Trong
thời kỳ công nghệ số phát triển hiện nay, việc phổ biến các sản phẩm văn hóa
trên môi trường mạng dễ dàng và nhiều cách thức hơn. Song cũng chính vì vậy
việc kiểm soát trở nên khó khăn, phức tạp hơn.
Hiện nay,
cùng với Tiktok, hai mạng xã hội lớn là Facebook và Youtube đã cho ra mắt Facebook
Stories và Youtube Shorts với những video được đăng tải có nội dung ngắn gọn, dễ xem, dễ nhớ, trở thành
một công cụ hiệu quả để lan tỏa những thông điệp tích cực đến cộng đồng, đặc
biệt là trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt
tích cực, các tính
năng này cũng đã và đang bộc lộ nhiều
tiêu cực. Dạo một vòng mạng xã
hội, không khó để bắt gặp những
trào lưu phản cảm, độc hại như: Sex jokes (trò đùa tình dục); nhảy múa khoe
thân; quảng cáo phim 18+, thuốc kích dục; giả vờ nghiện ma túy; kỳ thị vùng
miền,… gây ra làn sóng tranh cãi gay gắt trong dư luận.
Mới đây trên mạng xã hội Tiktok xuất hiện video của Tiktoker Nờ Ô NÔ
với những lời lẽ “miệt thị người nghèo” gây ra nhiều phản ứng tiêu cực trên
mạng xã hội... Việc sản xuất các video có nội dung
phản cảm nhằm gây thu hút người xem, câu like, câu view đã là căn bệnh kinh
niên của một bộ phận người dùng mạng xã hội.
Có thể thấy đối tượng sử dụng
mạng xã hội đa phần là những người trẻ, thanh thiếu niên đang trong quá trình
phát triển và hoàn thiện nhận thức, dễ bị thu hút bởi những nội dung mới,
"lạ", "độc", thậm chí là quái gở, phản cảm, trái với thuần
phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức. Với cơ chế hoạt động thông qua thời gian xem, lượt tương tác của người dùng tới các
video, từ đó hệ
thống sẽ dần dần làm rõ sở thích của người dùng và đề xuất các video
cùng chủ đề, xu hướng. Dẫn đến các clip “độc”,
“lạ” càng thu hút nhiều người xem,
những nội dung này lại càng được đề xuất, lên xu hướng, rồi trở thành trào lưu. Từ đó, giới trẻ lại tiếp thu và làm theo, đu theo xu hướng một cách
mù quáng khiến cho những trào lưu vô thưởng vô phạt, thậm chí độc hại có cơ hội
phổ biến nhiều hơn.
Hậu quả là có không ít trẻ em là
nạn nhân "nhiễm độc" thụ động từ chính những trào lưu nguy hiểm trên mạng xã hội. Có thể kể đến trường hợp bốn học sinh Trường
trung học cơ sở ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc đã bắt chước video trên
TikTok rồi rủ nhau lên đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai ném đá vào xe ô-tô đang
lưu thông; hay bé trai 10 tuổi ở Thành phố Hồ Chí Minh phải nhập viện trong
tình trạng vẹo cổ, đầu nghiêng sang một bên sau khi bắt chước một trò chơi nguy
hiểm trên mạng xã hội…
Do đó, bên
cạnh việc tăng cường các biện pháp quản lý, ngăn chặn nội dung xấu, độc trên
không gian mạng của các cơ quan chức năng. Người dùng mạng xã
hội cần phải cẩn trọng, có ý thức
tự bảo vệ mình khi sử dụng mạng xã hội, thông qua việc tự tạo một "bộ
lọc" phù hợp cho bản thân. Với những người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội cần phải lưu ý xây dựng những nội dung tuân thủ theo pháp luật,
phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức và thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Ngô Quyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét