Thứ Hai, 6 tháng 1, 2020

SÁNG MÃI MỘT NIỀM TIN


Khám phá bảo tàng tỉnh Phú Yên vào những ngày mùa đông có lẽ là một điều thú vị đối với chúng tôi – những người con sống xa quê nhà. Theo dòng lịch sử, chúng tôi có những trải nghiệm từ hoài niệm hình ảnh Phú Yên xưa yên bình, giản dị đến khám phá những hình ảnh Phú Yên nay – một cô gái đẹp đang được đánh thức.
Image result for bảo tàng Phú Yên
Lương Văn Chánh là người có công khai phá vùng đất Phú Yên từ năm 1597 khi ông đưa dân đến khẩn hoang lập ấp, tạo dựng cơ nghiệp ở vùng đất Trấn Biên này. Đến năm 1611, phủ Phú Yên chính thức ra đời. Hình ảnh Phú Yên thời điểm này hiện lên như chính tên gọi mà cha ông ta đã đặt: vùng đất phú, trời yên.
Trong thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp, dưới lá cờ đỏ búa liềm của Đảng, thực hiện theo lời kêu gọi “Toàn dân kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Phú Yên đã tổ chức thành sáu chiến khu, phát động chiến tranh nhân dân, chặn địch ở Đèo Cả, bao vây tiến công vào cứ điểm của địch – núi Hiềm (Hòa Xuân), góp phần đánh bại chiến dịch Át lăng của thực dân Pháp, góp phần tạo hào khí cho chiến trường Điện Biên Phủ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hình ảnh một Phú Yên yên bình, mộc mạc nhưng quật cường, bất khuất hiện rõ trên bức tranh kháng chiến chống Pháp khiến cho thế hệ mai sau không khỏi tự hào khi mình là người con của vùng đất này.
Và hình ảnh vùng đất Phú Yên anh hùng lại một lần nửa được phác họa chân thực qua thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ (9/1960) tại căn cứ Thồ Lô đã truyền một ngọn lửa mới cho phong trào cách mạng tỉnh nhà. Thực hiện Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị, quân và dân Phú Yên tiến công giải phóng toàn bộ phía Tây Phú Yên, tổ chức thành công cuộc đồng khởi Hòa Thịnh; ba lần giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ; đập tan chiến dịch Hải Yến. Vùng đất này còn còn nổi tiếng với cảng Vũng Rô huyền thoại - nơi tiếp nhận, những con tàu không số mang vũ khí từ miền Bắc chi viện vào chiến trường miền Nam… Chiến trường Phú Yên đã góp phần rất lớn vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước, “khúc ruột” miền Trung này là một phần của sự gắn kết hai miền Nam – Bắc. 
Từ năm 1975 đến 1989, thực hiện các Nghị quyết số 245 và Nghị quyết số 19 của Bộ Chính trị, hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa được hợp nhất thành tỉnh Phú Khánh. Bức tranh tỉnh Phú Khánh thời điểm này hiện lên là công cuộc đẩy mạnh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, đẩy mạnh kinh tế, cải thiện đời sống của nhân dân. Hình ảnh người dân Phú Khánh lao động cần cù, hiền hòa, giản dị, đồng sức, đồng lòng thực hiện theo đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp sức dựng xây và bảo vệ Tổ quốc được hiện lên rõ nét.
Phú Yên sau 30 năm tái lập tỉnh đã và đang đánh thức vẻ đẹp của riêng mình. Nhìn lại những ngày đầu khi tái lập tỉnh với nhiều khó khăn, hạ tầng kỹ thuật không có gì, giao thông xuống cấp, điện lưới quốc gia, nước máy, các cơ sở công nghiệp đều là những thứ “xa xỉ, lạ lẫm” ở nơi đây mới thấy: dưới sự Lãnh đạo của Cấp ủy, chính quyền tỉnh Phú Yên, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân xứ Nẫu đã chịu thương, chịu khó, đồng lòng xây dựng, phát triển để Phú Yên có được như ngày hôm nay. Bức tranh kinh tế xã hội Phú Yên sau 30 năm với những con số: GRDP đầu người đạt 1.800USD/người (tăng 11 lần); GRDP hàng năm tăng khoảng 8,2%/năm, cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp & dịch vụ chiếm hơn 73%... cho thấy Phú Yên từ một tỉnh gần như thuần nông nay đã trở thành một tỉnh chuyển dịch sang cơ cấu công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng cao.
Còn rất nhiều điều về tỉnh Phú Yên qua từng giai đoạn mà bài viết này không thể nào lột tả hết. Dẫu mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn tình hình chính trị, kinh tế, xã hội tại tỉnh có sự khác nhau nhưng có một điều sáng mãi với niềm tin: Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ là người họa sỹ kiệt xuất vẽ lên bức tranh Phú Yên năng động, phát triển, hiện đại nhưng vẫn giữ được một nét “Nẫu” chân phương.
Trần Vương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét