Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2023

THỰC TRẠNG GIẢI QUYẾT MÂU THUẪN, TRANH CHẤP TRONG NHÂN DÂN

 

Trong những năm qua, chính quyền các cấp luôn quan tâm đến công tác giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân đặc biệt là mâu thuẫn, tranh chấp trong lĩnh vực đất đai. Chính sách, pháp luật về giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp ngày càng hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân, chính quyền địa phương thực hiện công tác hòa giải, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, trên thực tế, tình hình mâu thuẫn, tranh chấp trong lĩnh vực đất đai vẫn diễn ra rất phức tạp, đòi hỏi phải có những giải pháp hết sức căn cơ, đồng bộ, với sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và các văn bản quy phạm pháp luật cần theo kịp, dự báo sát với tình hình thực tế.

Theo thống kê có những vụ việc kéo dài trên 15 năm, đã qua nhiều cấp, nhiều ngành và hầu hết đều có tới nhiều quyết định giải quyết hành chính nhưng do không thỏa mãn với quyết định nên người dân tiếp tục khiếu kiện lên cấp cao hơn làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT.

Một số địa phương đã đặt công tác giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp về đất đai là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý đất đai; đổi mới công tác tiếp công dân, kiện toàn bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân và giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp về đất đai. Công tác hòa giải ở cơ sở và xét xử, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp về quản lý, sử dụng đất đai đã cơ bản bảo đảm được quyền lợi hợp pháp của công dân. Nhiều bản án, quyết định của Tòa án được nhân dân đồng tình ủng hộ và bảo đảm hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ, việc tại địa phương người dân chưa chấp hành bản án có hiệu lực pháp luật, có nhiều trường hợp diễn biến phức tạp, gay gắt, kéo dài gửi đơn đến nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó cá biệt có trường hợp gửi đơn đến cơ quan điều tra làm ảnh hưởng đến ANTT.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do chính sách, pháp luật về giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp về đất đai trong thời gian dài không được hoàn thiện đồng bộ, thiếu cụ thể và nhất quán; quy định của pháp luật về giải quyết, chế tài xử lý chưa đủ mạnh để ngăn ngừa các hành vi vi phạm. Việc chính sách, pháp luật về đất đai thường xuyên thay đổi trong từng giai đoạn lịch sử, thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn với pháp luật về dân sự, dẫn đến tình trạng gửi đơn khiếu nại không có điểm dừng, không rõ trách nhiệm cuối cùng thuộc về cơ quan nào.

Nhìn chung, tổ chức và cơ chế giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp về đất đai thiếu ổn định và bất cập so với yêu cầu thực tế. Giải quyết một vụ mâu thuẫn, tranh chấp đòi hỏi phải có các bước điều tra, nghiên cứu, kết luận và thi hành kết luận, do đó cần một đội ngũ những người am hiểu pháp luật, có nghiệp vụ chuyên sâu và làm việc chuyên trách. Nhưng hiện nay, hầu hết cán bộ làm công tác giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp chủ yếu là kiêm nhiệm; mâu thuẫn, tranh chấp về đất đai chủ yếu nảy sinh ở cấp huyện, xã nhưng cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết ở cấp này lại không tương ứng. Chủ tịch UBND các cấp là người chủ trì, chịu trách nhiệm chính về giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp nhưng lại phải giải quyết rất nhiều công việc khác nhau của địa phương nên khó có điều kiện chuyên tâm về việc này. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp chậm, thiếu dứt điểm, chất lượng thấp, dẫn đến tình trạng khiếu kiện lại hoặc khiếu kiện vượt cấp. Trong tổ chức thực hiện pháp luật về giải quyết tranh chấp mâu thuẫn, tranh chấp về lĩnh vực đất đai, nhiều địa phương chưa làm tốt việc tiếp dân, nhận đơn, hướng dẫn cụ thể theo pháp luật về việc nộp đơn dẫn đến tình trạng người đi khiếu kiện lúng túng, mất nhiều thời gian, công sức khi phải đi hết nơi này đến nơi khác. Cá biệt nhiều trường hợp chuyển cho Cơ quan công an, đặc biệt là Cơ quan điều tra là chưa đúng với các quy định pháp luật về giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp. Để chủ động giải quyết tốt các vấn đề về mâu thuẫn, tranh chấp về đất đai; xin có ý kiến như sau:

Một là, thường xuyên tuyên truyền về các quy định pháp luật về lĩnh vực đất đai, về quyền và nghĩa vụ cá nhân liên quan đến tài sản sở hữu...nhằm nâng cao ý thức pháp luật của người dân để không vi phạm pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự về tội phạm không chấp hành án và tội chiếm giữ tài sản trái pháp luật.

Hai là, Bộ phận tiếp dân ở các cấp cần khẩn trương kiện toàn về tổ chức và nâng cao trách nhiệm, tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc tiếp công dân và giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp nói chung và mâu thuẫn, tranh chấp về đất đai nói riêng để giải quyết kịp thời, dứt điểm, công bố công khai kết quả giải quyết, không để khiếu kiện vượt cấp diễn biến phức tạp, khiếu kiện đông người phức tạp về ANTT.

Ba là, quan tâm thực hiện hòa giải tại cơ sở; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý trong việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp. Xử lý kiên quyết đối với các trường hợp lợi dụng quyền công dân để kích động, gây rối, làm mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét