Hiện nay, tình trạng mua bán hàng
giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên internet không còn là vấn đề mới, đặc
biệt là các loại mặt hàng công nghệ cao như điện thoại di động, máy tính bảng,
tai nghe không dây,... Mặc dù đã có nhiều cảnh báo song vẫn có nhiều người sập
bẫy trước những chiêu trò của các “con buôn”, thậm chí là các trang thương mại
điện tử lớn hiện nay.
Qua thông tin từ một số nạn nhân
đã từng “sập bẫy” các trang mạng bán hàng công nghệ “dởm”, họ thường bị gây ấn
tượng với những lời mời chào, quảng cáo như: “hàng mới 100%, nguyên seal,
nguyên kiện, full phụ kiện”, “bảo hành chính hãng toàn quốc 12 tháng”, đặc biệt
các trang trên còn cam kết “lỗi 1 đổi 1 trong 30 ngày”, “cho phép khách hàng
bóc seal, kiểm tra hàng trước khi thanh toán”, thậm chí còn “tự biên tự diễn”
hàng chục lời phản hồi tích cực của khách hàng bên dưới bài đăng của trang đế
tăng thêm lòng tin.
Đáng chú ý hơn, khi test thử các
chức năng cơ bản của các thiết này đều chạy mượt, quay phim, chụp ảnh khá sắc
nét, số IMEI, các thông số về RAM, bộ nhớ trong đều trùng khớp với thông tin mô
tả về thiết bị, thậm chí khi test các chức năng cao cấp như nhận diện khuôn
mặt, cảm biến dưới màn hình đều hoạt động tốt, trong hộp máy còn có kèm theo cả
thẻ bảo hành chính hãng toàn quốc 12 tháng như cam kết của người bán. Thiết bị
gần như mới 100%, các chi tiết bên ngoài được hoàn thiện rất tỉ mỉ, không lỗi.
Nếu là một người dùng phổ thông,
không am hiểu nhiều về công nghệ thì sẽ rất khó để phân biệt được hàng thật,
hàng giả khi lần đầu tiếp xúc với các thiết bị này. Tuy nhiên, do các chức năng
“cao cấp” như cảm biến vân tay dưới màn hình, nhận diện khuôn mặt đều là sản
phẩm được tạo ra từ các đoạn code nhúng vào các ứng dụng mở khóa màn hình nên
không bảo mật sinh trắc học được như hàng thật, thiết bị sẽ được mở khóa với
vân tay, khuôn mặt của bất kì ai.
Đặc biệt là các sản phẩm nhái
thương hiệu Iphone, nếu người dùng đăng nhập Icloud để sử dụng thì máy sẽ báo
lỗi, vào Appstore thì chương trình nhảy sang giao diện của CHPlay của hệ điều
hành Android,... Mặc dù thông tin trên thiết bị thể hiện hàng trăm GB bộ nhớ
lưu trữ, RAM 4G, 6G, 8G tùy kiểu loại, đời thiết bị, tuy nhiên thông thường
thiết bị sẽ bắt đầu có hiện tượng giật, lag, treo khi người dùng mới chỉ cài
đặt một vài ứng dụng với dung lượng khá khiêm tốn.
Khi cho thiết bị về chế độ
Factory reset thì thiết bị khởi động lại với một Hệ điều hành khác, thường là
một phiên bản hệ điều hành Android nhưng sẽ không có các ứng dụng cơ bản như CH
Play, Chrome, Gmail.
Các nạn nhân cũng cho biết thêm, họ đã cố liên
lạc với bên bán hàng để phản hồi, khiếu nại về sản phẩm, tuy nhiên không hề
nhận được hồi âm từ những số điện thoại liên lạc tại các trang bán hàng này.
Theo lời các nạn nhân và qua tìm
kiếm thực tế trên trang Google với các từ khóa “sale off điện thoại”, “flash
sale smartphone”, thì xuất hiện rất nhiều các trang web bán hàng điện thoại với
các mẫu flagship, điện thoại cấu hình cao của các hãng nổi tiếng với giá chỉ từ
3 đến 5 triệu đồng với những lời quảng cáo, cam kết hấp dẫn, cộng với tâm lý
ham rẻ của một bộ phận không nhỏ người dân vô hình chung đã tạo ra mảnh đất màu
mỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho các “con buôn” thực hiện các chiêu trò, giăng
bẫy người tiêu dùng nhẹ dạ, ít am hiểu về công nghệ.
Qua tìm hiểu, những sản phẩm
“công nghệ cao dởm” trên các trang mạng bán hàng online thường được lắp ráp lại
từ linh kiện lỗi được tháo ra từ các “xác” điện thoại cũ, hỏng, qua bàn tay ma
thuật của các “pháp sư công nghệ”, chúng được hô biến thành những mẫu điện
thoại cấu hình khủng thời thượng, nhìn bề ngoài không khác gì với sản phẩm
chính hãng.
Qua đây, người tiêu dùng cũng cần
cảnh giác, thông thái hơn khi lựa chọn tìm mua các sản phẩm hàng hóa trên
Internet, không loại trừ nguy cơ thông tin cá nhân bị lộ lọt, khi mua bán trên
internet do các trang này yêu cầu người mua phải cung cấp các thông tin khá cụ
thể về bản thân như họ tên, số điện thoại, email, địa chỉ,...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét