Thứ Tư, 23 tháng 2, 2022

TRỐN TRÁNH NGHĨA VỤ QUÂN SỰ LÀ VI PHẠM PHÁP LUẬT

             Ngày hội tòng quân năm 2022 vừa diễn ra cách dây ít ngày. Những thanh niên đã tạm gác lại tình cảm riêng tư, công việc thường ngày để nô nức lên đường nhập ngũ, mang theo hoài bão, cống hiến sức trẻ để bảo vệ Tổ quốc.

Bác Hồ đã từng nói: “Quân đội là “trường học lớn” để lớp lớp thế hệ thanh niên phấn đấu rèn luyện, trưởng thành. Được phục vụ trong môi trường quân đội, cống hiến sức trẻ bảo vệ Tổ quốc là niềm vinh dự, tự hào của mỗi công dân”.

Tuy nhiên, những năm qua vẫn còn một số thành phần cá biệt nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về nghĩa vụ quân sự, cường điệu hóa những khó khăn, sợ khó, ngại khổ, thậm chí còn xuyên tạc, bôi nhọ về môi trường Quân đội. Từ đó, làm lung lay ý thức thực hiện nghĩa vụ quân sự của thanh niên, khiến cho nhiều thanh niên nảy sinh ý định trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, gây không ít khó khăn cho gia đình cũng như chính quyền địa phương trong việc tổ chức lễ giao nhận quân. Thực tế, đã có một số trường hợp bị xử phạt hành chính, hình sự khi trốn tránh nghĩa vụ quân sự, điều này đã được quy định rất rõ trong luật pháp Việt Nam, cụ thể:

1. Điều 4, 5, 6 và 7 Nghị định 120/2013/NĐ-CP, người không thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ bị phạt hành chính, cụ thể:

- Phạt từ 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng: Không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong giấy gọi mà không có lý do chính đáng.

- Phạt từ 1,5 triệu đồng - 2,5 triệu đồng nếu: Không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng.

- Ngoài bị phạt tiền, người có một trong các hành vi nêu trên còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chấp hành lệnh gọi nhập ngũ.

- Phạt từ 02 triệu đồng - 04 triệu đồng:

+ Gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự

+ Đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác cho cán bộ, nhân viên y tế để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe.

2. Ngoài việc phạt hành chính, người trốn nghĩa vụ quân sự có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, cụ thể:

Theo Điều 332 Bộ luật Hình sự 2015, người nào không chấp hành đăng ký nghĩa vụ quân sự, lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội Trốn tránh nghĩa vụ quân sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị:

- Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc

- Phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

- Nếu có thêm các tình tiết tăng nặng như: Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình; Phạm tội trong thời chiến hay lôi kéo người khác phạm tội thì mức phạt tù từ 01 - 05 năm.

Thực hiện nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm thiêng liêng và quyền cao quý của thanh niên Việt Nam nhằm đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Do đó, mỗi người cần ý thức rõ ràng trách nhiệm này, không nên có sự so đo, tính toán dẫn tới trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, bởi đó là vi phạm pháp luật./.

Nguyễn Hậu

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét