Khách du lịch bị bớt xén hành trình tham quan, bị “chặt chém”; Nhà nước bị thất thu thuế, thương hiệu du lịch quốc gia bị ảnh hưởng,... đó là các hệ lụy từ “tour 0 đồng” trong thời gian qua. Nếu không kịp thời chấn chỉnh, sự tồn tại của loại hình du lịch này có thể sẽ gây ra những hệ lụy khó lường khác.
|
Ngày 29-3 vừa qua, trước phản ánh của báo chí về hiện tượng một số cửa hàng chỉ bán cho khách du lịch với giá đắt đỏ, doanh thu lớn nhưng khó kiểm soát thuế đang hoạt động tại tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm (nếu có); trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo để Thủ tướng xem xét, quyết định. Ngay sau đó, ngày 31-3, UBND thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) có công văn yêu cầu 15 điểm bán hàng phục vụ du khách trên địa bàn đóng cửa, dừng ngay toàn bộ hoạt động kinh doanh trước 13 giờ cùng ngày. Đây là thái độ kiên quyết kịp thời của người đứng đầu Chính phủ cùng chính quyền địa phương để chấn chỉnh những tiêu cực trong lĩnh vực du lịch hiện nay; nhất là việc xuất hiện ồ ạt các cửa hàng chỉ bán cho khách du lịch ăn theo các “chuyến du lịch 0 đồng” (“tour 0 đồng”) đang khiến dư luận bức xúc.
Du lịch nước ngoài nhưng khách không phải tốn kém bất kỳ khoản chi phí nào cho việc tham quan - ăn - ở, đó là lời mời chào hấp dẫn của những “tour 0 đồng” đang có xu hướng nở rộ, dẫn đến hiện tượng lượng khách du lịch đến một số nước ASEAN, như Ma-lai-xi-a, Thái-lan, In-đô-nê-xi-a,… tăng mạnh. Với Việt Nam thời gian qua, tại một số tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam),... lượng khách nước ngoài theo “tour 0 đồng” cũng tăng nhanh. Về cơ bản, các “tour 0 đồng” có cách thức hoạt động phổ biến như sau: các công ty lữ hành tổ chức “tour 0 đồng”, sau đó kết nối và bán lại cho công ty lữ hành của quốc gia được chọn làm điểm đến. Theo đó, ngay sau khi du khách hoàn thành thủ tục nhập cảnh họ sẽ được hãng lữ hành trong nước đón và đưa vào nội địa. Nơi ăn ở của khách được thu xếp với chi phí hầu hết ở mức thấp nhất, như thuê nhà nghỉ theo giờ, suất ăn giá rẻ. Câu hỏi được nhiều người quan tâm là: với giá “tour 0 đồng”, dù chi phí tham quan - ăn - ở tiết giảm đến đâu thì đơn vị lữ hành vẫn phải bỏ ra một khoản kinh phí đáng kể cho một đoàn khách trung bình từ 25 đến 30 người trong ba đến bốn ngày, vậy tại sao họ vẫn tổ chức ồ ạt các chương trình này, lợi nhuận thu về bằng cách nào? Thực tế cho thấy, dù không mất chi phí cho hoạt động tham quan, không phải lo nơi ăn chốn ở nhưng khách du lịch phải tiêu tốn nhiều tiền cho các trung tâm thương mại có giá rất đắt, chỉ chuyên phục vụ khách đi tour. Để chống thất thu với khách không muốn mua hàng, hướng dẫn viên thường gây sức ép, thậm chí bỏ rơi khách giữa lộ trình tham quan như là động thái “nhắc nhở”! Tiền thu từ bán hàng sẽ được trích phần trăm trả hoa hồng cho công ty lữ hành. Tại sao bị "chặt chém" song vẫn có đông người đăng ký “tour 0 đồng”? Đơn giản là không ít người đã bị hấp dẫn bởi lời mời gọi của các chuyến du lịch không mất phí này, họ nghĩ rằng không bị tốn kém tiền bạc mà vẫn được du lịch. Nhưng họ đâu biết số tiền họ bỏ ra mua sắm lớn hơn nhiều nếu chỉ mua tour thông thường. Họ chỉ tỉnh ngộ sau khi đã trực tiếp trải nghiệm. Trong khi đó việc được nhận tiền hoa hồng “khủng” từ các trung tâm thương mại giúp các công ty lữ hành sống khỏe. Điều này lý giải vì sao các “tour 0 đồng” cũng như các điểm bán hàng cho khách du lịch ngày càng nở rộ.
Khách du lịch đến đông nhưng lại là mối lo cho các quốc gia được “tour 0 đồng” chọn làm điểm đến, bởi loại du lịch này đã và đang gây ra những hậu quả khó lường. Hậu quả đầu tiên là Nhà nước bị thất thu thuế. Do tour không thu bất kỳ khoản chi phí nào của khách hàng cho nên Nhà nước cũng không có căn cứ để thu thuế. Bên cạnh đó, các giao dịch của số khách du lịch này tại các trung tâm thương mại hết sức sôi động, nhưng việc kiểm soát thu chi rất khó khăn, vì mọi giao dịch đều tiến hành bằng tiền mặt, giá cả không được niêm yết công khai và luôn đắt hơn từ 10 đến 15 lần so với giá mặt hàng cùng loại trên thị trường. Lợi nhuận doanh nghiệp lữ hành thu được từ lợi nhuận bán hàng tại những trung tâm thương mại là hình thức “giao dịch ngầm”, cho nên không thể kiểm soát cũng như áp thuế. Đồng thời với việc Nhà nước bị thất thu thuế, khách tham quan chịu cảnh bị "chặt chém" khiến cho cách nhìn nhận, đánh giá của họ về nơi đến cũng trở nên thiếu thiện cảm, thậm chí méo mó, lệch lạc. Mặt khác, hoạt động lẽ ra phải được coi là quan trọng nhất của các chuyến du lịch là tổ chức cho du khách tham quan, thưởng lãm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh,... thường bị các đơn vị tổ chức coi nhẹ, do đặt nặng doanh thu. Hệ quả là địa điểm, nội dung tham quan bị cắt xén, hướng dẫn viên thì giới thiệu sơ sài, thậm chí đưa ra thông tin sai lệch về lịch sử, văn hóa, địa lý,... Điều này từng bị báo chí phản ánh, gây bức xức dư luận. Trước tình trạng đó, một số địa phương đã có biện pháp chấn chỉnh, như tại Đà Nẵng, Sở Du lịch đã yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành đón khách và hướng dẫn viên cần “nói không” với các hoạt động tiếp tay cho du khách làm điều vi phạm pháp luật; các lực lượng chức năng của thành phố tăng cường kiểm tra tình trạng người nước ngoài lưu trú với visa du lịch, thương nhân nhưng hoạt động du lịch trái phép; xử phạt nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm về hoạt động du lịch. Tại Quảng Ninh, đại diện Sở Du lịch tỉnh này cho biết, mô hình “tour 0 đồng” gây hệ lụy xấu cho thương hiệu du lịch Hạ Long, do đó Quảng Ninh sẽ siết hoạt động này. Tuy nhiên, việc kiểm soát hoạt động của “tour 0 đồng” vẫn gặp nhiều khó khăn, vì có sự tiếp tay của một số doanh nghiệp và cá nhân trong nước trong việc phối hợp tổ chức tour. Bên cạnh đó, việc giám sát hoạt động kinh doanh tại các trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng tiếp đón khách du lịch theo chương trình “tour 0 đồng” cũng chưa có cơ chế đủ mạnh...
Nằm tại khu vực Đông - Nam Á và có nhiều lợi thế, Thái-lan rất coi trọng phát triển du lịch. Chính phủ đặt mục tiêu trong 20 năm tới, Thái-lan trở thành một trong năm quốc gia du lịch hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, hệ lụy xấu từ “tour 0 đồng” đã buộc nước này phải có nhiều biện pháp cứng rắn để quản lý. Theo đánh giá của Chính phủ Thái-lan, “tour 0 đồng” không mang lại lợi ích kinh tế nào cho quốc gia, mà đều rơi vào tay các đơn vị khai thác tour, thậm chí quốc gia này thất thu khoảng 305 tỷ baht (bạt), tương đương gần 9 tỷ USD mỗi năm. Chính phủ còn phải đối phó với nạn rửa tiền, trốn thuế khi khách du lịch kéo đến ồ ạt, bỏ ra nhiều tiền để mua sắm tại các trung tâm thương mại do người nước ngoài quản lý, hoặc núp dưới danh nghĩa người bản địa. Tháng 9-2016, Chính phủ Thái-lan đã tiến hành chiến dịch truy quét các đơn vị, cơ sở tổ chức, chứa chấp khách du lịch theo “tour 0 đồng”. Nước này cũng thực hiện quy định áp dụng gói tour mới với giá 1.000 baht (640.000 đồng)/người/ngày, đồng nghĩa với việc “tour 0 đồng” bị coi là bất hợp pháp. Việc áp giá tour có thể khiến cho lượng khách du lịch đến Thái-lan bị sụt giảm, nhưng theo ông V.Chatturaputpitak (V.Chát-tu-ra-pu-ti-tát), Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp lữ hành Thái-lan, thì: “Thái-lan có thể hưởng lợi từ việc du khách đến tiêu tiền, chứ không thể trả thêm phí cho các đại lý du lịch nước ngoài”.
Tại Trung Quốc đầu tháng 3 vừa qua, cơ quan quản lý du lịch nước này tuyên bố sẽ tìm mọi cách chấm dứt “tour 0 đồng” ra nước ngoài, nơi du khách thay vì được đi tham quan lại bị ép vào các khu trung tâm mua sắm với giá “trên trời”. Sự quyết liệt của Chính phủ Thái-lan, sự vào cuộc của cơ quan quản lý du lịch Trung Quốc nhằm nỗ lực làm sạch môi trường du lịch là kinh nghiệm để du lịch Việt Nam tham khảo. Trước hết là vai trò, nhiệm vụ của ngành du lịch phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch.
Có thể thấy, nguồn nuôi sống loại du lịch này chính là các trung tâm thương mại chuyên bán hàng cho khách du lịch. Nếu có biện pháp nghiêm khắc, chặt chẽ để kiểm soát các cơ sở này, như: thường xuyên kiểm tra hoạt động kinh doanh, yêu cầu công khai niêm yết giá, lập đường dây nóng giúp du khách phản ánh khi có tiêu cực, hoặc bị nhũng nhiễu,… thì tình trạng "chặt chém" khách sẽ chấm dứt. Khi không thu được lợi nhuận các “tour 0 đồng” sẽ không còn tồn tại… Với các khách sạn, nhà nghỉ thường xuyên nhận khách tour nhưng không phát sinh doanh thu hoặc doanh thu trên sổ sách ít hơn so với thực tế, cần xử phạt nghiêm khắc, thậm chí thu hồi giấy phép kinh doanh. Nếu phát hiện hướng dẫn viên “chui”, hướng dẫn viên có hành vi giới thiệu sai lệch về lịch sử, văn hóa,... Việt Nam, phải xử lý nghiêm khắc. Đã đến lúc cơ quan quản lý, tổ chức của ngành du lịch cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để bảo vệ thương hiệu quốc gia, đồng thời ngăn chặn các hoạt động tiêu cực, vi phạm pháp luật,... đang núp bóng các “tour 0 đồng”.
|
ĐÔNG Á |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét