Thứ Năm, 24 tháng 10, 2024

PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU HỒ CHÍ MINH THEO CHỦ NGHĨA DÂN TỘC THUẦN TÚY, KHÔNG CÓ TƯ TƯỞNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

 

Tư tưởng dân tộc chủ nghĩa hay chủ nghĩa dân tộc - một trào lưu chính trị bắt nguồn ở phương Tây từ nửa sau thế kỷ XVIII, khi mà các "quốc gia dân tộc" lần lượt ra đời sau thắng lợi của các cuộc cách mạng tư sản ở Anh, Pháp và cuộc chiến giành độc lập của 13 bang thuộc địa ở khu vực Bắc Mỹ. Từ đó đến nay, chủ nghĩa dân tộc được diễn đạt bằng nhiều biểu hiện khác nhau, như: chủ nghĩa dân tộc sôvanh, bá quyền nước lớn; hay chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, mang bản chất của giai cấp tư sản; hoặc chủ nghĩa dân tộc chân chính gắn liền với bản chất của giai cấp vô sản thế giới...

Đến đây, vấn đề đặt ra, Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc nào? Câu trả lời có lẽ không khó khi nghiên cứu chính tiểu sử, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh, ta sẽ dễ dàng bắt gặp những dẫn chứng thuyết phục. Với tư cách đại biểu của một trong mười hai nước xã hội chủ nghĩa, tham gia Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và công nhân các nước xã hội chủ nghĩa họp tại Matxơcơva từ ngày 14 đến ngày 16/11/1957, Hồ Chí Minh phát biểu: "Bản Tuyên bố nhắc nhở chúng ta cần phải tăng cường giáo dục theo tinh thần chủ nghĩa Mác - Lênin và đấu tranh chống những khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa như chủ nghĩa dân tộc tư sản, chủ nghĩa sôvanh, chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại, đặc biệt là chủ nghĩa xét lại"[1].



Một lần khác, khi trả lời phỏng vấn của Tạp chí Thanh niên (Canada) tháng 12/1965, Người nhấn mạnh: "Nói rằng lúc còn thanh niên, tôi theo "chủ nghĩa dân tộc", có lẽ không đúng. Vì hồi đó tôi chỉ biết thương đồng bào tôi, chứ chưa biết "chủ nghĩa" gì cả. Khi đi sang châu Phi, tôi thấy Nhân dân thuộc địa ở đây cũng cực khổ, cũng bị áp bức, bóc lột như Nhân dân Đông Dương. Khi sang các nước châu Âu, tôi thấy ở đó cũng có một số người rất giàu, "ngồi mát ăn bát vàng", và lớp người Nhân dân lao động rất nghèo khổ. Tôi suy nghĩ nhiều lắm. Trong lúc đó thì Cách mạng Tháng Mười vĩ đại thành công ở Nga. Lênin tổ chức Quốc tế Cộng sản. Rồi Lênin phát biểu Luận cương cách mạng thuộc địa. Những việc đó làm cho tôi thấy rằng: Nhân dân lao động Đông Dương, Nhân dân các thuộc địa và Nhân dân lao động muốn tự giải phóng thì phải đoàn kết lại và làm cách mạng. Vì vậy, tôi trở nên người theo Chủ nghĩa Mác - Lênin"[2].

Như vậy, không ai khác và hơn ai hết, Hồ Chí Minh là người kiên quyết nhất đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc tư sản. Và trong quan điểm, tư tưởng, di sản mà Người để lại, chủ nghĩa dân tộc chỉ có duy nhất một nội hàm - chủ nghĩa dân tộc chân chính, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, giải phóng và giành độc lập không chỉ cho quốc gia, dân tộc mình mà còn cho quốc gia, dân tộc khác. Từ đó có thể khẳng định, những quan điểm, ý kiến cho rằng Hồ Chí Minh là người theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa theo những khuynh hướng, ý nghĩa tiêu cực đều là những luận điểm không hiểu hoặc cố tình không hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh, nó làm mất đi một "tính từ" không chỉ làm thay đổi ngữ nghĩa của tiếng Việt, mà như vậy, nó còn làm mất đi sự hoàn hảo, làm biến dạng một khái niệm về chủ nghĩa dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Do đó, mọi sự tách rời độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sự nhận thức chưa đầy đủ, chưa hiểu hoặc cố tình xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều đó sẽ dẫn đến không nhận rõ mục tiêu chính trị của Đảng; mơ hồ, thậm chí dao động, sự mập mờ về tư tưởng bởi không nắm vững nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; và tất yếu trong hành động sẽ dẫn đến mất định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự mơ hồ về chính trị, dao động về tư tưởng, mất định hướng trong hành động như vậy sẽ là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến nguy cơ chệch định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước mà chúng ta cần tích cực, chủ động đấu tranh ngăn chặn, khắc phục./.

                                                                                                 H.G



[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tập 14, trang 189-190.

[2] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tập 14, trang 699-700.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét