Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2022

"XẢ SÚNG TỰ DO" KIỂU MỸ

 

          Trong những ngày gần đây, tình trạng xả súng bắn chết nhiều người tại Mỹ diễn ra thường xuyên và ở bất cứ địa điểm nào cũng đều có thể xảy ra được, từ trường học đến công ty, những “công dân Mỹ” đều có thể xả súng tuỳ thích, giết chết hàng loạt người dân vô tội trong đó có cả trẻ em và phụ nữ.

          Qua theo dõi số liệu thống kê cho thấy tình trạng xả súng tại Mỹ vẫn thường xuyên diễn ra, đáng chú ý ngày càng gia tăng cả về mật độ và mức độ. Nếu trong năm 2021 ghi nhận 61 vụ khiến 103 người chết và 140 người bị thương, thì từ đầu năm 2022 đến nay có hơn 200 vụ làm hơn 70 người chết và hàng trăm người vị thương trong đó có trẻ em, học sinh, phụ nữ và cả cảnh sát.

          Thiết nghĩ những kẻ được tự do mua súng, xả súng theo ý thích để cướp đi sinh mạng của nhiều người như vậy là rất đáng lên án. Có ai thích kiểu tự do ấy chứ tôi thì không bao giờ. Tuy nhiên, một số cá nhân, phần tử xấu lại cho rằng việc ở Mỹ xả súng làm chết nhiều người lại là “chuyện bình thường”, thậm chí còn được khuyến khích, nhưng khi Việt Nam xử lý các đối tượng phản động, chống đối để giữ vững trật tự xã hội thì lại cho rằng Việt Nam thiếu dân chủ, nhân quyền.

          Hiện tại ở nước ta có rất nhiều bạn trẻ muốn sang Mỹ để học tập và làm việc, tuy nhiên các bạn hãy thận trong khi quyết định tương lai. Đi học cái tiến bộ văn minh thì được, đừng học cái hệ tư tưởng “tự do kiểu xả súng” là được.

MA TRUNG

 

CẢNH GIÁC VỚI LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC XUNG QUANH VIỆCCẤP CĂN CƯỚC CÔNG DÂN CÓ GẮN CHÍP ĐIỆN TỬ VÀ TÀI KHOẢN ĐỊNH DANH CÁ NHÂN ĐIỆN TỬ CHO CÔNG DÂN

 

          Trong tiến trình xây dựng đất nước Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, nhất là trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên phạm vi toàn cầu, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ để phục vụ hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, quản lý dân cư và đảm bảo quyền lợi cho người dân.

          Việc triển khai 2 dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân (CCCD), và mới đây là việc cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân thông qua cấp CCCD theo Đề án số 06 của Chính Phủ đã phê duyệt, điều này giúp gia tăng thêm tiện ích cho người dân khi giao dịch dịch vụ hành chính công trên môi trường online, đây là những chủ trương lớn nhằm góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và tạo nền tảng hình thành công dân số trên không gian mạng.

          Với việc ứng dụng những thành tựu công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, thẻ CCCD gắn chíp và tài khoản định danh điện tử cấp cho công dân không những giúp thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi phương thức quản lý con người từ thủ công sang hiện đại, mà còn đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ các yếu tố an ninh an toàn và có khả năng bảo mật thông tin ở mức độ rất cao. Đồng thời, có thể phòng ngừa các loại giấy tờ giả mạo, giảm chi phí việc công chứng nhiều loại giấy tờ truyền thống, tạo thuận lợi cho công dân khi thực hiện các dịch vụ trực tuyến của Chính phủ điện tử. Hơn nữa, mức độ an toàn, bảo mật của chíp rất cao và việc đối sánh sinh trắc học có thể thực hiện ngay trên chíp nên thông tin định danh của công dân được lưu trên thẻ và tài khoản định danh điện tử là không thể thay đổi.

            Tuy nhiên, trong thời gian qua, đã xuất hiện những thông tin sai lệch, ngược chiều, chống phá chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về việc triển khai cấp CCCD có gắn chíp và tài khoản định danh điện tử cho công dân, như: thẻ CCCD gắn chíp và tài khoản định danh điện tử có định vị, dễ lộ, lọt thông tin cá nhân, hành dân, xâm phạm sự riêng tư của cá nhân, vi phạm nhân quyền... Từ đó kêu gọi mọi người phản đối việc thực hiện cấp CCCD gắn chíp và tài khoản định danh điện tử nhằm mục đích đánh vào tâm lý của một bộ phận người dân còn thiếu hiểu biết, để từ đó tạo nên sự hoài nghi vào chủ trương của Nhà nước.

Lực lượng Công an các cấp đã, đang và sẽ tiếp tục rà soát các trường hợp công dân già yếu, bệnh tật, đi lại khó khăn,…để đến làm CCCD ngay tại nhà mà không hề quản ngại khó khăn, gian khổ, cùng với nhiều cách làm hay, sáng tạo, sâu sát, quyết liệt, an toàn, hiệu quả, đã nhận sự đồng thuận, ủng hộ cao của cấp ủy, chính quyền và quần chúng nhân dân, góp phần tạo nên sự thành công về cơ bản của hai Dự án, làm cơ sở để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án số 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt thực hiện từ ngày 01/6/2022.

 

 

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2022

Những điều cần biết về Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia


Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06). Đây là đề án liên quan đến những đột phá chiến lược, lợi ích của quốc gia, của người dân và của doanh nghiệp với những nội dung cơ bản sau:

1. Mục tiêu của Đề án:

Mục tiêu tổng quát của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ CCCD gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích: (1) Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. (2) Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. (3) Phục vụ công dân số. (4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư. (5) Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Tương ứng với đó là danh mục 52 nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương với các mốc thời gian hoàn thành rất cụ thể.



2. Lợi ích mà người dân, doanh nghiệp được hưởng khi Đề án triển khai

- Khi hệ thống định danh và xác thực điện tử được đưa vào sử dụng sẽ là nền tảng để phát triển hệ sinh thái số trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn kết với chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm thông tin, dữ liệu điện tử chỉ cần cung cấp, số hóa một lần.

- Mỗi người dân và doanh nghiệp được cung cấp tài khoản định danh điện tử để phục vụ các giao dịch trên môi trường điện tử gắn với các hệ sinh thái chữ ký số, hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử… tạo ra điều kiện cho công dân và doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Với các tổ chức tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử… kết nối, sử dụng các ứng dụng của Hệ thống định danh và xác thực điện tử thì các tài khoản người dùng đều được xác thực đảm bảo đúng với danh tính của từng công dân tạo sự minh bạch, góp phần trong công tác đấu tranh, phòng, chống rửa tiền, giảm gian lận và lừa đảo trên không gian mạng.

- Bên cạnh đó, định danh và xác thực điện tử cũng rất có ý nghĩa với lĩnh vực thuế. Từ đây với mỗi mã số thuế cá nhân sẽ được gắn đúng cho công dân theo số định danh cá nhân, mã số thuế doanh nghiệp sẽ được gắn đúng theo pháp nhân chịu trách nhiệm; qua đó làm giảm tối đa tình trạng trốn thuế, tránh thất thoát cho ngân sách Nhà nước.

- Căn cứ theo từng số định danh cá nhân của công dân sẽ được cấp mã bảo hiểm xã hội, mã bảo hiểm y tế giúp thông tin minh bạch, xác định được đúng đối tượng được hưởng chính sách.

3. Những điều cần biết về định danh và xác thực điện tử

Tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an. Tài khoản này được quản lý và xác thực trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia do Bộ Công an phát triển (cụ thể là ứng dụng VNEID). Khi công dân sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ được hưởng những lợi ích như:

- Thực hiện các dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia) các thông tin cá nhân sẽ được tự điền thông tin vào các biểu mẫu (form) đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết.

- Có thể cung cấp, chia sẻ, đảm bảo chính xác thông tin của mình với bên thứ 3 thông qua quét mã QRcode hoặc giải pháp kỹ thuật khác khi hệ thống của bên thứ 3 đủ điều kiện kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử.

- Thay thế CCCD vật lý và các loại giấy tờ mà công dân đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (giấy phép lái xe, đăng ký xe, thẻ bảo hiểm y tế,...).

- Thực hiện các giao dịch tài chính (thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, chuyển tiền…).

Do thông tin được xác thực từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dữ liệu gốc được Chính phủ giao cho Bộ Công an quản lý nên không thể giả mạo, đảm bảo chính xác và duy nhất. Vì vậy, khi công dân thực hiện các giao dịch điện tử sẽ thuận tiện và an toàn.

Thời gian tới, với vai trò nòng cốt, gương mẫu, đi đầu, lực lượng Công an đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện Đề án 06 theo đúng lộ trình đề ra. Sự đồng thuận của các cấp, các ngành, cán bộ công nhân, viên chức và các tầng lớp nhân dân cùng sự vào cuộc của chính quyền các cấp trong quá trình triển khai thực hiện sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ cũng như phát huy tối đa những lợi ích mà Đề án 06 mang lại cho người dân.

DK


Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở - Sự cần thiết và những nội dung cơ bản của dự thảo luật

 

Pháp luật hiện hành quy định Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; tham gia hỗ trợ cùng với lực lượng Công an trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự còn có các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách (gọi chung là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở). Tuy nhiên, trước yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, việc kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở là rất cần thiết. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết với những lý do sau đây:

Một là, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở.

Hai là, điều chỉnh thay đổi về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi được kiện toàn thành một lực lượng thống nhất; qua đó, tạo cơ sở pháp lý bình đẳng về địa vị pháp lý và xác định cụ thể vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với tính chất là lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản ở địa bàn cơ sở.

Ba là, kịp thời tạo cơ sở pháp lý để quy định cụ thể về hoạt động của lực lượng Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.

Bốn là, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và thi hành các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Năm là, sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

 Sáu là, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.

Bảy là, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực pháp lý cao quy định về bố trí lực lượng, hoạt động, nhiệm vụ của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.



Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm một số nội dung cơ bản đáng chú ý như sau:

(1) Về phạm vi điều chỉnh: Dự thảo Luật quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

(2) Về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Dự thảo Luật xác định rõ đây là lực lượng quần chúng tự quản, không thực hiện công tác quản lý, không trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở và làm nòng cốt trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (các nhiệm vụ này do Công an cấp xã thực hiện); lực lượng này chỉ tham gia hỗ trợ Công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản, tự bảo vệ về an ninh, trật tự trên địa bàn cấp xã.

(3) Dự thảo Luật quy định tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, sức khỏe của người tham gia lực lượng này bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thực tiễn, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở; cũng như quy định đầy đủ, rõ ràng, đồng bộ, thống nhất về quan hệ công tác, phối hợp của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với các cơ quan, tổ chức, các lực lượng có liên quan ở địa bàn cơ sở.

(4) Về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Dự thảo Luật quy định về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với 06 nhóm nhiệm vụ được giao, bao gồm: (1) Thu thập, tổng hợp tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách; (2) Tuyên truyền pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; (3) Tham gia xây dựng lực lượng dân phòng, thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; (4) Hỗ trợ thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội; (5) Tham gia vận động, giúp đỡ người vi phạm pháp luật đã bị xử lý trở về sinh sống tại cộng đồng; (6) Tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và thực hiện các nhiệm vụ khác về bảo vệ an ninh, trật tự.

(5) Về chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Dự thảo Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng: Hỗ trợ thường xuyên hằng tháng; hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế; được trang bị công cụ hỗ trợ, hồ sơ, sổ sách cần thiết để thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận để thực hiện nhiệm vụ; lực lượng này tiếp tục sử dụng địa điểm, nơi làm việc trước đây đã bố trí cho lực lượng Bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và sử dụng nhà sinh hoạt cộng đồng thôn để hoạt động.

(6) Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức: Dự thảo luật quy định trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, trách nhiệm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong việc quản lý, giám sát hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở./.

DK

CẢNH GIÁC VỚI HOẠT ĐỘNG LỪA ĐẢO TUYỂN DỤNG SANG NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC THÔNG QUA MẠNG XÃ HỘI

  

Thời gian qua, một số đối tượng lợi dụng các hội nhóm trên mạng xã hội facebook như: “Việc làm Campuchia”, “Việc làm Philippines - Campuchia - Dubai”, “Việc làm cho người Việt Nam tại Campuchia”,… để lôi kéo, dẫn dắt người lao động Việt Nam xuất cảnh trái phép sang nước ngoài làm việc. Chúng lợi dụng các đường mòn khu vực biên giới, thời điểm đêm khuya để tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện Tuy An các cơ quan chức năng đã phát hiện 03 trường hợp xuất cảnh trái phép sang Campuchia theo phương thức nêu trên.


Khi sang nước ngoài làm việc, người lao động Việt Nam không được đảm bảo các quyền lợi, bị bóc lột sức lao động, đánh đập. Khi có nguyện vọng về Việt Nam trước thời hạn hợp đồng, thì không được đồng ý, yêu cầu phải nộp tiền bồi thường từ 30 triệu đồng - 100 triệu đồng. Đặc biệt nguy hiểm hơn, chúng lợi dụng người lao động Việt Nam để lừa đảo các khách hàng tại Việt Nam với các hình thức, thủ đoạn tải các app chứng khoán giả, liên kết ngân hàng, nạp tiền và hoàn thành nhiệm vụ với mức hoa hồng từ 30% - 50%. Nhưng thực chất là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người chơi.

Việc người dân xuất khẩu lao động sang nước ngoài làm việc là nhu cầu chính đáng góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống Nhân dân. Tuy nhiên người dân cần hết sức cảnh giác, tìm hiểu thật kỹ công việc khi tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội. Khi có nhu cầu xuất khẩu lao động sang nước ngoài, cần liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện hoặc Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh. Không xuất cảnh trái phép hoặc môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép sang nước ngoài. Khi phát hiện người thân hoặc người dân địa phương,… bị các đối tượng xấu lôi kéo, tổ chức xuất cảnh trái phép thì kịp thời báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn./.

                                                                                                            CT

 

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2022

ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN ỨNG DỤNG DỮ LIỆU DÂN CƯ, ĐỊNH DANH VÀ XÁC THỰC ĐIỆN TỬ PHỤC VỤ CHUYỂN ĐỔI SỐ - VÌ LỢI ÍCH QUỐC GIA VÀ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI DÂN

 

Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký ban hành Quyết định số 06/QĐ- TTg phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến 2030” (Đề án 06). Theo lộ trình của Đề án 06 thì các thông tin công dân sẽ dần được tích hợp trên thẻ CCCD gắn chip điện tử, cùng với ứng dụng VNEID sẽ giúp người dân chỉ sử dụng duy nhất thẻ CCCD thay thế nhiều giấy tờ khác để thực hiện các giao dịch với các cơ quan Nhà nước bảo đảm chính xác và thuận tiện; hiện nay đã kết nối dữ liệu với bảo hiểm xã hội; thời gian tới là thẻ tín dụng ngân hàng, giấy phép lái xe; quyền đăng ký sử dụng đất; quyền sở hữu tài sản gắn với đất…



Đề án 06 hướng tới 05 nhóm tiện ích sau:

(1): Ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ưu tiên hàng đầu là 25 thủ tục thiết yếu liên quan đến người dân.

(2): Ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

(3): Ứng dụng phục vụ xây dựng công dân số.

(4): Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư.

(5): Ứng dụng phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Để góp phần đẩy nhanh tiến độ và thực hiện đúng lộ trình của Đề án 06, người dân cần sớm hoàn thành việc làm CCCD để hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư, góp phần phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế- xã hội, hướng tới mục tiêu người dân chỉ khai báo thông tin một lần với cơ quan Nhà nước trong thực hiện các thủ tục hành chính. Thực hiện được điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho đất nước, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

 

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2022

SỰ THÀNH CÔNG CỦA VIỆT NAM LÀ MINH CHỨNG SINH ĐỘNG PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH

 Trước sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng các phương tiện truyền thông đa phương tiện và số lượng người sử dụng gia tăng, nhất là các trang mạng xã hội đưa những thông tin sai sự thật, được tán phát dưới “vỏ bọc” tin tức ngày càng nhiều. Hiện nay, internet và các trang mạng xã hội rất khó quản lý, giám sát và kiểm duyệt. Vì vậy, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các công cụ này để đẩy mạnh các hoạt động chống phá từ bên ngoài, tạo dựng lực lượng chống đối từ bên trong, hòng gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội đối với nước ta. Tác hại của những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội có tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, tạo ra sự nghi ngờ, hoang mang, dao động dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Hệ lụy của nó ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân và cộng đồng xã hội. 


Những thông tin sai trái, độc hại không chỉ xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; “phi chính trị” hóa lực lượng vũ trang; hạ thấp uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà còn cố tình gây nhiễu loạn thông tin, tạo sự phân tâm trong xã hội, gieo rắc sự hoài nghi, bi quan, chán nản, thất vọng, thậm chí mất phương hướng, mơ hồ về chính trị ở một bộ phận giới trẻ đối với đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vô hình dung đã tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động làm phương hại đến quốc gia, dân tộc, ảnh hưởng đến gia đình và chính bản thân mình.

Những luận điệu xuyên tạc trên nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng. Các thế lực phản động, cơ hội chính trị lấy danh nghĩa đứng về phía nhân dân để chỉ trích Đảng và Nhà nước nhằm kích động một bộ phận nhân dân chống lại những quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó, thông qua việc bóp méo tình hình Việt Nam, các thế lực thù địch cũng cố tình xuyên tạc bản chất ưu việt, nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng.

Như: Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát trở lại, các thế lực thù địch đã tăng cường đăng tải, tán phát nhiều thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam; họ vin vào những khó khăn, bất cập trong thực hiện việc hỗ trợ do dịch gây ra ở một số địa phương để quy kết, bôi nhọ Đảng,

Nhà nước và chính quyền địa phương, tác động xấu đến tâm lý nhân dân, gây hại tới an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; Mới đây, một số tổ chức thiếu thiện chí, nhất là “Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Mỹ” (USCIRF) lại tiếp tục đưa ra những đánh giá thiên lệch, thậm chí bóp méo sự thật về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Bất chấp thực tế, Nhà nước Việt Nam ta luôn thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người. Hay một số tổ chức phi chính phủ “khoác áo nhân quyền”, trong báo cáo hàng năm thường xuyên vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam, nổi bật như: Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), có trụ sở tại Mỹ. HRW thông qua vấn đề “nhân quyền” hướng tới thành lập các tổ chức hoạt động chống CNXH dưới danh nghĩa “bảo vệ nhân quyền” đã mở ra một điều kiện mới để Mỹ, các nước phương Tây tăng cường hoạt động tác động về tư tưởng, văn hóa, dân chủ, nhân quyền vào các nước Đông Âu, Liên Xô trước đây. Ở với Việt Nam, HRW cổ súy, tán dương với những nhân vật hoạt động chống đối Nhà nước, vi phạm pháp luật…

Mạng xã hội cho chúng ta cơ hội tiếp xúc với tin tức một cách nhanh chóng, đôi khi sự việc chưa kịp lên báo chí chính thống thì chúng ta đã biết thông qua mạng xã hội. Đây chính là mảng đất màu mỡ, là điều kiện để các thế lực phản động, cơ hội chính trị hoạt động để nhiễu loạn thông tin tạo ra sự nghi ngờ, hoang mang, dao động dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng và nhà nước.

Vì vậy, với một “rừng” các thông tin trên mạng xã hội, youtube… người dân chúng ta cần tỉnh táo, thận trọng chúng ta có thể tự bảo vệ chính mình bằng cách suy nghĩ cẩn thận trước khi “like”, “share”, “comment” và hãy luôn tự hỏi nguồn tin này có đáng tin cậy không? Nó có uy tín và đã được kiểm duyệt chưa? Liệu có thể tìm thấy thông tin này từ nguồn báo chí chính thống hay không? Hãy tỉnh táo phân biệt được đâu là tin thật, đâu là thông tin xấu, độc của các thế lực chống đối tránh vi phạm quy định của pháp luật, góp phần phát huy những tác động tích cực, hạn chế, ngăn ngừa những tác động tiêu cực của mạng xã hội, góp phần ổn định chính trị - xã hội của đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi chúng ta.