Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng của đất nước trong năm 2021. Một trong những điểm nhấn của Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội XIII chính là khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Đã có nhiều bài viết phản ánh, phân tích về nội dung quan trọng này của văn kiện. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, xin trích dẫn rõ ràng hơn, khái quát những điểm chính yếu liên quan đến quan điểm chỉ đạo; nhiệm vụ trọng tâm có trong Dự thảo Báo cáo chính trị. Từ đây, mỗi người bằng cảm quan của mình sẽ có nhận thức và hành động phù hợp với thực tiễn nhằm góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
1. Ngay trong quan điểm chỉ đạo để thực hiện tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước của Đại hội Đảng XIII, dự thảo văn kiện nói rõ: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”[1]
Trong mục tiêu phát triển để đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, văn kiện có nêu: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định;...”[2]
Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 hướng tới: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hoá. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”[3]
2. Từ tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước, dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp. Nội dung khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vẫn là tư tưởng xuyên suốt văn kiện.
Để đất nước phồn thịnh, hạnh phúc, chúng ta phải thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh: “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam”[4]
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII được xác định rất rõ trong Dự thảo báo cáo chính trị là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân”[5]
Ở phần kết, Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội Đảng lần thứ XIII một lần nữa nhấn mạnh và khẳng định đích đến cuối cùng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta là phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc: “Với hướng đi đúng đắn, khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao, đất nước ta nhất định sẽ lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta”[6]
3. Phồn vinh - Hạnh phúc trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng thực chất là khát vọng phát triển đất nước Việt Nam thịnh vượng, nhân dân có cuộc sống bình yên.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Dự thảo lần này có nhấn mạnh đến “khát vọng phát triển đất nước”. Đây là một yếu tố rất mới, thực sự là nhân tố thể hiện sức mạnh nội sinh, tìm tòi của dân tộc ta. Vấn đề đặt ra là khát vọng phát triển thế nào? Lúc đầu nhiều người nghĩ là “xây dựng một nước Việt Nam hùng cường”. Việc này cũng đúng. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc toàn diện, Tiểu ban văn kiện mới đây đã báo cáo Bộ Chính trị đưa vào dự thảo “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, đặc biệt nhấn mạnh yếu tố “hạnh phúc” của nhân dân... Hạnh phúc là điểm nhấn trong dự thảo văn kiện lần này, tính con người, tính nhân văn đậm hơn.[7]
Hạnh phúc của nhân dân, của đất nước Việt Nam là mục tiêu; khát vọng cháy bỏng mà Đảng, Nhà nước ta không ngừng nỗ lực để đạt được. Nền tảng để có hạnh phúc là mỗi người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền cơ bản của con người, quyền công dân; cuộc sống ấm no, hòa bình. Nói đầy đủ, khái quát hơn đó chính là: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”.
Việt Nam - một đất nước luôn có khát vọng!
Hơn 97 triệu người dân Việt Nam sẽ có hàng triệu ước mơ, khát
vọng. Mỗi người bằng hành động nhỏ cùng dệt nên ước
mơ, khát vọng lớn vì một Việt Nam cường thịnh, phồn vinh và hạnh phúc; sánh vai
cùng các cường quốc ở khắp năm châu./.
Hồng Lĩnh
TÀI
LIỆU THAM KHẢO
[1].
Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng lần thứ XIII đăng trên Báo Nhân dân điện
tử (toàn bộ nội dung trích được lấy từ nguồn này). https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-621155/
[2].
Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương. http://tuyengiao.vn/thoi-su/hanh-phuc-cua-nhan-dan-diem-nhan-trong-du-thao-van-kien-dai-hoi-xiii-cua-dang-129937
[1] Mục
II- TẦM NHÌN VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN/ 2. Quan
điểm chỉ đạo
[2] Mục II- TẦM NHÌN VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN/ 3. Mục tiêu
phát triển
[3] Mục II- TẦM NHÌN VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN/ 5. Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 -
2030
[4] Mục V- ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO,
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC, PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI
[5] Mục XV- NHỮNG NHIỆM VỤ TRỌNG
TÂM, CÁC ĐỘT PHÁ CHIẾN LƯỢC TRONG NHIỆM KỲ ĐẠI HỘI XIII/ 1. Những nhiệm vụ
trọng tâm
[6] Phần kết của văn kiện (sau dấu ***)
[7] Trích theo Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương (tài liệu tham khảo thứ
[2])
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét