Gần đây, nhờ đóng góp của nhà tài trợ, người hảo tâm, với hình thức gây quỹ cộng đồng mà dự án nghệ thuật của một số nghệ sĩ tự do, nghiệp dư với khuynh hướng, thể loại ít nhiều còn xa lạ đã đến với công chúng. Đó là điều cần ghi nhận, song từ đây đã xuất hiện một số hiện tượng cần được cảnh báo để qua đó lành mạnh hóa hoạt động xã hội này...
|
Trên thế giới, việc gây quỹ cộng đồng (crowdfunding) nhằm thực hiện tác phẩm nghệ thuật đã tồn tại từ lâu, và ở Việt Nam cũng không còn xa lạ. Theo nhiều nhà nghiên cứu, công trình nghệ thuật nổi tiếng nhất từ trước đến nay được thực hiện thành công qua hình thức gây quỹ cộng đồng là tượng Nữ thần Tự do. Chi phí đúc bức tượng này do nhà điêu khắc F.A.Bartholdi (F.A Bác-tôn-đi) huy động từ nhân dân Pháp với nhiều hình thức như quyên tiền, vật liệu, mua vé vào thăm xưởng dựng tượng... Riêng kinh phí xây dựng phần bệ tượng thì do người dân Mỹ đóng góp sau lời kêu gọi của ông chủ báo nổi tiếng Pulitzer (Pu-lít-dơ) trên tờ New York World.
Ở nước ta, tuy chưa có nghiên cứu về vấn đề gây quỹ cộng đồng cho tác phẩm nghệ thuật, nhưng có thể thấy hình thức này đã có mặt từ rất sớm, thể hiện qua việc: trong các thế kỷ trước, nhân dân đóng góp xây dựng các công trình kiến trúc tại nhiều địa phương. Dẫu vậy, hoạt động gây quỹ cộng đồng để thực hiện dự án nghệ thuật mới chỉ xuất hiện trên các website từ năm 2013. Những tác phẩm đầu tiên thành công nhờ các kênh gây quỹ này có thể kể đến hai vở nhạc kịch Góc phố danh vọng và Đêm hè sau cuối trênig9.com, và Saigon Electric (Sài Gòn I-lec-trích) trên indengogo.com. Qua ba năm, giờ đây việc sử dụng internet (in-tơ-nét) để gây quỹ cộng đồng cho các dự án nghệ thuật không còn là hiện tượng đơn lẻ, mà trở thành một xu hướng đầu tư thu hút sự quan tâm của nhiều tác giả và công chúng, nhất là người trẻ tuổi. Không thể phủ nhận, thời gian qua, các kênh thu hút vốn này đã đỡ đầu cho nhiều dự án nghệ thuật gây chú ý trong dư luận như: dự án Hoa văn Đại Việt của nhóm Đại Việt Cổ Phong, bộ truyện tranh lịch sử Long Thần Tướng, album Ngọt - Ngọt, nghệ thuật gấp giấy của nhóm Nguyễn Tú Tuấn hay các sản phẩm âm thanh thủ công kết hợp giữa công nghệ và nghệ thuật gốm sứ của Maybelle Solo (May-be-lờ Sô-lô)…
Nhưng đến nay, dù có nhiều tiềm năng hứa hẹn, nhưng số tiền thu được từ hoạt động gây quỹ cộng đồng cho các tác giả, dự án nghệ thuật còn ít ỏi. Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng vậy. Theo số liệu thống kê về gây quỹ cộng đồng được trangcrowdfundinsider.com đăng ngày 31-5-2015, trong năm 2014, số tiền từ hoạt động gây quỹ cộng đồng trên internet cho các dự án điện ảnh và hoạt động nghệ thuật khác là 2,706 tỷ USD, trong khi đó, số tiền dành cho kinh doanh khởi nghiệp là 7,63 tỷ USD. Trên internet, nhiều trang điện tử kêu gọi vốn vẫn từ chối đăng tải mời gọi góp vốn cho các dự án nghệ thuật.
Điều phải thừa nhận là, một số dự án ra đời từ gây quỹ cộng đồng trong thời gian gần đây có chất lượng thấp, chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà tài trợ. Như hồi tháng 2-2016, chỉ sau thời gian ngắn ra mắt, cuốn “tiểu thuyết lãng mạn có yếu tố lịch sử” tên làThành Kỳ Ý của LNL và BHB bị cộng đồng mạng phản hồi là một truyện ngôn tình trá hình, đạo văn, hình ảnh nhân vật minh họa không giống người Việt Nam. Bản thân LNL phải gửi lời xin lỗi đến dịch giả LMT vì đã sử dụng nhiều đoạn văn trong tác phẩm Tứ thư bình giải của ông mà không hề có chú thích. Tháng 11-2016, sự kiện tập ba truyện tranh Mèo Mốc: Hành trình tới Singapore bị thu hồi sau khi phát hành có thể gây bất ngờ với một bộ phận độc giả, song ai đã đọc các truyện tranh của họa sĩ Mèo Mốc hay ghé thăm Fanpage trên mạng xã hội của anh đều không hề ngạc nhiên trước sự việc này vì nội dung, hình ảnh và ngôn từ của các truyện tranh đó rất thô tục. Không chỉ vậy, hình thức “tự xuất bản” theo mô hình Dōjinshi (Đô-u-gin-si) của Nhật Bản, một hoạt động chưa được cấp phép ở Việt Nam cũng đang tồn tại trên một số trang gây quỹ cộng đồng mà đình đám nhất là bộ truyện tranh Bad Luck (Hên Xui) của tác giả BC. Theo mô hình này, mỗi khi gây quỹ vượt qua mốc 25% thì một chương mới (16 trang) của Bad Luck sẽ được đưa lên mạng. Hiện số tiền quyên góp đã lên đến 150 triệu đồng! Điều đáng nói là Bad Luck cũng như một số truyện tranh đang gây quỹ chờ xuất bản hoặc phát hành “miễn phí” trên các trang này đều có hình ảnh và ngôn từ khá nhảm nhí, thiếu văn hóa.
Vi phạm bản quyền cũng là vấn đề đáng lo ngại với nhiều tác phẩm được vận động qua hình thức gây quỹ cộng đồng. Hiện tượng NPPA cùng những vở nhạc kịch được gọi là “gây sốt” trong khán giả Hà Nội thời gian qua là một minh chứng khi ca khúc được sử dụng trong các tác phẩm này chủ yếu “mượn” từ các ca khúc quốc tế nổi tiếng. Phải chăng NPPA nhầm lẫn giữa biểu diễn nhạc kịch phi lợi nhuận trên sân khấu sinh viên tại các trường đại học phương Tây nơi anh theo học, với sân khấu trình diễn thương mại? Hoặc cũng như một bộ phận nghệ sĩ trẻ hiện nay, anh chưa hướng đến những dự án nghệ thuật nghiêm túc và chuyên nghiệp? Nhái phong cách vẽ, đạo cốt truyện, ăn cắp ý tưởng, kịch bản có ở một số họa sĩ, nhiếp ảnh gia, đạo diễn trẻ khi không ít tác phẩm của họ gần như chỉ là sao phỏng vụng về của bản gốc, từ nội dung đến hình thức. Dường như đây là một trong các nguyên nhân chính khiến những thể loại như artbook (sách tranh nghệ thuật), sách ảnh, truyện tranh, phim ngắn tại Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ sau nhiều năm, bất chấp sự quan tâm từ độc giả và các phương tiện thông tin đại chúng?
Một vấn đề nữa là nguy cơ lừa đảo, do quản trị web đầu tư chỉ giữ vai trò trung gian, tạo diễn đàn để tác giả có không gian trình bày ý tưởng của mình, còn thỏa thuận quyên góp là việc cá nhân giữa tác giả và nhà tài trợ. Như vậy, trong quan hệ qua lại, tác giả là người “nắm đằng chuôi” dự án gây quỹ cộng đồng, làm cho việc tham gia gây quỹ cộng đồng thực chất là một hoạt động đầu tư mạo hiểm (Venture capital), do rủi ro từ hoạt động này rất lớn. Trên các trang gây quỹ cộng đồng quốc tế, đã xảy ra không ít trường hợp tác giả ăn cắp, ngụy tạo tên tuổi, hình ảnh để thực hiện các dự án “ma”, lợi dụng lòng tốt, sự cả tin của những người quyên góp. Trễ hẹn, hủy dự án cũng là hiện tượng mà người tham gia gây quỹ cộng đồng vẫn thường xuyên gặp phải. Đến nay, Star Citizen (Công dân ngân hà) được coi là dự án gây quỹ cộng đồng trên internet thành công nhất, khi thu về 133 triệu USD tài trợ. Tuy nhiên, dự án này đang bị nghi ngờ về hành vi lừa đảo, gian lận tài chính vì đến nay vẫn chưa hẹn ngày công bố. Ở Việt Nam, tháng 12-2015, một nhà văn trẻ đã gây quỹ xuất bản sách với lời lẽ “vay bằng tiền, trả bằng văn” và dự kiến sẽ ra tác phẩm vào cuối năm 2016. Nhưng theo thông tin mới đây thì cuốn sách của anh chỉ có thể hoàn thành sớm nhất vào năm 2018! Bên cạnh đó, khi nguy cơ từ tội phạm mạng có chiều hướng gia tăng, nhiều website gây quỹ cộng đồng đã và đang trở thành mục tiêu của các cuộc tiến công, ăn cắp, phá hoại dữ liệu. Khi hệ thống máy chủ gặp sự cố, mất thông tin về dự án, tiền tài trợ cũng là điều nhiều người tham gia gây quỹ cộng đồng quan ngại. Như trang Comicola, đến ngày 5-12-2016 vẫn chưa thể khôi phục số liệu hàng chục dự án gây quỹ trước đây, khiến không ít người tài trợ phải lo lắng về quyền lợi của mình. Thậm chí, trang Firststep.vn được biết đến như một trong các website gây quỹ cộng đồng tiên phong tại Việt Nam đã dừng hoạt động từ cuối tháng 8-2016, nhưng chưa có một lời giải thích cụ thể của nhà điều hành?
So với xin tài trợ cho dự án nghệ thuật theo các kênh truyền thống, việc gây quỹ qua internet có một số thuận lợi. Thứ nhất, web gây quỹ cộng đồng đã thẩm định sơ bộ dự án trước khi đồng ý để tác giả gây quỹ cho tác phẩm, sản phẩm của mình. Để ngăn chặn nguy cơ lừa đảo, rủi ro với dự án, một số trang gây quỹ cộng đồng yêu cầu chủ dự án phải đăng tải đầy đủ thông tin, hình ảnh, video về cá nhân và dự án, về chính sách hoàn trả tiền tài trợ nếu dự án thất bại. Mặc dù có sự khác biệt trong giao diện nhưng các trang gây quỹ cộng đồng như Kickstarter, Indiegogo, Comicola, Betado, Fundstarvn,… cũng đưa ra yêu cầu tương tự. Thứ hai, chỉ cần internet, là nhà tài trợ có thể cập nhật quá trình thực hiện dự án của tác giả, số tiền quyên góp. Cuối cùng, do phần lớn dự án này đều từ những tác giả trẻ, ít tên tuổi, vì vậy chính sách ưu đãi công khai dành cho người ủng hộ khá hấp dẫn. Về phía tác giả, các trang gây quỹ cộng đồng góp phần rút gọn đáng kể thủ tục làm hồ sơ xin tài trợ, báo cáo dự án. Thay vào đó, tác giả chỉ cần thường xuyên đăng tải thông tin dự án trên website trung gian. Kiểu gây quỹ này giúp tác giả tiếp cận thị trường, nắm bắt nhu cầu nghệ thuật, giải trí của cộng đồng và khả năng huy động vốn. Gần đây, một số dự án nghệ thuật thất bại trong huy động vốn tài trợ cho thấy năng lực thẩm định của nhà tài trợ đã nâng cao, và buộc tác giả dự án phải có ý tưởng mới mẻ, độc đáo, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, các kênh gây quỹ cộng đồng ở Việt Nam đang bộc lộ một số hạn chế: Hệ thống quản trị sơ sài, thiếu minh bạch và ổn định; khả năng thẩm định, đánh giá các dự án nghệ thuật còn yếu, thiếu thực tế; chưa tạo lòng tin từ các tác giả và công chúng. Đó là những thách thức mà người làm nghệ thuật, gây quỹ cộng đồng cần nhận biết nếu không muốn bỏ lỡ những nguồn vốn đầy tiềm năng từ xã hội.
|
VIỆT QUANG/nd |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét