Thứ Tư, 20 tháng 11, 2024

CẢNH BÁO TÌNH TRẠNG THANH THIẾU NIÊN VI PHẠM PHÁP LUẬT

  

Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến độ tuổi thanh thiếu niên trên địa bàn thị xã Sông Cầu có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là những hành vi mâu thuẫn, sử dụng mạng xã hội Facebook để hẹn nhau giải quyết rồi dẫn đến đánh nhau gây thương tích và gây rối trật tự công cộng xảy ra liên tục; gây hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân

Thanh thiếu niên là tương lai của đất nước, là nguồn lực quan trọng để xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng thanh thiếu niên phạm tội đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là sử dụng mạng xã hội gây mâu thuẫn rồi đánh nhau, gây rối trật tự công cộng. Sau đó, đăng tải những hình ảnh, video đó lên các trang mạng Facebook để lôi kéo, thu hút người xem tác động và gây hệ lụy cho nhiều bộ phận giới trẻ, trở thành mối lo ngại lớn cho gia đình và xã hội.



Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thanh thiếu niên phạm tội, bao gồm:

Gia đình: Môi trường gia đình không lành mạnh, cuộc sống gia đình không hạnh phúc, thiếu sự quan tâm, giáo dục từ cha mẹ có thể khiến các em dễ bị lôi kéo vào các hành vi vi phạm pháp luật.

Xã hội: Áp lực từ xã hội, đặc biệt là từ bạn bè lôi kéo, thích thể hiện bản thân mình với người khác dẫn đến hành động quá khích, hung hăng rồi gây ra hậu quả thương tâm.

Môi trường giáo dục: Hệ thống giáo dục chưa thực sự chú trọng đến việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Việc thiếu những hoạt động ngoại khóa bổ ích cũng khiến các em dễ sa đà vào các hành vi tiêu cực.

Phương tiện truyền thông: Sự phát triển của công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội với nhiều thông tin không lành mạnh, bạo lực có thể ảnh hưởng xấu đến nhận thức và hành vi của thanh thiếu niên.

Việc thanh thiếu niên phạm tội không chỉ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho bản thân các em mà còn ảnh hưởng lớn đến gia đình và xã hội:

Đối với bản thân: Các em sẽ mất cơ hội học tập, làm việc, và thậm chí là mất đi tương lai tươi sáng, những trường hợp phạm tội sẽ chịu sự xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật.

Đối với gia đình: Gia đình sẽ chịu áp lực tâm lý, kinh tế khi phải lo lắng cho con em mình, đồng thời phải đối mặt với sự chỉ trích, kỳ thị từ cộng đồng, đặc biệt là những gia đình có con em bị điều tra, truy tố, xét xử.

Đối với xã hội: Tình trạng phạm tội ở thanh thiếu niên sẽ gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng nhiều mặt đến sự bình yên của đời sống xã hội.

Để ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên phạm tội, cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường, cơ quan chức năng và xã hội:

Gia đình: Cha mẹ cần dành nhiều thời gian hơn để quan tâm, lắng nghe và giáo dục con em mình. Hãy tạo cho các em môi trường gia đình ấm áp, hạnh phúc và là nơi các em có thể chia sẻ mọi vấn đề trong cuộc sống.

Nhà trường: Hệ thống giáo dục cần tăng cường việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích để học sinh có thể tham gia, học hỏi và phát triển toàn diện. Tăng cường giáo dục các em học sinh về sử dụng mạng xã hội, tránh để các đối tượng lợi dụng lôi kéo, kích động các em tham gia các hoạt động không lành mạnh.

Cơ quan chức năng: Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát, giám sát và xử lý các hành vi phạm pháp ở thanh thiếu niên; kịp thời có biện pháp xử lý, răn đe, giáo dục có hiệu quả; các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên gặp gỡ động viên, giáo dục và giúp đỡ những em có biểu hiện vi phạm pháp luật và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, tình nguyện để thanh thiếu niên có môi trường rèn luyện, phát triển lành mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét