Trong những
năm gần đây, thị trường bất động sản một số địa phương ven biển ở khu vực miền
Trung, trong đó có thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên hoạt động khá sôi động với sự
biến động tăng đột biến giá đất trên thị trường mà người dân địa phương gọi là
thời kỳ “sốt giá đất” chưa từng có. Nhiều người dân vì hám lợi, hoặc có trường
hợp tin nghe theo lời xúi giục, kích động của đối tượng xấu với nhiều mục đích,
ý đồ khác nhau về kinh tế, chính trị nên một số người đã bất chấp pháp luật, đạo
đức đánh đổ tình cảm gia đình thân thuộc và tình làng nghĩa xóm để giành giật,
tranh chấp bằng được những thửa đất có giá. Từ đó làm phát sinh những mâu thuẫn
trong gia đình, xóm làng ngày càng gay gắt, có trường hợp dẫn đến cải vã, xô
xát đánh nhau gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng, nhiều trường hợp bất chấp
“kỷ cương phép nước”, “luân thường đạo lý” cố tình khiếu kiện phức tạp, nói xấu,
xuyên tạc hoạt động của cơ quan công quyền thực thi pháp luật.
Được biết ở thị xã Sông Cầu, tại một xã ven biển có trường
hợp vợ chồng ông Huỳnh H mua lại một mảnh đất của vợ chồng ông Trần D vào năm
1999, sau đó vợ chồng ông H cho vợ chồng Đỗ B để ở và trông coi đất giúp cho vợ
chồng ông H (vì vợ của Đỗ B là em ruột ông H). Quá
trình sinh sống trên mảnh đất này, vợ
chồng B đã tự ý sửa
chữa ngôi nhà cấp 4 có sẵn trên đất để làm phòng ở, bếp, trồng thêm một số cây
xanh. Đến năm 2017, khi giá đất bắt đầu “sốt cao” thì giữa
vợ
chồng ông B phát sinh tranh chấp về quyền sử dụng mảnh đất và nhà ở nói trên với vợ chồng ông H.
Cùng thời điểm này, vợ chồng B có sở hữu 01 thửa đất được cơ quan có thẩm quyền
cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định, nhưng vợ chồng B không sử
dụng để ở mà sang nhượng (bán) cho người khác và tiếp tục ở trên mảnh đất của vợ
chồng ông H.
Trước sự việc đó, vợ chồng ông H đã khởi kiện và được Tòa
án có thẩm quyền xét xử, ban hành bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp
luật tuyên vợ chồng B phải trả nhà, giao nhà, giao quyền sử dụng đất
cho vợ chồng ông H. Tuy
nhiên, với mục đích giành lấy mảnh đất trên, vợ chồng B không đồng ý với bản án phúc thẩm, có đơn khiếu nại, đề nghị giám đốc
thẩm nhưng Tòa án có
thẩm quyền bác đơn của vợ chồng B. Mặc dù, cơ quan chức năng và chính quyền địa
phương đã nhiều lần giải thích, vận động, thuyết phục và tạo điều kiện để vợ chồng
B chấp hành bản án bằng cách bố trí nơi ở tạm cho gia đình B trong thời gian
tìm nơi ở mới nhưng vợ chồng B vẫn ngoan cố không chấp hành. Trước thái độ và
hành động bất chấp pháp luật của vợ chồng B, cơ quan thực thi pháp luật phải tiến hành cưỡng chế đối với vợ chồng B trả nhà, giao nhà, giao
quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông H. Tuy nhiên, sau khi Hội đồng cưỡng chế
hoàn thành nhiệm vụ thì vợ chồng B quay trở lại thửa đất đã được cưỡng chế tiếp tục đưa các vật dụng vào mảnh đất và tự xây dựng
một nhà tự chế và tiếp tục ở. Chính quyền xã đã lập tổ công tác tiến hành 03 lần đến lập biên bản vi phạm, đồng thời tiếp tục vận động vợ chồng B chấp hành nhưng vợ chồng B vẫn ngoan cố không chấp hành và còn đưa ra yêu sách yêu cầu vợ chồng ông
H phải cho mình một mảnh đất trong mảnh
đất của vợ chồng ông H hoặc phải trả tiền công trông coi, tu bổ mảnh đất
thì mới đồng ý thi hành bản án trên; nhiều lần vợ chồng ông H đến thì bị vợ chồng
B xua đuổi, hăm dọa không cho vào mảnh đất thuộc sở hữu hợp pháp của vợ chồng
ông H.
Sự việc xảy ra kéo dài hơn 05 năm đã gây ảnh hưởng đến
quyền lợi của vợ chồng ông H, làm ảnh hưởng đến việc hoạt động bình thường của
các cơ quan hoạt động tư pháp trong việc quản lý Nhà nước và thi hành pháp luật,
gây dư luận xấu trong nhân dân.
Vợ
chồng B dù với bất cứ động cơ, mục đích gì thì trong trường hợp này vợ chồng B có điều kiện mà không chấp hành bản án đã có
hiệu lực mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế và chính quyền địa phương đã
nhiều lần tuyên truyền, giải thích, vận động chấp hành. Hành vi này đã xâm phạm đến sự hoạt
động đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án của cơ quan thực thi pháp luật,
xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng ông H đối với mảnh đất nói
trên nên các cơ quan tiến hành tố tụng đã tiến hành vào cuộc xác minh, điều tra
vụ việc. Lúc đầu, vợ chồng B vẫn không hợp tác, cho đến khi cơ quan tiến hành tố
tụng tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra Lệnh Cấm đi khỏi nơi cư trú
đối với vợ chồng B về tội “Không chấp hành án”, theo quy định tại khoản 1 Điều 380 Bộ
luật hình sự thì vợ chồng B mới hối hận về hành vi của mình và tự nguyện trả lại
mảnh đất cho vợ chồng ông H. Tuy nhiên, sự hối hận đã muộn.
* Thiết nghĩ, qua sự việc trên nếu không vì mục đích hám
lợi, xem thường pháp luật, “kỷ cương, phép nước” thì không đến nỗi vợ chồng B
phải chuẩn bị ra trước vành móng ngựa và đối diện với bản án công minh, nghiêm
khắc mà Tòa án sẽ tuyên sắp tới. Liệu sự hối hận lúc này phải chăng đã quá muộn
màng.
Mỗi người dân cần tự nâng cao nhận thức pháp luật,
có ý thức chấp hành pháp luật và tôn trọng quyền lợi hợp pháp của người khác được
pháp luật bảo vệ, như Điều 46 Hiến pháp nước ta đã nêu rõ: “Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật;
tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những
quy tắc sinh hoạt công cộng”. Tuyệt đối không nghe theo lời xúi giục, dụ dỗ hay
kích động của những người ngoài cuộc, vì biết đâu đó là những đối tượng có ý đồ
cá nhân đen tối, lợi dụng sự hám lợi, thiếu hiểu biết và cả tin của một số người
dân để gây mất lòng tin của người dân với các cơ quan Nhà nước để rồi chính bản thân mình phải vướng vào vòng lao lý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét