Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2022

PHÒNG CHỐNG TÌNH TRẠNG SUY THOÁI, BIỂU HIỆN “TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA” LÀ NHIỆM VỤ THƯỜNG XUYÊN, QUAN TRỌNG HÀNG ĐẦU TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

 

Vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được Đảng ta đặc biệt quan tâm hàng đầu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, việc phòng chống các biểu hiện này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định sự tồn vong của chế độ. Ngay từ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 khóa VIII, Đảng ta đã chỉ rõ “Trong Đảng đang bộc lộ một số yếu kém: Sự suy thoái về tư tưởng, chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn”. Đại hội lần thứ X, XI Đảng đã nhấn mạnh “Thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi...Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ”, “Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp...làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”. Đến Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, ”tự chuyển hóa” trong nội bộ (Nghị quyết TW4 khóa XII). Tại Nghị quyết, Đảng đã nêu ra 27 biểu hiện để nhận diện việc suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, ”tự chuyển hóa”.


Theo thông báo kết quả Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, qua 05 năm thực hiện Nghị quyết TW4 khóa XII, Đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo những nhiệm vụ cấp bách, cần làm ngay và những nhiệm vụ thường xuyên; đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đổi mới công tác cán bộ; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; tăng cường kiểm tra, giám sát; kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền; xử lý kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm đã góp phần ngăn chặn tiêu cực, có tác dụng cảnh báo, răn đe, phòng ngừa và đã chỉ rõ nguyên nhân cơ bản của tham nhũng chính là từ tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Trong nhiệm kỳ XII, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 87.210 đảng viên, trong đó có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý cả đương chức lẫn nghỉ hưu; các cấp ủy đã phát hiện, xử lý kỷ luật 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa; có 5.205 cán bộ, đảng viên bị xử lý theo pháp luật; trong đó đã xử lý nhiều cán bộ cao cấp, cả đương chức và nghỉ hưu, có tác dụng cảnh báo, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, ngăn chặn “lợi ích nhóm”, vi phạm pháp luật.

Tại Hội nghị, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã kết luận các nội dung về đẩy mạnh, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Qua đó, Ban Chấp hành Trung ương đã khẳng định nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình thực hiện Nghị quyết TW4 khóa XII chủ yếu là nguyên nhân chủ quan, cụ thể: Một bộ phận cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc, toàn diện về tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lập trường tư tưởng không vững vàng; một số ít sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, thực dụng, tham vọng quyền lực, coi thường kỷ luật, kỷ cương. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chưa đánh giá đúng, chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tại địa phương, cơ quan, đơn vị do mình quản lý; chưa thực hiện gương mẫu trong thực hiện Nghị quyết, chưa có biện pháp đủ mạnh để làm chuyển biến thực chất tình hình ở địa phương, cơ quan, đơn vị, còn thụ động, né tránh, trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thực hiện nghiêm các nguyên tắc, quy định của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; có nơi còn mất đoàn kết nội bộ, có biểu hiện cục bộ, “lợi ích nhóm”. Không ít cán bộ, đảng viên còn thờ ơ, vô cảm, chưa thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Đảng ta nhận định thời gian tới, những nguy cơ mà Đảng chỉ ra vẫn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn; tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, sự chống phá của các thế lực thù địch còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh toàn diện công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị. Trong đó, phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết TW4 khóa XII, đồng thời, bổ sung nhấn mạnh thêm 02 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm.

Tại tỉnh Phú Yên, nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng bộ tỉnh đã xử lý kỷ luật 12 tổ chức đảng và 627 đảng viên. Riêng năm 2021, các cấp ủy đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 03 tổ chức Đảng, 157 đảng viên (trong đó khiển trách 86, cảnh cáo 26, cách chức 4, khai trừ khỏi Đảng 41). Giai đoạn 2016-2021, có hơn 500 trường hợp bị xóa tên khỏi Đảng. Những nội dung vi phạm chủ yếu như: Vi phạm những điều đảng viên không được làm; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương, phẩm chất đạo đức, lối sống; tham nhũng, cố ý làm trái…vv. Dù với bất cứ lý do gì thì việc đảng viên bỏ sinh hoạt đảng, bị xóa tên khỏi Đảng, bị xử lý kỷ luật là dấu hiệu của biểu hiện suy thoái, thiếu ý chí phấn đấu. Điều này rất cần tổ chức đảng các cấp đánh giá tổng thể, phân tích rõ nguyên nhân và đề ra giải pháp để định hướng, khắc phục tình trạng này.

Hiện tại, toàn tỉnh có hơn 44.000 đảng viên sinh hoạt tại hơn 400 tổ chức cơ sở đảng. Phần lớn cán bộ, đảng viên đều có sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo. Trong thời gian qua, bên cạnh một số cán bộ, đảng viên mạnh dạn đăng tải hoặc chia sẻ các thông tin để thể hiện các quan điểm, ý kiến cá nhân về tuyên truyền, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, phản bác các thông tin sai trái, tiêu cực thì vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên thờ ơ, phớt lờ những vấn đề xã hội đang quan tâm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai cũng không phê phán, đấu tranh…Đây cũng là một trong những tình trạng mà các cấp ủy đảng rất đáng quan tâm và phải có các giải pháp khắc phục, định hướng kịp thời, nếu không sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Để phòng, chống tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đòi hỏi toàn Đảng và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc triển khai các nhóm nhiệm vụ và giải pháp mà Ban chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ ra. Đi đầu là các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên; mỗi cán bộ, đảng viên phải là chiến sỹ tiên phong trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đi đầu trong việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, tiêu cực; tích cực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương, phòng chống các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

                                                                                Như Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét