Thứ Ba, 18 tháng 5, 2021

Luật An ninh mạng trong cuộc sống

 

Sự ra đời của internet, mạng xã hội tạo ra bước phát triển nhảy vọt của nhân loại thời đại ngày nay. Với internet, mạng xã hội, nhân loại có thêm một thế giới mới - thế giới ảo. Đó là một hệ thống thông tin trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời lưu giữ và dễ dàng tìm kiếm trên mạng (trang Wikipedia) cùng với nhiều trang công cụ tìm kiếm, trao đổi thông tin, thư từ (trang Google, Yahoo, Youtube, Facebook). Trên các trang mạng này các cá nhân có thể có những hoạt động tương tác trực tuyến ở mọi lúc, mọi nơi.

 Tuy nhiên, mặt trái của nó là những thông tin trên mạng rất khó kiểm chứng sự chính xác. Lợi dụng vấn đề này, đã có những kẻ xấu lợi dụng internet, mạng xã hội để đưa thông tin giật gân nhằm câu view, câu like, đưa tin giả, thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc… vì những mục đích khác nhau.

Do đó, Luật An ninh mạng đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019, nhằm bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.


Điều 8, Luật An ninh mạng quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong an ninh mạng như: Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi: Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; Vì vậy, tất cả các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên đưa ra xét xử đối tượng Trần Thị Tuyết Diệu, sinh năm 1988, trú xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên về Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa  Việt Nam theo khoản 1, Điều 117 Bộ Luật hình sự, tuyên phạt 8 năm tù giam. Trước đó, Trần Thị Tuyết Diệu có hành vi sử dụng máy tính xách tay, điện thoại di động để làm, tàng trữ, đăng tải, phát tán, tuyên truyền trên tài khoản mạng xã hội Facebook, kênh Youtube nhiều bài viết, video có nội dung chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam, xuyên tạc hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật.

          Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã liên tiếp xử lý nhiều đối tượng lợi dụng không gian mạng để vi phạm pháp luật, từ xử lý hình sự đến xử lý hành chính, răn đe, nhắc nhở. Do đó, mọi người cần cảnh giác trước các thông tin xấu độc, sai sự thật, đồng thời báo cáo cho cơ quan chức năng khi phát hiện để kịp thời xử lý, làm sạch môi trường không gian mạng.

                                                                             Sơn Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét