Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2023

Cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc hoạt động xây dựng pháp luật ở nước ta hiện nay

 

Hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo nàn, có cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội lạc hậu, trình độ rất thấp, ngày nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành một quốc gia thuộc nhóm nước đang phát triển; văn hóa - xã hội có bước phát triển mạnh mẽ; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện đáng kể; sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Tất nhiên, để đạt được những thành tựu đó thì pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng. Pháp luật bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo ra những tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững của xã hội. Pháp luật tạo ra cơ chế thúc đẩy sản xuất phát triển mạnh mẽ, qua đó thúc đẩy sự phát triển toàn diện các lĩnh vực khác của đời sống xã hội như y tế, giáo dục, văn hoá, xã hội... Pháp luật góp phần ngăn ngừa những hiện tượng dẫn đến khủng hoảng kinh tế - xã hội, đồng thời, nó cũng góp phần quan trọng trong việc khắc phục khủng hoảng, bảo đảm sự phát triển liên tục, kéo dài của nền kinh tế. Trong bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội trong nước và trên thế giới luôn có những thay đổi cùng xu thế hội nhập, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ đòi hỏi quá trình nghiên cứu, xây dựng pháp luật sẽ phải có điều chỉnh bảo đảm quyền, lợi ích công dân, phù hợp luật pháp quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc ký kết.

Tuy nhiên, để phục vụ mưu đồ chống phá Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động gia tăng các hoạt động lợi dụng các vấn đề nghiên cứu, thảo luận, lấy ý kiến trong quá trình xây dựng pháp luật tại các kỳ họp Quốc hội để xuyên tạc, vu cáo, bóp méo sự thật, vu cáo ta vi phạm dân chủ, nhân quyền, hạ uy tín Đảng, Nhà nước và các lực lượng xây dựng, bảo vệ pháp luật… Một trong những hoạt động mà chúng ta dễ nhận diện và thường thấy hiện nay đó là lợi dụng việc các cơ quan của Quốc hội và các đơn vị chức năng đang tích cực lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia và quần chúng nhân dân xây dựng các dự án Luật thì trên các tài khoản facebook hay blog cá nhân của các đối tượng chống đối, các trang web phản động đưa ra đủ mọi luận điệu để xuyên tạc, vu cáo Việt Nam hạn chế các quyền tự do dân chủ, ban hành các Luật để trói buộc, gò ép người dân, thậm chí chúng còn lôi kéo, kích động người dân phản đối các dự luật.

Với những vấn đề mới được đưa ra tại các dự án Luật thì việc có những ý kiến khác nhau, tán thành hay chưa tán thành nội dung, một số vấn đề nào đó là điều bình thường của mỗi người dân. Tuy nhiên, việc góp ý với động cơ xây dựng và việc lợi dụng góp ý để chống phá là hai vấn đề khác nhau. Các thế lực thù địch, phản động vì động cơ sai lệch đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, chống phá. Nhất là trong thời gian gần đây, lợi dụng việc các cơ quan của Quốc hội và các đơn vị chức năng đang tích cực lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia và quần chúng nhân dân xây dựng các dự án Luật, trong đó có 05 dự án Luật do Bộ Công an chủ trì xây dựng để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội khóa XV đó là: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở; Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Đây là những dự án luật quan trọng do Bộ Công an chủ trì xây dựng và đã được Chính phủ thông qua. Trong đó:

- Luật Công an nhân dân (sửa đổi) đã kịp thời thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Các nội dung lớn của dự án luật là sửa đổi, bổ sung quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân Công an; quy định về thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác; quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân.

- Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đã kịp thời cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính; phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, khắc phục những tồn tại, bất cập nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về dân cư, thúc đẩy chuyển đổi số hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

- Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ, với mục tiêu xâydựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, đề cao bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người khi tham gia giao thông; ban hành Luật Đường bộ với mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, thích ứng với sự thay đổi, phát triển nhanh của kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, hướng tới phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải hiện đại, đồng bộ, chất lượng.

- Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là cơ sở pháp lý để thực hiện: Việc nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử; thực hiện trình báo mất hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử; đề nghị khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử; thực hiện phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh; bãi bỏ quy định nộp bản chụp CMND/CCCD đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về thân nhân so với thôg tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất và bãi bỏ quy định nộp Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung diện đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao; quy định về việc xử lý đối với trường hợp đã được cấp hộ chiếu mà không đến nhận; quy định mở rộng diện đối tượng cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; quy định Bộ Công an chủ trì thực hiện đàm phán, ký kết điều ước quốc tế về nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú để phù hợp với phạm vi chức năng của Bộ Công an và bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Qua đây, cho thấy Bộ Công an chủ trì xây dựng các dự án luật phù hợp định hướng, chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, xu hướng lập pháp quốc tế, vì mục tiêu chung cho sự phát triển của đất nước, sự tiến bộ của xã hội và một nền văn hóa, văn minh, an toàn; thể hiện trách nhiệm của Bộ Công an trước Đảng, Chính phủ, Quốc hội về công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Trước những luận điệu xuyên tạc, bóp méo bản chất ưu việt của những vấn đề được đặt ra nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành trong quá trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay, mỗi công dân cần nhận thức đầy đủ bản chất vấn đề, qua đó nhận diện, không để bị tác động, gây hoang mang tư tưởng vì những luận điệu sai trái, thù địch. Đối với các nguồn thông tin tiếp cận được, chúng ta phải có một cách nhìn khách quan, không phiến diện để thấy rõ phương thức, thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch và đối tượng chống đối, nhằm xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Không nên theo trào lưu số đông để ủng hộ những thông tin thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng được lan truyền trên mạng xã hội liên quan đến các dự án Luật. Ngoài ra, mỗi người dân cần ý thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân trong tiếp cận các nguồn thông tin và thể hiện quan điểm cá nhân trên không gian mạng để không trở thành công cụ lợi dụng cho các mưu đồ chính trị chống phá của các thế lực thù địch.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét