Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

PHÊ BÌNH, NHỮNG GÓC NHÌN…

Những ngày cuối năm, ai là đảng viên hoặc có làm cơ quan Nhà nước, đều có trải qua các cuộc họp phê bình, đánh giá, kiểm điểm các mặt công tác trong năm. Các văn bản hướng dẫn đều có câu: Không được lợi dụng phê bình để tâng bốc hoặc bôi xấu lẫn nhau. Đây là phép biện chứng về tính khách quan của phê bình, không thiên vị cũng không trù dập, mục đích chỉ ra cái hay cái dở, cái đúng cái sai, cái được và cái chưa được để cùng khắc phục sở đoản và phát huy sở trường, nhằm làm cho công tác của mỗi người ngày càng tiến bộ hơn, đem lại hiệu quả cao hơn. Nhưng người được phê bình không tiếp thu, vẫn chứng nào tật nấy, thấy sai không sửa, sai phạm lặp đi lặp lại hoặc cố ý làm trái…thì đã có sự làm việc của các cơ quan chức năng. Đó không thuộc phê bình, mà thuộc về đấu tranh, xử lý.


Ở đây đề cập chuyện phê bình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có dạy: phê bình “việc”, không phê bình “người”. Như đã đề cập ở trên, tinh thần phê bình này là rất khoa học, biện chứng. Thực tế cho thấy, có nhiều người, ta không mấy hạp tính hạp tình, thậm chí ác cảm, nhưng khi họ làm việc gì đó đem lại kết quả tốt đẹp, tại sao lại không công nhận, ủng hộ? Ngược lại, có người hạp với ta (hoặc bà con họ hàng v.v…), nhưng làm đâu hỏng đó, cho dù họ không phải người xấu, ta cũng không thể cho rằng họ là người có năng lực được! Giữ được tính khách quan trong phê bình, nhận xét, đánh giá là không dễ; nhưng nếu không làm được điều này thì sẽ không có tiến bộ xã hội.

Trở lại với lời dạy của Hồ Chủ tịch: phê bình “việc”, không phê bình “người”, đâu phải là né tránh vấn đề! Ở đây có thể hiểu, Người dùng hình ảnh đó để khái quát hóa vấn đề ở tầm vĩ mô, là: Nên tránh tư duy thiển cận chỉ nhìn hiện tượng mà phủ nhận bản chất; hoặc ngược lại, từ bản chất mà bỏ qua hiện tượng. Ví dụ, Người có câu nói rất hay minh chứng cho ý này: Không phải cứ dán lên trán hai chữ “cộng sản” (bản chất muốn đề cập) là được nhân dân tin yêu, nếu chưa chứng minh bằng hiện tượng - hành động; hoặc ngược lại, việc dán chữ lên trán được hiểu là hành động của hiện tượng, vẫn không phải là kết quả thiết thực đem lại lợi ích cho dân cho nước (bản chất). Cũng cần thấy rằng, ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu, việc được việc hỏng, chả thế mà dân gian có câu “Đâu đâu cũng có anh hùng/ Đâu đâu cũng có kẻ khùng người điên”. Nếu không vậy, đâu thành xã hội. Và điều đó cũng không riêng gì ở Việt Nam, mà xảy ra trên khắp hành tinh này. Tiếc là, với thông tin đa chiều trên mạng xã hội như hiện nay, bên cạnh nhiều người nắm rõ bản chất vấn đề nằm ở đâu, vẫn có không ít người không chịu suy xét theo khía cạnh “đa chiều”, cứ hễ thấy có tiêu cực là nhằm ngay vào đó để phủ nhận “một chiều”, nhằm đánh tráo hiện tượng thành “bản chất” của chế độ. Nếu cố tình dùng việc này đá xéo việc kia thì không còn gì để nói; nhưng nếu thực tâm nghĩ như vậy, chẳng phải là chưa thấu đáo và phiến diện lắm sao?


TRỰC TÂM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét