Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

[Bình luận trong nước] - Đừng biến trẻ em thành "thiên tài bất đắc dĩ"!

Dù không được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép, song gần đây, hàng loạt các trung tâm “đào tạo thiên tài” vẫn ngang nhiên xuất hiện ở một số thành phố lớn với chi phí không hề nhỏ. Và với nhiều trẻ em, một cuộc sống bình thường bỗng lại trở thành mơ ước xa xỉ, khi các em phải chịu vô số áp lực từ chính cha mẹ mình...
Có thể đào tạo được thiên tài không, vốn là câu hỏi đã làm đau đầu nhiều thế hệ nhà khoa học. Tuy nhiên, với sự nở rộ hàng loạt cơ sở đào tạo cùng các tên gọi mĩ miều như “thiếu niên siêu đẳng”, “huấn luyện thần đồng”, “dạy con thành thiên tài” thời gian qua ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thì dường như có người đang chứng minh việc đào tạo thiên tài ở Việt Nam là có thật, thậm chí là không hề khó, miễn là có tiền! Vì họ quảng bá rằng, với số tiền từ 7 triệu đến 12 triệu đồng, chỉ trong hai đến ba buổi, là đối tượng đào tạo (trẻ em từ 6 tuổi đến 15 tuổi) hoàn toàn có thể trở thành thiên tài!
Dễ dàng bắt gặp trên trang web của các cơ sở này nhiều lời quảng cáo “có cánh” như: “Khi các con học theo phương pháp midbrain activation (hoạt hóa não giữa hay kích hoạt não giữa), các con sẽ có những khả năng đặc biệt như sau: Trẻ sẽ có năng lực siêu giác quan. Con trẻ được bịt mắt và có khả năng nhận biết những chi tiết trên thẻ bằng cách sử dụng nhận thức bên trong mạnh mẽ. Những con trẻ có vượt trội về thính giác, có khả năng nhận biết mầu sắc và con số trên thẻ bằng cách lắng nghe không dùng tới mắt. Những con trẻ vượt trội về khứu giác có khả năng nhận biết được mầu sắc và con số trên thẻ bằng cách ngửi trong khi bịt mắt. Con bạn hoàn toàn có thể trở thành thiên tài. Vấn đề chỉ là phương pháp dạy con mà thôi”.
Không chỉ quảng cáo trên mạng, các tờ rơi về những khóa “đào tạo thiên tài” còn được phát vô tội vạ tại cổng nhiều trường học. Và không rõ bằng cách nào đó, một số trung tâm còn có số điện thoại của các phụ huynh để gọi điện, nhắn tin mời chào theo lối... đeo bám! Căn cứ lời giới thiệu về chương trình học của các cơ sở này, điểm chung là thời gian đào tạo ngắn nhưng mục tiêu đặt ra rất “phi thường”: Ở cấp độ 1, trẻ em có thể xem hình, đọc sách, chơi cờ, đi lại trên phố, làm việc mà không cần nhìn bằng mắt, là học lớp 1 nhưng có thể vận dụng giải toán cấp 3... Ở cấp độ 2, trẻ có khả năng thần giao cách cảm như: ngồi ở lớp mà vẫn biết bố mẹ đang làm gì ở nhà, không cần hỏi cũng biết bố mẹ nghĩ gì, muốn gì... Ở cấp độ 3, trẻ có khả năng ghi nhớ siêu tốc, mắt đọc sách nhanh như máy chụp ảnh...
Đối với những phụ huynh còn phân vân, hẳn sẽ không khỏi xao động trước lời mời chào đại loại, như: Trẻ em chỉ có một giai đoạn nhất định và nếu không đầu tư cho con ngay, phụ huynh sẽ... vô cùng ân hận! Nếu bố mẹ tiếc tiền, con mình sẽ mãi mãi chỉ là đứa trẻ... tầm thường, các năng lực tiềm ẩn sẽ không được đánh thức! Có trung tâm cam kết hoàn trả lại tiền hoặc sẵn sàng tặng thêm một khóa học miễn phí nếu sau khóa học, trẻ không tiếp thu được và vẫn chưa có “dấu hiệu thần đồng”! Nhưng thực tế, có trẻ trên lớp thì nhận biết được mầu sắc trong khi bịt mắt, nhưng khi về nhà thì khả năng này bỗng dưng biến mất? Do đó, phụ huynh cũng rất khó khiếu nại để đòi trung tâm hoàn trả lại tiền học phí. Việc tiếp tục học thêm một khóa miễn phí để đạt bằng được mục tiêu thành “thiên tài” cũng không dễ chút nào, khiến nhiều học sinh và phụ huynh thấy nản cho nên phải bỏ cuộc.
Tuy nhiên, cũng có nhiều phụ huynh đặt nghi vấn: “Chuyện này có thể đáng tin được sao? Theo Wikipedia, chưa có một nghiên cứu khoa học cụ thể nào chứng minh được não giữa có thể được kích hoạt. Chuyện này tôi thấy như một trò hề, toàn bộ đạo cụ được nhà trường chuẩn bị trước. Họ có thể làm dấu tạo mùi hương trước với tất cả chúng rồi dạy cho trẻ con biết cách nhận ra chúng”. Có phụ huynh cảnh tỉnh: “Nếu phương pháp này ai cũng thành công thì nước Việt Nam này toàn thiên tài. Giáo dục là một quá trình lâu dài, các người bày vẽ ra đủ kiểu cũng chỉ để lợi dụng móc tiền của những phụ huynh cả tin".
Từ góc độ khoa học, TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng bộ môn Phương pháp dạy Toán (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Hiện tại, theo tôi được biết, các nghiên cứu não bộ vẫn chưa thể giải mã 100% cấu trúc cũng như hoạt động của nó. Vì thế, tôi cho rằng chưa có đủ căn cứ khoa học để khẳng định việc kích não trở thành thần đồng là hợp khoa học. Đến nay, với tất cả hiểu biết của tôi về thần kinh học, tâm lý học và giáo dục học, tôi cho rằng trẻ cần có một cách giáo dục riêng phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và văn hóa nơi trẻ sinh ra và phát triển. Đặc biệt mỗi giai đoạn, trẻ lại cần có cách tác động khác nhau”.
Là giảng viên chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, TS Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định: Phương pháp kích hoạt não giữa chưa từng được các nước có nền khoa học phát triển như Anh, Mỹ, Pháp, Singapore (Xin-ga-po) thẩm định về chuyên môn. Theo ông, việc kích não sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường như: Khiến trẻ hoặc ảo tưởng về năng lực của mình, hoặc bị áp lực về năng lực đó. Chưa kể, trẻ có thể sử dụng năng lực đó vào những mục đích cá nhân không chính đáng.
Trước sự bung ra của các cơ sở “đào tạo thiên tài”, nhiều phụ huynh mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc để làm rõ thực chất phương pháp giảng dạy được áp dụng tại các cơ sở này, vì nếu đây là phương pháp giáo dục mới, tiến bộ thì cần nhân rộng để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước, còn nếu việc đào tạo chỉ là chiêu thức lừa đảo thì cần phải xử lý nghiêm. Ngay sau khi ý kiến dư luận được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng cuối tháng 11 vừa qua, Vụ trưởng Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Bá Minh cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo không cấp phép cho các trung tâm này, vì vậy các trung tâm không thuộc sự quản lý của Bộ.
Ông Nguyễn Bá Minh cũng khẳng định: Theo tìm hiểu của tôi thì chưa có bất kỳ công bố nào trên thế giới khẳng định tính an toàn, cũng như tác dụng của phương pháp kích hoạt não giữa cả. Thế nhưng, không hiểu cơ quan nào cấp phép cho những trung tâm này hoạt động... Trách nhiệm của địa phương, nhất là các trường mầm non cần tuyên truyền để bố mẹ nhận thức đúng về cách thức giáo dục trẻ. Bởi lẽ, giáo dục trẻ mầm non nếu không phối hợp bố mẹ một cách khoa học thì ảnh hưởng rất không tốt đến trẻ.
Cần phải nhìn nhận một thực tế: cơ sở “đào tạo thiên tài” không thể “ăn nên làm ra” nếu không có sự hưởng ứng nhiệt tình của các phụ huynh. Chính sự nóng vội, tâm lý “đua thành tích cao”, muốn con phải khác biệt, xuất sắc, phải phi thường, thậm chí phải thành thần đồng đã khiến không ít phụ huynh sẵn sàng chi nhiều tiền để đưa con đến các trung tâm kích hoạt não, giúp con thông minh hơn. Điều này thì không chỉ các ông bố, bà mẹ Việt Nam mới sốt sắng, mà có thể gặp chuyện tương tự ở một số quốc gia khác, như Hàn Quốc với phong trào cho con đi tiêm “mũi thuốc thông minh” để kích thích trí não cho trẻ; hay ở Trung Quốc với trào lưu cho con ăn món “canh thông minh”...
Mong muốn con cái giỏi giang là nhu cầu chính đáng của cha mẹ. Nhưng sự giỏi giang không đồng nghĩa với việc lúc nào cũng phải đạt được những điểm số cao, hay làm được những việc phi thường. Hơn nữa, giáo dục là một quá trình lâu dài, với mỗi trẻ cần áp dụng những phương pháp khác nhau, phù hợp tâm sinh lý, hoàn cảnh sống,... từ đó mới giúp trẻ phát huy các khả năng tiềm ẩn. Niềm tin thái quá của các bậc cha mẹ vào “phép mầu nhiệm” có thể giúp con mình trở thành thần đồng đã vô tình biến những đứa trẻ trở thành nạn nhân thử nghiệm của cái gọi là "một phương pháp giáo dục" chưa hề được kiểm chứng.
Đối với mỗi người, học để hiểu biết, để thực hiện ước mơ, hoài bão của bản thân; học để sau này có công ăn việc làm tử tế, phù hợp với khả năng bản thân để từ đó có cuộc sống tốt đẹp, trở thành người có ích cho xã hội. Nếu mỗi phụ huynh không tỉnh táo, tôn trọng sự phát triển tự nhiên của con trẻ để từ đó có phương pháp giáo dục - đào tạo phù hợp, mà vội chạy theo các trào lưu “đốt cháy giai đoạn” thì chỉ gây hại cho sự phát triển của trẻ, thậm chí để lại tác hại lâu dài. Do đó, dù cơ quan chức năng có vào cuộc để xử lý vi phạm, nếu mỗi phụ huynh không tỉnh táo cũng sẽ dễ dàng sập bẫy các mô hình đào tạo phản giáo dục, phản khoa học và con mình sẽ nhận hậu quả không thể lường hết.
THÀNH NAM/nd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét