Thứ Năm, 31 tháng 8, 2023

TỆ NẠN ĐÁNH BẠC VÀ NHỮNG HỆ LỤY ĐẰNG SAU

 

Tệ nạn đánh bạc xuất hiện ở nước ta từ rất lâu. Với sự phát triển của xã hội thì tệ nạn này đã được lai tạp và phát triển thành nhiều hình thức, mức độ tinh vi và quy mô càng lớn hơn trước rất nhiều.

Thực chất, tệ nạn đánh bạc có thể hiểu là một sự ảo tưởng về sức mạnh đồng tiền trong trò Cờ bạc, kiếm tiền bằng những sự may rủi không mất mồ hôi, vừa chơi vừa kiếm được tiền. Những suy nghĩ ấu trĩ đó đã làm cho đạo đức xã hội bị suy thoái và xuống cấp trầm trọng, hình thành tư tưởng siêng ăn lười làm, đáng bị xã hội lên án và pháp luật nghiêm cấm.

Sự phát triển của xã hội hiện nay, những hình thức cờ bạc truyền thống như: Xóc đĩa, tú lơ khơ, ba cây, số đề, chọi gà, cá cược bóng đá qua mạng Internet... và những hình thức mới như cá cược thể thao thông qua mạng xã hội, liên kết trong nước và mở rộng ra Quốc tế. Các hình thức đánh bạc này thu hút rất nhiều người tham gia và phát triển lan rộng từ thành thị đến nông thôn với đầy đủ các thành phần trong xã hội như doanh nhân, công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên, cán bộ công chức... Hoạt động đánh bạc thường hoạt động với phương thức chuyên nghiệp và chặt chẽ có bộ phận thông tin, liên lạc cực kỳ nhanh nhạy. Nơi tổ chức đánh bạc là những nơi bí mật, được canh phòng cẩn thận và dễ trốn thoát khi bị phát hiện.

Tệ nạn đánh bạc đã gây ra những nguy hại nghiêm trọng cho người chơi, lúc đầu chỉ chơi với mục đích để giải trí, tuy nhiên việc chơi thường xuyên và việc thắng, thua từ cá cược bằng tiền và vật chất dẫn đến gây nghiện và khó từ bỏ cho người mê muội đầu óc và không có chí hướng làm ăn.

Khi những đối tượng chơi cờ bạc luôn hy vọng kiếm được số tiền lớn từ vận may rủi thì càng chơi càng lún sâu và càng mất nhiều tiền, kiệt quệ kinh tế của bản thân và gia đình, gây ra mâu thuẫn tan vỡ hạnh phúc gia đình khi kinh tế gia đình ngày càng nghèo nàn, khánh kiệt. Không những vậy, tệ nạn này còn gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội khi tụ tập thành những tụ điểm đông người kéo theo các tệ nạn xã hội khác như ma túy, mại dâm...

 

MA TÚY THỰC SỰ RẤT NGUY HIỂM

 

Thời gian qua, tình trạng tội phạm về ma túy diễn biến phức tạp, hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Tình hình sản xuất và điều chế ma túy tổng hợp có xu hướng phát triển, đã có những đối tượng tách, chiết, điều chế ma túy tổng hợp từ nhiều loại tiền chất, thuốc tân dược, thuốc thú y có bán rộng rãi trên thị trường và theo công thức đã có sẵn trên mạng Internet. Việc sử dụng ma túy sẽ gây cho người nghiện những ảo giác, không điều khiển được hành vi, dẫn đến nhiều mối nguy hiểm cho xã hội.

 

Mới đây, vào khoảng 16h00 ngày 03/8/2023, Công an huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên vừa phát hiện, bắt giữ 02 nam thanh niên (Nguyễn Thế Lĩnh (sinh 1998, trú KP 9, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh) và Lê Tuấn Vũ (sinh 1998, trú KP 10, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh)) về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.

 

Để ngăn chặn những tác hại, hệ lụy do ma túy gây ra, mỗi người dân hãy tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để tuyên truyền, cảnh báo về tác hại của ma túy. Bên cạnh đó, khi phát hiện các hành vi liên quan đến tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép chất ma túy, cần báo ngay cho các cơ quan chức năng nơi gần nhất để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Sóng Thần  

“Tệ nạn ma túy trong thanh thiếu niên và các biện pháp phòng ngừa”

 

 

Tội phạm về ma túy được xác định là “Tội phạm của các loại tội phạm”; nếu như không phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả tội phạm về ma túy sẽ phát sinh nhiều loại tội phạm kèm theo như: Giết người, cố ý gây thương tích, cướp, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản.... Nếu như trước đây người sử dụng ma túy phân lớn tập trung ở các đô thị thì hiện nay, người sử dụng ngày càng trẻ hóa và lan rộng đến các vùng nông thôn.

Ví dụ về một số trường hợp sử dụng ma túy ở Phú Yên, như:

 - Trường hợp Lê Văn N, sinh năm 2006, thường trú xã Xuân Thọ 1, thị xã Sông Cầu, học đến lớp 9 thì nghỉ học do không đạt điểm để lên lớp 10. Bạn bè rủ đi làm thuê kiếm tiền, do đua đòi, ham chơi nên tụ tập bạn bè xấu ăn chơi, rồi sử dụng các chất ma túy. Khi không có tiền thì về nhà lấy trộm tiền, vàng của cha mẹ đi bán lấy tiền tiêu sài và sử dụng các chất ma túy. Gia đình làm nông không khá giả gì lắm nên khi gia đình phát hiện bị mất tiền, vàng thì N.. sợ nên bỏ nhà đi lang thang ở bên ngoài, không về nhà. Sau đó gia đình trình báo cơ quan chức năng để có biện pháp giúp đỡ.

- Trường hợp Lê Gia H, sinh năm 2006, thường trú xã Xuân Thọ 1, thị xã Sông Cầu, thuộc loại học sinh cá biệt, tụ tập bạn bè xấu, chơi bời không lo học nên cũng học đến lớp 9 thì nghỉ học do không đạt điểm để lên lớp 10. Nghỉ học ở nhà ban đầu theo phụ cha, mẹ làm nghề biển; thời gian rảnh tụ tập bạn bè xấu chơi bời, sử dụng các chất ma túy. Khi không có tiền tiêu sài thì trộm cắp tài sản của người thân bán lấy tiền tiêu sài; đưa yêu sách cho cha, mẹ về việc cung cấp tiền để đi làm, thực chất là lấy tiền để tiêu sài cá nhân, sử dụng ma túy. Khi cha mẹ không đáp ứng thì có hành vi đập phá đồ đạc trong nhà, thậm chí đánh đập cha mẹ.

Cả 02 trường hợp nêu trên đều có điểm chung là: Gia đình lo làm kinh tế, ít thời gian quan tâm quản lý, giáo dục con em; đều là học sinh cá biệt, cả 2 không chăm lo học tập; hiếu kỳ, tụ tập ăn chơi rồi bị rủ rê, lôi kéo tham gia sử dụng các chất ma túy; chưa hiểu biết hết hậu quả, tác hại của ma túy.

 

* Để phòng chống tệ nạn ma túy đạt hiệu quả cao, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

- Mỗi gia đình cần phải thường xuyên quan tâm giáo dục con, em. Khi phát hiện con em mình nghiện ma túy, cha mẹ phải bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân, giải thích tác hại của ma túy cũng như khuyên nhủ con em mình không nên tiếp tục sử dụng ma túy. Đồng thời, phải báo cáo cho chính quyền địa phương để được giúp đỡ, hướng dẫn tổ chức cai nghiện cho con em mình, không nên bao che, giấu diếm.

- Đối với các ban ngành, đoàn thể, trường học: Thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đạo đức, kỹ năng sống, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm về ma túy... giúp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, hội viên và mọi tầng lớp nhân dân hiểu biết pháp luật về ma túy, hậu quả tác hại do ma túy gây ra.

- Đối với bản thân mỗi người dân, nhất là ở lứa tuổi thanh thiếu niên, phải có lối sống trong sạch, lành mạnh; không ăn chơi, đua đòi; không sống buông thả; không quan hệ với những đối tượng xấu, có liên quan đến ma túy; không thử, không sử dụng ma túy dù chỉ một lần.

“Chiêu trò của các thế lực thù địch trong các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia”

 

 

Trong thời gian qua, Nhà nước ta đã khởi tố và đưa ra xét xử nhiều vụ án về các tội danh xâm phạm an ninh quốc gia như: Ngày 13/7, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã xét xử và tuyên án phúc thẩm đối với Trương Văn Dũng (sinh năm 1958, trú tại số 69, ngõ 73, Nguyễn Lương Bằng, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội) về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Ngày 6/6, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với Đặng Đăng Phước (SN 1963, trú phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột) về tội Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Ngày 25/5, TAND Thành phố Đà Nẵng đã tiến hành phiên xét xử sơ thẩm đối với Bùi Tuấn Lâm, SN 1984, trú tại phường Thanh Bình, quận Hải Châu, Đà Nẵng) về tội “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điểm a, b Khoản 1 Điều 117 Bộ luật Hình sự.

Điều đáng nói là trong khi dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ trước bản án nghiêm minh, đúng người, đúng tội mà HĐXX đưa ra đối với các đối tượng trên thì trên các trang mạng xã hội của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước như: BBC Tiếng Việt, RFA Tiếng Việt, VOA Tiếng Việt, Việt Tân,... thường xuyên đăng những bài viết tỏ lòng thương xót, ca ngợi các đối tượng trên là “những nhà hoạt động xã hội dân sự, thầy giáo đấu tranh với tham nhũng”... Ngoài ra, trong các bài viết của chúng đều có đặc điểm chung là luôn tìm cách “tẩy trắng”, cho rằng các đối tượng trên đang thực hiện đúng quyền tự do dân chủ của mình, việc kết tội là hoàn toàn không có cơ sở, bản án oan đầy bất công.

Chiêu trò “thương vay, khóc mướn” đòi trả tự do cho “Nhà hoạt động” mà các cá nhân, tổ chức chống phá đăng tải là nhằm truyền bá cái gọi là giá trị “dân chủ, nhân quyền” theo kiểu phương Tây, nhằm hạ thấp uy tín, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Chính vì vậy, mỗi người dân Việt Nam chân chính ở cả trong và ngoài nước cần nhận thức rõ về chiêu trò này và kiên quyết lật tẩy, đấu tranh, phản bác. Đồng thời, cần tỉnh táo, đề cao cảnh giác, không ngộ nhận, không tin vào luận điệu xuyên tạc, suy diễn, quy chụp của những phân tử cơ hội chính trị, phản động cực đoan; không tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.  

Cảnh giác với thủ đoạn lợi dụng ChatGPT xuyên tạc, chống phá

 

 

Chat GPT là công cụ hỏi đáp tự động được phát triển thông qua tích hợp trí tuệ nhân tạo. Chat GPT có thể trò chuyện, trả lời các câu hỏi phức tạp theo nhiều phong cách khác nhau. Qua đó, giúp việc tra cứu, giải đáp thắc mắc của người dùng được nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, việc học tập, nghiên cứu được cá nhân hóa và hiệu quả hơn. ChatGPT là ứng dụng thông minh, nhưng dù thông minh đến đâu cũng là sản phẩm nhân tạo do con người sáng tạo ra, hoàn toàn không có lý trí và tình cảm.

Tại Việt Nam, liên quan nội dung thiếu chính xác mà phần mềm ChatGPT cung cấp, đã và đang xuất hiện những biểu hiện tiêu cực rất đáng lo ngại. Các đối tượng “đánh lừa” Chat GPT bằng cách đưa ra các câu hỏi không đầy đủ, không hợp lý để cố tình tìm kiếm phần trả lời sai lệch nhằm bôi nhọ Đảng và Nhà nước. Ví dụ như: “Kinh tế thị trường và định hướng XHCN có thể cùng tồn tại không?”, “Khi nào CNXH mới được hoàn thiện?”, “Hưởng theo nhu cầu và làm theo năng lực khi nào thì đúng?”. Họ cũng đặt ra các câu hỏi so sánh sai lệch, cổ súy và bán nước, chẳng hạn như: “Cờ vàng ba sọc đỏ thuộc về quốc gia nào?”, “Cờ ba sọc có tốt hơn cờ sao vàng không?”. Nếu phần trả lời của ChatGPT không như ý đối tượng, họ sẽ sửa câu hỏi, sửa cách hỏi nhằm “đánh lừa trí tuệ nhân tạo” để hòng tìm ra câu trả lời sai trái và dùng nó để bôi nhọ hoặc chỉ trích.

Điều mấu chốt ở đây, ChatGPT đã vô tình trở thành kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng, khai thác phục vụ cho mưu đồ xấu, các thế lực thù địch đã cố tình lập lờ và nhân danh ChatGPT để đưa ra những định kiến chủ quan, phủ nhận thực tế, đánh giá phiến diện, xuyên tạc. Do đó, sẽ rất nguy hiểm nếu người dùng tin vào các câu trả lời của Chat GPT mà thiếu sự đối chiếu, kiểm chứng chất lượng, tính đúng đắn của thông tin. Đáng buồn là một số người thiếu thiện chí hoặc do hồn nhiên, nhẹ dạ, a dua theo đám đông đã tham gia bình luận, chia sẻ bài viết, thậm chí sử dụng những hình ảnh mang tính chất giải trí, đùa cợt để câu like, câu view mà không nhận thức được rằng hành động đó đã tiếp tay cho các đối tượng xấu.

 

PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ TÌNH HÌNH TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM

 

 

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là lịch sử thống nhất và đoàn kết của cộng đồng dân tộc, giữa các tôn giáo và tín ngưỡng bản địa với các tôn giáo du nhập từ bên ngoài. Chính vì sự đa dạng tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam nên các thế lực thù địch, phản động luôn triệt để sử dụng, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo như một thứ vũ khí nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, phá hoại công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Minh chứng rõ nét nhất mà mọi người dân chúng ta đều thấy rõ trong thời gian qua, đó là tổ chức “Tin lành đấng Christ” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số do một số đối tượng phản động ở nước ngoài chỉ đạo thành lập.

Hiến pháp năm 2013 của nước ta, cũng như trong văn bản pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới đều đề cao quyền con người, quyền tự do dân chủ, tín ngưỡng, tôn giáo. Vì vậy, theo hay không theo tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của mỗi công dân nhưng phải phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý nghiêm nếu vi phạm. Trong tháng 5/2023 vừa qua, cơ quan điều tra Công an Phú Yên đã ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nay Y Blang (sinh năm 1976, trú tại buôn Bung B, xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại khoản 2 Điều 331 Bộ Luật Hình sự. Nay Y Blang đã tham gia tổ chức “Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên”, thường xuyên sử dụng nhà riêng tổ chức cho số đối tượng của tổ chức “Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên” ở xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh tụ tập nhóm họp, cầu nguyện, thông công trực tuyến với số cốt cán của tổ chức “Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên” trong nước; ngoài ra Nay Y Blang đã nhiều lần cung cấp thông tin sai sự thật cho các cá nhân, tổ chức nước ngoài vu cáo, xuyên tạc chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam trên trường quốc tế, đó là một trong những vụ án gần đây đã được cơ quan chức năng của Phú Yên xử lý hình sự.

Cùng với các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc thì các thế lực thù địch phản động rất ráo riết lợi dụng vấn đề tôn giáo để xuyên tạc Việt Nam về dân chủ, nhân quyền, trong dó chúng triệt để lợi dụng mạng xã hội, diễn đàn quốc tế để xuyên tạc, bịa đặt về tự do tôn giáo ở Việt Nam hòng tìm mọi cách để xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc để hình thành các lực lượng đối lập với Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Hơn ai hết, mỗi người dân chúng ta, cần hiểu sâu sắc hơn về quan điểm, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước mà yên tâm lao động, sản xuất góp phần xây dựng gia đình, xã hội ngày càng phồn vinh, phát triển. Tuyệt đối không theo các tà đạo, các hội, nhóm trái pháp luật và không nghe, tin theo những lời dụ dỗ, xuyên tạc, bóp méo sự thật của các đối tượng phản động lưu vong, đối tượng xấu dẫn đến thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, phục vụ cho ý đồ đen tối của chúng.

 

THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG ỨNG DỤNG PODCAST TUYÊN TRUYỀN TIN GIẢ, SAI SỰ THẬT, CHỐNG PHÁ NHÀ NƯỚC

 

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang làm thay đổi thói quen tiếp cận thông tin, đặc biệt là giới trẻ, nhiều hình thức truyền tải thông tin thuận lợi được phát triển, tạo lập, trong đó, Podcast là hình thức truyền tải thông tin dưới dạng âm thanh có nhiều nét tương đồng với phát thanh radio, nhưng được yêu thích nhờ sự tiện dụng, hợp thời, tự do trong sáng tạo nội dung, tích hợp với các ứng dụng điện thoại và chủ động trong việc lựa chọn thông tin.

 

Lợi dụng sự phát triển nhanh chóng của hình thức truyền tải thông tin này, các đối tượng phản động và tội phạm đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phát tán nhiều thông tin xấu độc, tin giả, tin sai sự thật nhằm trục lợi, gây hoang mang dư luận, chống phá sự ổn định chính trị, xã hội của đất nước ta. Bên cạnh đó, một số đối tượng xấu đã sử dụng Podcast để tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia các đạo lạ, tà đạo. Đáng chú ý, việc tuyên truyền đạo, rao giảng trên môi trường Podcast hiện nay là tương đối lớn, các đạo lạ, tà đạo, đạo trái phép cùng tập trung tuyên truyền, lôi kéo tín đồ đang làm người nghe bị nhầm lẫn, không thể phân biệt được thật - giả.

 

Hiện nay, việc kiểm duyệt, quản lý đối với hình thức này chưa có quy định cụ thể; do đó, mỗi người cần nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, chọn lọc tiếp cận những thông tin chính thống, có giá trị khi sử dụng ứng dụng Podcast. Đồng thời, cần lên án một cách mạnh mẽ, quyết liệt để ngăn chặn sự tuyên truyền thông tin xấu độc, tin giả, sai sự thật, phá hoại sự ổn định và phát triển của đất nước.

 

T. T .H

 

HOẠT ĐỘNG HÈ CHO TRẺ: LÀM SAO ĐỂ AN TOÀN, VUI TƯƠI VÀ BỔ ÍCH

 

Sau một năm học tập bổ ích thì hè đến là lúc các em học sinh có thể nghỉ ngơi, vui chơi và học hỏi thêm nhiều kiến thức, kỹ năng sống cần thiết. Đáp ứng nhu cầu của học sinh, phụ huynh về một kỳ nghỉ ý nghĩa, vui tươi thì các dịch vụ hoạt động hè vì thế cũng ngày càng phong phú hơn với nhiều hình thức và nội dung hoạt động do nhiều đơn vị, cơ quan, tổ chức xã hội, doanh nghiệp thực hiện.

 

Việc cho con trải nghiệm khóa học mùa hè là mục tiêu mà nhiều phụ huynh lựa chọn với mong muốn các con có thêm các hoạt động trải nghiệm và thực tế bên cạnh kiến thức trên sách vở.

 

Hiện nay, mô hình trại hè với nhiều hoạt động trải nghiệm, khám phá, phát triển kỹ năng sống… đang là lựa chọn của nhiều gia đình cho con tham gia. Trước những “ma trận” trại hè như: Học kỳ quân đội, Khóa tu mùa hè, Trại hè kỹ năng sống, Câu lạc bộ đọc sách, Trại hè song ngữ, nông trại… đang "nở rộ", cùng mô hình quảng cáo hấp dẫn trên các nền tảng mạng xã hội làm cho các phụ huynh ngày càng băn khoăn trước nhiều thông tin và sự lựa chọn. Nếu không có sự tìm hiểu kỹ dễ dẫn đến những lựa chọn thiếu chính xác, gây ảnh hưởng đến tâm lý các em khi tham gia trại hè.

 

Hoạt động ngoại khóa, trong đó có trại hè nhằm giáo dục kỹ năng sống là rất tốt cho trẻ em; nhưng việc bảo đảm quyền trẻ em khi tham gia các chương trình này vẫn là điều ưu tiên trên hết. Các bậc phụ huynh trong quá trình lựa chọn hoạt động hè cho các em cần tìm hiểu kỹ các đơn vị tổ chức có uy tín, thương hiệu, nên quan tâm đến nguyện vọng, sở thích của con em mình, từ đó tìm các hoạt động hè phù hợp, an toàn, đảm bảo về cơ sở vật chất, vệ sinh an toàn thực phẩm cho con trẻ để các em có một mùa hè thật vui tươi và bổ ích.

 

N.V.P.T

 

CẢNH GIÁC CHIÊU TRÒ SAU NHỮNG BÀI TẬP “RÈN LUYỆN SỨC KHỎE” CỦA PHÁP LUÂN CÔNG

 

Tại Việt Nam, Pháp luân công (PLC) được du nhập từ năm 2000 cho đến nay với hơn 10.000 người tham gia tập luyện trên cả nước. Đối tượng tham gia chủ yếu là người cao tuổi, thanh niên, sinh viên,…nay mở rộng đến cả trẻ em tham gia.

Thực tế cho thấy, PLC không phải là một tôn giáo, tín ngưỡng, không có giáo lý, giáo luật, mà chỉ dựa trên cơ sở vay mượn, cắt xén của các tôn giáo khác để hình thành. Để lôi kéo, phát triển số lượng người dân tham gia PLC, các đối tượng đã sử dụng nhiều cách thức, thủ đoạn từ lén lút đến công khai, nhưng chủ yếu thực hiện qua các cách thức như: len lỏi vào các vùng sâu, vùng xa, những nơi chính quyền địa phương khó kiểm soát, lợi dụng các hoạt động từ thiện để tiếp cận; lồng ghép các nội dung liên quan đến PLC để tuyên truyền, hướng dẫn tập luyện và hiện nay PLC còn công khai tập luyện ở những nơi công cộng, khu dân cư, công viên…trong đô thị. Đáng chú ý, chúng còn lập các trang Web, tài khoản Facebook để chia sẻ, hướng dẫn người dân tham gia tập PLC.

Mục đích hoạt động PLC là mượn vỏ bọc của các bài tập rèn luyện sức khỏe  trong tập dưỡng sinh và kết hợp các yếu tố tâm linh để tập hợp, lôi kéo nhiều người dân tham gia, khuếch đại về tác dụng của việc tập luyện PLC, nhất là số người đang có vấn đề về sức khỏe họ tin tưởng tuyệt đối khi tham gia PLC có thể chữa trị bệnh tật trong người, coi việc tập PLC là phương thuốc chữa đặc trị duy nhất và chữa được bách bệnh, kể cả bệnh hiểm nghèo mà không cần dùng thuốc điều trị. Dẫn đến, nhiều trường hợp tham gia PLC đã từ chối điều trị tại các cơ sở y tế khi có bệnh, bỏ lỡ cơ hội chữa bệnh, để lại những hậu quả đau lòng.

Có thể thấy, từ khi du nhập vào nước ta đến nay, PLC đã gây ra những hệ lụy xấu cho xã hội, có thể điểm qua một số vụ việc, điển hình như: sự việc 04 đối tượng tự nhận là đệ tử PLC đã cầm búa ra lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với ý định đập phá, dùng dây cáp nhằm kéo đổ tượng đài Lê nin ở vườn hoa trên đường Điện Biên Phủ (Hà Nội); một số đối tượng khác tại Gia Lai, Kom Tum, Ninh Thuận, Kiên Giang đã có hành vi tuyên truyền trái phép tài liệu PLC và đã bị xử phạt vi phạm hành chính…Đáng chú ý, tháng 5/2019 tại tỉnh Bình Dương, đã xảy ra vụ án chấn động cả nước do đối tượng Phạm Thị Thiên Hà cầm đầu một nhóm tu luyện PLC thực hiện hành vi giết chết 02 người rồi cho vào bồn nhựa đổ bê tông nhằm phi tang xác nạn nhân, nguyên nhân xuất phát từ sự mâu thuẫn cá nhân trong quá trình tu tập PLC.

Trước thực trạng trên, lực lượng chức năng khuyến cáo người dân nên tham gia rèn luyện sức khỏe, thể thao, các câu lạc bộ dưỡng sinh lành mạnh do địa phương tổ chức, thực hiện nếp sống văn hóa trong khu dân cư, chung tay giữ vững ANCT, ANTT trên địa bàn. Đồng thời, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, cảnh giác trước những thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo, kích động, tụ tập đông người tham gia tập PLC gây mất tình hình ANTT và vi phạm pháp luật.

Thứ Ba, 22 tháng 8, 2023

CẢNH GIÁC VỚI CHIÊU TRÒ “SIÊU SALE”, “SALE SẬP SÀN” HÀNG CÔNG NGHỆ TRÊN INTERNET

 

Hiện nay, tình trạng mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên internet không còn là vấn đề mới, đặc biệt là các loại mặt hàng công nghệ cao như điện thoại di động, máy tính bảng, tai nghe không dây,... Mặc dù đã có nhiều cảnh báo song vẫn có nhiều người sập bẫy trước những chiêu trò của các “con buôn”, thậm chí là các trang thương mại điện tử lớn hiện nay.

Qua thông tin từ một số nạn nhân đã từng “sập bẫy” các trang mạng bán hàng công nghệ “dởm”, họ thường bị gây ấn tượng với những lời mời chào, quảng cáo như: “hàng mới 100%, nguyên seal, nguyên kiện, full phụ kiện”, “bảo hành chính hãng toàn quốc 12 tháng”, đặc biệt các trang trên còn cam kết “lỗi 1 đổi 1 trong 30 ngày”, “cho phép khách hàng bóc seal, kiểm tra hàng trước khi thanh toán”, thậm chí còn “tự biên tự diễn” hàng chục lời phản hồi tích cực của khách hàng bên dưới bài đăng của trang đế tăng thêm lòng tin.

Đáng chú ý hơn, khi test thử các chức năng cơ bản của các thiết này đều chạy mượt, quay phim, chụp ảnh khá sắc nét, số IMEI, các thông số về RAM, bộ nhớ trong đều trùng khớp với thông tin mô tả về thiết bị, thậm chí khi test các chức năng cao cấp như nhận diện khuôn mặt, cảm biến dưới màn hình đều hoạt động tốt, trong hộp máy còn có kèm theo cả thẻ bảo hành chính hãng toàn quốc 12 tháng như cam kết của người bán. Thiết bị gần như mới 100%, các chi tiết bên ngoài được hoàn thiện rất tỉ mỉ, không lỗi.

Nếu là một người dùng phổ thông, không am hiểu nhiều về công nghệ thì sẽ rất khó để phân biệt được hàng thật, hàng giả khi lần đầu tiếp xúc với các thiết bị này. Tuy nhiên, do các chức năng “cao cấp” như cảm biến vân tay dưới màn hình, nhận diện khuôn mặt đều là sản phẩm được tạo ra từ các đoạn code nhúng vào các ứng dụng mở khóa màn hình nên không bảo mật sinh trắc học được như hàng thật, thiết bị sẽ được mở khóa với vân tay, khuôn mặt của bất kì ai.

Đặc biệt là các sản phẩm nhái thương hiệu Iphone, nếu người dùng đăng nhập Icloud để sử dụng thì máy sẽ báo lỗi, vào Appstore thì chương trình nhảy sang giao diện của CHPlay của hệ điều hành Android,... Mặc dù thông tin trên thiết bị thể hiện hàng trăm GB bộ nhớ lưu trữ, RAM 4G, 6G, 8G tùy kiểu loại, đời thiết bị, tuy nhiên thông thường thiết bị sẽ bắt đầu có hiện tượng giật, lag, treo khi người dùng mới chỉ cài đặt một vài ứng dụng với dung lượng khá khiêm tốn.

Khi cho thiết bị về chế độ Factory reset thì thiết bị khởi động lại với một Hệ điều hành khác, thường là một phiên bản hệ điều hành Android nhưng sẽ không có các ứng dụng cơ bản như CH Play, Chrome, Gmail.

 Các nạn nhân cũng cho biết thêm, họ đã cố liên lạc với bên bán hàng để phản hồi, khiếu nại về sản phẩm, tuy nhiên không hề nhận được hồi âm từ những số điện thoại liên lạc tại các trang bán hàng này.

Theo lời các nạn nhân và qua tìm kiếm thực tế trên trang Google với các từ khóa “sale off điện thoại”, “flash sale smartphone”, thì xuất hiện rất nhiều các trang web bán hàng điện thoại với các mẫu flagship, điện thoại cấu hình cao của các hãng nổi tiếng với giá chỉ từ 3 đến 5 triệu đồng với những lời quảng cáo, cam kết hấp dẫn, cộng với tâm lý ham rẻ của một bộ phận không nhỏ người dân vô hình chung đã tạo ra mảnh đất màu mỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho các “con buôn” thực hiện các chiêu trò, giăng bẫy người tiêu dùng nhẹ dạ, ít am hiểu về công nghệ.

Qua tìm hiểu, những sản phẩm “công nghệ cao dởm” trên các trang mạng bán hàng online thường được lắp ráp lại từ linh kiện lỗi được tháo ra từ các “xác” điện thoại cũ, hỏng, qua bàn tay ma thuật của các “pháp sư công nghệ”, chúng được hô biến thành những mẫu điện thoại cấu hình khủng thời thượng, nhìn bề ngoài không khác gì với sản phẩm chính hãng.

Qua đây, người tiêu dùng cũng cần cảnh giác, thông thái hơn khi lựa chọn tìm mua các sản phẩm hàng hóa trên Internet, không loại trừ nguy cơ thông tin cá nhân bị lộ lọt, khi mua bán trên internet do các trang này yêu cầu người mua phải cung cấp các thông tin khá cụ thể về bản thân như họ tên, số điện thoại, email, địa chỉ,...

THƯ KHEN CỦA CHỦ TỊCH UBND XÃ ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG CÔNG AN XÃ AN NINH ĐÔNG THỰC HIỆN XUẤT SẮC TRONG CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

 

Trong thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) đã được Huyện uỷ, UBND huyện Tuy An quan tâm, chỉ đạo kịp thời. Bộ máy các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn huyện tiếp tục được kiện toàn và thực hiện phân cấp đồng bộ. Công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật thực hiện đúng theo quy định.

Việc giải quyết thủ tục hành chính qua bộ phận tiếp nhận và trả kết quả dần đi vào nề nếp; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được chuẩn hóa, trình độ chuyên môn, năng lực thực thi nhiệm vụ được nâng cao. Công tác quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả và tiết kiệm. Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác CCHC của huyện.

Từ đầu năm 2023, trên địa bàn huyện triển khai một số mô hình, giải pháp sáng kiến ở các đơn vị địa phương cấp xã trên địa bàn huyện Tuy An, trong đó nổi bật nhất “Mô hình Cải cách hành chính của Công an xã An Ninh Đông”. Qua thời gian triển khai thực hiện Mô hình Cải cách hành chính của Công an xã An Ninh Đông bước đầu cơ bản đã xây dựng đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, niêm yết các thủ tục hành chính, bố trí cán bộ tiếp nhận giải quyết các thủ tục hành chính đảm bảo, đáp ứng, sẵn sàng phục vụ các nhu cầu cho nhân dân một cách nhanh chóng và tiện lợi, đồng thời nhận được nhiều phản ánh tích cực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài xã.

Vì vậy, ngày 10/7/2023, Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông đã gửi thư khen ngợi và chúc mừng những thành tích, kết quả đạt được từ việc triển khai Mô hình cải cách hành chính trong Công an xã An Ninh Đông. Đây là kết quả mà các đơn vị Công an cơ sở cần quan tâm, nhân rộng.

CẢNH GIÁC TRƯỚC ÂM MƯU CHIA RẼ KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

 

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng được củng cố và mở rộng, quy tụ mọi người dân Việt Nam từ tất cả các thành phần dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp khác nhau trong xã hội; không chỉ nhằm “phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của đất nước; khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

 

Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động chống phá Việt Nam lại không mong muốn điều đó, chúng luôn ra sức gieo rắc tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan, tung hô, cổ xúy cho các hành vi kích động bạo lực, gây hận thù, chia rẽ dân tộc, đặc biệt chia rẽ dân tộc Kinh với các DTTS, chia rẽ đồng bào các dân tộc với Đảng và chính quyền. Chúng luôn tìm mọi cách kêu gọi xác lập vùng "sở hữu cộng đồng" cho các cộng đồng dân tộc để thực hiện âm mưu thành lập các khu tự trị người DTTS, nhằm tạo ra những “mầm mống xung động bất ổn” trong tương lai ở các vùng DTTS!

 

Khu vực có đông đồng bào DTTS sinh sống là địa bàn có vị trí chiến lược trọng yếu về kinh tế, chính trị, quốc phòng và an ninh; sẽ ra sao khi các vùng này được các thế lực thì địch hỗ trợ để trở thành các “ung nhọt bất ổn” trong lãnh thổ Việt Nam. Đừng vì một sự việc nhỏ lẻ mà đánh giá xấu cho những thành tựu đã đạt được bao lâu nay của công tác dân tộc, tôn giáo của Việt Nam. Hãy nhìn rộng ra thế giới để thấy nhiều đất nước tan hoang chưa biết khi nào trở lại như trước vì mâu thuẫn giữa các cộng đồng dân tộc trong nước cùng sự chi phối bên ngoài.

 

Chính vì vậy, đấu tranh có hiệu quả với tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan là việc làm thiết thực nhằm góp phần đập tan âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam./.

 

Nam Hoàng

 

LÀM SAO ĐỂ BẢO VỆ TRẺ EM TRƯỚC SỰ “TẤN CÔNG TIÊU CỰC” TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG


Môi trường mạng hiện nay đang có sức ảnh hưởng cực lớn đối với cuộc sống con người, nhất là trẻ em sẽ thường gặp nhiều nguy cơ như: tiếp cận với quá nhiều thông tin giả; lộ thông tin cá nhân; bị bắt nạt qua mạng; bị gạ gẫm, xâm hại tình dục; bị dụ dỗ, lôi kéo truy cập vào trang có thông tin xấu độc, hoặc nội dung lừa đảo…

Sự xâm hại với trẻ em qua môi trường mạng nguy hiểm không kém gì đời thực, bởi những hình ảnh, clip được phát tán khắp nơi, có thể hiện hữu bất cứ lúc nào, gây tổn thương dai dẳng cho trẻ.

Chúng ta cần phải trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng, trong đó gồm: sự định hướng nội dung cho trẻ; nhận biết các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; chương trình học tập, giải trí của trẻ em trên môi trường mạng… cực kỳ quan trọng; điều đó giúp các em hình thành nên thói quen tốt, biết tự bảo vệ trước sự tấn công tiêu cực của môi trường mạng.

 

Vì vậy, một số công tác trọng tâm cần thực hiện để giúp nâng cao khả năng bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh trong môi trường mạng thời gian tới:

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, đổi mới cách thức, nội dung theo hướng gần gũi, sinh động để thu hút trẻ, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, qua mạng internet và mạng xã hội. Tăng cường hiển thị trên kênh truyền hình, hệ thống phát thanh của tỉnh, thành phố.

- Lồng ghép vào chương trình giáo dục các nội dung trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức về môi trường mạng cho trẻ em và kỹ năng cơ bản khi tham gia sử dụng Internet, cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ khi bị xâm hại trên môi trường mạng; tổ chức 01 buổi ngoại khóa để trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức về môi trường mạng cho cho trẻ em và kỹ năng cơ bản khi tham gia sử dụng Internet.

- Tăng cường sự phối hợp nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của xã hội, gia đình, nhà trường.

- Thường xuyên cập nhật kiến thức, phương pháp hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự bảo vệ mình, tìm hiểu thông tin và khả năng tự phát hiện, tố cáo các hành vi có nguy cơ xâm hại khi tham gia môi trường mạng.

- Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên, giáo viên các trường học thực hiện công tác tuyên truyền về công nghệ thông tin và truyền thông, mạng internet và mạng xã hội.

Với sự chung tay của toàn xã hội hy vọng góp phần tích cực trong bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, giúp các em thực sự trở thành những công dân số trong tương lai không xa./.

 

LD

 

Thứ Tư, 9 tháng 8, 2023

CÓ MỘT NGHỀ ĐƯỢC GỌI LÀ NGHỀ “LƯƠNG CAO”

 

Thời gian qua, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết, nhiều nguồn thông tin nói về mức thu nhập, mức lương của những người làm trong lực lượng vũ trang Việt Nam, và họ gọi đó là nghề “Lương cao”. Họ luôn so sánh mức lương của lực lượng vũ trang với một số ngành nghề khác có mức thu nhập thấp hơn, chẳng hạn như: “Tại sao lương của Công an, Quân đội lại cao hơn lương của bác sĩ, giáo viên? Hoặc là làm Công an, Quân đội vừa sướng, vừa được lương cao...”.

Nếu chỉ nhìn nhận, đánh giá dựa trên những con số thì mức lương của lực lượng vũ trang cao hơn so với các ngành nghề khác. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần bề nổi của tảng băng chìm. Họ chỉ nhìn vào những con số trên bảng lương để so sánh mà họ không nhìn vào những hy sinh, mất mát, những cống hiến là cả thầm lặng và công khai của lực lượng vũ trang.

Những người đã và đang công tác trong lực lượng vũ trang, họ cũng chỉ là những con người bình thường, bên cạnh những khát vọng, lý tưởng cách mạng, họ cũng muốn được nghỉ ngơi cũng như muốn có một nguồn thu nhập ổn định để nuôi sống bản thân và gia đình mà thôi.

Thay vì luôn so sánh về mức lương của lực lượng vũ trang thì mọi người không suy nghĩ tại sao họ lại được đãi ngộ với mức lương như vậy. Đó là vì những hy sinh, những cống hiến của họ vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân, đất nước. Chắc hẳn mọi người tham gia mạng xã hội đều đã biết và đọc những thông tin đau lòng về vụ việc xảy ra ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Tp. Hà Nội); vụ sạt lở ở Thuỷ điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) hay mới nhất là vụ tấn công 02 trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk), những cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội trong lúc đang thực hiện nhiệm vụ đã không may nằm xuống, để lại những mất mát to lớn cho lực lượng vũ trang cũng như gia đình và người thân. Đó là những hy sinh, mất mát mà dù có bao nhiêu tiền tài, vật chất cũng không thể nào bù đắp lại được.

Không phủ nhận hay hạ thấp những hy sinh, cống hiến của những ngành nghề khác đối với xã hội, với đất nước. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy rằng những hy sinh, mất mát, những cống hiến của lực lượng vũ trang là một điều rất thiêng liêng, cao quý. Họ đáng được mọi người tôn trọng hơn thay vì những so sánh mang tính khập khiễng, thực dụng.

T.A