Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2021

“Ý thức” là liều vắc xin hiệu quả nhất trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19


Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở tỉnh Phú Yên cơ bản đã được kiểm soát. Đây là kết quả của sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền, các lực lượng tuyến đầu chống dịch và nhân dân đã đồng lòng, quyết tâm để sớm đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường. Trong gian khó của dịch bệnh một lần nữa chúng ta lại thấy nhiều hành động cao đẹp thể hiện tinh thần tương thân, tương ái đã được thắp sáng và lan tỏa trong cộng đồng, tình nghĩa của đồng bào càng trở nên gắn kết và đùm bọc lẫn nhau.

Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, và trên thế giới xuất hiện những biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 thì nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.


Do đó, để duy trì kết quả phòng, chống dịch đã đạt được, thì ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của người dân lúc này là liều vắc xin hiệu quả nhất trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Người dân phải tiếp tục tin tưởng vào các quyết sách của Chính phủ, quy định của địa phương và các ngành chức năng. Ngoài ra, không đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật; không chủ quan, lơ là nhưng cũng không hoang mang khi xuất hiện những thông tin mới về dịch bệnh.

Khi thực hiện những việc này, mỗi người đã tự bảo vệ sức khỏe của chính mình, người thân và gia đình, đồng thời thể hiện trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng, trách nhiệm của công dân đối với đất nước. Không ai có thể riêng mình sống yên ổn nếu như trong cộng đồng chưa an toàn, chỉ khi mỗi người dân nâng cao ý thức, chung tay cùng nhau phòng chống dịch mới tạo nên vành đai vững chắc sớm đẩy lùi dịch bệnh./.

L.A

 

CÁI KẾT ĐẮNG CHO NHỮNG KẺ COI THƯỜNG PHÁP LUẬT

 

Từ khi tỉnh Phú Yên thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho đến nay đã có 06 vụ án bị truy tố và đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng rút gọn về tội chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, điển hình như các vụ việc sau:

Tổ công tác của UBND xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên phát hiện Phan Văn Thống vi phạm Chỉ thị 16. Trong lúc tổ công tác tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, Thống đã khóa cửa cổng, nhốt đồng chí tổ trưởng tổ công tác nhằm cản trở, không cho lực lượng làm nhiệm vụ lập biên bản xử lý vi phạm. Với hành vi này, Tòa án nhân dân huyện Tây Hòa đã mở phiên tòa xét xử Phan Văn Thống 9 tháng tù giam về tội chống người thi hành công vụ.

Tương tự hành vi phạm tội như Phan Văn Thống nhưng tính chất côn đồ của Trần Văn Giảo ở huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên trong vụ án “Gây rối trật tự công cộng” lại nghiêm trọng hơn. Trần Văn Giảo đã đuổi đánh khu phố Trưởng khu phố Phước Mỹ Tây, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa rồi cầm dao và súng tự chế uy hiếp, hăm dọa hàng xóm. Khi Công an thị trấn Phú Thứ đến hiện trường giải quyết vụ việc thì vợ Giảo là Võ Thị Phiến và con gái là Trần Thị Trinh chửi bới, xúc phạm. Sau đó, Giảo chở hai con đến trụ sở Công an thị trấn Phú Thứ tiếp tục chửi bới, la hét, đạp cổng trụ sở Công an thị trấn, gây mất trật tự công cộng. Trước phiên tòa, Giảo khóc lóc cầu xin pháp luật khoan hồng để sớm được trở về làm ăn nuôi vợ con nhưng tất cả đã quá muộn. Trả giá cho hành vi này, Trần Văn Giảo đã bị Tòa án nhân dân huyện Tây Hòa tuyên phạt bị cáo 24 tháng tù giam. 

Gần đây nhất, với tội danh Chống người thi hành công vụ, các bị cáo Phạm Quốc Học trú xã Xuân Sơn Nam đã bị TAND huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên tuyên phạt 6 tháng tù  và Võ Minh Hoàng ở xã An Hòa Hải đã bị TAND huyện Tuy An tuyên phạt Võ Minh Hoàng 9 tháng tù.

Cơ quan điều tra và VKSND huyện Đồng Xuân làm việc với Phạm Quốc Học.

Hành vi coi thường pháp luật của các đối tượng đã phải trả giá bằng những bản án thích đáng, nghiêm minh. Đây cũng là bài học đắt giá, cảnh tỉnh cho những ai coi thường pháp luật!


                                                                             An Nam

HÃY ĐOÀN KẾT VỚI NHAU - VÌ CHÚNG TA LÀ DÂN TỘC VIỆT NAM

 

Trong Thư gửi Đại hội các dân tộc miền Nam, tháng 04/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Ê đê, Xê-Đăng hay Bana và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt..." và Nguời khẳng định: "Chúng ta phải yêu thương nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta" . Đó là cơ sở chúng ta xác định xây dựng đất nước ngày càng văn minh, hiện đại cùng phát triển trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau là khát vọng chung của 54 dân tộc anh em trong một đại gia đình. Cũng vì thế, đảm bảo ứng xử công bằng, khoa học trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau là một yêu cầu hết sức cần thiết trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước và giữ gìn đoàn kết dân tộc Việt Nam.


Thời gian qua, trên mạng xã hội vẫn còn xuất hiện những bài viết có nội dung khiếm nhã, phản cảm về người dân tộc thiểu số, gây dư luận, phản ứng không tốt trong cộng đồng, nhất là đối với người đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi tỉnh Phú Yên. Các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, xử lý các đối tượng đăng tải, tán phát các thông tin trên theo quy định pháp luật.

Thiết nghĩ, trong mỗi bản bản thân chúng ta, ai cũng có lúc mắc phải những sai sót và cũng mong được tha thứ để có cơ hội được sửa sai. Cha ông ta có câu “đánh kẻ chạy đi, chứ không đánh người chạy lại". Do vậy, những ai có quan điểm sai trái về vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam hay suy nghĩ lại. Người Việt Nam có lòng khoan dung sẽ tha thứ cho những ai biết hối lỗi, “quay đầu là bờ".

Khi sử dụng mạng xã hội, chúng ta cần bình tĩnh, cân nhắc thấu đáo, sử dụng từ ngữ phải chuẩn mực khi bình luận, đăng tải, chia sẻ những thông tin trên mạng xã hội, không để các phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.

- Huy Anh -

Thứ Năm, 21 tháng 10, 2021

HIỂU VÀ THỰC HIỆN ĐÚNG QUYỀN GIÁM SÁT LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT GIAO THÔNG THỰC THI NHIỆM VỤ

 

Trên mạng xã hội, nếu lướt qua các tài khoản facebook cá nhân hay trên một số kênh youtube, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều đoạn clip ghi lại cảnh người tham gia giao thông “cãi lý” với lực lượng Cảnh sát giao thông khi được yêu cầu xuất trình giấy tờ để kiểm tra. Điểm chung của những clip này là:


 (1) Người tham gia giao thông tỏ thái độ khó chịu với lực lượng Cảnh sát giao thông khi bị dừng xe, đòi Cảnh sát giao thông đưa xem kế hoạch, chuyên đề mới hợp tác;

(2) Dí sát điện thoại vào mặt, bảng tên người thi hành nhiệm vụ, sử dụng lời lẽ không đúng mực, thậm chí khiêu khích, gài bẫy lực lượng Cảnh sát giao thông. Không ít các “facebooker” tỏ ra am hiểu luật đã bình luận, đưa ra những quy định cho việc làm trên là đúng, là người dân có quyền kiểm tra kế hoạch của Cảnh sát giao thông, tiếp cận thông tin là quyền hiến định, pháp luật không cấm người dân quay phim, ghi hình Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ…, việc làm này là quyền của người dân thực hiện chức năng giám sát cơ quan nhà nước thực thi công vụ. Tuy nhiên, các bình luận trên chỉ mới đưa ra quy định về quyền của người dân mà không đề cập đến quy định về cách thức thực hiện quyền này.

