang diễn ra
tràn lan, phức tạp mặc dù đã có nhiều trường hợp bị xử lý theo đúng quy định
pháp luật. Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần mạnh tay trong việc xử phạt
những trường hợp vi phạm quy định pháp luật khi tham gia mạng xã hội để tạo nên
một không gian mạng lành mạnh.
Phương Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét