Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2023

VIỆC THAY CHỨNG MINH NHÂN DÂN BẰNG CĂN CƯỚC CÔNG DÂN LÀ PHÙ HỢP VỚI XU THẾ PHÁT TRIỂN

 VIỆC THAY CHỨNG MINH NHÂN DÂN BẰNG CĂN CƯỚC  CÔNG DÂN LÀ PHÙ HỢP VỚI XU THẾ PHÁT TRIỂN  

                                                       

Việc thay Chứng minh nhân dân bằng Thẻ căn cước công dân gắn liền với thực hiện 2 dự án: Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Đây là chủ trương, nỗ lực rất lớn của Nhà nước ta và ngành Công an nhằm góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và tạo nền tảng hình thành công dân số trên không gian mạng, phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa, hiện đại hóa, nhất là trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, quản lý dân cư và đảm bảo cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, một số đối tượng phản động đã xuyên tạc rêu rao rằng: Việc chuyển từ Chứng minh thư nhân dân thành Thẻ căn cước công dân tại Việt Nam trong thời gian qua là một bước thụt lùi và cho rằng “Thẻ căn cước vốn đã có từ thời Việt Nam Cộng hòa, sau 48 năm thì cuối cùng Nhà nước ta cũng đã đuổi kịp”. Đây rõ ràng là những lời lẽ nhảm nhí, sai sự thật lịch sử.

Tại Việt Nam, Thẻ căn cước được sử dụng từ thời Pháp thuộc (1945 trở về trước) trong phạm vi toàn Đông Dương. Đến năm 1946, theo Sắc lệnh số 175B/NC-PC ngày 06/9/1946 của Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Thẻ công dân được sử dụng thay cho Thẻ căn cước. Từ năm 1957, Thẻ công dân được thay bằng Giấy chứng minh. Tại miền Nam, dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, Thẻ căn cước được sử dụng phổ biến đến cuối tháng 4/1975. Từ sau khi đất nước thống nhất, năm 1976, Giấy chứng minh nhân dân được sử dụng chung trong cả nước.

Năm 2016, theo Luật Căn cước công dân, Bộ Công an lần đầu cấp Thẻ căn cước công dân thay cho Chứng minh thư. Thẻ căn cước công dân được sử dụng công nghệ in trên vật liệu nhựa cứng, có lớp tem chống làm giả và trên thẻ được in mã số định danh cá nhân (12 số), thay cho số Chứng minh thư cũ. Loại thẻ này được đánh giá phù hợp với xu thế của thế giới và có thể thay thế hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước.

Tháng 9/2020, theo đề xuất của Bộ Công an, Thủ tướng phê duyệt đề án sản xuất, cấp đổi Thẻ căn cước công dân từ thẻ từ sang thẻ gắn chip điện tử nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, giúp người dân khi đi làm thủ tục bớt phải mang cùng lúc nhiều giấy tờ. Thẻ Căn cước gắn chip được đánh giá đáp ứng tốt hơn về bảo mật, lưu giữ được nhiều thông tin hơn, ngoài những dữ liệu cơ bản do ngành công an quản lý (khoảng 20 trường thông tin: họ tên, quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng...), có thể bổ sung, tích hợp các thông tin dữ liệu của ngành thuế, hải quan, bảo hiểm, giấy phép lái xe...

Có thể thấy, Thẻ căn cước không phải là sản phẩm riêng từ thời Việt Nam Cộng hòa mà được thực hiện từ thời Pháp thuộc, qua các thời kỳ lịch sử, tên gọi Thẻ căn cước nghe có vẻ giống nhau, song lại có những điểm khác nhau: Thẻ căn cước trước kia hoàn toàn thực hiện bằng thủ công, dễ hư hỏng, độ bảo mật thấp, dễ làm giả, trùng dẫm thông tin, khó khăn trong tra cứu, theo dõi, nó cũng chỉ thể hiện một số ít thông tin về nhân thân, gây nhiều bất tiện cho người dân và cơ quan quản lý; còn với Thẻ căn cước công dân có gắn chip hiện nay, tất cả những hạn chế này đều được khắc phục triệt để. Trên thực tế, với việc ứng dụng những thành tựu công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, Thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử của Việt Nam ra đời không những giúp thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi phương thức quản lý con người từ thủ công sang hiện đại, mà còn đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ các yếu tố an ninh an toàn và có khả năng bảo mật thông tin ở mức độ rất cao, phòng ngừa các loại giấy tờ giả, giảm chi phí công chứng giấy tờ truyền thống, tạo thuận lợi cho công dân khi thực hiện các dịch vụ trực tuyến của Chính phủ điện tử.

Như vậy, việc chuyển đổi từ Chứng minh thư nhân dân sang Thẻ căn cước công dân gắn chip như hiện nay thực sự là một bước tiến lớn, là sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị,phù hợp với xu thế chung của thế giới và trình độ phát triển của khoa học công nghệ, hướng tới xây dựng Chính phủ số, xã hội số và cuối cùng cũng không ngoài mục đích là tạo mọi thuận lợi nhất cho người dân.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét