Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2020

CHẬM ĐI HỌC HAY TĂNG NGUY CƠ NHIỄM BỆNH


Trong những ngày qua, trên các diễn đàn mạng, xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều sau khi UBND Tp.Hồ Chí Minh có văn bản kiến nghị kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên, học viên đến hết tháng 3/2020 và sau đó 63 tỉnh, thành tiếp tục quyết định cho học sinh bậc mầm non, tiểu học và THCS nghỉ học trước tình hình Bộ Y tế đã công bố Việt Nam không còn người nhiễm vi rút Corona. Đa số ý kiến tán thành việc tiếp tục cho học sinh được nghỉ học và cũng không ít ý kiến phản đối việc cho học sinh nghỉ học quá dài bởi Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh.
Bản thân tôi là một người mẹ có con nhỏ đang học bậc tiểu học và mầm non, khi nghe thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp tục cho học sinh bậc THCS trở xuống được nghỉ học để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tôi rất đồng tình vì hiện tại tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, sẽ còn thay đổi khó lường trong khi các con thì quá nhỏ để đủ nhận thức được tầm nguy hiểm của nó, thời điểm này cho con đi học là có phần mạo hiểm, dù biết sẽ rất vất vả trong việc vừa đi làm vừa chăm con đang nghỉ học ở nhà.
Với truyền thống hiếu học, các bậc phụ huynh không thể không lo lắng cho tình trạng gián đoạn học tập và còn nhiều hệ lụy khác khi con em phải nghỉ học dài ngày. Nhưng cho học sinh, sinh viên đi học lại chắc chắn là một quyết định đầy khó khăn. Với tinh thần đảm bảo sự an toàn và sức khoẻ cho học sinh luôn phải đặt lên hàng đầu, từ ngày 2/3/2020, chỉ có hơn 02 triệu học sinh THPT/22 triệu học sinh cả nước đi học lại. Trong thời gian tới, liệu số học sinh còn lại có tiếp tục được đến trường hay lại nghỉ học?. Và tôi hiểu sự khó khăn trong quyết định này của những nhà lãnh đạo khi phải đưa ra sự lựa chọn không dễ dàng chút nào.
Chúng ta đều biết, đến thời điểm hiện tại, trong trận chiến với dịch viêm phổi cấp Covid-19 gây ra, Việt Nam đã khiến cả thế giới phải nể phục, tất cả 16 người dương tính với virus corona đã được điều trị khỏi, gồm cả người già và trẻ sơ sinh, người có tiền sử bệnh phức tạp, đặc biệt ta đã chữa thành công các ca nhiễm Covid-19 cả ở y tế tuyến huyện. Kể từ ngày 13/02 đến nay, Việt Nam cũng là nước duy nhất không ghi nhận ca nhiễm bệnh mới, không phát hiện bất kỳ trường hợp nào tái nhiễm.
Với tinh thần “luôn luôn lường đến tình huống xấu hơn để tình hình không xấu đi. Tính đến tình huống xấu nhất để không bao giờ tình huống xấu nhất xảy ra”. Tất cả thông tin về Covid-19 được Đảng, Nhà nước công khai, cung cấp kịp thời trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng và Bộ Y tế trở thành “người tri kỷ” của người người, nhà nhà, thường xuyên nhắn tin SMS, trên mạng xã hội đến tất cả công dân để cảnh báo nguy cơ và đặc biệt là những việc cần làm để mọi người dân tham gia chống dịch. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam, cho rằng Việt Nam đã phòng chống dịch bệnh với quyết tâm rất cao, các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Thiết nghĩ trong lúc này mỗi bậc phụ huynh không nên ngồi tranh luận và hoài nghi về quyết định cho nghỉ học của các địa phương mà hãy chung tay góp sức cùng ngành Giáo dục, Y tế để góp phần bảo vệ sức khỏe của các em học sinh và toàn thể nhân dân trước tình hình dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Mong các thầy cô sẽ tiếp tục truyền lửa, nhiệt huyết của mình để khi các em trở lại trường sau thời gian dài nghỉ học trong niềm hân hoan, tự hào về Tổ quốc để những mầm non của đất nước hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập của mình, tiếp tục viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc.
“Từ mái trường này em sẽ lớn lên
Sẽ khắc trong tim bóng hình đất nước
Cô sẽ nối những nhịp cầu mơ ước
Để em vẽ hình Tổ quốc ở trong tim.
Nhớ nghe em, ta chẳng phải đi tìm
Một đất nước ở đâu xa để yêu hết cả
Đảng đã cho ta trái tim hồng rạng tỏa
Vang vọng trong lòng hai tiếng gọi Việt Nam! ”
(Trích từ bài thơ “Đất nước ở trong tim” của cô Chu Ngọc Thanh).

An An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét