Thứ Năm, 7 tháng 10, 2021

“CHUYỆN TỪ THIỆN” - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM


          Thời gian qua, câu chuyện “từ thiện” của một số nghệ sĩ đang được cộng đồng mạng đặc biệt quan tâm, bắt đầu từ khi nữ doanh nhân Phương Hằng tổ chức phát trực tiếp (livestream) nói về vấn đề “sao kê” hoạt động từ thiện của các nghệ sĩ như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, MC Trấn Thành, ca sĩ Thủy Tiên,… trong mùa lũ năm 2020 tại miền Trung. Hiện tại, câu chuyện vẫn còn chưa đến hồi kết khi các bên vẫn đang đưa ra những quan điểm khác nhau và tổ chức livestream để phân trần sự thật trước công chúng.       

          Ngày 09/9/2021, cơn bão Conson đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 5 năm 2021. Trên trang Facebook cá nhân, nghệ sĩ Hồng Tú (sinh năm 1991) đã đăng tải bài viết với nội dung: “Mùa lũ này, nghệ sĩ sẽ không từ thiện nữa, không ai đứng ra cứu trợ người dân miền Trung nữa, cứ để bà Phương Hằng và mấy người đòi sao kê lo việc đó”. Bài viết đã nhanh chóng nhận được rất nhiều tương tác, bình luận của cộng đồng mạng, nhất là các bạn trẻ ủng hộ quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, phân tích vấn đề sẽ thấy nghệ sĩ Hồng Tú và một bộ phận các bạn trẻ vẫn còn nhận thức lệch lạc, vô tình phủ nhận truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc “lá lành đùm lá rách” cũng như vai trò, công sức của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, y tế,…trong việc chăm lo cho nhân dân trước thiên tai, hoạn nạn.

         Thứ nhất, từ thiện là việc khơi dậy tấm lòng của tất cả người dân hướng tới những người gặp khó khăn. Việc làm này cần được ủng hộ, khuyến khích bởi nó còn tạo nên sự thống nhất, đoàn kết dân tộc. Mùa lũ năm 2020, khắp các nẻo đường đều là đoàn xe cứu trợ miền Trung của các mạnh thường quân, nhóm thiện nguyện từ khắp cả nước. Các doanh nghiệp lớn, nhỏ trên cả nước cùng chung tay đóng góp hàng ngàn tỷ đồng để Nhà nước lo cho dân, ấy thế mà nghệ sĩ Hồng Tú lại cho rằng không có nghệ sĩ thì không ai cứu trợ cho miền Trung.

Văn hóa ứng xử của nghệ sỹ

 Thứ hai, nghệ sĩ chỉ là người đứng ra kêu gọi ủng hộ từ các mạnh thường quân, sau đó dùng số tiền đó để tặng, mua lương thực, thực phẩm cho bà con nhân dân gặp khó khăn. Nhìn lại đợt lũ năm ngoái, số lượng nghệ sĩ đứng ra kêu gọi ủng hộ và trực tiếp đến cứu trợ chỉ tính trên đầu ngón tay. Thực tế, những nơi ngập lụt, nguy hiểm thì ai đến cứu trợ? Ai không ngại hy sinh, gian khổ để cứu người trong vùng nguy hiểm? Vụ việc thương tâm nhất là vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 đã khiến 13 cán bộ hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Nhìn vào đó mới thấy, các cấp chính quyền, lực lượng y tế, vũ trang,… đã hy sinh thầm lặng quên mình, chống lũ, thiên tai mới giúp cuộc sống của nhân dân được đảm bảo an toàn.  

         Vậy có thể thấy, với nhận thức lệch lạc của nghệ sĩ Hồng Tú, đã dẫn đến việc các bạn trẻ tiếp cận nội dung sai mục đích và trở thành cơ hội để bọn xấu lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Đáng chú ý, tổ chức khủng bố Việt Tân đã lợi dụng ý kiến lệch lạc của nghệ sĩ Hồng Tú để đăng tải bài viết “Khủng hoảng từ thiện” hay “Qũy vắc xin Covid! Mới giải ngân chưa đầy 5% không có “sao kê”” liên quan đến vấn đề sao kê, trong đó chủ yếu lồng ghép những nội dung xuyên tạc công tác phòng, chống dịch Covid-19, lũ lụt, thiên tai của Đảng, Nhà nước. Các bạn trẻ hãy cảnh giác, tỉnh táo trước những nguồn thông tin độc hại.    

          Câu chuyện trên làm tôi nhớ đến câu nói của tác giả, nhà thơ nổi tiếng người Anh, Eliza Cook “Việc từ thiện muốn được tuyên dương không còn là từ thiện nữa”.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét