Thứ Năm, 11 tháng 2, 2021

NÂNG CAO TINH THẦN CẢNH GIÁC TRONG DỊP TẾT

         Theo quy luật, vào dịp Tết Nguyên đán tình hình ANTT thường diễn biến phức tạp, do đó mọi người dân cần nêu cao cảnh giác, không được lơ là, chủ quan để các loại tội phạm có thể lợi dụng hoạt động phạm tội.

Một số khuyến cáo trong dịp Tết Nguyên đán như sau:


1. Khi đi ra đường hoặc đến nơi công cộng cần cảnh giác bảo quản tài sản cá nhân như: Tiền, vàng, điện thoại, túi xách… đề phòng với các loại tội phạm trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản. Cảnh giác với các trường hợp gọi điện thoại, nhắn tin kết bạn ở nước ngoài, giả danh cán bộ Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, cán bộ Nhà nước… yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Không nên vay tiền không cần thế chấp theo lời quảng cáo của các đối tượng, các tờ rơi phát tán nơi công cộng hoặc tại các ứng dụng trên mạng Internet. Chấp hành nghiêm Luật An ninh mạng, không chia sẻ, đăng tải thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng lên các trang mạng xã hội.

2. Chấp hành nghiêm quy định Luật Giao thông đường bộ, tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu bia; khi tham gia giao thông phải điều khiển phương tiện đúng tốc độ, phần đường, làn đường quy định; chấp hành tín hiệu đèn và hiệu lệnh của lực lượng CSGT, không phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông.

3. Không mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, các loại pháo nổ, đồ chơi nguy hiểm cho trẻ em… Tránh xa các tệ nạn xã hội như: bầu cua, đá gà, ghi số đề, đánh bạc.


4. Tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, vì vậy ngoài sự chủ động, quyết liệt của các cấp, các ngành, người dân cần nêu cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng, tự phòng bệnh cho bản thân, gia đình; tích cực phát hiện, đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm các quy định về phòng chống dịch Covid-19.

Chúc mọi người đón một mùa xuân vui tươi, an toàn và hạnh phúc.

 

Huy Hải

 

Thứ Hai, 8 tháng 2, 2021

VI PHẠM PHÁP LUẬT VÌ ẢO TƯỞNG CHÍNH TRỊ


Ngày 02/02/2021, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Yên đã tiến hành bắt, tạm giam đối tượng Ngô Công Trứ (sinh năm 1988, trú tại thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại khoản 1, Điều 109 Bộ luật Hình sự 2015.

Đối tượng Ngô Công Trứ (giữa) bị bắt

Theo điều tra ban đầu, khoảng tháng 02/2020, thông qua mạng xã hội Facebook và kênh Youtube, Ngô Công Trứ biết đến tổ chức phản động lưu vong “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” do Đào Minh Quân cầm đầu. Ngô Công Trứ đồng tình ủng hộ quan điểm của tổ chức này và Trứ đã đăng ký tham gia hoạt động “Trưng cầu dân ý” theo lời kêu gọi của tổ chức. Trứ được tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” cấp 02 mã TCDY (cũng là mã công dân).

Tháng 06/2020, Ngô Công Trứ làm hồ sơ xin tham gia tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” và được Lâm Ái Huệ (cấp hàm: “Trung tướng”, bí danh “Huệ Lâm”, là thành viên của tổ chức “CPQGVNLT) phỏng vấn, kiểm tra. Đến tháng 08/2020, Ngô Công Trứ chính thức được tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” kết nạp làm thành viên và được giao nhiệm vụ tuyên truyền, lôi kéo người khác tham gia các hoạt động của tổ chức.

Sau khi được kết nạp, Ngô Công Trứ thường xuyên đăng tải, chia sẻ trên các trang mạng xã hội các bài viết, hình ảnh, video tuyên truyền “Hiến pháp Đệ III Việt Nam Cộng Hòa”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” và “Tổng thống Đào Minh Quân”, kêu gọi mọi người tham gia các hoạt động “TCDY”, ủng hộ tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” và “Tổng thống Đào Minh Quân” về nước lật đổ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Từ tháng 02/2020 đến tháng 01/2021, Trứ tuyên truyền, tác động lôi kéo số người thân trong gia đình cùng tham gia tổ chức bằng cách thông báo tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” và “Tổng thống Đào Minh Quân” sắp về nước và sẽ phát tiền, cấp nhà miễn phí cho những người đăng ký là thành viên, công dân của “Đệ III Việt Nam Cộng Hòa”, nhưng bị tất cả người nhà phản đối. Để đạt được mục đích của mình, Trứ đã tìm cách lấy thông tin của những người thân trong gia đình để đăng ký tham gia hoạt động “Trưng cầu dân ý” của tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”.

Hành vi của Nguyễn Công Trứ đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Ngày 01/02/2021, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Yên ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can. Hiện Cơ quan An ninh điều tra đang tạm giam đối tượng để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.  

 

Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2021

ĐỪNG LỢI DỤNG “NHÂN QUYỀN” ĐỂ CHỐNG PHÁ

Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội như: Việt Tân, BBC tiếng Việt … đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh, video có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, nói xấu Đảng, chính quyền và nhiều cơ quan nhà nước; đồng thời kích động các tầng lớp nhân dân chống Đảng, Nhà nước. Lợi dụng việc ta xét xử các đối tượng chống phá mà chúng gọi là những “tù nhân lương tâm” hay vụ việc xảy ra tại Đồng Tâm để vu cáo Việt Nam gia tăng đàn áp người bất đồng chính kiến, bắt giữ người bảo vệ nhân quyền. Chúng giải thích nhân quyền là tự do thực hiện quyền mà không bị cấm đoán, không bị giới hạn nhằm cổ xuý hoạt động lợi dụng nhân quyền vi phạm pháp luật.

Vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí của Việt Nam luôn được các trang mạng thù địch tại nước ngoài, nhất là ở Mỹ thường xuyên đăng các tin, bài viết bịa đặt, nhưng trong khi đó tại xứ cờ hoa, một đất nước được cho là tự do dân chủ, tự do ngôn luận, tự do biểu đạt như Mỹ vậy mà một vị Tổng thống cũng bị các nền tảng mạng xã hội khóa tất cả các tài khoản (facebook, twitter, youtube…) thì đó có phải tự do ngôn luận hay không? Việc cảnh sát Mỹ dùng vũ lực đối với người dân vì những bất đồng chính kiến, chống lại Nhà nước Mỹ có phải vi phạm nhân quyền hay không? Thật là nực cười khi những trang suốt ngày xóa bình luận, chặn nick của những người không cùng chung ý kiến lại kêu gọi nhân quyền, cái đất nước suốt ngày kêu tự do dân chủ, tự do ngôn luận thì lại đi bịt miệng Tổng thống.

Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền, có hiến pháp và luật pháp nên mọi tổ chức, cá nhân khi hoạt động trên Lãnh thổ Việt Nam phải tôn trọng pháp luật Việt Nam. Các trường hợp mà chúng gọi là “tù nhân lương tâm”, “những nhà hoạt động dân chủ “cuội”” như: Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Trần Huỳnh Duy Thức… thực chất là những công dân đã vi phạm pháp luật Việt Nam, những hành vi phạm tội của họ đã được quy định rõ trong pháp luật Việt Nam, tòa án Việt Nam có đủ bằng chứng để kết tội và họ phải chịu trách nhiệm là hoàn toàn chính xác, thể hiện sự nghiêm minh, thượng tôn của pháp luật.

Trong thời điểm diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch tăng cường lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, chúng dựa vào cái gọi là “tù nhân lương tâm” để tuyên truyền, bịa đặt, xuyên tạc sự thật nhằm thực hiện âm mưu bôi nhọ, vu cáo và chống phá Nhà nước Việt Nam, làm suy giảm lòng tin của nhân dân Việt Nam vào hệ thống chính trị của nước ta. Chúng thông qua một số tổ chức, cá nhân để đòi trả tự do cho cái gọi là “tù nhân lương tâm”. Không riêng gì ở Việt Nam mà còn nhiều nước khác trên thế giới, có rất nhiều cá nhân đã bị bắt giữ, thậm chí bị xét xử và phạt tù vì những tội danh làm tổn hại tới an ninh quốc gia, tung tin sai sự thật gây hoang mang trong dư luận, gây nguy hiểm cho người dân... Chúng sử dụng chiêu bài “đòi tự do lập hội” nhằm mục đích tập hợp, thu hút nhiều người tham gia để cổ súy cho hoạt động, kích động các tổ chức gây sức ép yêu cầu dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng phải có chủ trương cho “xã hội dân sự” phát triển và nới lỏng kiểm soát an ninh mạng, tạo các điều kiện thuận lợi cho chúng hoạt động...

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định tôn trọng và bảo đảm quyền của mọi người dân được bày tỏ quan điểm của mình một cách công khai nhưng kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng quyền tự do, vấn đề dân chủ, nhân quyền để gây bất ổn chính trị, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người là những minh chứng sinh động để bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

An Nhiên

 

TRƯƠNG CHÂU HỮU DANH - KẺ NGỤY QUÂN TỬ

             Thời gian gần đây khi Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Cần Thơ tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trương Châu Hữu Danh, để điều tra về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

 Lợi dụng vấn đề này, một số đài, báo phản động và đối tượng chống đối cực đoan trong và ngoài nước đã ra sức gào thép, rêu rao cho rằng Trương Châu Hữu Danh là một người hùng vì sự trong sạch của xã hội dám đứng lên đấu tranh, nhất là vụ việc liên quan cái gọi là Chiến dịch “đánh BOT”. Chiến dịch này được kết hợp gồm 3 thành viên cốt cán thề non hẹn biển, đó là: Trương Châu Hữu Danh, Ngô Thị Oanh Phương (Phương Ngô), Huỳnh Long và lôi kéo nhiều hung thần xa lộ tham gia tung hô với mục đích xóa bỏ những trạm thu phí “lợi ích nhóm” nhưng thật sự không phải như vậy. Trương Châu Hữu Danh biết lợi dụng cái mác phóng viên điều tra đã từng làm cho một số tờ báo, ngụy biện với chủ đề chống tiêu cực để phục vụ cho mưu đồ là “kiếm lợi, kiếm danh” từ lòng tin của cộng đồng. Cây kim trong bộc lâu ngày cũng lòi ra - Trương Châu Hữu Danh đã lộ rõ nguyên hình là một tên ngụy quân tử. Đến nỗi một thành viên cốt cán, tay chân của hắn là Ngô Thị Oanh Phương khi đã nhận ra bộ mặt thật của  Danh đã thốt lên một cách ai oán rằng “Trương Châu Hữu Danh là kẻ đu bám đề tài đánh BOT để nổi tiếng và cướp công đánh BOT của cả nhóm mà quên đi những người từng tham gia và hiện đang phải ngồi tù".

           Câu chuyện về Trương Châu Hữu Danh có lẽ không bàn cãi chi nhiều, vì Hữu Danh hay Vô Danh cũng chỉ là một kẻ hám danh, hánh lợi dung tục như một số phàm phu tục tử khác – nhưng sự thật về đối tượng này không chỉ dừng lại ở đó mà cần phải lên án và cảnh giác. Dẫu biết rằng mọi so sánh điều khập khiễng, nhưng có thể nói rằng Trương Châu Hữu Danh là Nhạc Bất Quần khoác vỏ bọc Lệnh Hồ Xung -  hắn đang ngấm ngầm với ý đồ nham hiểm, luôn cổ súy cho sự hình thành cái gọi là “xã hội dân sự” (civil society) ở Việt Nam. Đây là âm mưu hết sức nguy hiểm và thâm độc luôn được các thế lực bên ngoài đặc biệt chú trọng thúc đẩy, hình thành theo tiêu chí phương Tây để thực hiện các cuộc Cách mạng màu (colour revolution), mùa xuân Ả Rập...  nhằm lật đổ chế độ xã hội ở nước ta. (thực tiễn đã xảy ra ở các nước Liên Xô và Đông Âu năm 1990, hay biến động chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi năm 2012). Có thể nêu ra một số một số cuộc “cách mạng sắc màu” trên thế giới: Cuộc “cách mạng nhung” tại Nam Tư năm 2000, Cuộc “cách mạng hoa hồng” ở Gruzia năm 2003, Cuộc “cách mạng màu cam” tại Ucraina năm 2004, cuộc “cách mạng hoa tuy- lip” tại Cưrơgưxtan năm 2005…
             Trong giai đoạn hiện nay lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, xã hội dân sự các đối tượng cực đoan luôn tìm cách chống Đảng, nhà nước ta. Do đó, chúng ta cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao tinh thần cảnh giác cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân các giai tầng xã hội để thấy rõ bản chất thật của những kẻ độị lốp ngụy quân tử như Trương Châu Hữu Danh và âm mưu của các thế lực thù địch trong việc cổ súy và sử dụng các tổ chức “xã hội dân sự” vào mục đích thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Kiên quyết giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ đất nước ổn định và phát triển đúng định hướng./.
                                                                                               
                                                                                                          Thanh Thiên

“PHÁO HOA” TRONG DỊP TẾT, NGƯỜI DÂN CẦN HIỂU ĐÚNG, TRÁNH VI PHẠM PHÁP LUẬT

 

Liên quan đến việc quản lý, sử dụng pháo, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 137) có hiệu lực từ ngày 11/01/2021 và thay thế Nghị định 36/2009/NĐ-CP. Theo đó, Chính phủ cho phép các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được sử dụng pháo hoa trong các dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Điều này đã được dư luận đón nhận với sự quan tâm đặc biệt, nhất là khi tết nguyên đán Tân Sửu đang đến gần. Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều người hiểu chưa đúng bản chất của quy định này. Nhiều ý kiến cho rằng ai cũng được đốt pháo hoa, hoặc loại pháo hoa nào cũng được phép đốt…. Việc hiểu không kỹ, hiểu sai bản chất của Nghị định 137 sẽ rất dễ dẫn đến những vi phạm không đáng có, nhiều trường hợp vi phạm dẫn đến bị xử lý hình sự.

Vậy nên bài viết xin cung cấp lại những thông tin để chúng ta hiểu, thực hiện đúng luật đối với vấn đề sử dụng pháo trong thời gian sắp đến:

Thứ nhất: Ai được đốt pháo hoa? Theo Điều 17 Nghị định 137 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân “có năng lực hành vi dân sự đầy đủ” (người đủ 18 tuổi trở lên và không bị mắc các bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức hoặc điều khiển được hành vi của mình hoặc bị hạn chế năng lực hành vi hoặc các chất kích thích khác) thì được sử dụng pháo hoa.

Thứ hai: Pháo hoa được sử dụng trong trường hợp nào? Đó là các dịp: lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Cùng với đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa do các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng sản xuất. Các doanh nghiệp này đã được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp kinh doanh pháo hoa còn phải có kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh pháo hoa phù hợp, bảo đảm điều kiện về bảo quản, vận chuyển, phòng cháy chữa cháy….

Thứ ba: Người dân được đốt loại pháo nào từ ngày 11/01/2021? Đó là pháo hoa, là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi đốt chỉ gây ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và ĐẶC BIỆT LÀ KHÔNG GÂY RA TIẾNG NỔ.

Thứ tư: Người dân không được sử dụng loại pháo nào? Đó là pháo nổ và pháo hoa nổ. Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian thì được gọi là pháo hoa nổ. Vì vậy, ta cần phân biệt rõ rang giữa pháo hoa và pháo hoa nổ.


Tết nguyên đán Tân Sửu 2021 đang cận kề, và đây cũng là thời điểm nhiều đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo nổ trái phép, lực lượng Công an trên toàn quốc đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ, pháo nổ trái phép và đây là những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Rất mong muốn người dân cần phân biệt đúng giữa pháo hoa với pháo hoa nổ, hiểu các quy định trong việc sử dụng pháo hoa để tránh các hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian sắp tới.

 

 

 

SỰ THẬT VỀ PHÁP LUÂN CÔNG – MỌI NGƯỜI NÊN CẢNH GIÁC

Tôi được sinh ra và lớn lên tại phường 7, TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Vợ chồng tôi thích thể dục, thể thao nên sáng nào cũng cùng ra Công viên Thanh thiếu niên tập thể dục. Ban đầu, khi thấy một số người cùng luyện tập chung một phương pháp kiểu như ngồi thiền, vợ chồng tôi cứ nghĩ là một bài dưỡng sinh bình thường hay đại loại là thế nên cũng không tìm hiểu thêm. Sau đó, nghe một vài bác cao niên trong khu phố cho biết, ở Tuy Hòa, một số người vẫn thường xuyên tuyên truyền, rỉ tai để mời mọc, lôi kéo người khác tham gia tập luyện loại hình này – gọi là Pháp luân công, với những lời quảng cáo có cánh: “Cực kỳ có lợi cho sức khỏe”, “Chữa được bách bệnh”, “Hướng thiện, tích đức”... Một số khác lại hay lui tới nhà sách, chợ hoặc nơi đông người khác để tán phát tài liệu tuyên truyền Pháp luân công. Nghe đâu đây là tài liệu xuất bản trái pháp luật, hành vi tán phát tài liệu này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Hình ảnh minh họa

Vài tháng trở lại đây, tại Công viên Thanh thiếu niên, ngoài việc luyện tập như thường lệ, những người tham gia Pháp luân công còn có hoạt động khua chiêng, gõ mõ, đánh trống và tự giới thiệu là “Nghệ thuật thần vận”. Không biết nghệ thuật chỗ nào nhưng tiếng ồn phát ra từ hoạt động trên gây không ít phiền toái cho người dân sống xung quanh và đã có người báo cáo với chính quyền về việc này.

Vì chưa hiểu rõ về bộ môn này nên bản thân đã tìm hiểu từ nhiều nguồn, được biết, Pháp luân công không phải là một tôn giáo hay là một tín ngưỡng; không có giáo lý, giáo luật mà vay mượn, cắt xén của các tôn giáo khác để hình thành. Ở Việt Nam, pháp luật không cấm người dân luyện tập Pháp luân công nhưng những vụ việc đã xảy ra liên quan đến môn tu luyện này đáng được lưu tâm.

Điển hình là vụ các học viên Pháp luân công giết người sau đó giấu xác trong phuy nhựa, sau đó đổ bê tông vào - xảy ra ở Bình Dương vào năm 2019; vụ các đối tượng Pháp luân công có mưu đồ kéo đổ tượng đài Lênin và đập phá Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bị cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn vào năm 2014; nhiều vụ học viên Pháp luân công bị bắt khi đang tàng trữ, chuẩn bị tán phát tài liệu có nội dung chống chính quyền; học viên Pháp luân công chết trong lúc tu luyện; nhiều bệnh nhân là học viên Pháp luân công không đồng ý điều trị vì tin rằng luyện tập Pháp luân công sẽ chữa được bách bệnh dẫn đến nhiều cái chết thương tâm hay hàng loạt cuộc hôn nhân bị đổ vỡ, gia đình ly tán, con cái bị bỏ mặc do bố hoặc mẹ, hoặc cả hai tôn sùng Pháp luân công nên “không màn thế sự”...

Thiết nghĩ, người dân mình cần phải cảnh giác, cái gì hay thì học, lan tỏa; cái gì dở, cái gì xấu như Pháp Luân Công là loại bỏ, tránh xa, cho dù có ai tuyên truyền, dụ dỗ cỡ nào./.

 

Trần Khôi.



TÁC HẠI CỦA CÁC VIDEO “NHẢM” TRÊN YOUTUBE

            Thời gian qua, trên không gian mạng xuất hiện không ít video có nội dung xấu, độc, định hướng tiêu cực đối với dư luận, gây ra những hệ lụy không nhỏ đối với xã hội.

Dễ thấy nhất là nhiều kênh Youtube có hàng triệu lượt xem nhưng liên tục giới thiệu hàng loạt các món ăn kỳ dị, ghê rợn; những cá nhân chia sẻ trực tuyến hình ảnh bản thân với những lời nói, hành vi thô tục, phản cảm và mặc dù bị người xem mắng chửi thậm tệ nhưng họ vẫn mặc kệ, miễn là có nhiều lượt like, lượt xem; những “giang hồ mạng” với hàng loạt video cổ vũ bạo lực, ngôn từ tục tĩu, thế nhưng lại có hàng ngàn người hâm mộ, nhất là các em học sinh trẻ tuổi. Các video này được đăng tải phần lớn vì mục đích kiếm tiền thông qua các trang mạng xã hội hoặc thậm chí chỉ là câu like, câu view nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi bản thân bằng bất cứ giá nào.

Căn cứ các quy định của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, các cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính nhiều trường hợp về hành vi đăng tải các video với nội dung trên. Đơn cử là trường hợp chủ tài khoản Youtube “Hưng Vlog” (Nguyễn Văn Hưng, sinh năm 1992, quê Bắc Giang, con trai của “bà Tân Vlog”) bị xử phạt 7,5 triệu đồng vì hành vi đăng clip nấu cháo gà để nguyên lông, sau đó tiếp tục bị xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng do đăng tải video dạy cách trộm tiền trong heo đất với tiêu đề “Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi”. Một trường hợp khác là Bùi Xuân Huấn (tức Huấn “Hoa Hồng”) bị phạt 7,5 triệu đồng sau khi sử dụng tài khoản Facebook "Huấn Hoa Hồng" livestream vu khống cán bộ, công chức thanh niên TP.HCM sử dụng ma túy; sau đó tiếp tục bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng vì hành vi đăng tải video sai sự thật trên Facebook cá nhân, cụ thể: Huấn đã tải video từ chương trình Chuyển động 24h phát sóng vào tối 17/10/2020 có nội dung đề cấp đến hoạt động từ thiện xã hội đối với đồng bào Miền Trung sau đó cắt ghép hình ảnh của mình vào và tự tung hô, quảng cáo là bản thân Huấn đi cứu trợ.


Những video có nội dung xấu, độc hiện nay đang gây ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ. Để giảm thiểu tác động, định hướng tiêu cực của những video “nhảm” và ngăn ngừa sự xuất hiện tràn lan của những video này, mỗi chúng ta cần hạn chế tiếp cận, xem những video “nhảm”, thường xuyên vận động, tuyên truyền cho gia đình, bạn bè biết được những tác động xấu, các mặt tiêu cực của mạng xã hội từ đó biết cách phòng tránh. Các bậc phụ huynh cần có sự quản lý chặt chẽ đối với con em mình, không để các em tiếp cận với các video, thông tin xấu, độc trên mạng xã hội vì các em thường nhận thức chưa đầy đủ, chưa có tư duy phản biện, dễ bị định hướng nên dễ tin, làm theo những gì mình xem và làm theo để thể hiện bản thân.

Hãy là người sử dụng mạng xã hội thông minh góp phần xây dựng một cộng đồng văn hóa, phát triển. Nói không với video “nhảm” trên mạng xã hội./.

Bảo Yến