Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2016

Nỗi đau da cam của người Mỹ gốc Việt

Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ B. Obama (B.Ô-ba-ma) phát biểu: “Chúng tôi cũng vẫn tiếp tục loại bỏ chất độc da cam - dioxin (đi-ô-xin) - để Việt Nam có thể giành lại những mảnh đất của mình” và đó là điều cần thiết.
Vì hơn 40 năm sau chiến tranh, hằng năm Chính phủ Mỹ vẫn phải chi khoảng 21 tỷ USD bồi thường cho cựu chiến binh Mỹ liên quan chiến tranh ở Việt Nam, trong đó phần đáng kể là bồi thường cho hơn 650.000 người (tính đến 2014) mắc bệnh và dị tật liên quan chất độc da cam. Nhưng đến hiện tại, một nhóm không nhỏ nạn nhân người Mỹ gốc Việt vẫn không được quan tâm, đáng chú ý có người còn phản đối nếu “bị coi” là nạn nhân chất độc da cam! Lược dịch và tổng thuật từ bài viết của tác giả NGOC NGUYEN đăng trên New America Media sẽ cho thấy vấn đề này…
Sau tám vòng hóa trị, Nguyễn Trai cảm thấy kiệt sức, cơ thể của ông bị tàn phá. Người đàn ông 60 tuổi này bị một dạng ung thư ác tính hiếm gặp mà ông cho là do tiếp xúc với chất độc da cam - dioxin, trong chiến tranh Việt Nam. Các bác sĩ tin là bệnh ung thư của ông đã thuyên giảm, tuy nhiên bệnh không thể chấm dứt. “Hai tay tôi bị rung mạnh. Tôi không thể làm gì” - ông nói. Sau chiến tranh, Trai đến Mỹ, giờ đây ông vẫn trong cảnh khốn cùng. Năm 19 tuổi, Trai hoạt động nhiều ngày đêm tại các khu rừng rậm để trinh sát, thu thập tin tức dọc đường Hồ Chí Minh, tuyến đường huyết mạch mà những người lính Bắc Việt sử dụng để tiếp viện cho miền nam. Quân đội Mỹ đã phun chất độc da cam để hủy diệt các cánh rừng che chở binh lính đối phương, cũng như là mùa màng. Theo Bộ Cựu chiến binh Mỹ từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã đổ hơn 19 triệu gallon (ga-lông) chất diệt cỏ ở miền nam Việt Nam và biên giới với Lào, Cam-pu-chia. Dù nhiệm vụ của Trai thực hiện sau khi việc phun thuốc đã dừng lại, Trai vẫn nhận thấy ảnh hưởng của chất diệt cỏ trong toàn bộ khu vực. Nhưng vào thời điểm đó, không ai hiểu được chất diệt cỏ mầu da cam có chứa carcinogen dioxin, và Trai chưa bao giờ nghĩ về rủi ro với sức khỏe của mình. Gần bốn mươi năm sau khi chiến tranh kết thúc, Trai được chẩn đoán đã mắc một loại hạch ác tính, một dạng ung thư có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ miễn dịch của cơ thể. Đây là một trong hơn một tá loại bệnh khác nhau mà cựu chiến binh Mỹ được hưởng bồi thường... Nhưng Trai vẫn đang phải vật lộn với các khoản chi tiêu, một khoản trợ cấp bổ sung là điều ông cần hơn bao giờ hết. Dù sức khỏe rất kém, ông vẫn phải đi làm thuê với đủ loại công việc từ làm vườn đến xây dựng. Ông cho biết: “Cuộc sống của tôi bây giờ vô cùng vất vả”. Phần lớn chi phí y tế của ông được Medi-Cal - một chương trình bảo hiểm y tế công dành cho người nghèo, chi trả. Ông cũng không thể trả tiền thuê nhà và các chi phí sinh hoạt của gia đình. Trai nói, ông đã thử nộp đơn tới SSI, một chương trình công trợ cấp cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, nhưng họ từ chối vì cho rằng bệnh của ông không được coi là khuyết tật vĩnh viễn...
Vicky Nguyễn, 82 tuổi, từng sống gần một căn cứ không quân Mỹ ở Đà Nẵng, nơi được coi là điểm nóng về ô nhiễm dioxin, đã tin rằng phơi nhiễm hóa chất trong chiến tranh đã giết chết chồng và con gái lớn của bà vì căn bệnh ung thư hiếm gặp. “Nếu điều đó xảy ra với một người trong gia đình có thể coi là ngẫu nhiên, tuy nhiên có tới hai người trong gia đình tôi bị cùng một căn bệnh”, bà nói khi ngồi gần bàn thờ có di ảnh người thân trong phòng khách gia đình. Ngọc, con gái của bà Vicky, được các bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư hạch vào năm 1998. Cô ra đi ở tuổi 45 do biến chứng ung thư kết hợp với các bệnh khác. Năm 2004, ở tuổi 80, chồng của bà Vicky cũng qua đời do ung thư hạch. Theo bà, chính phủ Mỹ cần bồi thường cho sự mất mát của gia đình mình. Bà nói: “Sau khi bạn đã mất đi những người thân, cái gì còn lại ngoài tiền?”.
Nhưng nhiều người bị ảnh hưởng lại không chia sẻ quan điểm của Vicky. Số đông người Mỹ gốc Việt, đặc biệt là cựu binh “Việt Nam CH”, không yêu cầu bồi thường cho các tổn thương bởi chất diệt cỏ. Một số kẻ chống cộng trong cộng đồng, thông qua những thành viên “to mồm” nhất cho rằng, mối nguy hiểm của chất độc da cam chỉ là trò lừa bịp của cộng sản. Nhân Ngô, nghiên cứu viên đến từ Đại học Tổng hợp New York (Niu-oóc), người từng thất bại trong việc huy động người Mỹ gốc Việt ủng hộ vụ kiện năm 2004 chống lại các Công ty sản xuất thuốc diệt cỏ, nói: “Chỉ còn một nhóm người không thừa nhận vấn đề chất độc da cam - đó chính là người Mỹ gốc Việt”. Thí dụ như Phu Nguyen. Là đại úy bộ binh đóng quân gần một căn cứ không quân của Mỹ ở Plây Cu, Phu Nguyen nhắc về những trận mưa chất diệt cỏ rơi lên đầu anh ta: “Tôi là một trong những người ở miền nam bị phơi nhiễm chất da cam và tôi không bị bệnh”. Phú hiện sống ở San Francisco (Xan Phran-xcô) nói: “Các con tôi không bị bệnh. Chúng không bị dị dạng hay tâm thần. Con gái của tôi có bằng tiến sĩ”. Anh ta nói cộng đồng tin rằng Hà Nội nói có nhiều nạn nhân chất độc da cam bởi vì “họ muốn có tiền từ Hoa Kỳ”!
Năm 1968, đúng vào thời điểm cao trào của cuộc chiến, Nhân Ngô đến học ở Mỹ. Trong thời gian đó, anh bắt đầu chỉ trích chiến tranh và việc sử dụng chất diệt cỏ cũng như bom napalm (na-pan) của Washington (Oa-sinh-tơn). Vài chục năm sau, anh bắt đầu công cuộc giúp các nạn nhân người Việt khôi phục công bằng, vì đã chịu tác hại mà chất độc da cam gây ra. Năm 2000, Ngô cố gắng huy động một liên minh rộng lớn của các tổ chức xã hội của người gốc Việt là Liên minh quốc gia các tổ chức người Việt ở Mỹ để dự thảo bức thư yêu cầu Tổng thống B. Clinton (B.Clin-tơn) tài trợ cho việc đánh giá sức khỏe của người Mỹ gốc Việt. Anh nói nỗ lực này đã bị “các lãnh đạo cộng đồng gốc Việt ở Mỹ bác bỏ”. Thang Nguyên, chủ tịch một tổ chức xã hội của người Mỹ gốc Việt, nói cộng đồng bỏ qua vấn đề này “vì người ta cho rằng đó chỉ là cái bẫy của chính quyền cộng sản Việt Nam muốn tấn công nước Mỹ”…
Trên thực tế, các cựu chiến binh từ chiến tranh ở Việt Nam tại Mỹ, Australia (Ô-xtrây-li-a), New Zealand (Niu Di-lân) và Hàn Quốc đều được nhận trợ cấp bệnh tật do chất độc da cam từ chính phủ của họ. Canada (Ca-na-đa) còn bồi thường cả các công dân bị phơi nhiễm với chất diệt cỏ trong quá trình thử nghiệm trước chiến tranh. Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ trả nhiều tỷ USD trợ cấp bệnh tật liên quan chất diệt cỏ cho cựu chiến binh Mỹ. Ngược lại, những người Mỹ gốc Việt bị phơi nhiễm đang ốm đau - gồm cả cựu chiến binh và dân thường - không nhận được, dù chỉ là một xu. Trong phần lớn các trường hợp, những người Mỹ gốc Việt, đặc biệt “cựu chiến binh Việt Nam CH”, đã không yêu cầu bồi thường cho các tổn thương từ chất diệt cỏ mặc dù có bằng chứng cho thấy họ có tỷ lệ bị các bệnh ung thư liên quan chất độc da cam ở mức cao hơn. Nhiều người cảm thấy, nếu đổ lỗi cho hoạt động của quân đội Mỹ về bệnh tật trong cộng đồng của mình thì dường như họ đứng về phía cộng sản Việt Nam, như vậy thể hiện sự khinh bỉ Tổ quốc mới là nước Mỹ, quốc gia mà họ cống hiến.