Với vai trò là một luật sư, nhà nghiên cứu về luật, tôi xin giải đáp những thắc mắc về việc thực hiện như thế nào cho đúng quyền này như sau:

- Tại Điểm d, khoản 1, Điều 5 Thông tư 67/2019/TT-BCA ngày 26/11/2019 của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quy định về nội dung công khai của Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông: "Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, gồm các nội dung cụ thể sau: Tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện...".  

Theo quy định trên, đây là những nội dung bắt buộc phải công khai với người dân. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người vi phạm căn cứ vào quy định này để đòi “xem” chuyên đề, kế hoạch của Cảnh sát giao thông tại chỗ. Bởi vì, theo Điều 6 Thông tư 67/2019/TT-BCA của Bộ Công an quy định các hình thức công khai của Công an nhân dân thì căn cứ vào đặc điểm, tính chất và nội dung công khai, cơ quan Công an áp dụng một số hoặc tất cả các hình thức công khai sau đây: “1. Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử; Trang thông tin điện tử của cơ quan Công an; 2. Đăng Công báo; 3. Niêm yết tại trụ sở cơ quan Công an; 4. Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; 5. Thông qua việc tiếp công dân; họp báo; thông cáo báo chí; hoạt động của người phát ngôn trong lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật”. Mặt khác, Điều 10 Luật Tiếp cận thông tin quy định cách thức tiếp cận thông tin “1. Tự do tiếp cận thông tin được cơ quan nhà nước công khai; 2. Yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin”. Vì thế, thay vì đòi xem trực tiếp, công dân có thể tìm hiểu về các kế hoạch, chuyên đề qua các kênh như: cổng thông tin điện tử; trang thông tin điện tử của cơ quan Công an; công báo; trụ sở cơ quan Công an; các phương tiện thông tin đại chúng; khi tiếp công dân; họp báo; thông cáo báo chí… hoặc yêu cầu cơ quan nơi Cảnh sát giao thông đang công tác cung cấp.

- Về quyền ghi hình, Điều 11Thông tư 67/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ Công an quy định hình thức giám sát của Nhân dân trong đó có hình thức “Thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp”. Tuy nhiên, với hình thức này, người dân phải bảo đảm các điều kiện sau: “không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông); tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan”.

Hiệu quả của việc ghi âm, ghi hình hoạt động của Cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ là giúp phòng ngừa tiêu cực, nâng cao ý thức người thực thi pháp luật, tăng quyền giám sát của nhân dân. Bên cạnh đó cũng có khá nhiều trường hợp cá nhân chủ ý ghi hình, ghi âm Cảnh sát giao thông trong lúc họ thi hành công vụ để đăng phát lên mạng xã hội và dẫn dắt dư luận theo hướng xấu. Trong quá trình ghi âm, ghi hình, người cầm máy thường cố tình chọc giận, gài bẫy Cảnh sát giao thông, không ít trường hợp vì thiếu kiềm chế nên Cảnh sát giao thông đã có lời nói hoặc hành động sai trái, sau đó phải chịu hậu quả. Người dân nếu vì mục đích góp phần xây dựng sự liêm chính cho hệ thống công quyền thì chẳng ai thực hiện "quyền giám sát" một cách thô thiển như thế! Khi có bằng chứng về dấu hiệu sai phạm của lực lượng công an, hãy trình báo cho cơ quan chức năng để xử lý. Vậy mới là bình đẳng và thượng tôn pháp luật.

Như vậy, nhà nước trao quyền cho người dân thực hiện chức năng giám sát lực lượng thi hành công vụ, và cũng quy định hình thức, cách thức thực hiện quyền này, nói cách khác quyền được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, nếu tự do quá trớn sẽ dẫn đến việc “lạm quyền”. Ranh giới giữa một người hiểu luật và còn mơ hồ về luật đôi khi rất mong manh, nếu không tỉnh táo, bạn rất có thể tự biến mình thành một kẻ vô pháp, đương nhiên, chẳng có luật pháp nào lại bảo vệ những hành vi sai trái./.

Người đi đường

 

 

 

TỆ NẠN MA TÚY – HIỂM HỌA CẦN TRIỆT XÓA


Tệ nạn ma túy là hiểm họa lớn của toàn xã hội, là nguyên nhân chủ yếu phát sinh tội phạm. Hậu quả tác hại của ma túy gây ra nhiều hệ lụy, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh trật tự của cả nước nói chung và của tỉnh Phú Yên nói riêng… Ma túy có rất nhiều loại như: Heroin, cần sa, ma túy đá, thuốc lắc, ketamine và được các đối tượng buôn bán ngụy trang một cách tinh vi, lôi kéo người sử dụng dẫn đến nghiện ma túy. Đáng báo động, đối tượng sử dụng ma túy tập trung ở độ tuổi thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Nguy hiểm hơn, có quan niệm sai lầm cho rằng sử dụng thuốc lắc, ma túy đá, cần sa chỉ gây hưng phấn tức thời nhằm giải trí, chứ hoàn toàn không gây nghiện mà không biết rằng nó có sức tàn phá đến sức khỏe, gây ảnh hưởng xấu và hậu quả về sau.


Trong những năm qua, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Phú Yên tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều đối tượng hoạt động với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt và cảnh giác cao; sử dụng tín hiệu, tiếng lóng để điều hành các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép từ các tỉnh khác về Phú Yên để tiêu thụ. Chúng cũng sử dụng các trang mạng xã hội Zalo, Facebook,… để liên lạc trao đổi mua bán, lợi dụng dịch vụ ký gửi hàng hóa của xe khách, dịch vụ chuyển phát nhanh qua bưu điện, shipper… để vận chuyển ma túy về Phú Yên, với thủ đoạn để lẫn ma túy trong quần áo, trái cây, linh kiện điện tử,… gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng. Đối tượng lợi dụng hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, dịch vụ nhạy cảm như quán bar, karaoke, nhà nghỉ, khách sạn,… để cất giấu, mua bán, tổ chức sử dụng và sử dụng trái phép chất ma túy.

Qua theo dõi, được biết, cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên đã phát hiện, triệt xóa nhiều nhóm đối tượng liên quan tội phạm về ma túy. Điển hình như:

(1) Phát hiện nhóm đối tượng hoạt động mua bán trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh do Phạm Quí Trọng, sinh năm: 1992, địa chỉ: Kp Ninh Tịnh 5, phường 9, Tp Tuy Hòa cầm đầu. Lực lượng chức năng đã bắt quả tang Phan Ngọc Thiện, sinh năm: 1992, địa chỉ: Kp Ninh Tịnh 5, phường 9, TP Tuy Hòa đang tàng trữ trái phép chất ma túy tại khu vực ngã ba đường Trần Phú – Yersin, phường 2, Tp Tuy Hòa thu giữ 02 bịch ma túy ketamine, 03 viên thuốc lắc; khám xét chỗ ở của Thiện thu giữ thêm 02 bịch ketamine, 43 viên thuốc lắc và 11 phần viên nén của viên thuốc lắc. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn bắt quả tang, quyết định tạm giữ hình sự đối với Phan Ngọc Thiện và ra Lệnh giữ người, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với 05 đối tượng Phạm Quí Trọng; Phan Minh Hoàng (SN: 1996); Võ Thị Tuyết Nhung (SN: 1999); Võ Thị Thu Thảo (SN: 2001) và Nguyễn Thị Minh Thư (SN: 2001) cùng ở trọ với Thiện, Trọng về hành vi tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy.

(2) Phát hiện đối tượng thường xuyên đến thuê khách sạn SunRise, địa chỉ Lô PG1-17 VinCom, Phường 7, Tp Tuy Hòa để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Trước tình hình đó, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, bắt quả tang 05 đối tượng, gồm: Trần Tuấn Tú (SN: 1993); Lưu Sĩ Phú (SN: 1993); Phạm Thị Mỹ Linh (SN: 1995); Trần Thị Anh Thư (SN: 1999); Nguyễn Lê An Nhi (SN: 2002), thu giữ 0,351g MDMA, 0,081g Ketamine. Cơ quan chức năng đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Trần Tuấn Tú về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; Trần Thị Anh Thư về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy và Quyết định xử phạt hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy đối với Phú, Linh, Nhi.

Qua những vụ việc trên đây nhắc nhở mọi người hãy tránh xa tệ nạn ma túy và tích cực tố giác tội phạm ma túy với các cơ quan chức năng. Chính điều này sẽ góp phần ngăn chặn tội phạm và tệ nạn ma túy, đem lại sự bình yên cho cuộc sống người dân.

 

Thứ Tư, 20 tháng 10, 2021

CHUYỆN NGHỆ SỸ LÀM TỪ THIỆN

 

Vừa qua, sau những buổi phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội của bà N.P.H  – Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Nam, hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng, nghệ sĩ trong giới showbiz như: HL, TT, CV-TT, ĐVH,… vướng nghi án ăn chặn, không minh bạch tiền từ thiện của các mạnh thường quân ủng hộ đồng bào trong nước khi xảy ra thiên tai, bão lũ. Sự việc tuy chưa minh bạch, rõ ràng nhưng đã gây xôn xao dư luận và cộng đồng mạng trong thời gian qua. Để chứng minh sự trong sạch, các nhân vật được bà Hằng “réo tên” có thể công khai, minh bạch quá trình từ thiện của mình hoặc cho đến khi có kết luận của các cơ quan chức năng thì sự việc sẽ được sáng tỏ, giải đáp được những thắc mắc của dư luận.


Trước làn sóng dư luận chỉ trích, yêu cầu làm rõ các khoản tiền từ thiện, các nghệ sĩ đã có những cách xử lý khác nhau, người công khai thách thức dư luận, người tuyên bố sẽ chứng minh sự trong sạch của mình, kiện những ai vu khống, xúc phạm đến danh dự, hình ảnh, nhân phẩm của mình, người chọn cách im lặng trước làn sóng dư luận, người tuyên bố sẽ ngưng mọi hoạt động thiện nguyện vì cho rằng đây không phải là nhiệm vụ của mình. Bên cạnh những làn sóng chỉ trích từ dư luận là những luồng ý kiến ủng hộ, bảo vệ các nghệ sĩ, thần tượng của mình với kiểu suy nghĩ, phát ngôn như: “Cứ như này rồi nghệ sĩ không dám làm từ thiện nữa. Rồi ai sẽ cứu người dân?”; “Làm việc thiện mà cứ bị soi mói, công kích thế này, không ai muốn rước rắc rối vào thân, chỉ có người khổ, người cần cứu trợ là thiệt thòi”….

Xin thưa! Mảnh đất hình chữ S này không phải đến bây giờ mới có bão lũ, thiên tai. Nó là “cuộc chiến” mà dân tộc ta phải “đấu tranh” hằng năm, diễn ra từ ngàn đời nay. Còn phong trào nghệ sĩ đi từ thiện, cứu trợ chỉ có từ vài năm trở lại đây. Khi mà cuộc sống của một số nghệ sĩ giàu lên thì phong trào từ thiện của các nghệ sĩ mới nổi và thu hút sự chú ý của dư luận. Bên cạnh những nghệ sĩ thực tâm, giúp đỡ đồng bào ta trong lúc khó khăn nhất, làm từ thiện bằng chính tiền mồ hôi, nước mắt của mình cần được bảo vệ, nêu gương, thì một số nghệ sĩ có mục đích không kém phần quan trọng là đánh bóng tên tuổi, là đầu tư cho thương hiệu cá nhân, thậm chí chỉ trao quà từ thiện ở những nơi dễ vào, ít nguy hiểm, và có cả ekip chụp hình, quay phim.

Vậy những nơi nguy hiểm, khó khăn, ai sẽ là người cứu dân. Lực lượng Công an, Quân đội, các tổ chức đoàn thể chính quyền, họ là người đến gần dân, giúp dân trong lúc gian nan, nguy hiểm nhất, sẵn sàng và thậm chí hi sinh cả tính mạng để cứu giúp người dân. Với những người lính, cán bộ chính quyền địa phương, họ chẳng làm vì thương hiệu cá nhân, vì quảng cáo, để được tung hô, mà họ làm vì trách nhiệm, vì lương tâm. Do đó, nếu như không có những hoạt động thiện nguyện của các nghệ sĩ thì họ vẫn làm giúp dân, cứu dân như bao năm qua khi đất nước đối mặt với thiên tai!.

                                                                                      Chú Cuội

Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2021

Phú Yên: Khởi tố vụ án, khởi tố 10 bị can về tội Giết người

 

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 10 bị can về tội Giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS và thi hành lệnh tạm giam đối với 09 bị can, gồm: Văn Phú Chánh, SN 2000, trú khu phố 4, phường Hòa Vinh, thị xã Đông Hòa; Huỳnh Duy Tú, SN 2001, trú thôn vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa; Đinh Trần Quốc Huy, SN 1995; Nguyễn Chí Bá Kiệt, SN 1996; Lê Hoàng Lanh, SN 1998; Lê Công Hậu, SN 1999; Lê Phú Thành, SN 1997; Lê Anh Khoa, SN 1995;  Nguyễn Văn Ý, SN 2000, tất cả cùng trú xã Hoà Xuân Đông, thị xã Đông Hoà; áp dụng biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh đối với Trần Văn Ty, SN 1996, trú xã Hoà Xuân Đông, thị xã Đông Hoà.


Ngày 05/10/2021, các quyết định trên đã được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng.

          Trước đó, khoảng 21 giờ 00 phút ngày 30/9/2021, Tú đòi tiền Ngô Tuấn Tài, SN 2000, trú thôn Phước Long, xã Hoà Tâm, thị xã Đông Hòa đã nợ Tú nhưng Tài không trả mà còn thách thức Tú.

          Bực tức và biết Tài đang nhậu cùng với nhiều người tại nhà chị Lê Thị Thu ở thôn Phước Long, xã Hoà Tâm, thị xã Đông Hòa, Tú gọi điện cho Chánh, rủ đi tìm đánh Tài và đòi tiền nợ thì Chánh đồng ý và rủ thêm đồng bọn, gồm: Huy, Kiệt, Lanh, Hậu, Thành, Khoa, Ty, Ý rồi cùng đi đến nhà chị Thu. Đến nơi, Chánh cùng đồng bọn đi vào nhà, Tú và Chánh đến chỗ Tài nhậu, rồi cãi vã, thách đố nhau, Chánh cầm kiếm đâm 01 nhát trúng vùng bụng của Tài rồi cả nhóm lên xe bỏ chạy. Mặc dù được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng Tài đã chết do thủng gan, thủng động mạch và mất máu cấp.

Hiện vụ án đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ.

Đây là bài học cảnh tỉnh cho các đối tượng thanh thiếu niên bị tiêm nhiễm hành vi bạo lực từ mạng Internet, game online, thích “thể hiện”, tụ tập bạn bè sử dụng hung khí tự chế để giải quyết khi có mâu thuẫn xảy ra. Đặc biệt, trong thời gian qua, xảy ra nhiều vụ cố ý gây thương tích, thậm chí giết người xuất phát từ những mâu thuẫn rất nhỏ trong cuộc sống.

Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hiểu biết pháp luật, bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, xúi giục. Đây là vấn đề đặt ra cho các cơ quan chức năng, gia đình có biện pháp giáo dục, quản lý đối với số đối tượng thanh thiếu niên thường xuyên tụ tập ăn nhậu, lêu lổng, thiếu sự quản lý từ gia đình, không để xảy ra vi phạm pháp luật và tội phạm.

 T.V

Thứ Năm, 7 tháng 10, 2021

“CHUYỆN TỪ THIỆN” - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM


          Thời gian qua, câu chuyện “từ thiện” của một số nghệ sĩ đang được cộng đồng mạng đặc biệt quan tâm, bắt đầu từ khi nữ doanh nhân Phương Hằng tổ chức phát trực tiếp (livestream) nói về vấn đề “sao kê” hoạt động từ thiện của các nghệ sĩ như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, MC Trấn Thành, ca sĩ Thủy Tiên,… trong mùa lũ năm 2020 tại miền Trung. Hiện tại, câu chuyện vẫn còn chưa đến hồi kết khi các bên vẫn đang đưa ra những quan điểm khác nhau và tổ chức livestream để phân trần sự thật trước công chúng.       

          Ngày 09/9/2021, cơn bão Conson đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 5 năm 2021. Trên trang Facebook cá nhân, nghệ sĩ Hồng Tú (sinh năm 1991) đã đăng tải bài viết với nội dung: “Mùa lũ này, nghệ sĩ sẽ không từ thiện nữa, không ai đứng ra cứu trợ người dân miền Trung nữa, cứ để bà Phương Hằng và mấy người đòi sao kê lo việc đó”. Bài viết đã nhanh chóng nhận được rất nhiều tương tác, bình luận của cộng đồng mạng, nhất là các bạn trẻ ủng hộ quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, phân tích vấn đề sẽ thấy nghệ sĩ Hồng Tú và một bộ phận các bạn trẻ vẫn còn nhận thức lệch lạc, vô tình phủ nhận truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc “lá lành đùm lá rách” cũng như vai trò, công sức của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, y tế,…trong việc chăm lo cho nhân dân trước thiên tai, hoạn nạn.

         Thứ nhất, từ thiện là việc khơi dậy tấm lòng của tất cả người dân hướng tới những người gặp khó khăn. Việc làm này cần được ủng hộ, khuyến khích bởi nó còn tạo nên sự thống nhất, đoàn kết dân tộc. Mùa lũ năm 2020, khắp các nẻo đường đều là đoàn xe cứu trợ miền Trung của các mạnh thường quân, nhóm thiện nguyện từ khắp cả nước. Các doanh nghiệp lớn, nhỏ trên cả nước cùng chung tay đóng góp hàng ngàn tỷ đồng để Nhà nước lo cho dân, ấy thế mà nghệ sĩ Hồng Tú lại cho rằng không có nghệ sĩ thì không ai cứu trợ cho miền Trung.

Văn hóa ứng xử của nghệ sỹ

 Thứ hai, nghệ sĩ chỉ là người đứng ra kêu gọi ủng hộ từ các mạnh thường quân, sau đó dùng số tiền đó để tặng, mua lương thực, thực phẩm cho bà con nhân dân gặp khó khăn. Nhìn lại đợt lũ năm ngoái, số lượng nghệ sĩ đứng ra kêu gọi ủng hộ và trực tiếp đến cứu trợ chỉ tính trên đầu ngón tay. Thực tế, những nơi ngập lụt, nguy hiểm thì ai đến cứu trợ? Ai không ngại hy sinh, gian khổ để cứu người trong vùng nguy hiểm? Vụ việc thương tâm nhất là vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 đã khiến 13 cán bộ hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Nhìn vào đó mới thấy, các cấp chính quyền, lực lượng y tế, vũ trang,… đã hy sinh thầm lặng quên mình, chống lũ, thiên tai mới giúp cuộc sống của nhân dân được đảm bảo an toàn.  

         Vậy có thể thấy, với nhận thức lệch lạc của nghệ sĩ Hồng Tú, đã dẫn đến việc các bạn trẻ tiếp cận nội dung sai mục đích và trở thành cơ hội để bọn xấu lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Đáng chú ý, tổ chức khủng bố Việt Tân đã lợi dụng ý kiến lệch lạc của nghệ sĩ Hồng Tú để đăng tải bài viết “Khủng hoảng từ thiện” hay “Qũy vắc xin Covid! Mới giải ngân chưa đầy 5% không có “sao kê”” liên quan đến vấn đề sao kê, trong đó chủ yếu lồng ghép những nội dung xuyên tạc công tác phòng, chống dịch Covid-19, lũ lụt, thiên tai của Đảng, Nhà nước. Các bạn trẻ hãy cảnh giác, tỉnh táo trước những nguồn thông tin độc hại.    

          Câu chuyện trên làm tôi nhớ đến câu nói của tác giả, nhà thơ nổi tiếng người Anh, Eliza Cook “Việc từ thiện muốn được tuyên dương không còn là từ thiện nữa”.

 

 

Thứ Hai, 4 tháng 10, 2021

PHÚ YÊN: KHỞI TỐ, BẮT TẠM GIAM 4 BỊ CAN TRONG HAI VỤ ÁN HỦY HOẠI RỪNG Ở HUYỆN SƠN HÒA

             Liên quan đến tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Sơn Hòa mà dư luận phản ánh, từ ngày 24 đến 28/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên đã khởi tố, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với 04 bị can, gồm: Phạm Văn Anh, SN 1980; Phạm Văn Thành, SN 1987 cùng trú xã Sơn Hội và Trần Quốc An, SN 1979; Trần Văn Kin, SN 1974 cùng trú xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa. Cả 4 bị can trên đều bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên khởi tố theo Điều 243 Bộ luật hình sự và đã được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn theo đúng trình tự, thủ tụng tố tụng.

Theo thông tin tài liệu thu thập được, với mục đích lấn chiếm đất rừng tự nhiên do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Hòa quản lý, từ tháng 6 đến tháng 8/2021, Phạm Văn Anh và em ruột là Phạm Văn Thành đã thuê nhân công cắt hạ, đốt dọn nhiều cây rừng tự nhiên trên diện tích hơn 20.000m² tại các khoảnh 6 và 8, tiểu khu 162 để trồng keo giống.

Tương tự với hành vi của hai bị can Phạm Văn Anh và Phạm Văn Thành,để có đất trồng keo, tháng 8/2021, Trần Quốc An đã thuê Trần Văn Kin tiến hành cắt hạ nhiều cây rừng tự nhiên trên diện tích hơn 50.000m2 tại khu vực Hòn Đót, khoảnh 6, tiểu khu 170, thôn Hòa Nghĩa, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa.

Trước đó, ngay sau khi có thông tin dư luận phản ánh tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Sơn Hòa, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức xác minh, điều tra, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Qua tổ chức khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng xác định, tại các khu vực Dốc Cốc, Suối Dĩ và Cheo Reo, tiểu khu 162, thôn Tân Thành có 8 khu vực rừng tự nhiên bị chặt phá với tổng diện tích lên đến hơn 31.000m². Tại khu vực Hòn Đót, khoảnh 6, tiểu khu 170, thôn Hòa Nghĩa, xã Sơn Định có diện tích rừng bị chặt phá lên đến hơn 87.000m².


Cùng với việc thi hành lệnh bắt tạm giam, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Phú Yên cũng đã thi hành lệnh khám xét nơi ở đối với 4 bị can trong 2 vụ án. Qua khám xét, đã phát hiện, tạm giữ 04 máy cưa lốc, 01 máy san ủi hiệu Hitachi, 11 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 188 khúc gỗ hộp các loại tại nơi ở của các đối tượng.

Đặc biệt trong quá trình thụ lý điều tra, đấu tranh mở rộng 2 vụ án, các cơ quan chức năng đã nhận được nhiều tin báo tố giác tội phạm từ quần chúng nhân dân. Qua kiểm tra hành chính vào chiều tối ngày 28/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên đã phát hiện tại nhà ông Nguyễn Canh Tuất, SN 1971 - cán bộ thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Hòa tàng trữ 155 khúc gỗ hộp các loại, khối lượng hơn 5,4m³ không có nguồn gốc xuất xứ hợp pháp nên đã lập biên bản tạm giữ để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật. 

                                                                 Nguyên Khang