Thứ Hai, 17 tháng 5, 2021

CẦN NÂNG CAO Ý THỨC BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC

 

Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2001 đến năm 2020, phát hiện hơn 1.000 vụ lộ, mất bí mật nhà nước, riêng trong năm 2020 cả nước có 68 vụ với 280 đầu tài liệu bí mật nhà nước bị lộ, mấtxảy ra tại các cơ quan trung ương và địa phương. Trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục Tuyệt mật, Tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách Đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Qua số liệu thống kê có thể thấy diễn biến của việc lộ, mất bí mật đang có chiều hướng phức tạp.


Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 quy định: Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.Theo quy định trên, nếubí mật nhà nước mà để người không có trách nhiệm biết được bí mật nhà nước hoặc việc bí mật nhà nước bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Những sơ hở tồn tại trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước đã và đang tạo ra nguy cơ trực tiếp làm lộ, mất bí mật nhà nước nếu không kịp thời phát hiện và ngăn chặn, vì vậy có thể thấy tầm quan trọng của công tác bảo vệ bí mật nhà nước và công tác này là nhiệm vụ quan trọng trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, nên không thể lơ là mất cảnh giác.

Việclộ, mất bí mật nhà nước có thể kể đến một số nguyên nhân như:

(1) Các thế lực thù địch lợi dụng sự phát triển của CNTT thu thập tài liệu bí mật nhà nước, các đối tượng này sử dụng kỹ thuật công nghệ cao nâng cấp các dòng mã độc, bám sát tình hình chính trị, xã hội ở nước ta để thay đổi thủ đoạn tán phát mã độc. Điển hình như tin tặc đã tán phát mã độc đính kèm thư điện tử giả mạo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 nhằm đánh lừa người dùng nhấn mở tệp để lây nhiễm mã độc và đánh cắp thông tin, dữ liệu trên máy tính người dùng, đặc biệt là thông tin của Chính phủ, các bộ, ban, ngành.

(2) Nhiều cơ quan, đơn vị chưa làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ bí mật nhà nước cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chứcđã sao, chụp, soạn thảo tài liệu bí mật nhà nướctrên máy tính có kết nối internet, dùng điện thoại thông minh chụp ảnh tài liệu mậthoặc trao đổi tài liệu mật qua email, nhóm kíntrên mạng xã hội,….

(3)Được đăng tải công khai trên các website, trang, cổng thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức; tán phát trên mạng xã hội của cá nhân; sử dụng hòm thư điện tử và hệ thống liên thông văn bản điện tử có kết nối internet để chuyển, nhận tài liệu và qua một số hình thức khác.

Đã có rất nhiều vụ án vi phạm pháp luật làm lộ tài liệu bí mật nhà nước với tính chất, mức độ rất nghiêm trọng gây ảnh hướng lớn đến chính trị, kinh tế của đất nước. Một trong những vụ án gần đây nhất không thể không nhắc đến vụ ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã bị tuyên án 5 năm tù về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước. Hay vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) bị tuyên án 9 năm tù tội cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước. Ngày 25/3/2021 Viện Kiểm Sát nhân dân tỉnh Phú Yên đã ban hành cáo trạng truy tố 18 bị can liên quan đến vụ án cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước trong kỳ thi tuyển công chức năm 2017 - 2018. Thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ việc liên quan đến việc vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, cụ thể như:

(1) Chuyển, nhận văn bản có nội dung bí mật nhà nước trên hệ thống quản lý văn bản điều hành và liên thông văn bản điện tử các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

(2) Cán bộ soạn thảo văn bản bí mật nhà nước nhưng không có phiếu đề xuất độ mật cho văn bản theo quy định; lãnh đạo cơ quan, đơn vị có trách nhiệm xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước nhưng thiếu kiểm tra, chấn chỉnh, nhắc nhở đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị về việc đề xuất độ mật cho văn bản.

Từ ngày 1/7/2020, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 chính thức có hiệu lực, Luật đã khắc phục những vấn đề đã tồn tại, bất cập của Pháp lệnh như:(1) Khái niệm bí mật nhà nước của Pháp lệnh còn chung chung, liệt kê gây khó khăn cho việc xác định, quản lý và sử dụng; (2) Phạm vi bí mật nhà nước xác định theo từng cấp độ chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn nên việc lập danh mục của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; (2) đối tượng thuộc diện lập danh mục bí mật nhà nước chưa đảm bảo tính khả thi; (4) thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục in, sao, chụp, nghiên cứu, phổ biến, cung cấp, chuyển giao và giải mật bí mật nhà nước còn thiếu, chưa bảo đảm tính công khai minh bạch; (5) chưa quy định cụ thể về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước nên việc đàm phán, ký kết và thực hiện các hiệp định về bảo vệ bí mật nhà nước còn hạn chế; (6) trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước chưa cụ thể dẫn đến nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và nhân dân còn chủ quan, mất cảnh giác, làm giảm chất lượng, hiệu quả của công tác này.

Để góp phần ngăn chặn lộ, mất bí mật nhà nước thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ bí mật nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trực tiếp làm việc liên quan đến bí mật nhà nước; ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ vào công tác bảo vệ bí mật nhà nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

AN NHIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét