Thứ Ba, 21 tháng 6, 2016

Báo chí tư nhân có bảo đảm quyền tự do ngôn luận ?

Ngày 5-4-2016, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua Luật Báo chí (sửa đổi) và Luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2017. Trong khi đây là cơ sở pháp lý để phát triển báo chí, bảo đảm quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam, thì các thế lực thù địch cùng một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí lại đòi hỏi phải có báo tư nhân như ở phương Tây, vì với họ, chỉ báo tư nhân mới đem lại tự do báo chí! Bài viết gồm hai kỳ của Ngọc Dung gửi từ châu Âu bàn về báo chí tư nhân ở phương Tây sẽ giúp bạn đọc nhận diện bản chất vấn đề.
Theo dõi các loại thông tin, cách đưa thông tin, tổ chức hoạt động của nhiều tờ báo, trang điện tử của truyền thông phương Tây, dễ nhận thấy sự thật là vai trò hầu như tuyệt đối trong quản lý, điều khiển của một số “ông chủ truyền thông”. Từ thực tế vấn đề, có thể nói đó là một trong những nguyên nhân gây nên nhiều cuộc khủng hoảng lòng tin, khủng hoảng truyền thông. Thí dụ điển hình cho tình trạng này là hiện tượng căn cứ vào mấy điều như: “theo nguồn tin riêng”, “theo nguồn tin chưa được kiểm chứng”, “nguồn tin đề nghị giấu tên cho biết”,... nhiều tờ báo ở phương Tây đưa tin, bình luận mà hầu như không chịu trách nhiệm, mặc dù sau đó thông tin được xác định là không chính xác, bịa đặt. Như trường hợp mùa hè năm 2013, nhiều tờ báo phương Tây đưa tin, ca sĩ Triều Tiên nổi tiếng Hyon Song Wol (Hi-ông Xông Uôn), thành viên ban nhạc Moranbong bị tử hình vì đã tham gia đóng phim khiêu dâm. Nhưng cuối năm 2015 lại thấy ca sĩ này và ban nhạc xuất hiện khi có kế hoạch biểu diễn ở Trung Quốc. Đáng tiếc, những thông tin như vậy lại được một số tờ báo, trang mạng ở Việt Nam khai thác, công bố. Phải nói rằng trong nhiều trường hợp, lỗi nghiệp vụ và vi phạm đạo đức nghề nghiệp như vậy của một số nhà báo cùng người làm việc trong lĩnh vực truyền thông đã gây dư luận xấu trong xã hội, thậm chí làm công chúng hoang mang, thiếu tin cậy báo chí. Vì một nền báo chí trong sáng và trung thực trong bối cảnh “tự do báo chí, tự do ngôn luận” được một số tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước triệt để khai thác sử dụng làm chiêu bài để chống phá, xuyên tạc thì việc nhận diện thực tế cái gọi là “báo chí tư nhân” ở phương Tây càng trở nên cần thiết.
Thật sự ở phương Tây, các tập đoàn truyền thông nằm trong tay vài ông chủ và họ định đoạt cái gọi là “tự do báo chí” theo quan niệm của họ. Tới hôm nay ở phương Tây, dư luận vẫn tiếp tục bàn luận để trả lời câu hỏi: Liệu báo chí tư nhân có thật sự bảo đảm cho tự do ngôn luận hay không? Theo Lời dẫn bài viết của nữ nhà báo D.Hovestädt (Đ.Hô-vơ-xư-tết) nhan đề Quyền lực của các tập đoàn lớn: Hệ thống truyền thông của USA (Die Macht der Konzerne: Das Mediensystem der USA) đã đăng trên trang mạng bpb.de của Trung tâm giáo dục Chính trị Liên bang (một cơ quan trực thuộc Bộ Nội vụ CHLB Đức) cho biết thì 90% thị trường báo chí bị kiểm soát bởi năm tập đoàn truyền thông khổng lồ, đó là một mối đe dọa đối với nền dân chủ, làm cho nền dân chủ không tương ứng với truyền thông mạnh mẽ của báo chí Mỹ. Nhà báo D.Hovestädt bình luận: “...Thông tin là tiền tệ của nền dân chủ”, đó là câu nói của T.Jefferson (T.Giép-phéc-sơn) - tổng thống thứ ba của Mỹ và là tác giả Tuyên ngôn Độc lập, nhưng ông không thể biết rằng 230 năm sau, hằng ngày người dân Mỹ gần như bị “chết đuối” trong thác lũ thông tin. Hơn 1.800 đài truyền hình, 10.000 tờ báo hằng ngày và hằng tuần, 15.000 đài phát thanh luôn cạnh tranh để giành thiện cảm của người sử dụng; chưa tính đến các tạp chí, tờ quảng cáo và những phương tiện truyền thông khác như in-tơ-nét, phim ảnh, trò chơi vi-đê-ô. Trung bình một ngày mỗi người Mỹ dành tám giờ cho việc tiếp cận, sử dụng phương tiện truyền thông, mà phần lớn là với vô tuyến truyền hình tại nhà, còn khi đi trên đường là với đài phát thanh, máy tính, trò chơi vi-đê-ô, máy nghe nhạc MP3. Tưởng chừng sự đa dạng của phương tiện truyền thông ít nhất là có thể tạo ra sự đa dạng về thông tin nhưng không hẳn thế, kể từ những năm 80 của thế kỷ trước, quy luật kinh tế thị trường ở Mỹ gây nên biến động lớn trong việc điều chỉnh quyền sở hữu đối với truyền thông. Cụ thể: năm 1983 cả Mỹ có 50 công ty chia sẻ số lượng lớn phương tiện truyền thông; năm 1992 còn 22; đến năm 2007, tức là mười lăm năm sau, chỉ còn 5 tập đoàn kiểm soát hơn 90% thị trường là: Time Warner, Disney, News Corporation của Murdoch, General Electric/NBC, CBS Corp (trước đây là Viacom). Từ bối cảnh các phương tiện truyền thông tập trung rất cao độ như vậy, một số nhà phê bình không chỉ dự báo, mà còn khẳng định tình trạng hệ thống truyền thông nằm dưới sự chi phối của tập đoàn tư nhân là một mối đe dọa cho nền dân chủ. Tất nhiên trong bối cảnh đó, các chủ đề, lập luận nào không phù hợp với lợi ích của những tập đoàn lớn ngày càng ít được chú ý trên các phương tiện truyền thông mà họ trực tiếp kiểm soát. Đánh giá về kinh tế sẽ quyết định nội dung, chứ không phải vì nhu cầu thông tin của dân chúng. Các chương trình phải bán quảng cáo và có thể bán đắt hơn nếu có nhiều người xem và nghe. Bởi quyết định phát tán ra sao đều luôn tuân thủ quy luật: chương trình nào có số lượng tối đa khán giả sẽ hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao nhất...
Hơn ai hết, là một nhà báo Mỹ, chắc chắn S.Lendman (S.Len-man) là người am hiểu về tự do báo chí phương Tây, vì ông không những là một nhà báo, mà còn là một nhà hoạt động, là một trong các nhân vật nổi tiếng của kênh tin tức truyền hình Hoa Kỳ. Ngày 23-8-2015, Tạp chí Thụy sĩ (Schweizer Magazin) đăng bài báo nhan đề Báo chí phương Tây nên được gọi là “Presstituierte” (Westliche Medien sollten “Presstituierte” genannt werden) của ông. Lời dẫn bài báo viết: Các sự thật bị đè bẹp một cách có hệ thống, thông tin cố ý sai lạc, méo mó, sự dối trá đã và đang được sử dụng; phương tiện truyền thông của phương Tây nên được gọi là “Presstituierte” (Presstituierte là từ ghép hai danh từ Presse - báo chí, Prostituierte - gái điếm), vì có thể được so sánh với hoạt động của gái mại dâm trên đường phố. Trong bài, S.Lendman cho rằng: Kế hoạch về sự thay đổi chế độ ở nước Nga đã có từ lâu. Đó là gốc rễ của mọi chính sách chống Nga của Mỹ. Washington (Oa-sinh-tơn) muốn dựng lên một chính phủ thân phương Tây để phá hoại nền độc lập, chủ quyền của Nga - một đất nước rộng lớn, để kiểm soát dễ dàng hơn, để cướp bóc tài nguyên của họ, làm cho người dân bị phụ thuộc. Đây là một chương trình nham hiểm, hoàn toàn theo kiểu của Hitler (Hít-le) nhưng lại được bọc trong lá cờ của Mỹ. S.Lendman viết: “Những lời lẽ thù địch vốn có thời chiến tranh lạnh ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong việc tuyên truyền để chống Nga. Hầu như những ấn phẩm lớn của phương Tây và truyền thông điện tử đều khăng khít cùng một nhịp bước trong việc đưa tin. Người ta chỉ thấy, đọc và nghe những dối trá to lớn của ma quỷ, thay vì các sự thật rõ ràng... “V.Putin che giấu sự thật”, tờ New York Times (Thời báo Niu-oóc) quả quyết khi phản ứng về cuộc chiến tranh ở Ukraine (U-crai-na). Tuy nhiên chính Washington và Kiev (Ki-ép) phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho những gì đã xảy ra. Họ đổ lỗi cho Moskva (Mát-xcơ-va) trong vụ máy bay MH17 bị bắn rơi, mặc dù lại có bằng chứng cho thấy một máy bay chiến đấu Ukraine chịu trách nhiệm... “Nga sẽ không bị đổ vỡ dưới hình thức xử phạt nào", họ rêu rao như vậy. Song sự bất hợp pháp và sự thiệt hại của các nước thành viên EU đã bị phớt lờ do áp lực từ phía Mỹ và áp lực lợi ích riêng của quốc gia này, cho dù trí tuệ của mọi con người bình thường luôn luôn không chấp nhận. Các biên tập viên trong các phương tiện truyền thông nối tiếp nhau lan truyền những lời dối trá thô bạo về “sự xâm lược của Nga” rồi tuyên bố, lực lượng vũ trang Nga đang ở Ukraine, nhưng không có ai phát hiện được binh lính nào, bởi họ không ở đó”, S.Lendman cũng viết: “dựa trên “nguồn NATO và quan chức Mỹ”, Bloomberg ngang nhiên tuyên bố rằng, Nga đã sử dụng “lò hỏa táng di động” để che giấu những người chết vì chiến tranh, để che giấu hậu quả chiến tranh trước nhân dân Nga, nhưng thực sự không có chuyện đó. Tương tự như vậy là điều mà cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và là cựu Phó Tổng thư ký NATO A.Vershbow (Vơ-sơ-bâu) nói “các nhà lãnh đạo Nga đang ngày càng khó che giấu thực tế là lính Nga chiến đấu với số lượng lớn tại Ukraine và bị chết” nhưng trên thực tế lại chẳng có bằng chứng nào cả...".
Về báo chí tư nhân và sự lũng đoạn của các ông chủ truyền thông, năm 2013 EurActiv (cổng thông tin trên in-tơ-nét với ba thứ tiếng Anh, Pháp, Đức; thành lập năm 1999, chủ yếu bàn luận các vấn đề liên quan Liên hiệp châu Âu) đăng bài Tự do báo chí và sự tích tụ phương tiện truyền thông ở châu Âu (Pressefreiheit und Medienkonzentration in Europa).
Bài viết cho biết tại một số quốc gia châu Âu, như ở Pháp, Tập đoàn Lagadère đã duy trì một nhóm truyền thông quan trọng; nhóm này đứng vị trí thứ 15 trong bảng xếp hạng quốc tế của các phương tiện truyền thông. Trên thị trường báo và tạp chí ở Pháp, Lagadère nắm vị trí chủ chốt với tờ Match và Elle. Ngay cả trong việc tiếp thị các chương trình thể thao, Lagadère cũng hoạt động rất tích cực. Dư luận cho rằng việc kinh doanh hỗn hợp các lĩnh vực này chắc chắn không thể phù hợp với tinh thần độc lập của báo chí. Nhưng người ảnh hưởng nhiều hơn trên thị trường truyền thông ở Pháp lại là S.Dassault (S.Đát-xôn). Ông là một trong năm người giàu nhất nước Pháp và về chức danh công việc được gọi là “doanh nhân”, “nhà buôn vũ khí”, “chính trị gia”. Chính xác hơn, phải gọi là “ông trùm truyền thông”, vì ông có thể định đoạt số phận của hơn 70 tờ báo, trong đó có tờ rất lâu đời Le Figaro, nhiều tờ báo ở các tỉnh và tờ Le Soir ở Bỉ. S.Dassault nắm giữ bốn phần năm số cổ phần của nhà xuất bản Socpress ở Pa-ri. S.Dassault cũng là một trong những nhà cung cấp tài chính chủ yếu cho tổ chức “Phóng viên không biên giới”. Vì vậy, người ta có quyền đặt câu hỏi: Liệu việc Cộng hòa Pháp ở vị trí thứ 37 trong bảng xếp hạng tự do báo chí toàn cầu có hoàn toàn phù hợp với thực tế hay không? Năm 2004, với tư cách thành viên của đảng bảo thủ cầm quyền UMP, Dassault đã có một ghế tại Thượng viện. Về việc này, Tòa án Hiến pháp ở Pháp phán quyết cho rằng có thể chấp nhận được. Và tác giả bài báo viết, mức độ tích tụ quyền lực về chính trị và phương tiện truyền thông như vậy không chỉ thể hiện sự hấp dẫn, mà còn chỉ ra những khả năng cực kỳ nguy hiểm.
Ở I-ta-li-a, thực trạng vấn đề tự do báo chí còn tồi tệ hơn, và bị đánh giá là rất suy giảm, công chúng đã quá quen thuộc với thực tế: Trong một bản tin thời sự thì chính phủ của ông S.Berlusconi (S.Bê-lu-scô-ni) luôn là nơi có tiếng nói cuối cùng. Tiến trình gọi là “S.Berlusconi hóa” toàn bộ cảnh quan phương tiện truyền thông I-ta-li-a là một thí dụ thảm hại của châu Âu. Hiện nay ở CHLB Đức có 10 tập đoàn truyền thông lớn, dẫn đầu là công ty cổ phần Bertelsmann với 50 công ty con đặt rải rác trên toàn thế giới, và công ty cổ phần Axel Springer là nhà xuất bản báo lớn nhất nước này. Trong số 10 tập đoàn thì chỉ có hai tập đoàn công cộng là đài truyền hình công cộng số một ARD, đài truyền hình công cộng số hai ZDF. Như vậy thị trường truyền thông ở CHLB Đức phần lớn được kiểm soát bởi các nhà tư bản kếch xù. Trong các năm qua, cuộc khủng hoảng niềm tin vào truyền thông ở Đức vẫn tiếp diễn. Mới đây, ngày 2-5-2016, Viện TNS emnid - một viện thăm dò dư luận có uy tín, công bố kết quả khảo cứu về độ tin cậy của truyền thông Đức theo đơn đặt hàng của Đài phát thanh và truyền hình Bavaria - đài truyền hình công cộng. Dựa trên kết quả này, các tạp chí danh giá, các tờ báo lớn ở CHLB Đức cũng như Đài phát thanh và truyền hình Đức đã cho đăng một loạt bài viết. Thí dụ, cùng một ngày tờ Thế giới (Die Welt) đăng bài Đa số người Đức cho rằng truyền thông bị điều khiển (Mehrheit der Deutschen halt Medien fur gelenkt), tờ Thời gian trực tuyến (Zeit Online) đăng bài Khảo cứu - Người Đức cho rằng phương tiện truyền thông thông tin bị điều khiển (Studie- Deutsche halten Nachrichtenmedien fur gelenkt), trong đó có đoạn viết: Theo nghiên cứu, đa số người dân CHLB Đức cho rằng phương tiện truyền thông thông tin bị điều khiển, đưa tin theo một chiều, không theo hướng để giải quyết vấn đề. Sáu trong số mười người được hỏi tin chắc rằng, truyền thông bị điều khiển khi quyết định đưa tin gì và cách đưa tin như thế nào. Được xem là kẻ giật dây từ hậu trường là chính phủ, các đảng phái và các nhà doanh nghiệp thông qua những nhóm vận động hành lang...
Tháng 3-2016, nhà báo, Tiến sĩ U.Krueger (U.Khruy-kờ), nhà khoa học làm việc tại Học viện báo chí thuộc Đại học tổng hợp Leipzig (CHLB Đức) đã xuất bản cuốn sách Dòng chính thống - Tại sao chúng ta không còn tin tưởng vào phương tiện truyền thông (Mainstream Warum wir den Medien nicht mehr trauen). Cuốn sách thu hút sự chú ý không chỉ của các nhà báo, mà cả những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông; hàng loạt tờ báo lớn, tạp chí nổi tiếng, và các đài truyền thanh, truyền hình đã giới thiệu. Về nội dung, có thể xem cuốn sách là phần tiếp theo của cuốn Sức mạnh của ý kiến - ảnh hưởng của giới tinh hoa đến truyền thông định hướng và các nhà báo dẫn đầu - Một phân tích phê phán mạng lưới xuất bản năm 2013. U.Krueger đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể để giải thích nguyên nhân của cuộc khủng hoảng niềm tin vào truyền thông phương Tây đã và đang xảy ra. Có lẽ vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine được rất nhiều người ở phương Tây quan tâm, bàn luận nên trang đầu và trang cuối cùng cuốn sách ông đều đề cập, phân tích sự kiện này từ góc nhìn của “tiêu chuẩn kép”. Từ đó, ông đặt tên cho đoạn đầu ở trang 1 là “Vụ lật đổ ở Ukraine là một chất xúc tác”, ở trang cuối là đoạn "Những tiêu chuẩn kéo và sự quan tâm đến đồng minh”, với các chi tiết liên quan tới sự kiện được xem xét tỉ mỉ. Thí dụ, U.Krueger viết: “Sự sáp nhập được phương Tây coi là trái với luật quốc tế, nhưng không đổ máu Crim vào Liên bang Nga đã kích động người làm truyền thông hơn rất nhiều lần so với những cuộc chiến tiến công cũng trái với luật quốc tế nhưng đẫm máu, cũng như sự sử dụng máy bay không người lái của các đồng minh chúng ta. Sự kiện nhà đối lập B.Nemzow (Nem-dốp) bị kẻ lạ mặt bắn chết trên đường phố Moskva (Mát-xcơ-va) là một đề tài phổ biến dài ngày của truyền thông Đức, chương trình Thời sự của Đài truyền hình công cộng số 1 ARD quả quyết, kẻ có tội đang ở trong điện Kremli. Ít lâu sau đó, trên đường phố Kiew (Ki-ép) O. Busyna (Bu-xi-na) - nhà báo đối lập và là người có ý kiến phản đối vụ phong trào Maidan, đã bị ám sát. Nhưng nhiều phương tiện truyền thông phương Tây lại không thèm nhắc tới, dù sự kiện này là một phần của một loạt vụ giết hại các nhà báo và chính trị gia ủng hộ Nga trước khi có sự thay đổi chế độ... Vi phạm nhân quyền không nhất thiết bị gọi là vi phạm nhân quyền. Tội phạm chiến tranh không nhất thiết bị gọi là tội phạm chiến tranh. Sự nghiêm trọng, mức độ của sự bê bối trước sau đều phụ thuộc vào câu hỏi: Ai làm?". Phần cuối cuốn sách, U.Krueger trích dẫn các luận điểm có tính chất phương châm trong tuyên truyền về chiến tranh mà nhà văn và là chính trị gia người Anh là L.A Ponsonby (Pôn-xơn-bai) (1871 - 1946) đã nghiên cứu và rút ra từ chiến tranh thế giới thứ nhất: "Kẻ thù của chúng ta đã cố ý thực hiện sự tàn bạo, còn đối với chúng ta đó là một sự vô tình", "Chúng ta không muốn có chiến tranh", "Kẻ thù phải một mình chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh", "Nhà lãnh đạo của phe đối phương là một con quỷ" ! Giới thiệu quyển sách, ngày 17-3-2016 tờ Thế giới trẻ (Junge Welt) đăng bài báo Món súp loãng truyền thông - Cuốn sách mới của Uwe Krugers về truyền thông chính thống (Dunne Medirensuppe - Das neue Buch Uwe Krugers uber den Mainstream) cho rằng, các nguyên tắc vừa kể trên đã và đang được thực hiện hằng ngày, như mỗi người tiêu dùng phương tiện truyền thông đều biết, cuốn sách này đã chứng minh điều đó. Tác giả cung cấp rất nhiều thí dụ về sự giả tạo, cố ý bỏ sót, tiêu chuẩn kép, bình luận đồng nhất của phương tiện truyền thông kiến tạo ra ý kiến ở phương Tây...
Không thể không nhắc tới vai trò của các nhà báo chân chính, có lương tri và đạo đức nghề nghiệp ở phương Tây, vì họ làm được một số công việc hữu ích cho xã hội và công chúng. Song từ điều tác giả cuốn sách Độc quyền truyền thông (The Media Monopoly) nhận xét: "Các tập đoàn có chiến lược kiểm soát riêng đối với báo chí, từ chuẩn bị nội dung đến đăng tải thông tin. Không một chương trình nào, dù là tin tức hay giải trí, đến được với công chúng nếu không qua sự kiểm duyệt của người quản lý. Các tập đoàn này cũng bóp nghẹt các công ty truyền thông nhỏ lẻ cung cấp những thông tin thiếu hụt cho công chúng. Trong cuộc chơi này, vai trò của công chúng hầu như không có", có thể hiểu các nhà báo ấy đã phải tác nghiệp trong bối cảnh phức tạp như thế nào. Từ nhận xét trên có thể đi tới kết luận: Không nên coi các "ông chủ truyền thông tư nhân" sẽ giúp công chúng thực hiện quyền tự do ngôn luận, dẫn dắt người đọc đến với những giá trị dân chủ đích thực. Hình ảnh hào nhoáng, mùi vị hấp dẫn của "báo chí tư nhân" có thể làm người đứng bên ngoài nhìn vào thấy ngất ngây, nhưng không lừa mỵ được những người đã và đang trực tiếp sống với nền báo chí đó. Vì thế, không nên hy vọng vào các "ông chủ truyền thông" mà bản chất là sử dụng báo chí làm phương tiện tìm kiếm lợi nhuận, họ sẵn sàng đầu độc xã hội và công chúng bằng thông tin thất thiệt, bóp méo sự thật phục vụ lợi ích của một thế lực chính trị, một tập đoàn kinh tế, một mưu đồ,... nào đó.
Một trong các nhiệm vụ quan trọng của báo chí trong xã hội văn minh là đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, trì trệ, tham nhũng, lãng phí; phản biện một số vấn đề chưa đạt sự đồng thuận xã hội. Nhưng điều cần quan tâm là đấu tranh, phản biện như thế nào. Nếu đấu tranh, phản biện chỉ để chửi bới, dựng chuyện vu cáo chính quyền, xúc phạm người khác,... không sớm thì muộn cũng sẽ phải đối diện với pháp luật. Ngay cả ở phương Tây cũng không có thứ tự do tùy tiện như vậy, thí dụ gần đây sự kiện một người dẫn chương trình truyền hình ZDF ở CHLB Đức bị truy tố theo Điều 103 Bộ luật Hình sự CHLB Đức về tội danh "xúc phạm lãnh đạo nước ngoài" vì bài thơ châm biếm Tổng thống R.T Erdogan (R.T.Éc-đô-gan) nên được coi là sự cảnh tỉnh với những ai đang ảo tưởng về báo chí tư nhân, vì họ ngỡ rằng báo chí tư nhân sẽ cho phép muốn viết gì thì viết, muốn chửi gì thì chửi!.

NGỌC DUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét