Thứ Năm, 15 tháng 8, 2024

Xã hội chung tay bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên trước tác động xấu, độc trên không gian mạng

 Sự phát triển của không gian mạng đang xoá nhòa ranh giới giữa thực và ảo, vì vậy không gian mạng mang đến những thách thức to lớn đối với nhận thức của chúng ta. Ngày nay không gian mạng đang chiếm lĩnh thời gian của con người ngày càng nhiều, ảnh hưởng ngày càng lớn với tốc độ ngày càng nhanh, chính vì vậy nó tác động sâu rộng và phức tạp đến nhận thức, tư tưởng, quan điểm của thế hệ trẻ hiện nay.


Trẻ em là lứa tuổi bắt đầu khám phá thế giới, khám phá mọi điều xảy ra xung quanh mình và tất nhiên với thời đại công nghệ 4.0 việc thanh thiếu niên khám phá thế giới ảo, thế giới mạng là điều tất yếu, khó tránh khỏi. Ở độ tuổi này, trẻ em có khả năng học hỏi, bắt chước, làm theo rất nhanh những vấn đề các em tiếp xúc, quan sát được, tuy nhiên về mặt nhận thức các em chưa thể phân biệt được hết đâu là sự kiện, hiện tượng tốt, đâu là những trào lưu mạng độc hại.

Những trào lưu mạng có tính tích cực, giúp các em khám phá đất nước, con người, văn hoá tốt đẹp tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới vẫn tạo ra một làn sóng nhất định, nó không chỉ giúp các em có thêm hiểu biết, kiến thức, sự nhạy cảm trong vấn đề gìn giữ nét truyền thống văn hoá tốt đẹp và nhân rộng nét đẹp đó theo một cách mới hơn, hiện đại hơn.

Tuy nhiên, hiện nay trào lưu “sống ảo”, xấu độc đang gia tăng trên các nền tảng mạng xã hội. Thanh thiếu niên với sự nhanh nhạy của lứa tuổi mới lớn, với tâm lý thích trải nghiệm, thích được chú ý và để thể hiện cái tôi của mình cũng hòa chung vào những xu hướng mạng xấu độc như vậy.

Thay vì dành thời gian cho việc học tập, rèn luyện thể chất, phụ giúp gia đình, tham gia các chương trình, hoạt động xã hội ý nghĩa đúng lứa tuổi, đúng khả năng thì các em lại dành thời gian để xem, làm theo, cập nhật những xu hướng đó và “chất độc" của những trào lưu này lâu ngày thấm dần vào thói quen của các em, trở thành những câu nói cửa miệng... Liệu các em có hiểu được những câu nói được xem là "hot trend" đó và áp dụng nó vào cuộc sống thường nhật có ý nghĩa gì.

Để bảo vệ, uốn nắn thế hệ trẻ của đất nước cần sự chung tay, chung sức, đồng lòng của toàn xã hội với trọng tâm là "gia đình – nhà trường – xã hội" và bản thân mỗi người dùng chúng ta. Đừng để bản thân bị thao túng bởi mạng xã hội, hãy hòa mình vào công việc, đóng góp tâm huyết và năng lượng trẻ trung cho cộng đồng. Hãy quản lý thời gian một cách thông minh, tránh bị lạc lõng trong thế giới ảo vô nghĩa. Cuộc sống của chúng ta đáng giá hơn những lượt “thích”  trên các trang mạng. Hãy cân bằng giữa công việc, cuộc sống và mạng xã hội, tránh trở thành nô lệ của nền tảng ảo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét