Trần Vương
Nhân dân không phải là tên gọi của bất kỳ ai, mà là toàn
thể dân tộc Việt Nam với “sức mạnh” không gì sánh bằng. Bảo vệ nền
tảng tư tưởng của Đảng cần dựa vào Nhân dân như lời Bác từng dạy: “Không học
hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò của dân, mới làm được
thầy học dân”[1]. Trong hoạt động “diễn biến hoà bình”, các thế
lực thù địch luôn tìm cách “dựa” vào nguồn sức mạnh to lớn ấy để chống phá Đảng,
lật đổ chính quyền nhân dân. Vì vậy, Đảng ta phải dựa vào dân ta để trở thành
Đảng cầm quyền chân chính vì hạnh phúc của Nhân dân.
1. Vai trò của Nhân dân trong nhiệm vụ bảo vệ
nền tảng tư tưởng của Đảng
Nhân dân Việt Nam là tập hợp 54 dân tộc anh em, không
phân biệt giai cấp, độ tuổi, ngành nghề, tôn giáo, tín ngưỡng, vùng miền… cùng
chung tay dựng xây, bảo vệ và phát triển đất nước. Sức mạnh, lòng tin và bài
học từ Nhân dân chính là “chìa khoá” mấu chốt trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
VI. Lênin từng chỉ rõ: “Không có sự đồng tình ủng
hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiền phong của mình tức là đối
với giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được…”[2]. Chủ tịch Hồ Chí Minh
tiếp tục khẳng định:
“Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới
không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[3]. Luận
về Nhân dân với hệ thống chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “… chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền
lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ
không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”[4]. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta nêu
rõ: “… trong mọi
công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng
và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân
kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”[5]. Hiến pháp Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam năm 2013 bên cạnh từ “Đảng”,
“Nhà nước” thì “Nhân dân” được viết hoa, thể hiện rõ nguyên tắc thống nhất
“Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Qua đó cho thấy tính nhất
quán về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước luôn thể hiện
sự tôn trọng và khẳng định vai trò, tầm quan trọng của Nhân dân – chủ nhân thật
sự của đất nước.
Với sự phát
triển của truyền thông đại chúng, cụm từ “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” dần trở nên quen
thuộc với mọi người. Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình
hình mới” khẳng định bảo vệ nền tảng tư tưởng
của Ðảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn
dân. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân còn thờ ơ, chưa quan tâm đến
nhiệm vụ mang ý nghĩa “sống còn” này, chưa nhận thức được mình là “chủ nhân”
của đất nước, giúp xây dựng, chỉnh đốn Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh để đủ
sức lãnh đạo Nhân dân thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa
tại Việt Nam.
Thời kỳ đất nước bị thực dân Pháp, đế
quốc Mỹ xâm lược, tại sao bọn chúng áp đảo sức mạnh kinh tế, quân sự, giở bao
nhiêu thủ đoạn mị dân, ngu dân… nhưng vẫn không dành thắng lợi chiến tranh tại
Việt Nam? Vì chúng không hợp lòng dân. Từ nông thôn đến thành thị, trên
miền núi xuống đồng bằng ra tận hải đảo, hàng ngàn cuộc khởi nghĩa mang tên
Trương Định, Cần Vương, Yên Thế… với lòng yêu nước ngàn đời vốn vậy, không hề
lay chuyển. Các phong trào yêu nước ấy dù thất bại nhưng trở thành “người thầy”
để “dạy” bài học về sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công
nhân và phong trào yêu nước tạo thành Đảng Cộng sản Việt Nam – đội tiên phong,
dẫn dắt cách mạng, Nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi, từ chiến dịch Điện Biên
Phủ chấn động địa cầu đến làm nên lịch sử chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng dân
tộc, thống nhất đất nước.
Thế kỷ XVIII, XIX, trong khi giai cấp
công nhân tại các nước phương Tây đã phát triển lớn mạnh với quy mô rộng khắp thì
tại Việt Nam, giai cấp công nhân chưa thật sự rõ nét, lực lượng mỏng, chưa hiểu
rõ sứ mệnh của mình, chưa có sự đoàn kết, quy tụ. Nếu chỉ dựa vào mỗi giai cấp
công nhân thì không đủ “hoả lực” cho sự nghiệp cách mạng. Cùng với lý luận khoa
học của chủ nghĩa Mác – Lênin gắn với phong trào công nhân, phong trào yêu nước
của Nhân dân là nét đặc trưng riêng hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó
Đảng có tên gọi “Đảng ta”, “Đảng của dân tộc”, “Đảng của toàn dân”. Nhân dân có
được ăn sung, mặc sướng, làm quan cách mạng khi theo Đảng không? – Không. Nhân
dân có được trả tiền khi theo Đảng không? – Không. Nhân dân có được tiếp cận
tin, bài tuyên truyền về Đảng như ngày nay không? – Rất ít và bị hạn chế. Nhưng
họ vẫn đặt niềm tin vào Đảng vì “ý Đảng” giải phóng dân tộc, thống nhất đất
nước chính là “lòng dân”. Từng miếng cơm, mảnh áo đến những tờ giấy đưa tin
“Mật”; từng chuyến đò của Mẹ Suốt đến những đoàn tàu không số… tất cả đều do
Nhân dân đùm bọc, góp người, góp sức, góp của mà nên.
Những vấn đề lý luận và thực tiễn đã
trải qua cho thấy: Nếu trước đây, sự nghiệp cách mạng đấu tranh giành độc lập
cho dân tộc là sứ mệnh của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, thì ngày nay, sự
nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ của Nhân dân do Đảng cầm quyền. Vì
thế, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là bảo vệ Nhân dân, đây là nhiệm
vụ thời đại mà mọi tầng lớp Nhân dân có trách nhiệm gánh vác.
2. Bài học thực tiễn từ Nhân
dân đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới
Phát huy vai trò của Nhân
dân không phải là câu chuyện mới, đã được viết nhiều, nói nhiều, đề cập nhiều,
nhưng câu chuyện này chưa bao giờ “lỗi thời”. Dù ở thời bình hay thời chiến,
việc lấy dân làm gốc, dựa vào Nhân dân đã, đang và sẽ được “nhắc” đến như một
“nhiệm vụ sống còn”, nhất là công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản
bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Dân là “thầy” ra đề: làm sao để dân sống
trong một đất nước độc lập, kinh tế xã hội phát triển, có vị thế, tiếng nói
trên bản đồ thế giới. Đảng là “trò” giải đề bằng cách đưa ra đường lối cách
mạng, chỉ đạo Nhà nước quản lý bằng chính sách, pháp luật và cán bộ, đảng viên
là người tiên phong triển khai thực hiện. Tuy nhiên, số lượng đảng viên hiện
nay so với đại chúng chiếm tỷ lệ ít: “5,4% (bình quân 100 dân có khoảng 06 đảng
viên)”[6]. Mỗi cán bộ cũng chỉ có
chuyên môn trên một số lĩnh vực nhất định, mỗi đảng viên cũng chỉ hai tay, hai
chân, hai mắt và hai mươi tư giờ đồng hồ một ngày. Vì vậy, “Khi nhân dân
giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ
ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”[7].
“Người dân xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đã tự nguyện
hiến hơn 15 nghìn m2 đất, trị giá
45 tỉ đồng để mở rộng tuyến đường trục chính của xã”[8]. “Hơn
8.000 hộ dân huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá tham gia hiến đất với diện
tích hơn 22 ha đất để làm 241 km đường giao thông và hàng nghìn ngày công lao
động tự nguyện”[9]… Đây
là minh chứng, bài học thực tiễn cho việc “ý Đảng”: “Đẩy mạnh cơ
cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn
mới, hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn
hiện đại, nông dân văn minh”[10], từng địa phương cụ thể hoá đường lối, như
Đảng bộ huyện Triệu Sơn ban hành Nghị quyết số 12-NQ/HU năm 2022 về tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy đối với việc vận
động nhân dân hiến đất mở đường giao thông nông thôn trên địa bàn là phù hợp “lòng dân”. Nhân dân tự nguyện góp công, hiến
đất để mở đường, xây dựng công trình, “khó khăn mấy và to lớn mấy, nhân dân cũng làm được”.
Thực trạng chỉ số hài lòng người dân, tổ chức đối
với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước những năm qua còn thấp. Nhận thấy vấn đề tồn tại, Văn
kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục đề ra nhiệm vụ: “Tập trung xây dựng nền hành
chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại,
trong sạch, vững mạnh, bảo đảm công khai, minh bạch, quản lý thống nhất, thông
suốt, hiệu lực, hiệu quả”. Nghị quyết số 76/NQ-CP, ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban
hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, đề ra mục tiêu: Đến năm 2025, mức độ hài lòng của
người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt tối
thiểu 90%; mức độ hài lòng của người dân về cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục
công lập đạt tối thiểu 85%. Đến năm 2030, mức độ hài lòng này đạt tối thiểu lần
lượt là 95% và 90%. Ngày 19/4/2023, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính
phủ công bố: “Mức độ hài lòng của người dân được khảo sát đối với sự phục
vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước năm 2022 là 80,08%; trong đó, mức độ hài lòng đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện
chính sách là 79,72%, mức độ hài lòng đối với
việc cung ứng dịch vụ hành chính công là 80,43%”[11]. Qua đó cho thấy sự lãnh
đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và cách triển khai thực hiện của cán bộ, đảng
viên đều được Nhân dân “chấm điểm”, trở thành bài học để cán bộ, đảng viên thay
đổi nhận thức, tư duy rằng mình không phải là “quan cách mạng” mà là “người đầy
tớ trung thành” của Nhân dân.
Bác Hồ từng tranh thủ sự ủng hộ của quốc
tế đối với cách mạng Việt Nam, nổi bật là tạo mối quan hệ hữu nghị với nhân dân
Mỹ: “Chúng tôi
muốn có những quan hệ hữu nghị và anh em với nhân dân Mỹ mà chúng tôi rất kính
trọng”[12]. Ngày nay, công
tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lại càng phải lan toả để nhận được sự tôn
trọng, ủng hộ từ bạn bè quốc tế, nhất là trong thời kỳ thế giới ngày càng
“phẳng”. Các cuộc thi viết chính luận về đề tài bảo vệ nền tảng tư tưởng của
Đảng, chủ nghĩa Mác – Lênin không chỉ được đông đảo người Việt Nam hưởng ứng,
mà nhiều người cộng sản trên thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Lào…) tham gia chinh
chiến trên mặt trận không tiến súng này. Phát huy vai trò của Nhân dân tiến bộ
thế giới, có được tiến nói ủng hộ của họ trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng, được như vậy, Đảng ta thật sự có vị thế, tiếng nói quan trọng với phong
trào công nhân và phong trào yêu nước quốc tế.
Đảng ta không “tô hồng” mối quan hệ giữa
Nhân dân với Đảng mà thẳng thắng thừa nhận thực trạng một bộ phận quần chúng chưa
nhận thức đầy đủ, đúng đắn về Đảng; các thế lực thù địch, phản động luôn tìm
cách khoét sâu vào những xung đột xã hội để chống phá Đảng. Như bọn phản động
FULRO lập ra “Nhà nước Đêga” lợi dụng sự khác nhau giữa tín ngưỡng truyền thống
với tôn giáo của các dân tộc tại Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ để kích
động, tạo ra sự bất đồng, mâu thuẫn trong suy nghĩ, nhận thức “kỳ thị dân tộc”,
“bài Kinh”… từ đó gây mất an ninh trật tự, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc nhằm
lật đổ chính quyền nhân dân.
Thực tế việc đặt câu hỏi: “Cô/ chú hiểu
như thế nào là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng?”, “Anh/ chị có hiểu được câu
nói “Còn Đảng là còn mình” không?” sẽ nhận được những cái lắc đầu từ một bộ phận
quần chúng. Một số người dân lại chăm chăm đến việc phát triển kinh tế, thờ ơ
đường lối cách mạng, bất chấp quy định pháp luật, quy tắc đạo đức, văn hoá mà
sống. Số khác thiếu thông tin, hiểu biết nhưng lại quan tâm đến chính trị,
thích nghe “chuyện lạ”, “tin nóng” về cán bộ, đảng viên đã được “bôi tro, trát
trấu” từ “Đài Á Châu tự do”, “Việt Nam Cộng hòa”, “Việt Tân”… Nhiều người dân có xu hướng quan tâm và theo dõi bọn phản động lấy một số
“con sâu cán bộ” đã nhúng chàm tham nhũng để đánh đồng hệ thống chính trị của
nước ta, gọi công tác phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu đá nội bộ… lâu dần,
nếu không được cập nhật thông tin chính thống, không nắm rõ bản chất của Đảng
ta, Nhà nước ta sẽ chuyển biến tư tưởng, trở thành “tay sai” cho thế lực thù
địch. Vụ án Đồng Tâm (2020) là một điển hình, ông Lê Đình Kình và một số đối
tượng thành lập “Tổ đồng thuận” âm mưu chiếm đất đồng Sênh để chia nhau, đã hành
động chống phá chính quyền cùng câu nói: “Tao cho nổ, chúng mày chết”, dẫn đến
sự hi sinh của 03 cán bộ chiến sĩ Công an, gây bức xúc, phẫn nộ dư luận xã hội
trong và ngoài nước.
Một thực trạng đáng buồn, nếu 100 năm
trước, hình ảnh nam thanh niên nằm phì phèo bên điếu thuốc phiện như một “căn
bệnh” nan giải của xã hội, thì 100 năm sau, hình ảnh người thanh niên nằm dán
mắt vào điện thoại như một “căn bệnh” khó chữa của thời đại. Tham gia trào lưu,
văn hoá xấu, độc, không phân biệt tin tức đúng, sai, chia sẻ các bài viết phản
cách mạng, để lại các bình luận tiêu cực trên nền tảng mạng xã hội… tất cả như
một hồi chuông cảnh báo một bộ phận người trẻ thiếu lý tưởng, thiếu “sức đề
kháng” trước những luận điệu sai trái của thế lực thù địch.
Nhiều người dân, kể cả cán bộ, đảng viên
có thể lướt mạng xã hội, xem bán hàng trực tuyến, trò chơi truyền hình hay xem
những tin tức về giới văn nghệ sĩ nhiều giờ liền, nhưng chẳng mấy khi đọc báo
chí về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về công tác bảo vệ nền tảng
tư tưởng của Đảng. Kể cả có đưa tận tay, thì họ cũng chỉ xem lướt qua và chẳng
đọng gì nhiều trong đầu họ.
Thực trạng được lột tả trên đã cho thấy: Tư tưởng
là yếu tố đặc biệt quan trọng dẫn đến hành động đúng hoặc sai. Nếu người dân ở
Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ đều nhận thức về đường lối của Đảng thì đã
không có người theo FULRO. Nếu ai cũng hiểu được chính sách, pháp luật về đất
đai thì một mình ông Lê Đình Kình không thể gây ra hậu quả thương tâm đến vậy.
Khi thế hệ trẻ được giáo dục, định hướng đúng cách thì trào lưu mạng xấu, độc
không có đất tồn tại. Khi quyền lợi của dân bị “đụng” đến, họ bắt đầu tìm hiểu những
bài viết phân tích vấn đề liên quan, lúc đó họ nhận ra giá trị của thông tin
chính thống, giá trị của các bài báo, tạp chí chính luận.
Và nếu ai cũng hiểu được bảo vệ nền
tảng tư tưởng của Đảng không phải là việc “vĩ mô”, mà đó là việc gắn với cơm
ăn, nước uống, áo mặc hàng ngày. “Tính Đảng” không phải là thứ gì đó xa vời, mà
nó nằm trong chính cuộc sống thường nhật của mỗi người thì chắc chắn mọi người
đều có được câu trả lời cho riêng mình với câu hỏi: “Cô/
chú hiểu như thế nào là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng?”, “Anh/ chị có hiểu
được câu nói “Còn Đảng là còn mình” không?”.
Những tồn tại nêu trên cho thấy một bộ
phận cán bộ, đảng viên còn máy móc, giáo điều trong công tác bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng, chưa đưa tư tưởng của Đảng gắn bó mật thiết với Nhân dân, chưa
làm Nhân dân hiểu được câu nói “Còn Đảng là còn mình”. Số khác chưa nhận thấy
sự “đối lập” của một bộ phận quần chúng cũng chính là bài học, kinh nghiệm thực
tiễn. Nhiều người trọng việc “xây” tường thành bảo vệ nền tảng tư tưởng với
giáo lý hàn lâm, hay lo “chống” lại tư tưởng lệch lạc với những “bút chiến” sắc
bén, mà chưa quan tâm đúng mức đến tính nhân văn của Đảng trong việc chuyển hoá
người có tư tưởng chống phá sang giác ngộ cách mạng. Chúng ta có thể thống kê
được số lượng bài báo, tạp chí, bản tin với nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng
của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhưng chúng ta
chưa quan tâm đúng mức, chưa có một báo cáo, chuyên đề công khai nào thể hiện được
số người từng có hệ tư tưởng đối lập nhưng nay đã chuyển hoá, thay đổi và “giác
ngộ” theo Đảng.
Từng là đối tượng với danh xưng “Đệ nhất
Phó Thủ tướng” của FULRO, ông Nahria Ya Duck – người Cơ Ho đã trở thành đồng chí nguyên Phó Chủ tịch MTTQVN tỉnh Lâm Đồng, nguyên Ủy viên Trung ương MTTQVN, nguyên Đại biểu Quốc
hội với nỗi niềm: “Cái mà tôi đeo đuổi và hành động như một
loài thú hoang suốt bao nhiêu năm là đem lại ấm no và sự bình đẳng cho các dân
tộc Tây Nguyên nhưng lại chọn cách làm cực kỳ sai lầm. Thực ra đó là điều mà
Đảng, Nhà nước ta đang làm nhưng theo một cách khác và cách đó mới mang lại kết
quả tốt đẹp thực sự. Giá mà tôi và nhiều người khác nhận ra được chân lý sớm
hơn thì tránh được sự đổ máu vô ích…”[13].
Minh chứng sống trên cho thấy để những
người có hệ tư tưởng đối lập, chống phá chuyển biến tư tưởng sang ủng hộ, đi
theo Đảng không chỉ dựa vào công tác tuyên truyền, dân vận, giáo dục, thuyết
phục mà cần cho họ thấy được: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm
lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[14].
Việt Nam đang từng bước đi lên chủ nghĩa xã hội với nhiều thành tựu là nhờ
đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và
quan trọng nhất là sự đồng lòng, chung tay của toàn dân. Dù có thời điểm, một
số đường lối, chính sách chưa thực sự phù hợp, cách làm việc của một bộ phận
cán bộ, đảng viên còn sai phạm, nhưng đường lối cách mạng của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước luôn hướng đến mục tiêu chung: “Hạnh phúc của Nhân dân”.
3. Nâng cao vai trò của Nhân
dân với Đảng trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng
Thông qua các bài viết, bài nói của Chủ
tịch Hồ Chí Minh được công bố trong Hồ Chí Minh toàn tập, do Nhà xuất
bản Chính trị Quốc gia – Sự thật phát hành cho thấy: “… các bài viết về vấn đề đoàn kết chiếm tỷ lệ khoảng 40% và
Người luôn là linh hồn trong việc quy tụ, tập hợp các giai cấp, các tầng lớp,
đảng phải, tôn giáo, nhân sĩ trí thức yêu nước, đồng bào trong nước và kiều bào
nước ngoài, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong suốt tiến trình cách mạng
Việt Nam”[15]. Tư
tưởng Hồ Chí Minh về khối đại đoàn kết dân tộc chính là “kim chỉ nam” để phát
huy vai trò của Nhân dân trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Để
làm được điều đó, đòi hỏi cần phải có những giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, Đảng
ta tiếp tục kiên định với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên con
đường xây dựng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam bằng sức mạnh của giai cấp công
nhân, kết hợp chặt chẽ lòng yêu nước của Nhân dân và sự ủng hộ của bạn bè quốc
tế. Khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sự phát triển tất yếu của
thời đại, không có gì có thể ngăn cản được. Những quan điểm sai trái, thù địch
của bọn phản động như “ổ gà, ổ voi” trên con đường ấy.
Nhân dân ta cùng nhau gìn giữ và phát
huy truyền thống, lịch sử vẻ vang của dân tộc, nhất là lòng yêu nước và thể
hiện tình yêu quê hương, đất nước đúng nơi, đúng thời điểm. Nhân dân phải nhận
thức mình là “chủ nhân” thật sự của đất nước mà Đảng ta, Nhà nước ta là “người
đại diện chân chính nhất” và cùng với Nhân dân tiến bộ thế giới chung tay,
góp sức “trám”, “bít” các “ổ gà, ổ voi” chống phá cách mạng.
Thứ hai, Đảng ta không phải thần thánh, Đảng ta từ Nhân dân mà ra, nên một số đường
lối, chính sách sẽ có lúc, có nơi chưa thực sự phù hợp, cách triển khai thực
hiện đôi khi chưa mang lại hiệu quả cao. Đảng ta phải thẳng thắng nhìn nhận những
cái chưa được, những mặt còn hạn chế để đề ra đường lối đúng đắn, khoa học, có
tầm nhìn dài hạn, trên từng lĩnh vực, sát với thực tiễn và hợp ý dân. Nhà nước
quản lý bằng chính sách, pháp luật phù hợp, có tính thời sự và đúng ý dân, như việc
lấy ý kiến của Nhân dân để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm
pháp luật: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động
sản…
Nhân dân chấp hành, ủng hộ đường lối của
Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý xây dựng đối với đường lối, chính sách,
pháp luật chưa phù hợp thông qua Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
các cấp – nơi đại diện cho quyền lực, tiếng nói, nguyện vọng của Nhân dân.
Thứ ba, tô
thắm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng bằng cách xây dựng, chỉnh đốn đội ngũ
cán bộ, đảng viên. Ngoài việc nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng, cán bộ,
đảng viên phải giữ được “cái đầu lạnh” trước những cám dỗ cuộc sống và giữ được
“trái tim nóng” khi làm việc cùng Nhân dân, từ đó họ “không muốn, không cần”
tham nhũng, tiêu cực.
Nhân dân đóng góp ý kiến xây dựng tổ
chức Đảng, chính quyền địa phương, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt,
khiếu nại, phản ánh sai phạm hay tố giác về tội phạm… Đó chính là cách “thầy
Nhân dân” “dạy” cho cán bộ, đảng viên “không dám” tham nhũng, tiêu cực và cho họ
thấy họ không phải là “quan cách mạng” mà là “học trò”, “đầy tớ” của Nhân dân.
Thứ tư, các cấp, các ngành
cần mở chuyên đề nghiên cứu về sự chuyển biến tư tưởng của những người từng có
hệ tư tưởng đối lập, nay trở thành đồng chí, đồng đội. Thống kê hàng năm tại
địa phương, ngành nghề, lĩnh vực những người thay đổi tư tưởng, quan điểm theo
chiều hướng tích cực, thể hiện bằng hành động cụ thể. Qua tổng kết thực tiễn ta
thấy được ưu điểm, hạn chế trong công tác tuyên
truyền, dân vận làm cho Nhân dân hiểu được câu nói: “còn Đảng là còn mình”, từ
đó có giải pháp nâng cao hiệu quả mặt công tác này. Có như vậy, “bút chiến”
phản bác quan điểm sai trái, thù địch không những sắc bén mà còn lay động, làm thức
tỉnh lý tưởng cách mạng đối với những người từng lầm lỡ, khi đó “thành trì” nền
tảng tư tưởng của Đảng sẽ ngày càng vững chắc.
Nhân dân ta, có người làm báo chí,
truyền hình, có người là KOL (người dẫn dắt dư luận), người thì công chức,
người thì công nhân và cả người nghỉ hưu… tất cả hãy sử dụng “vốn có” của mình
để cùng nhau bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng bằng cách thực hiện tốt công
việc của mình. Giao ban đơn vị, bên cạnh vấn đề công việc, lãnh đạo, nhân viên có
thể phê bình tư tưởng lệch lạc, hiện tượng xã hội sai trái, chẳng hạn bàn luận bài
báo của Công an nhân dân với tiêu đề: Nghệ sĩ và bệnh “ngáo quyền lực”. Trong giờ
Ngữ văn, giáo viên có thể lồng ghép vai trò của Nhân dân với đất nước thông qua
các tác phẩm Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Đất nước... Hay chính bữa cơm gia đình, ông bà,
cha mẹ kể chuyện về Bác, định hướng cho con trẻ cách sử dụng mạng xã hội, nhận diện
thông tin xấu, độc… Tất cả đều là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Nhân dân – hai từ thiêng liêng, quý giá. Tuy không phải
là một cái tên cụ thể nào, cũng không thể kể hết, đếm xuể những cống hiến, hi
sinh thầm lặng của toàn dân, nhưng chính họ đã làm nên “hình hài” đất nước.
Đảng ta sinh ra từ Nhân dân, trưởng thành nhờ Nhân dân, nhưng không “ỷ lại” mà
tiếp tục định hướng và dựa vào nguồn sức mạnh to lớn đó để trở thành Đảng cầm
quyền chân chính vì mục tiêu cao cả hạnh phúc của Nhân dân./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Anh Cao (2023), Bộ Nội vụ nằm trong nhóm 2 về Chỉ số cải
cách hành chính năm 2022, đăng trên trang thông tin điện tử Bộ Nội vụ ngày
19/4/2023, https://www.moha.gov.vn/kstthc/tintuc/bo-noi-vu-nam-trong-nhom-2-ve-chi-so-cai-cach-hanh-chinh-nam-2022-48873.html
2.
Cổng TTĐT Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (2022), Nâng cao chất
lượng đội ngũ đảng
viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII, đăng ngày 29/7/2022
trên cổng thông tin điện tử huyện Lâm Bình, http://lambinh.tuyenquang.gov.vn/tin-tuc-su-kien/chinh-tri/nang-cao-chat-luong-doi-ngu-dang-vien-theo-tinh-than-nghi-quyet-trung-uong-5-khoa-xiii-4268.html
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tập I.
4. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc
gia – Sự thật, Hà Nội, tập 7, tập 10, tập
15.
5. Nguyễn
Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi
lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự
thật, Hà Nội.
6. Nguyễn Phúc Luân (2015), Chủ tịch Hồ
Chí Minh trí tuệ lớn của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại,
đăng trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 12/10/2015, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/c-mac-angghen-lenin-ho-chiminh/ho-chi-minh/nghien-cuu-hoc-tap-tu-tuong/chu-tich-ho-chi-minh-tri-tue-lon-cua-nen-ngoai-giao-viet-nam-hien-dai-tiep-1960.
7. Nhật An - Tuấn
Hương (2023), Nơi người dân hiến đất làm đường, hướng đến đạt chuẩn nông thôn
mới nâng cao, đăng trên báo điện tử Phụ nữ Việt Nam ngày 02/4/2023, https://phunuvietnam.vn/noi-nguoi-dan-hien-dat-lam-duong-huong-den-dat-chuan-nong-thon-moi-nang-cao-20230402145845044.htm
8. Thiếu tướng,
Tiến sĩ Phạm Văn Hoá (2017), Phòng ngừa, giải quyết xung đột xã hội nhằm đảm
bảo an ninh, trật tự ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ - những vấn đề lý luận
và thực tiễn (Sách chuyên khảo), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
9. Trần Quốc
Toản (2023), Nơi
có 8.000 hộ dân hiến đất làm đường, đăng trên báo điện tử Nông nghiệp Việt Nam
ngày 29/3/2023, https://nongnghiep.vn/noi-co-8000-ho-dan-hien-dat-lam-duong-d347016.html
10.
Văn Kiện Quốc hội toàn
tập, tập I 1945 – 1960, đăng trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội nước CHXHCN
Việt Nam,
https://quochoi.vn/tulieuquochoi/anpham/Pages/anpham.aspx?AnPhamItemID=521.
11. V.I.Lênin (1979), Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, t.39, tr.251.
12.
Uông Thái Biểu (2021), Từ “Đệ
nhất Phó Thủ tướng FULRO” đến Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, đăng trên Báo Dân
tộc và Phát triển ngày 03/7/2021,
https://baodantoc.vn/tu-de-nhat-pho-thu-tuong-fulro-den-pho-chu-tich-mat-tran-to-quoc-1624939084453.htm.
[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn
tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, t.15, tr.432.
[2] V.I.Lênin (1979), Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, t.39, tr.251.
[3] Hồ
Chí Minh (2011), Toàn tập, Sđd, t.10, tr. 453.
[4] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ
nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.21.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam
(2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia
Sự thật, Hà Nội, t. 1, tr. 11.
[6] Cổng TTĐT Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (2022), Nâng cao chất lượng đội ngũ
đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII,
đăng ngày 29/7/2022 trên cổng thông tin điện tử huyện Lâm Bình,
http://lambinh.tuyenquang.gov.vn/tin-tuc-su-kien/chinh-tri/nang-cao-chat-luong-doi-ngu-dang-vien-theo-tinh-than-nghi-quyet-trung-uong-5-khoa-xiii-4268.html
[7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Sđd, t.7, tr.270.
[8] Nhật An - Tuấn Hương (2023), Nơi người dân hiến đất làm đường, hướng đến đạt
chuẩn nông thôn mới nâng cao, đăng trên báo điện tử
Phụ nữ Việt Nam ngày 02/4/2023,
https://phunuvietnam.vn/noi-nguoi-dan-hien-dat-lam-duong-huong-den-dat-chuan-nong-thon-moi-nang-cao-20230402145845044.htm
[9] Trần Quốc Toản (2023), Nơi có 8.000 hộ dân hiến đất làm đường, đăng trên báo điện tử Nông nghiệp Việt Nam ngày 29/3/2023,
https://nongnghiep.vn/noi-co-8000-ho-dan-hien-dat-lam-duong-d347016.html
[10] Đảng Cộng sản Việt
Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.
Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t. 1, tr. 17.
[11] Anh Cao (2023), Bộ Nội vụ nằm trong nhóm 2 về Chỉ số cải
cách hành chính năm 2022, đăng trên trang thông tin điện tử Bộ Nội vụ ngày
19/4/2023,
https://www.moha.gov.vn/kstthc/tintuc/bo-noi-vu-nam-trong-nhom-2-ve-chi-so-cai-cach-hanh-chinh-nam-2022-48873.html
[12] Nguyễn Phúc Luân (2015), Chủ tịch Hồ Chí
Minh trí tuệ lớn của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, đăng
trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 12/10/2015,
https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/c-mac-angghen-lenin-ho-chi-minh/ho-chi-minh/nghien-cuu-hoc-tap-tu-tuong/chu-tich-ho-chi-minh-tri-tue-lon-cua-nen-ngoai-giao-viet-nam-hien-dai-tiep-1960
[13] Uông Thái Biểu (2021), Từ “Đệ nhất Phó Thủ tướng FULRO”
đến Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, đăng trên Báo Dân tộc và Phát triển ngày
03/7/2021,
https://baodantoc.vn/tu-de-nhat-pho-thu-tuong-fulro-den-pho-chu-tich-mat-tran-to-quoc-1624939084453.htm
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr.25.
[15] Thiếu tướng, Tiến sĩ Phạm Văn Hoá (2017), Phòng ngừa, giải quyết xung đột xã hội nhằm đảm bảo an ninh, trật tự ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ - những vấn đề lý luận và thực tiễn (Sách chuyên khảo), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr.35.