Trong các năm gần đây, nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã đề xuất dự luật cho phép giúp đỡ những người Mỹ gốc Việt cũng như các nạn nhân khác của chất khai quang thời chiến tranh. Tuy nhiên, theo những người ủng hộ, khả năng dự luật được thông qua là rất thấp, nếu không có sự trợ giúp từ người Mỹ gốc Việt cũng như sự ủng hộ của các cựu chiến binh Mỹ. B. Edelman (B. Ê-đen-man), Phó Giám đốc phụ trách chính sách và quan hệ chính phủ của tổ chức Cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam ở Mỹ (VVA) tin là nhiều cựu chiến binh người Việt đang phải khổ sở vì phơi nhiễm chất độc da cam, nhưng tổ chức của ông lo rằng ủng hộ họ có thể làm giảm các nỗ lực dành cho chính cựu chiến binh người Mỹ. Ông nói: “Không phải chúng tôi ghen ghét gì, nhưng chúng tôi không muốn các cựu chiến binh người Mỹ, con cái cũng như cháu chắt của họ, bị quên lãng trong cái mớ hỗn độn này”.
Việc chất độc da cam và các hóa chất khác được sử dụng rộng rãi trong chiến tranh ở Việt Nam là vấn đề không phải tranh cãi. Năm 2003, tạp chí Nature công bố nghiên cứu của hai giáo sư Jeanne (Giên) và Stellman (Xten-man) thuộc Đại học Tổng hợp Columbia (Cô-lôm-bi-a - Mỹ) ước tính đã có tới 4,8 triệu thường dân Việt Nam bị phơi nhiễm các chất diệt cỏ. Theo số liệu của cơ quan di trú liên bang, từ năm 1971 tới năm 2000, có hơn 739.000 người Việt vào Mỹ. Mặc dù khó đưa ra con số chính xác, nhưng rất có thể hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn người Mỹ gốc Việt bị phơi nhiễm. Đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh mối liên hệ giữa phơi nhiễm chất diệt cỏ tới các loại ung thư khác nhau với cựu binh Mỹ. Không có nghiên cứu tương tự được thực hiện với người Mỹ gốc Việt... So sánh tỷ lệ nhiễm bệnh với 14 loại ung thư thường gặp trong sáu nhóm cư dân gốc Á và nhóm người da trắng, chuyên gia về ung thư dịch tễ học S. L Gomez (L.Gô-mét) ở Viện nghiên cứu phòng, chống ung thư California (Ca-li-pho-ni-a - CPIC) nhận thấy, dù người da trắng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, nhưng phân tích kết quả nghiên cứu cho thấy so với các sắc tộc gốc Á khác, thì người Mỹ gốc Việt ở California có tỷ lệ bị bệnh cao hơn một số bệnh liên quan phơi nhiễm chất độc da cam... Các nhà nghiên cứu cho rằng, xem xét tác động của chất diệt cỏ tới sức khỏe của người Mỹ gốc Việt, trước tiên là xác định việc họ đã bị phơi nhiễm? Nghiên cứu trong khía cạnh này cũng gặp nhiều cản trở. Tiến sĩ A. Schester (A.Che-xtơ), giáo sư môi trường ở Dallas (Đa-lát) nói ông cố gắng nghiên cứu nồng độ dioxin trong người Mỹ gốc Việt, tuy nhiên nỗ lực của ông khi tiếp cận dù theo cách không chính thức cũng không thành công. Cản trở lớn nhất với nghiên cứu là sự nhạy cảm về chính trị của chất da cam trong cộng đồng, ông đã chia sẻ. “Chắc chắn là việc nghiên cứu phải được tiến hành đối với những người Mỹ gốc Việt có tuổi, có thể bị phơi nhiễm ở những vùng được phun thuốc nhiều hoặc đã ăn thực phẩm nhiễm chất da cam này”, A. Schester khẳng định. Nói tới hậu quả lâu dài của chất độc da cam, nhiều người Mỹ gốc Việt vẫn tin đây là vấn đề chỉ ảnh hưởng tới người đang sống ở Việt Nam. Và có lẽ người Mỹ gốc Việt cần hiểu rằng, không có gì là xấu hổ khi thừa nhận nỗi đau của chính mình.
HÀ THI (lược dịch và tổng thuật)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét