Trần Vương
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ ra: “Người ta
ai cũng có tính tốt và tính xấu”, “Trong xã hội cũng có thiện và ác”[1].
Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng vậy, đôi khi chính trong bản
thân mỗi người cũng xuất hiện, bộc lộ những quan điểm, hoài nghi có phần tiêu
cực, chưa đúng về Đảng. Việc nhận diện, ngăn chặn quan điểm sai trái, lệch
chuẩn từ đồng nghiệp, người thân, bạn bè hay trong chính mỗi người chúng ta cần
được chú trọng quan tâm đúng mức, để “hạt giống” lý tưởng được ươm mầm, nảy nở
trên mảnh đất chủ nghĩa Mác – Lênin cùng tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đối với các biểu hiện, quan điểm
sai trái, lệch chuẩn xuất hiện
ngay cạnh mình thường xuất hiện trong các
cuộc trò chuyện dưới hình thức trà đá, cà phê vỉa hè hay trên bàn tiệc ăn nhậu, vui chơi, ngày một ngày hai có thể chưa tác động, ảnh hưởng trực
tiếp đến nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhưng đây chính là “mầm mống” dẫn đến
những quan điểm sai trái, thù địch công khai, những hành vi vi phạm pháp luật,
tham nhũng, tiêu cực nếu không được “chẩn đoán”, phòng ngừa từ xa, từ sớm. Điểm qua một số biểu
hiện, quan điểm sai trái, lệch chuẩn xuất hiện ngay cạnh ta hiện nay:
Một là, không ít nhân viên, người lao động nơi có tổ chức cơ sở Đảng
mong muốn vào Đảng, nhưng khi trò chuyện và hỏi vào Đảng để làm gì, thì câu trả lời:
“Vào Đảng mới đủ điều kiện lên chức vụ, mới có quyền hành trong tay”. Khi hỏi
Đảng ta hình thành như thế nào, Đảng đã trải qua bao nhiêu kỳ Đại hội đại biểu
toàn quốc, Đảng lãnh đạo đất nước bằng cách nào… thì đa số người muốn vào Đảng
để làm “quan cách mạng”
không trả lời được. Bên cạnh đó, một số đảng viên lâu năm, thâm niên trong
ngành nghề, lĩnh vực công tác nhưng chưa có chức vụ bộc lộ quan điểm: Biết vậy
hồi trước chẳng vô Đảng để làm gì, vô Đảng chỉ tốn tiền Đảng phí… Những người
có biểu hiện, quan điểm sai trái này rất dễ mắc bệnh quan liêu, hách dịch, vô
cảm với Nhân dân, có nguy cơ trở thành “sâu mọt”, “nhánh cây” bị hư mục trong
hệ thống chính trị, bộ máy cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Hai là, một bộ phận cán bộ, người lao động đã
vào Đảng lại không chú trọng đầu tư nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh, đường lối cách mạng, chính sách, pháp luật. Lúc học Nghị quyết thì đọc, viết theo
đường lối nhưng khi ra khỏi hội nghị lại nói theo quan điểm cá nhân, cho rằng
Nghị quyết năm nào cũng vậy, chẳng có gì mới. Có trường hợp “ú, ớ” không thể
trả lời khi được hỏi lại một số giải pháp chính trong Nghị quyết vừa triển khai là gì.Tuy
nhiên vào “mùa” kiểm điểm cuối năm thì viết và phát biểu: luôn lấy chủ nghĩa
Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hành động, chấp hành
tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước… Những cá nhân có biểu hiện, quan điểm
này thường làm việc, sinh hoạt với tư duy chủ quan, cá nhân, nói một đằng nhưng
làm một nẻo, dễ xảy ra sai phạm. Đã có trường hợp cán bộ, đảng viên tìm nguồn tài liệu
trên mạng để làm bài thi, bài viết về Đảng nhưng không nghiên cứumà chép lại y
nguyên nội dung đã được các thế lực thù địch “gài bẫy” bằng một số câu từ. Đọc
sơ qua có vẻ đúng với quan điểm, đường lối của Đảng nhưng phân tích kỹ mới thấy điều hoàn
toàn ngược lại. Điều này nguy hại vô cùng đối với nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ba là, một bộ phận cán bộ, đảng viên nghỉ hưu
rất ít khi sinh hoạt Đảng, có trường hợp lấy lý do sức khoẻ để không sinh hoạt,
thậm chí muốn “bỏ Đảng”. Nhưng khi cà phê, trà đá cùng chiến hữu, đồng niên thì
câu chuyện về Đảng luôn là chủ đề được quan tâm bàn luận, nhất là công tác
phòng, chống tham nhũng, điều tra, xử lý, thi hành kỷ luật cán bộ, đảng viên. Cán
bộ hưu trí không sinh hoạt, không cập nhật đường lối mới của Đảng, nhưng sử
dụng tư duy, kiến thức cũ để cho rằng đường lối của Đảng chỉ lý luận suông, hoài
nghi về khả năng cầm quyền của Đảng, lâu dần niềm tin về Đảng phai nhạt mà đáng lý chính họ
phải là người “ươm mầm” lý tưởng cho thế hệ mai sau.
Bốn là, nhiều người thích đọc bài viết, xem video, clip của thế
lực thù địch, phản cách mạng, rồi nguỵ biện cho rằng: xem để biết chuyện chính
trị ở Trung ương, xem thôi chứ không tin theo. Nhưng thực tế, họ lại đem sự
việc đã được cắt xén, thêm bớt bởi thế lực thù địch làm “quà” câu chuyện cho bạn bè, đồng
nghiệp, người thân. Điều này vô
tình hoặc hữu ý gián tiếp trở thành “kênh” lan truyền tin tức cho chính thế lực thù địch,
phản động.
Năm là, mỗi người chúng ta, ai cũng có phần “chính” và “tà”,
“thiện” và “ác”. Khi phần “tà”, “ác” không được kiểm soát, dẫn đến xuất hiện tư
tưởng có phần đối lập, sai trái, có thể kể đến: công việc chuyên môn giải quyết
không hết mà còn học Nghị quyết, thitìm hiểu về Đảng; ngày nào cũng giao ban
đơn vị thì sinh hoạt Chi bộ làm gì; thời đại công nghệ 4.0 mà phải viết tay bài
thu hoạch học tập Nghị quyết… Điều nay cho thấy, mỗi người chúng ta đều chưa
hoàn thiện nhân sinh quan cách mạng; chưa hiểu được Nghị quyết của Đảng là
“khởi nguồn”, là kim chỉ nam cho công việc chuyên môn; chưa hiểu được sinh hoạt
Chi bộ chính là dịp để học tập, trau dồi bản lĩnh chính trị, để đóng góp xây
dựng tổ chức Đảng; chưa nhận thấy được hiệu quả của việc viết tay bài thu hoạch
chính là dịp tự mình đọc, hiểu và ghi lại những vấn đề mà Đảng truyền tải.
Thực tế các biểu hiện, quan
điểm sai trái, lệch chuẩn về Đảng xuất phát từ những người xung quanh, hay đôi lúc
trong suy nghĩ bản thân chúng ta là có cơ sở, bởi lẽ:
Một là, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định:
“Muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa, phải có con người xã hội chủ nghĩa và có tư
tưởng xã hội chủ nghĩa”[2].
Đảng ta xác định Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội: “Quá độ lên chủ nghĩa xã
hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị
của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu,
kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa,
đặc biệt về khoa học và công nghệ, để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây
dựng nền kinh tế hiện đại”[3]. Vì vậy, những tồn tại trong hệ thống chính trị, những hạn chế trong quản
lý, điều hành của Nhà nước là điều không tránh khỏi. Điều này Đảng ta, Nhà nước ta luôn
tổng kết, chỉ ra, đưa ra giải pháp khắc phục. Chính bên trong mỗi người chúng
ta có thể “chưa hoàn toàn” là con người xã hội chủ nghĩa, sẽ có thời điểm những
quan điểm, suy nghĩ tiêu cực, sai trái về Đảng trỗi dậy, nhất là sự tác động của mặt
trái nền kinh tế thị trường mặc dù đã được định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hai là, V.I.Lênin từng chỉ ra: “Hiện giờ có ba kẻ thù
chính đang đứng trước mỗi người, bất kể người đó làm việc gì, ở cương vị nào…
kẻ thù thứ nhất - tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa; kẻ thù thứ hai - nạn mù
chữ; kẻ thù thứ ba - nạn hối lộ”[4]. Thời đại ngày nay,
ba kẻ thù chính đang đứng trước mỗi người vẫn vậy, nhưng chúng phát triển rộng
ra: tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa cũngchính làtâm thế “làm quan cách mạng”
của một bộ phận Đảng viên hoặc người đang muốn vào Đảng; nạn mù chữ - nay sâu
xa hơn chính là việc Đảng
viên không chú trọng nghiên cứu, trau đồi bản lĩnh chính trị, xa rời chủ nghĩa
Mác – xít, không học tập, noi gương tư tưởng Hồ Chí Minh; nạn hối lộ là việc
cán bộ, đảng viên, người có chức quyền tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng quyền hạn
để làm sai, làm trái. “Trong 10 năm qua (2012 –
2022), đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên,
trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 uỷ viên Bộ Chính trị,
nguyên uỷ viên Bộ Chính trị; 36 uỷ viên Trung ương, nguyên uỷ viên Trung ương;
hơn 50 sĩ quan cấp tương trong lực lượng vũ trang); qua thanh tra, kiểm toán
kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều
tra xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm”[5]. Một trong những nguyên nhân dẫn đến167.700 cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ
luật xuất phát từ “mầm móng” các biểu hiện, quan điểm sai trái, lệch chuẩn kể
trên.
Thời gian qua, chúng ta thường xuyên chú
trọng đấu tranh với các quan điểm sai trái của thế lực thù địch, phản động. Có
thể điểm mặt, chỉ tên các trang báo điện tử, mạng xã hội: “Việt Nam Cộng hòa”, “Việt
Tân”, “Dân Luận”, “Người Việt Online”,
“VOA tiếng việt”… “Trung bình 1 tháng, các thế lực thù địch phát tán hơn 130.000
bài viết, video xuyên tạc lên internet, mạng xã hội (tin giả, xấu độc chiếm
trên 50%). Trong đó, có hơn 80.000 bài viết được phát tán trên mạng xã hội
Facebook, chiếm 67% và khoảng 40.000 bài viết, video xuyên tạc từ các kênh mạng
xã hội Youtube, Blog cá nhân hoặc các kênh tin tức phản động”[6].
Có thể thống kê số lượng các bài viết, các cuộc thi về
bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng: Hơn 116.000 bài dự thi Cuộc thi viết chính
luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần 2 năm 2022, Báo điện tử Vietnamplus
(TTXVN) có hàng nghìn tin, bài mỗi năm về phản bác luận điệu sai trái...
Tuy nhiên, chúng ta chưa quan tâm đúng mức
đến quan điểm sai trái, lệch chuẩnxuất hiện ngay cạnh mình. Có người thấy được các
biểu hiện, nghe được những câu nói, quan điểm sai trái, lệch chuẩn về Đảng thì
cười trừ, không phản bác vì sợ mất lòng, không dám đấu tranh vì thiếu lập luận,
nguy hại hơn có trường hợp a dua, hùa theo quan điểm sai trái đó để cùng câu
chuyện nhằm tạo mối quan hệ. Đến khi không còn cảnh giác với các biểu hiện, quan điểm
sai trái, lệch chuẩn nữa, thì đồng
chí, đồng đội, người thân hay bản thân chúng ta rất có thể “nhúng chàm” sai phạm.
Để biểu hiện, quan điểm sai trái, lệch chuẩn
về Đảng ngày càng ít xuất hiện bên cạnh ta và lâu dần không nghe, không thấy chúng nữa, cần thiết đề ra, thực hiện giải
pháp như sau:
Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Đạo
đức cách mạng không phải từ trên trời rơi xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền
bỉ hàng ngày mà phát triển, củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng
càng luyện càng trong”. Mỗi người chúng ta không ngừng hoàn thiện đạo đức cách
mạng bằng cách chú trọng nghiên cứu, nắm vững chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh, hiểu được bản chất đường lối cách mạng, sự lãnh đạo của Đảng ta,
hiểu được vai trò của mỗi người đối với sự phát triển của đất nước. Hoàn thiện
nhân sinh quan cách mạng từng ngày để cái “thiện”, cái “tốt” luôn được ươm mầm,
nảy nở như đoá hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Thứ hai,lập luận, phản bác biểu hiện, quan
điểm sai trái từ những người xung quanh, phải cho họ thấy vào Đảng không phải
để làm “quan cách mạng”, mà vào Đảng để làm “người đầy tớ” trung thành phụng sự
Tổ quốc, phục vụ Nhân dân vì mục tiêu xây dựng xã hội chủ nghĩa. Không để tâm
lý kiêng nể, dè chừng, sao cũng được lấn át, mà phải thể hiện quan điểm, bản lĩnh chính
trị rõ ràng, nói đi đôi với làm, lý luận phải đi đôi với thực tiễn. Đừng sợ mất
lòng mà hãy sợ mất đi người đồng chí, đồng đội khi họ đã “nhúng chàm”.
Thứ ba, ai cũng có quyền tiếp cận, đọc những
bài báo, bài viết của thế lực thù địch để nắm thông tin. Đối với quan điểm sai
trái, những vấn đề bị cắt xén
bản chất, thay đổi câu chữ nhằm hạ thấp uy tín của Đảng cần lên tiếng bác bỏ.
Không nhất thiết phải tham dự cuộc thi này, viết bài cuộc thi kia, mỗi người
hãy phản bác từ trong chính cuộc sống hàng ngày. Đừng bê nguyên quan điểm của bọn phản
cách mạng làm “quà” câu chuyện, mà hãy đem câu chuyện đó kèm với lập luận, lý
lẽ “đập tan” quan điểm sai trái, thù địch, khi đó giá trị của “món quà” sẽ được
nâng tầm đúng với bản
chất cách mạng.
Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, sáng
tạo công tác tuyên huấn Nghị quyết, Chỉ thị, chuyên đề của Đảng, sinh hoạt
chính trị, sinh hoạt chi bộ. Người giảng dạy, chủ trì thay vì đọc lại toàn bộ
nội dung văn bản của Đảng, có thể tóm lược các ý chính, nêu được từ khoá, làm
rõ những điểm mới, nhấn mạnh các giải pháp chính, lồng ghép vấn đề thực tiễn.
Đối với người được học, nghe văn bản của Đảng, hãy để chiếc điện thoại thông
minh sang một bên, sắp xếp công việc cơ quan hợp lý để dành khoảng thời gian
trọn vẹn cho việc học tập, sinh hoạt chính trị. Thay vì dành thời gian hàng giờ
để lướt mạng xã hội, chúng ta có thể trích thời gian đó để đọc lại Nghị quyết,
ghi chép lại bài thu hoạch. Đó chính là cách mỗi người nuôi dưỡng đạo đức cách
mạng từng ngày.
Thứ năm, bất kể ai là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, dù đang
đương chức công tác hay đã nghỉ hưu, thì lý tưởng cách mạng “không bao giờ được
nghỉ hưu”. Người đảng viên là cán bộ hưu trí phải thường xuyên góp ý, thể hiện
quan điểmxây dựng, chỉnh đốn Đảng thông qua sinh hoạt chi bộ, gặp gỡ, đối thoại
với đại biểu Hội đồng Nhân dân các
cấp. Chính họ phải là người gieo mầm lý tưởng cách mạng cho thế hệ mai sau.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Đảng Cộng sản Việt Nam
(2016), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
2. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập,
Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 12.
3. Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên
quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng
Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb
Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
4. Phạm Ngọc Anh (2017),
Nhân cách đạo đức Hồ Chí Minh - Giá trị và sức mạnh lan toả, Nxb. Dân trí, Hà
Nội.
5. Trần
Tiến Duẩn (2021), Báo điện tử đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, phản động
trên mạng xã hội hiện nay, đăng trên báo điện tử Đảng Cộng sản Việt
Nam ngày 15/11/2021, https://dangcongsan.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/bao-dien-tu-dau-tranh-phan-bac-nhung-luan-dieu-sai-trai-phan-dong-tren-mang-xa-hoi-hien-nay-596988.html.
6. V.I.Lênin (1978), Toàn
tập, NxbTiến bộ,Mátxcơva, tập 37.
[1]PGS.TS Phạm Ngọc Anh (2017), Nhân cách đạo
đức Hồ Chí Minh - Giá trị và sức mạnh lan toả, Nxb. Dân trí, Hà Nội, tr.17
[2]Hồ Chí Minh (2011), Toàn
tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.12, tr.604.
[3]Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb
Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.60, tr.30, 31.
[4]V.I.Lênin (1978), Toàn
tập, NxbTiến bộ,Mátxcơva, t.37, tr.511.
[5]Nguyễn Phú Trọng (2023),
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây
dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.26.
[6]Trần Tiến Duẩn (2021), Báo điện tử đấu
tranh phản bác những luận điệu sai trái, phản động trên mạng xã hội hiện nay, đăng trên báo
điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 15/11/2021,https://dangcongsan.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/bao-dien-tu-dau-tranh-phan-bac-nhung-luan-dieu-sai-trai-phan-dong-tren-mang-xa-hoi-hien-nay-596988.html.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét