Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2022

ĐỐI NGOẠI MANG ĐẬM BẢN SẮC “CÂY TRE VIỆT NAM”


Ngày 14/02/2022, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Bài phát biểu tuy ngắn gọn nhưng hết sức súc tích và sâu sắc của Tổng Bí thư.

Trong đó, Tổng Bí thư đã nêu bật lên những thành tựu trong quá trình xây dựng đất nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, truyền thống văn hóa lâu đời của Nhân dân ta. Những tư tưởng đối ngoại độc đáo và nhân văn mà trọng tâm là tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đối ngoại - Người đặt nền móng cho ngành ngoại giao Việt Nam với nhiều phương châm xuyên suốt vì lợi ích tối cao của Quốc gia, Dân tộc”...


Đáng chú ý, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển ”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”.

Đồng chí Tổng Bí thư đã nhấn mạnh bản sắc Việt Nam như lời bài thơ Tre Việt Nam:

“... Tre xanh,

Xanh tự bao giờ?

Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh.

Thân gầy guộc, lá mong manh,

Mà sao nên lũy nên thành tre ơi

Ở đâu tre cũng xanh tươi,

Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu...”

Qua đó, đồng chí Tổng Bí thư gợi ý 06 vấn đề liên quan lĩnh vực ngoại giao nhằm góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng, quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc - trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”.

Ma Trung

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2022

ĐỪNG CHỦ QUAN VỀ TÌNH HÌNH DỊCH COVID-19

             
Sau tết Nguyên đán, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước diễn biến phức tạp, số lượng F0 liên tục tăng mạnh. Riêng ở Phú Yên, đã ghi nhận số ca F0 trong những ngày gần đây chạm mốc 1.200 ca/ngày và có nhiều trường hợp tử vong. Một số người đã nảy sinh tâm lý “ai cũng sẽ là F0” với suy nghĩ “đã tiêm 3 mũi rồi, có F0 cũng nhẹ thôi, nghỉ vài ngày sẽ khỏi” hoặc “Tiêm ba mũi + F0 = siêu kháng thể” nên mặc sức đi du lịch, tụ tập, giao lưu... Chưa lúc nào nguy cơ nhiễm COVID-19 lại hiện hữu rõ ràng như vậy, bất kể lúc nào, ở đâu, bạn cũng có thể trở thành F0.


Kết quả thống kê của ngành Y tế cho thấy, mặc dù số F0 có triệu chứng nặng, phải điều trị tại các cơ sở Y tế là không cao (chưa đến 4%) nhưng nhiều người trong số đó đã không qua khỏi; chứng “hậu COVID-19” khá phổ biến ở những người mắc bệnh, trong đó, khoảng 10 - 15% trường hợp tiến triển nặng và 5% trở nên nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến tính mạng, sức khỏe, sinh hoạt của cá nhân và gia đình người bệnh. Tuy chưa khẳng định chắc chắn nhưng các chuyên gia y tế thế giới cho rằng “hậu Covid-19” sẽ tồn tại rất dai dẳng và khó điều trị. Điều đáng lo hơn, nếu trẻ em chưa được tiêm vaccine hoặc người cao tuổi, có bệnh nền trở thành F0 thì hậu quả sẽ rất khó dự báo.   

Thực tế cho thấy, khi một người trở thành F0, có quá nhiều vấn để nảy sinh mà khi chưa nhiễm bệnh ta chẳng thể hình dung: Cuộc sống, sinh hoạt, công việc bị đảo lộn; sức khỏe, thậm chí tính mạng của bản thân, người thân bị ảnh hưởng, đe dọa; áp lực cho ngành y tế trong điều trị, hướng dẫn điều trị... Trường hợp cùng lúc có quá nhiều người cùng nhiễm bệnh thì hệ lụy khôn lường.  

Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên hoang mang khi số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh. Song, cần tránh tâm lý chủ quan, chờ đợi “đến lượt thành F0” vô tình làm dịch bệnh lây lan, diễn biến phức tạp. Thực hiện nghiêm túc “5K”, tránh tụ tập, giao lưu khi không cần thiết là biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và sự an toàn của xã hội./.