Thứ Năm, 21 tháng 10, 2021

HIỂU VÀ THỰC HIỆN ĐÚNG QUYỀN GIÁM SÁT LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT GIAO THÔNG THỰC THI NHIỆM VỤ

 

Trên mạng xã hội, nếu lướt qua các tài khoản facebook cá nhân hay trên một số kênh youtube, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều đoạn clip ghi lại cảnh người tham gia giao thông “cãi lý” với lực lượng Cảnh sát giao thông khi được yêu cầu xuất trình giấy tờ để kiểm tra. Điểm chung của những clip này là:


 (1) Người tham gia giao thông tỏ thái độ khó chịu với lực lượng Cảnh sát giao thông khi bị dừng xe, đòi Cảnh sát giao thông đưa xem kế hoạch, chuyên đề mới hợp tác;

(2) Dí sát điện thoại vào mặt, bảng tên người thi hành nhiệm vụ, sử dụng lời lẽ không đúng mực, thậm chí khiêu khích, gài bẫy lực lượng Cảnh sát giao thông. Không ít các “facebooker” tỏ ra am hiểu luật đã bình luận, đưa ra những quy định cho việc làm trên là đúng, là người dân có quyền kiểm tra kế hoạch của Cảnh sát giao thông, tiếp cận thông tin là quyền hiến định, pháp luật không cấm người dân quay phim, ghi hình Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ…, việc làm này là quyền của người dân thực hiện chức năng giám sát cơ quan nhà nước thực thi công vụ. Tuy nhiên, các bình luận trên chỉ mới đưa ra quy định về quyền của người dân mà không đề cập đến quy định về cách thức thực hiện quyền này.

Với vai trò là một luật sư, nhà nghiên cứu về luật, tôi xin giải đáp những thắc mắc về việc thực hiện như thế nào cho đúng quyền này như sau:

- Tại Điểm d, khoản 1, Điều 5 Thông tư 67/2019/TT-BCA ngày 26/11/2019 của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quy định về nội dung công khai của Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông: "Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, gồm các nội dung cụ thể sau: Tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện...".  

Theo quy định trên, đây là những nội dung bắt buộc phải công khai với người dân. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người vi phạm căn cứ vào quy định này để đòi “xem” chuyên đề, kế hoạch của Cảnh sát giao thông tại chỗ. Bởi vì, theo Điều 6 Thông tư 67/2019/TT-BCA của Bộ Công an quy định các hình thức công khai của Công an nhân dân thì căn cứ vào đặc điểm, tính chất và nội dung công khai, cơ quan Công an áp dụng một số hoặc tất cả các hình thức công khai sau đây: “1. Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử; Trang thông tin điện tử của cơ quan Công an; 2. Đăng Công báo; 3. Niêm yết tại trụ sở cơ quan Công an; 4. Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; 5. Thông qua việc tiếp công dân; họp báo; thông cáo báo chí; hoạt động của người phát ngôn trong lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật”. Mặt khác, Điều 10 Luật Tiếp cận thông tin quy định cách thức tiếp cận thông tin “1. Tự do tiếp cận thông tin được cơ quan nhà nước công khai; 2. Yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin”. Vì thế, thay vì đòi xem trực tiếp, công dân có thể tìm hiểu về các kế hoạch, chuyên đề qua các kênh như: cổng thông tin điện tử; trang thông tin điện tử của cơ quan Công an; công báo; trụ sở cơ quan Công an; các phương tiện thông tin đại chúng; khi tiếp công dân; họp báo; thông cáo báo chí… hoặc yêu cầu cơ quan nơi Cảnh sát giao thông đang công tác cung cấp.

- Về quyền ghi hình, Điều 11Thông tư 67/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ Công an quy định hình thức giám sát của Nhân dân trong đó có hình thức “Thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp”. Tuy nhiên, với hình thức này, người dân phải bảo đảm các điều kiện sau: “không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông); tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan”.

Hiệu quả của việc ghi âm, ghi hình hoạt động của Cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ là giúp phòng ngừa tiêu cực, nâng cao ý thức người thực thi pháp luật, tăng quyền giám sát của nhân dân. Bên cạnh đó cũng có khá nhiều trường hợp cá nhân chủ ý ghi hình, ghi âm Cảnh sát giao thông trong lúc họ thi hành công vụ để đăng phát lên mạng xã hội và dẫn dắt dư luận theo hướng xấu. Trong quá trình ghi âm, ghi hình, người cầm máy thường cố tình chọc giận, gài bẫy Cảnh sát giao thông, không ít trường hợp vì thiếu kiềm chế nên Cảnh sát giao thông đã có lời nói hoặc hành động sai trái, sau đó phải chịu hậu quả. Người dân nếu vì mục đích góp phần xây dựng sự liêm chính cho hệ thống công quyền thì chẳng ai thực hiện "quyền giám sát" một cách thô thiển như thế! Khi có bằng chứng về dấu hiệu sai phạm của lực lượng công an, hãy trình báo cho cơ quan chức năng để xử lý. Vậy mới là bình đẳng và thượng tôn pháp luật.

Như vậy, nhà nước trao quyền cho người dân thực hiện chức năng giám sát lực lượng thi hành công vụ, và cũng quy định hình thức, cách thức thực hiện quyền này, nói cách khác quyền được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, nếu tự do quá trớn sẽ dẫn đến việc “lạm quyền”. Ranh giới giữa một người hiểu luật và còn mơ hồ về luật đôi khi rất mong manh, nếu không tỉnh táo, bạn rất có thể tự biến mình thành một kẻ vô pháp, đương nhiên, chẳng có luật pháp nào lại bảo vệ những hành vi sai trái./.

Người đi đường

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét