Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2021

“PHÁO HOA” TRONG DỊP TẾT, NGƯỜI DÂN CẦN HIỂU ĐÚNG, TRÁNH VI PHẠM PHÁP LUẬT

 

Liên quan đến việc quản lý, sử dụng pháo, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 137) có hiệu lực từ ngày 11/01/2021 và thay thế Nghị định 36/2009/NĐ-CP. Theo đó, Chính phủ cho phép các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được sử dụng pháo hoa trong các dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Điều này đã được dư luận đón nhận với sự quan tâm đặc biệt, nhất là khi tết nguyên đán Tân Sửu đang đến gần. Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều người hiểu chưa đúng bản chất của quy định này. Nhiều ý kiến cho rằng ai cũng được đốt pháo hoa, hoặc loại pháo hoa nào cũng được phép đốt…. Việc hiểu không kỹ, hiểu sai bản chất của Nghị định 137 sẽ rất dễ dẫn đến những vi phạm không đáng có, nhiều trường hợp vi phạm dẫn đến bị xử lý hình sự.

Vậy nên bài viết xin cung cấp lại những thông tin để chúng ta hiểu, thực hiện đúng luật đối với vấn đề sử dụng pháo trong thời gian sắp đến:

Thứ nhất: Ai được đốt pháo hoa? Theo Điều 17 Nghị định 137 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân “có năng lực hành vi dân sự đầy đủ” (người đủ 18 tuổi trở lên và không bị mắc các bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức hoặc điều khiển được hành vi của mình hoặc bị hạn chế năng lực hành vi hoặc các chất kích thích khác) thì được sử dụng pháo hoa.

Thứ hai: Pháo hoa được sử dụng trong trường hợp nào? Đó là các dịp: lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Cùng với đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa do các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng sản xuất. Các doanh nghiệp này đã được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp kinh doanh pháo hoa còn phải có kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh pháo hoa phù hợp, bảo đảm điều kiện về bảo quản, vận chuyển, phòng cháy chữa cháy….

Thứ ba: Người dân được đốt loại pháo nào từ ngày 11/01/2021? Đó là pháo hoa, là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi đốt chỉ gây ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và ĐẶC BIỆT LÀ KHÔNG GÂY RA TIẾNG NỔ.

Thứ tư: Người dân không được sử dụng loại pháo nào? Đó là pháo nổ và pháo hoa nổ. Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian thì được gọi là pháo hoa nổ. Vì vậy, ta cần phân biệt rõ rang giữa pháo hoa và pháo hoa nổ.


Tết nguyên đán Tân Sửu 2021 đang cận kề, và đây cũng là thời điểm nhiều đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo nổ trái phép, lực lượng Công an trên toàn quốc đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ, pháo nổ trái phép và đây là những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Rất mong muốn người dân cần phân biệt đúng giữa pháo hoa với pháo hoa nổ, hiểu các quy định trong việc sử dụng pháo hoa để tránh các hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian sắp tới.

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét