Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

[Bình luận trong nước] - Nạn đói năm 1945 và sự thật lịch sử (Kỳ 1)

Năm 1945, một thảm họa khủng khiếp đã xảy ra với dân tộc ta: Hơn hai triệu đồng bào chết đói. Hàng triệu người đang sống hôm nay từng có người thân là nạn nhân, là nhân chứng của sự kiện này và ai cũng có thể biết nguyên nhân nạn đói từ đâu. Nhưng gần đây lại xuất hiện ý kiến đổi trắng thay đen về vấn đề này, và vì thế, dù khép lại quá khứ hướng tới tương lai, chúng ta vẫn phải khẳng định: Không được phép xuyên tạc lịch sử !
Hơn 70 năm đã qua, dù đất nước phải trải qua bao nhiêu thăng trầm để có ngày thống nhất, độc lập, xây dựng cuộc sống mới thì sự kiện hơn hai triệu đồng bào chết đói năm 1945 (chiếm khoảng một phần mười dân số cả nước khi ấy, nếu chỉ tính ở miền bắc thì số người chết chiếm khoảng một phần sáu dân số) vẫn còn hằn in trong tâm thức hàng triệu người. Qua chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly của Truyền hình Việt Nam, chúng ta vẫn chứng kiến những người thân đi tìm nhau sau hơn nửa thế kỷ thất lạc vì phải chia lìa do nạn đói. Và đến nay, từ các cứ liệu lịch sử cụ thể, xác thực,… việc xác định đâu là thủ phạm đã gây ra nạn đói năm 1945 là điều không cần tranh cãi.
Tuy nhiên gần đây, với thủ đoạn đổi trắng thay đen, một số kẻ bịa đặt, đưa lên in-tơ-nét luận điệu vu cáo nhằm vào uy tín của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Mấy kẻ này lu loa “Việt Minh là thủ phạm gây ra nạn đói năm 1945, Việt Minh lấy gạo để cung cấp cho quân đội Trung Hoa dân quốc”, thậm chí Trần Gia Phụng - hiện sống tại Canada (Ca-na-đa) và được một số kẻ tung hô là “sử gia, giáo sư”, trơ tráo bịa đặt: “Việt Minh xúi dân chúng chống đối việc trưng mua lúa gạo, xúi dân đánh phá các kho lúa... Trong cơn đói, có người đành phải lên mật khu gia nhập Việt Minh để được chia phần gạo cướp được cho qua nạn đói,...".
Do đó, dù nhất quán với chủ trương hòa hiếu, rộng mở, khép lại quá khứ hướng tới tương lai, không biến nỗi đau thương của quá khứ thành mối thù trong hiện tại để ảnh hưởng tới tình hữu nghị giữa các dân tộc, ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác, phát triển giữa các quốc gia,… thì việc làm sáng tỏ lịch sử để vạch trần luận điệu của mấy kẻ này vẫn trở nên cần thiết, để không có điều gì của lịch sử bị lãng quên, để luôn trân trọng những thành quả của đất nước trong hiện tại.
Thảm trạng kinh hoàng và đau đớn
Việt Nam đã trở thành cường quốc xuất khẩu gạo và đất nước đã đổi thay rất nhiều. Song người Việt Nam vẫn không quên thảm trạng đau đớn mà cha ông đã phải chịu đựng trong những tháng ngày từ cuối năm 1944 đến đầu năm 1945. Hơn hai triệu đồng bào bị chết đói vì sự cai trị và bóc lột của chủ nghĩa thực dân, phát-xít. Nạn đói diễn ra ở 32 tỉnh miền bắc và Bắc Trung Bộ, từ Quảng Trị trở ra, trọng điểm là các tỉnh đồng bằng, nơi dân số tập trung đông, như Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa. Cái đói đã không buông tha ai, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất là người nghèo, người lao động, làm thuê… Sau này, khi nạn đói lan rộng, có những gia đình, dù còn nhiều tài sản trong nhà nhưng bán không ai mua, rồi cũng bị chết đói.
Số liệu thống kê cũng cho biết “Riêng tỉnh Thái Bình, nơi nạn đói diễn ra trầm trọng nhất, đã được Ban lịch sử tỉnh điều tra, con số tương đối sát thực tế là cả tỉnh chết đói mất 280.000 người. Chỉ tính số người chết đói ở Thái Bình cùng với Nam Định hơn 210.000 người, Ninh Bình 38.000, Hà Nam 50.000 thì số người chết đói đã lên đến hơn 580.000. Như vậy, con số hai triệu người Việt Nam chết đói trong 32 tỉnh cũ tính từ Quảng Trị trở ra và hai thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng là gần với sự thực” (Văn Tạo - Nạn đói ở Việt Nam năm 1945 - nguyên nhân và hậu quả, in trong cuốn sách Nỗi đau lịch sử: Nạn đói 1945, báo Tuổi trẻ và NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh năm 2007, tr.61).
Đỉnh điểm của nạn đói là tháng 3-1945, từ lúc phải ăn rau dại, củ chuối, vỏ cây, bán dần tài sản trong gia đình để mua lương thực cầm hơi đến lúc không còn gì để bán và không thể mua, rất nhiều người đã ngồi chờ chết. Dân chúng bỏ làng lũ lượt kéo nhau đi mà không biết đi đâu, kiếm được gì, xin được gì ăn nấy. Vì đông người xin quá nên cũng không có nhiều người có để cho và thế là cứ lả dần đi và chết. Trong các bức ảnh của nghệ sĩ Võ An Ninh, có những hình ảnh khi người con xin được chén cháo cố đút cho bố nhưng miệng ông đã cứng đờ. Nhiều gia đình chết cả nhà, gia đình tứ tán đi các nơi kiếm ăn và sau này cũng chết gần hết, có dòng họ chỉ còn một vài người sống sót.
Cuốn Lịch sử tỉnh Hà Nam Ninh xuất bản năm 1988 cho biết, phủ Nghĩa Hưng (Nam Định) mỗi ngày chết 400 người; huyện Kim Sơn (Ninh Bình) cả vụ đói có 22.908 người chết; trong 6.161 hộ thì có 1.571 hộ chết không còn người nào. Khi người đói kéo về các thành phố lớn, lúc đầu chết còn được bó chiếu đem chôn, sau vì nhiều người chết quá nhà chức trách đành phải chất xác lên xe bò, hất chung xuống hố. Nhân chứng kể lại rằng, có người còn thoi thóp nhưng vẫn bị vứt lên xe đưa đi chôn, vì “trước sau gì cũng chết”.
Tài liệu của Viện Sử học cũng cho biết, nhiều nhân chứng sống sót kể lại gặp rất nhiều cảnh thương tâm khi người mẹ đã chết đói nhưng con nhỏ vẫn cố sờ tìm núm vú đã teo đét và cứng đờ, lạnh ngắt của người mẹ để ngậm. Có đứa trẻ còn thoi thóp đã bị vứt lên xe bò chở xác cùng với người mẹ đã chết để đem hắt ra bãi tha ma… Trong bức thư viết vào tháng 4-1945, về thảm trạng nạn đói ông đã chứng kiến, tác giả Vespi (Véc-pi) từng mô tả: “Họ đi thành rặng dài bất tuyệt gồm cả gia đình, già lão có, trẻ con có, đàn ông có, đàn bà có, người nào người nấy rúm người dưới sự nghèo khổ, toàn thân lõa lồ, gầy guộc, giơ xương ra và run rẩy. Ngay cả đến những thiếu nữ tuổi dậy thì, đáng lẽ hết sức e thẹn cũng thế. Thỉnh thoảng họ dừng lại để vuốt mắt cho một người trong bọn họ đã ngã và không bao giờ dậy được nữa, hay để lột miếng giẻ rách không biết gọi là gì cho đúng hãy còn che thân người đó” (Furuta Motoo - chủ biên, Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - những chứng tích lịch sử, NXB Khoa học xã hội, H.2005, tr.18).
So sánh nạn đói năm 1945 ở Việt Nam với tổn thất của các cuộc chiến tranh Pháp - Đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nạn đói nguy hiểm hơn nạn chiến tranh. Thí dụ trong 6 năm chiến tranh, nước Pháp chết một triệu người, nước Đức chết chừng 3 triệu. Thế mà nạn đói nửa năm ở Bắc Bộ, ta đã chết hơn 2 triệu người” (Văn Tạo - Furuta Motoo, Sđd, tr.699).
Ai là thủ phạm?
Mùa thu năm 1940, phát-xít Nhật vào Đông Dương, thực dân Pháp không những không bảo hộ được nhân dân Việt Nam như họ vẫn rêu rao, mà từng bước đầu hàng, dần dần cấu kết với phát-xít Nhật để đàn áp nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam rơi vào cảnh “một cổ hai tròng”, vừa bị thực dân Pháp đàn áp, vừa bị phát-xít Nhật hành hạ. Đặc biệt, từ khi đến Đông Dương, phát-xít Nhật đã thi hành hàng loạt chính sách để đánh vào nền kinh tế: Buộc Pháp phải ký kết nhiều hiệp ước yêu cầu cung cấp lương thực, giao nộp lúa, gạo cho Nhật hằng năm, cấm vận chuyển lương thực từ nam ra bắc, kết hợp với chính sách bắt dân nhổ lúa trồng đay lấy nguyên liệu phục vụ chiến tranh,… đã đẩy nhân dân Việt Nam đến nạn đói thảm khốc năm 1945.
Việc vận chuyển thóc gạo từ miền nam ra bị Nhật cấm vận, cùng với việc vơ vét thóc gạo ở miền bắc đã làm cho giá thóc gạo tăng cao quá sức chịu đựng của người dân, nhiều người không đủ sức mua và phải chịu chết đói. Trong Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án và nhắc lại sự kiện bi thảm này “Mùa thu năm 1940, phát-xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng Minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói” (Hồ Chí Minh, toàn tập, Tập 4, NXB Chính trị quốc gia, H.1995, tr.01).
Công trình nghiên cứu nạn đói năm 1945 của GS Văn Tạo và GS Furuta Motoo chỉ rõ: Chính sách vơ vét thóc gạo của phát-xít Nhật và thực dân Pháp lúc bấy giờ cùng với thiên tai, mất mùa ở nhiều tỉnh đồng bằng Bắc Bộ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thảm cảnh trên. Nhiều công trình nghiên cứu khác nữa đã chứng minh chính thực dân Pháp và phát-xít Nhật là thủ phạm chính gây ra thảm cảnh cho dân tộc Việt Nam khi ấy. Bác sĩ Ngô Văn Quỹ trong một tham luận của mình về nạn đói, cho biết: “Cuối năm 1944, quân số của Nhật ở Bắc Kỳ đã lên tới gần 100.000 người. Bắc Kỳ lúc đó đã thiếu gạo, vì ba trận bão tàn phá các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Dương và Bắc Ninh, làm cho vụ mùa bị thất thâu, lại bị cái họa phải nhổ lúa để trồng cây công nghiệp cho Nhật, nay lại phải nuôi thêm 100.000 miệng ăn của quân đội Nhật. Theo tờ trình của Thống sứ Bắc Kỳ Chauvet, thì vào năm 1944 ở Bắc Kỳ, diện tích trồng cây công nghiệp đã lên tới 45.000 ha” (Nỗi đau lịch sử: Nạn đói 1945, Sđd, tr.45).
(Còn nữa)
HỒNG PHÚC/nd

[Bình luận trong nước] - Đừng biến trẻ em thành "thiên tài bất đắc dĩ"!

Dù không được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép, song gần đây, hàng loạt các trung tâm “đào tạo thiên tài” vẫn ngang nhiên xuất hiện ở một số thành phố lớn với chi phí không hề nhỏ. Và với nhiều trẻ em, một cuộc sống bình thường bỗng lại trở thành mơ ước xa xỉ, khi các em phải chịu vô số áp lực từ chính cha mẹ mình...
Có thể đào tạo được thiên tài không, vốn là câu hỏi đã làm đau đầu nhiều thế hệ nhà khoa học. Tuy nhiên, với sự nở rộ hàng loạt cơ sở đào tạo cùng các tên gọi mĩ miều như “thiếu niên siêu đẳng”, “huấn luyện thần đồng”, “dạy con thành thiên tài” thời gian qua ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thì dường như có người đang chứng minh việc đào tạo thiên tài ở Việt Nam là có thật, thậm chí là không hề khó, miễn là có tiền! Vì họ quảng bá rằng, với số tiền từ 7 triệu đến 12 triệu đồng, chỉ trong hai đến ba buổi, là đối tượng đào tạo (trẻ em từ 6 tuổi đến 15 tuổi) hoàn toàn có thể trở thành thiên tài!
Dễ dàng bắt gặp trên trang web của các cơ sở này nhiều lời quảng cáo “có cánh” như: “Khi các con học theo phương pháp midbrain activation (hoạt hóa não giữa hay kích hoạt não giữa), các con sẽ có những khả năng đặc biệt như sau: Trẻ sẽ có năng lực siêu giác quan. Con trẻ được bịt mắt và có khả năng nhận biết những chi tiết trên thẻ bằng cách sử dụng nhận thức bên trong mạnh mẽ. Những con trẻ có vượt trội về thính giác, có khả năng nhận biết mầu sắc và con số trên thẻ bằng cách lắng nghe không dùng tới mắt. Những con trẻ vượt trội về khứu giác có khả năng nhận biết được mầu sắc và con số trên thẻ bằng cách ngửi trong khi bịt mắt. Con bạn hoàn toàn có thể trở thành thiên tài. Vấn đề chỉ là phương pháp dạy con mà thôi”.
Không chỉ quảng cáo trên mạng, các tờ rơi về những khóa “đào tạo thiên tài” còn được phát vô tội vạ tại cổng nhiều trường học. Và không rõ bằng cách nào đó, một số trung tâm còn có số điện thoại của các phụ huynh để gọi điện, nhắn tin mời chào theo lối... đeo bám! Căn cứ lời giới thiệu về chương trình học của các cơ sở này, điểm chung là thời gian đào tạo ngắn nhưng mục tiêu đặt ra rất “phi thường”: Ở cấp độ 1, trẻ em có thể xem hình, đọc sách, chơi cờ, đi lại trên phố, làm việc mà không cần nhìn bằng mắt, là học lớp 1 nhưng có thể vận dụng giải toán cấp 3... Ở cấp độ 2, trẻ có khả năng thần giao cách cảm như: ngồi ở lớp mà vẫn biết bố mẹ đang làm gì ở nhà, không cần hỏi cũng biết bố mẹ nghĩ gì, muốn gì... Ở cấp độ 3, trẻ có khả năng ghi nhớ siêu tốc, mắt đọc sách nhanh như máy chụp ảnh...
Đối với những phụ huynh còn phân vân, hẳn sẽ không khỏi xao động trước lời mời chào đại loại, như: Trẻ em chỉ có một giai đoạn nhất định và nếu không đầu tư cho con ngay, phụ huynh sẽ... vô cùng ân hận! Nếu bố mẹ tiếc tiền, con mình sẽ mãi mãi chỉ là đứa trẻ... tầm thường, các năng lực tiềm ẩn sẽ không được đánh thức! Có trung tâm cam kết hoàn trả lại tiền hoặc sẵn sàng tặng thêm một khóa học miễn phí nếu sau khóa học, trẻ không tiếp thu được và vẫn chưa có “dấu hiệu thần đồng”! Nhưng thực tế, có trẻ trên lớp thì nhận biết được mầu sắc trong khi bịt mắt, nhưng khi về nhà thì khả năng này bỗng dưng biến mất? Do đó, phụ huynh cũng rất khó khiếu nại để đòi trung tâm hoàn trả lại tiền học phí. Việc tiếp tục học thêm một khóa miễn phí để đạt bằng được mục tiêu thành “thiên tài” cũng không dễ chút nào, khiến nhiều học sinh và phụ huynh thấy nản cho nên phải bỏ cuộc.
Tuy nhiên, cũng có nhiều phụ huynh đặt nghi vấn: “Chuyện này có thể đáng tin được sao? Theo Wikipedia, chưa có một nghiên cứu khoa học cụ thể nào chứng minh được não giữa có thể được kích hoạt. Chuyện này tôi thấy như một trò hề, toàn bộ đạo cụ được nhà trường chuẩn bị trước. Họ có thể làm dấu tạo mùi hương trước với tất cả chúng rồi dạy cho trẻ con biết cách nhận ra chúng”. Có phụ huynh cảnh tỉnh: “Nếu phương pháp này ai cũng thành công thì nước Việt Nam này toàn thiên tài. Giáo dục là một quá trình lâu dài, các người bày vẽ ra đủ kiểu cũng chỉ để lợi dụng móc tiền của những phụ huynh cả tin".
Từ góc độ khoa học, TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng bộ môn Phương pháp dạy Toán (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Hiện tại, theo tôi được biết, các nghiên cứu não bộ vẫn chưa thể giải mã 100% cấu trúc cũng như hoạt động của nó. Vì thế, tôi cho rằng chưa có đủ căn cứ khoa học để khẳng định việc kích não trở thành thần đồng là hợp khoa học. Đến nay, với tất cả hiểu biết của tôi về thần kinh học, tâm lý học và giáo dục học, tôi cho rằng trẻ cần có một cách giáo dục riêng phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và văn hóa nơi trẻ sinh ra và phát triển. Đặc biệt mỗi giai đoạn, trẻ lại cần có cách tác động khác nhau”.
Là giảng viên chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, TS Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định: Phương pháp kích hoạt não giữa chưa từng được các nước có nền khoa học phát triển như Anh, Mỹ, Pháp, Singapore (Xin-ga-po) thẩm định về chuyên môn. Theo ông, việc kích não sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường như: Khiến trẻ hoặc ảo tưởng về năng lực của mình, hoặc bị áp lực về năng lực đó. Chưa kể, trẻ có thể sử dụng năng lực đó vào những mục đích cá nhân không chính đáng.
Trước sự bung ra của các cơ sở “đào tạo thiên tài”, nhiều phụ huynh mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc để làm rõ thực chất phương pháp giảng dạy được áp dụng tại các cơ sở này, vì nếu đây là phương pháp giáo dục mới, tiến bộ thì cần nhân rộng để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước, còn nếu việc đào tạo chỉ là chiêu thức lừa đảo thì cần phải xử lý nghiêm. Ngay sau khi ý kiến dư luận được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng cuối tháng 11 vừa qua, Vụ trưởng Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Bá Minh cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo không cấp phép cho các trung tâm này, vì vậy các trung tâm không thuộc sự quản lý của Bộ.
Ông Nguyễn Bá Minh cũng khẳng định: Theo tìm hiểu của tôi thì chưa có bất kỳ công bố nào trên thế giới khẳng định tính an toàn, cũng như tác dụng của phương pháp kích hoạt não giữa cả. Thế nhưng, không hiểu cơ quan nào cấp phép cho những trung tâm này hoạt động... Trách nhiệm của địa phương, nhất là các trường mầm non cần tuyên truyền để bố mẹ nhận thức đúng về cách thức giáo dục trẻ. Bởi lẽ, giáo dục trẻ mầm non nếu không phối hợp bố mẹ một cách khoa học thì ảnh hưởng rất không tốt đến trẻ.
Cần phải nhìn nhận một thực tế: cơ sở “đào tạo thiên tài” không thể “ăn nên làm ra” nếu không có sự hưởng ứng nhiệt tình của các phụ huynh. Chính sự nóng vội, tâm lý “đua thành tích cao”, muốn con phải khác biệt, xuất sắc, phải phi thường, thậm chí phải thành thần đồng đã khiến không ít phụ huynh sẵn sàng chi nhiều tiền để đưa con đến các trung tâm kích hoạt não, giúp con thông minh hơn. Điều này thì không chỉ các ông bố, bà mẹ Việt Nam mới sốt sắng, mà có thể gặp chuyện tương tự ở một số quốc gia khác, như Hàn Quốc với phong trào cho con đi tiêm “mũi thuốc thông minh” để kích thích trí não cho trẻ; hay ở Trung Quốc với trào lưu cho con ăn món “canh thông minh”...
Mong muốn con cái giỏi giang là nhu cầu chính đáng của cha mẹ. Nhưng sự giỏi giang không đồng nghĩa với việc lúc nào cũng phải đạt được những điểm số cao, hay làm được những việc phi thường. Hơn nữa, giáo dục là một quá trình lâu dài, với mỗi trẻ cần áp dụng những phương pháp khác nhau, phù hợp tâm sinh lý, hoàn cảnh sống,... từ đó mới giúp trẻ phát huy các khả năng tiềm ẩn. Niềm tin thái quá của các bậc cha mẹ vào “phép mầu nhiệm” có thể giúp con mình trở thành thần đồng đã vô tình biến những đứa trẻ trở thành nạn nhân thử nghiệm của cái gọi là "một phương pháp giáo dục" chưa hề được kiểm chứng.
Đối với mỗi người, học để hiểu biết, để thực hiện ước mơ, hoài bão của bản thân; học để sau này có công ăn việc làm tử tế, phù hợp với khả năng bản thân để từ đó có cuộc sống tốt đẹp, trở thành người có ích cho xã hội. Nếu mỗi phụ huynh không tỉnh táo, tôn trọng sự phát triển tự nhiên của con trẻ để từ đó có phương pháp giáo dục - đào tạo phù hợp, mà vội chạy theo các trào lưu “đốt cháy giai đoạn” thì chỉ gây hại cho sự phát triển của trẻ, thậm chí để lại tác hại lâu dài. Do đó, dù cơ quan chức năng có vào cuộc để xử lý vi phạm, nếu mỗi phụ huynh không tỉnh táo cũng sẽ dễ dàng sập bẫy các mô hình đào tạo phản giáo dục, phản khoa học và con mình sẽ nhận hậu quả không thể lường hết.
