Thứ Tư, 5 tháng 7, 2023

TRÁCH NHIỆM CỦA GIA ĐÌNH TRONG BẢO VỆ TRẺ EM TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

 

Ngày nay, có thể thấy Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng ngày càng đem lại nhiều tiện ích hữu dụng trong công việc, đời sống của con người nói chung, trong đó có trẻ em. Không gian mạng giúp trẻ em được tiếp cận nhiều thông tin phục vụ học tập, giải trí và kết nối với những người xung quanh một cách dễ dàng. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, không gian mạng cũng tồn tại nhiều rủi ro và tiềm ẩn nhiều nguy cơ như: trẻ em có thể tiếp cận những nội dung, thông tin, hình ảnh xấu, độc, không phù hợp với lứa tuổi, thậm chí có thể tìm thấy những hình ảnh, video bạo lực, khiêu dâm trên mạng. Ngoài ra, việc chia sẻ thông tin, hình ảnh của cá nhân còn có nguy cơ bị kẻ xấu sử dụng vào mục đích lừa đảo, tung tin sai sự thật, đe dọa trẻ em; một số trường hợp trẻ em bị tấn công, chế giễu, miệt thị, công kích trên mạng; thậm chí một số đối tượng xấu thông qua việc nắm bắt các thông tin các em đăng tải trên mạng, biết được lịch trình hoạt động của các em để tìm cách tiếp cận, làm quen, gạ gẫm, thực hiện các hành vi như gửi tin nhắn đồi trụy hoặc dùng hình ảnh riêng tư để khống chế các em thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại tình dục trẻ em…Đây là những mối lo lớn không chỉ đối với các bậc cha mẹ mà còn đối với xã hội ngày nay.

Do đó, việc quan trọng nhất để giúp trẻ em không gặp các rắc rối, nguy hiểm trên không gian mạng, ảnh hưởng đến đời sống thì các bậc ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo cần dành nhiều thời gian quan tâm, hướng dẫn con em mình các nguyên tắc, thói quen khi sử dụng môi trường mạng, cụ thể:

- Cần trao đổi, trò chuyện giúp trẻ nắm được một số nguyên tắc khi sử dụng Internet như: thời gian thích hợp để sử dụng mạng; sử dụng mạng vào những mục đích lành mạnh để học tập, vui chơi, giải trí; giúp trẻ biết được cách giao tiếp, kết bạn trên không gian mạng (kiểm tra xem đó có phải là người trẻ đã gặp chưa? Hình ảnh trên mạng có phải hình ảnh thực không?Kiểm tra danh sách bạn chung; xem các hoạt động thường ngày của người kết bạn…);cách chọn lọc thông tin tốt; tránh xa thông tin xấu, độc; hướng dẫn trẻ cần chia sẻ ngay với ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo khi gặp những rắc rối trên mạng. Đặc biệt cần tạo tâm lý cởi mở, nhẹ nhàng để giúp con trẻ tự tin chia sẻ những tâm tư, tình cảm, những vướng mắc để kịp thời giải thích, tháo gỡ khó khăn.

- Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cách xử lý khi gặp tình huống có nguy cơ trò chuyện với bạn xấu trên mạng: trẻ có thể chuyển chủ đề nói chuyện; từ chối nói chuyện; thoát khỏi trang mạng; chặn trang và nói ngay với ông bà, cha mẹ, người thân khi thấy rắc rối để tìm cách giải quyết.

- Bản thân phụ huynh cần tự trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để định hướng con em mình sử dụng internet và mạng xã hội phù hợp; cần quy định giờ giấc phù hợp cho con sử dụng các thiết bị thông minh có kết nối internet. Cha mẹ cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động trên không gian mạng của con em mình.

Gia đình chính là điểm tựa vững chắc nhất để bảo vệ trẻ em khỏi những tác động tiêu cực không mong muốn từ môi trường mạng. Mỗi gia đình, bậc cha mẹ cần giúp trẻ hình thành thói quen, biết cách phòng vệ để hạn chế mức thấp nhất những rủi ro khi sử dụng không gian mạng. Hãy hành động ngay trước khi quá muộn!

          

Duy Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét