Vừa
qua, cộng đồng mạng cùng với các phương tiện
truyền thông đại chúng đang lên án mạnh mẽ hành động của một TikToker khi đăng video
clip sử dụng hàng loạt những ngôn từ, lời lẽ phản cảm, xúc phạm, khinh miệt đối
với người nghèo, gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm người khác, không phù hợp
với thuần phong, mỹ tục của dân tộc của nam TikToker đã vấp phải sự phản ứng mạnh
mẽ từ cộng đồng mạng. Một làn sóng tẩy chay đối với nam TikToker này đã được
phát động và kết quả là tài
khoản của TikToker Nờ Ô Nô đã bị khóa trên nền tảng TikTok.
Ngay sau đó, Thanh tra Sở Thông tin và
Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh đã lập biên bản vi phạm và ban hành Quyết định
xử phạt vi phạm hành chính đối với TikToker này theo điểm b khoản 1 Điều 101
Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch
điện tử với mức phạt là 7,5 triệu đồng. Đây là những hậu quả thích đáng mà nam TikToker
phải gánh chịu sau hành vi lệch chuẩn của mình.
Qua sự việc này, chúng ta thấy được ý thức
cộng đồng và các chế tài pháp luật cùng lên tiếng một cách mạnh mẽ và kịp thời
để đấu tranh loại bỏ các sản phẩm giải trí “bẩn” vốn đang khá phổ biến hiện nay
trên không gian mạng.
Lâu nay có một công thức mà những người nổi tiếng, những người
có sức ảnh hưởng trên không gian mạng sau khi vướng phải các Scandal thường sử
dụng đó là tạm khoá tài khoản cá nhân, giữ im lặng và tránh tiếp xúc với truyền
thông một thời gian để tránh “bão” dư luận đợi đến khi mọi chuyện lắng xuống
thì quay trở lại hoạt động, thậm chí còn đắt show hơn trước. Điều đó phần nào
cho thấy công chúng, người dùng mạng ở nước ta vẫn có xu hướng khá dễ dãi đối với
các sản phẩm giải trí, với người nổi tiếng, người sản xuất nội dung giải trí.
Đã đến lúc cần đặt ra những tiêu chuẩn nghiêm khắc đối với
người sản xuất nội dung giải trí và tạo hệ miễn dịch cộng đồng đủ mạnh để tẩy
chay các sản phẩm bẩn, bảo vệ các giá trị đạo đức của xã hội.