THÀNH NAM/nd

[Bình luận trong nước] - Cảnh báo từ việc gây quỹ cộng đồng

Gần đây, nhờ đóng góp của nhà tài trợ, người hảo tâm, với hình thức gây quỹ cộng đồng mà dự án nghệ thuật của một số nghệ sĩ tự do, nghiệp dư với khuynh hướng, thể loại ít nhiều còn xa lạ đã đến với công chúng. Đó là điều cần ghi nhận, song từ đây đã xuất hiện một số hiện tượng cần được cảnh báo để qua đó lành mạnh hóa hoạt động xã hội này...
Trên thế giới, việc gây quỹ cộng đồng (crowdfunding) nhằm thực hiện tác phẩm nghệ thuật đã tồn tại từ lâu, và ở Việt Nam cũng không còn xa lạ. Theo nhiều nhà nghiên cứu, công trình nghệ thuật nổi tiếng nhất từ trước đến nay được thực hiện thành công qua hình thức gây quỹ cộng đồng là tượng Nữ thần Tự do. Chi phí đúc bức tượng này do nhà điêu khắc F.A.Bartholdi (F.A Bác-tôn-đi) huy động từ nhân dân Pháp với nhiều hình thức như quyên tiền, vật liệu, mua vé vào thăm xưởng dựng tượng... Riêng kinh phí xây dựng phần bệ tượng thì do người dân Mỹ đóng góp sau lời kêu gọi của ông chủ báo nổi tiếng Pulitzer (Pu-lít-dơ) trên tờ New York World.
Ở nước ta, tuy chưa có nghiên cứu về vấn đề gây quỹ cộng đồng cho tác phẩm nghệ thuật, nhưng có thể thấy hình thức này đã có mặt từ rất sớm, thể hiện qua việc: trong các thế kỷ trước, nhân dân đóng góp xây dựng các công trình kiến trúc tại nhiều địa phương. Dẫu vậy, hoạt động gây quỹ cộng đồng để thực hiện dự án nghệ thuật mới chỉ xuất hiện trên các website từ năm 2013. Những tác phẩm đầu tiên thành công nhờ các kênh gây quỹ này có thể kể đến hai vở nhạc kịch Góc phố danh vọng và Đêm hè sau cuối trênig9.com, và Saigon Electric (Sài Gòn I-lec-trích) trên indengogo.com. Qua ba năm, giờ đây việc sử dụng internet (in-tơ-nét) để gây quỹ cộng đồng cho các dự án nghệ thuật không còn là hiện tượng đơn lẻ, mà trở thành một xu hướng đầu tư thu hút sự quan tâm của nhiều tác giả và công chúng, nhất là người trẻ tuổi. Không thể phủ nhận, thời gian qua, các kênh thu hút vốn này đã đỡ đầu cho nhiều dự án nghệ thuật gây chú ý trong dư luận như: dự án Hoa văn Đại Việt của nhóm Đại Việt Cổ Phong, bộ truyện tranh lịch sử Long Thần Tướng, album Ngọt - Ngọt, nghệ thuật gấp giấy của nhóm Nguyễn Tú Tuấn hay các sản phẩm âm thanh thủ công kết hợp giữa công nghệ và nghệ thuật gốm sứ của Maybelle Solo (May-be-lờ Sô-lô)…
Nhưng đến nay, dù có nhiều tiềm năng hứa hẹn, nhưng số tiền thu được từ hoạt động gây quỹ cộng đồng cho các tác giả, dự án nghệ thuật còn ít ỏi. Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng vậy. Theo số liệu thống kê về gây quỹ cộng đồng được trangcrowdfundinsider.com đăng ngày 31-5-2015, trong năm 2014, số tiền từ hoạt động gây quỹ cộng đồng trên internet cho các dự án điện ảnh và hoạt động nghệ thuật khác là 2,706 tỷ USD, trong khi đó, số tiền dành cho kinh doanh khởi nghiệp là 7,63 tỷ USD. Trên internet, nhiều trang điện tử kêu gọi vốn vẫn từ chối đăng tải mời gọi góp vốn cho các dự án nghệ thuật.
Điều phải thừa nhận là, một số dự án ra đời từ gây quỹ cộng đồng trong thời gian gần đây có chất lượng thấp, chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà tài trợ. Như hồi tháng 2-2016, chỉ sau thời gian ngắn ra mắt, cuốn “tiểu thuyết lãng mạn có yếu tố lịch sử” tên làThành Kỳ Ý của LNL và BHB bị cộng đồng mạng phản hồi là một truyện ngôn tình trá hình, đạo văn, hình ảnh nhân vật minh họa không giống người Việt Nam. Bản thân LNL phải gửi lời xin lỗi đến dịch giả LMT vì đã sử dụng nhiều đoạn văn trong tác phẩm Tứ thư bình giải của ông mà không hề có chú thích. Tháng 11-2016, sự kiện tập ba truyện tranh Mèo Mốc: Hành trình tới Singapore bị thu hồi sau khi phát hành có thể gây bất ngờ với một bộ phận độc giả, song ai đã đọc các truyện tranh của họa sĩ Mèo Mốc hay ghé thăm Fanpage trên mạng xã hội của anh đều không hề ngạc nhiên trước sự việc này vì nội dung, hình ảnh và ngôn từ của các truyện tranh đó rất thô tục. Không chỉ vậy, hình thức “tự xuất bản” theo mô hình Dōjinshi (Đô-u-gin-si) của Nhật Bản, một hoạt động chưa được cấp phép ở Việt Nam cũng đang tồn tại trên một số trang gây quỹ cộng đồng mà đình đám nhất là bộ truyện tranh Bad Luck (Hên Xui) của tác giả BC. Theo mô hình này, mỗi khi gây quỹ vượt qua mốc 25% thì một chương mới (16 trang) của Bad Luck sẽ được đưa lên mạng. Hiện số tiền quyên góp đã lên đến 150 triệu đồng! Điều đáng nói là Bad Luck cũng như một số truyện tranh đang gây quỹ chờ xuất bản hoặc phát hành “miễn phí” trên các trang này đều có hình ảnh và ngôn từ khá nhảm nhí, thiếu văn hóa.
Vi phạm bản quyền cũng là vấn đề đáng lo ngại với nhiều tác phẩm được vận động qua hình thức gây quỹ cộng đồng. Hiện tượng NPPA cùng những vở nhạc kịch được gọi là “gây sốt” trong khán giả Hà Nội thời gian qua là một minh chứng khi ca khúc được sử dụng trong các tác phẩm này chủ yếu “mượn” từ các ca khúc quốc tế nổi tiếng. Phải chăng NPPA nhầm lẫn giữa biểu diễn nhạc kịch phi lợi nhuận trên sân khấu sinh viên tại các trường đại học phương Tây nơi anh theo học, với sân khấu trình diễn thương mại? Hoặc cũng như một bộ phận nghệ sĩ trẻ hiện nay, anh chưa hướng đến những dự án nghệ thuật nghiêm túc và chuyên nghiệp? Nhái phong cách vẽ, đạo cốt truyện, ăn cắp ý tưởng, kịch bản có ở một số họa sĩ, nhiếp ảnh gia, đạo diễn trẻ khi không ít tác phẩm của họ gần như chỉ là sao phỏng vụng về của bản gốc, từ nội dung đến hình thức. Dường như đây là một trong các nguyên nhân chính khiến những thể loại như artbook (sách tranh nghệ thuật), sách ảnh, truyện tranh, phim ngắn tại Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ sau nhiều năm, bất chấp sự quan tâm từ độc giả và các phương tiện thông tin đại chúng?
Một vấn đề nữa là nguy cơ lừa đảo, do quản trị web đầu tư chỉ giữ vai trò trung gian, tạo diễn đàn để tác giả có không gian trình bày ý tưởng của mình, còn thỏa thuận quyên góp là việc cá nhân giữa tác giả và nhà tài trợ. Như vậy, trong quan hệ qua lại, tác giả là người “nắm đằng chuôi” dự án gây quỹ cộng đồng, làm cho việc tham gia gây quỹ cộng đồng thực chất là một hoạt động đầu tư mạo hiểm (Venture capital), do rủi ro từ hoạt động này rất lớn. Trên các trang gây quỹ cộng đồng quốc tế, đã xảy ra không ít trường hợp tác giả ăn cắp, ngụy tạo tên tuổi, hình ảnh để thực hiện các dự án “ma”, lợi dụng lòng tốt, sự cả tin của những người quyên góp. Trễ hẹn, hủy dự án cũng là hiện tượng mà người tham gia gây quỹ cộng đồng vẫn thường xuyên gặp phải. Đến nay, Star Citizen (Công dân ngân hà) được coi là dự án gây quỹ cộng đồng trên internet thành công nhất, khi thu về 133 triệu USD tài trợ. Tuy nhiên, dự án này đang bị nghi ngờ về hành vi lừa đảo, gian lận tài chính vì đến nay vẫn chưa hẹn ngày công bố. Ở Việt Nam, tháng 12-2015, một nhà văn trẻ đã gây quỹ xuất bản sách với lời lẽ “vay bằng tiền, trả bằng văn” và dự kiến sẽ ra tác phẩm vào cuối năm 2016. Nhưng theo thông tin mới đây thì cuốn sách của anh chỉ có thể hoàn thành sớm nhất vào năm 2018! Bên cạnh đó, khi nguy cơ từ tội phạm mạng có chiều hướng gia tăng, nhiều website gây quỹ cộng đồng đã và đang trở thành mục tiêu của các cuộc tiến công, ăn cắp, phá hoại dữ liệu. Khi hệ thống máy chủ gặp sự cố, mất thông tin về dự án, tiền tài trợ cũng là điều nhiều người tham gia gây quỹ cộng đồng quan ngại. Như trang Comicola, đến ngày 5-12-2016 vẫn chưa thể khôi phục số liệu hàng chục dự án gây quỹ trước đây, khiến không ít người tài trợ phải lo lắng về quyền lợi của mình. Thậm chí, trang Firststep.vn được biết đến như một trong các website gây quỹ cộng đồng tiên phong tại Việt Nam đã dừng hoạt động từ cuối tháng 8-2016, nhưng chưa có một lời giải thích cụ thể của nhà điều hành?
So với xin tài trợ cho dự án nghệ thuật theo các kênh truyền thống, việc gây quỹ qua internet có một số thuận lợi. Thứ nhất, web gây quỹ cộng đồng đã thẩm định sơ bộ dự án trước khi đồng ý để tác giả gây quỹ cho tác phẩm, sản phẩm của mình. Để ngăn chặn nguy cơ lừa đảo, rủi ro với dự án, một số trang gây quỹ cộng đồng yêu cầu chủ dự án phải đăng tải đầy đủ thông tin, hình ảnh, video về cá nhân và dự án, về chính sách hoàn trả tiền tài trợ nếu dự án thất bại. Mặc dù có sự khác biệt trong giao diện nhưng các trang gây quỹ cộng đồng như Kickstarter, Indiegogo, Comicola, Betado, Fundstarvn,… cũng đưa ra yêu cầu tương tự. Thứ hai, chỉ cần internet, là nhà tài trợ có thể cập nhật quá trình thực hiện dự án của tác giả, số tiền quyên góp. Cuối cùng, do phần lớn dự án này đều từ những tác giả trẻ, ít tên tuổi, vì vậy chính sách ưu đãi công khai dành cho người ủng hộ khá hấp dẫn. Về phía tác giả, các trang gây quỹ cộng đồng góp phần rút gọn đáng kể thủ tục làm hồ sơ xin tài trợ, báo cáo dự án. Thay vào đó, tác giả chỉ cần thường xuyên đăng tải thông tin dự án trên website trung gian. Kiểu gây quỹ này giúp tác giả tiếp cận thị trường, nắm bắt nhu cầu nghệ thuật, giải trí của cộng đồng và khả năng huy động vốn. Gần đây, một số dự án nghệ thuật thất bại trong huy động vốn tài trợ cho thấy năng lực thẩm định của nhà tài trợ đã nâng cao, và buộc tác giả dự án phải có ý tưởng mới mẻ, độc đáo, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, các kênh gây quỹ cộng đồng ở Việt Nam đang bộc lộ một số hạn chế: Hệ thống quản trị sơ sài, thiếu minh bạch và ổn định; khả năng thẩm định, đánh giá các dự án nghệ thuật còn yếu, thiếu thực tế; chưa tạo lòng tin từ các tác giả và công chúng. Đó là những thách thức mà người làm nghệ thuật, gây quỹ cộng đồng cần nhận biết nếu không muốn bỏ lỡ những nguồn vốn đầy tiềm năng từ xã hội.
VIỆT QUANG/nd