Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

ĐỪNG ĐỂ VẤN NẠN “PHÂN BIỆT VÙNG MIỀN” GÂY CHIA RẼ KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC

 
“Phân biệt vùng miền” là một loại “tàn dư”, “di chứng” do lịch sử để lại, xuất phát từ tâm lý của một xã hội cũ, hình thành và tồn tại trong thời kỳ bị thực dân, đế quốc xâm lược với chính sách “chia để trị”. Vấn nạn “phân biệt vùng miền” không mới nhưng trước đây, hiện tượng này chỉ thể hiện qua lời nói, hành động, thái độ khi tiếp xúc với nhau ngoài cuộc sống. Trong xu thế bùng nổ công nghệ thông tin, các giá trị văn minh của nhân loại ngày càng được chia sẻ, lan tỏa, con người giữa các quốc gia và mọi miền đất nước ngày càng xích lại gần nhau; những tưởng vấn nạn “phân biệt vùng miền” đã dần biến mất thì giờ đây, nó lại xuất hiện tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội qua những hình ảnh, video, bình luận có tính công kích.

 Trên mạng xã hội, dễ dàng bắt gặp những fanpage, hội, nhóm với cách đặt tên sặc mùi “phân biệt vùng miền” như: “Hội những người ghét dân NA”; “Hội những người ghét dân TH”; “Hội những người ghét dân BK”… hay không ít những thông tin, bài viết, hình ảnh có nội dung (1) so sánh sự giàu nghèo giữa miền Bắc - Trung - Nam, giữa các tỉnh, thành phố; (2) kì thị những nét đặc trưng về văn hóa, sinh hoạt, lối sống, tác phong của từng vùng miền; (3) chỉ trích những đặc điểm chưa tốt, chưa toàn diện của mỗi cá nhân và quy chụp nó thành “biểu hiện”, “đặc trưng” của một cộng đồng người ở các địa phương… “Phân biệt vùng miền” không chỉ xuất hiện trong các video chia sẻ lối sống khác biệt của hai miền Nam - Bắc, mà còn xuất hiện ở các video có nội dung không hề liên quan như giới thiệu một bộ phim, nghe một bản nhạc hay nấu một món ăn… không khó để bắt gặp những cụm từ “Parky”, “Namki”, “Namkiki”... (các cụm từ này được một bộ phận người dùng tạo nên, dựa trên từ “Bắc kỳ” và “Nam kỳ” - danh xưng của hai miền khi đất nước ta còn đang kháng chiến cứu nước)...

Đây không phải là lần đầu tiên trên mạng xã hội xảy ra vụ việc như trên, nhưng đáng buồn là nó nhận được sự hưởng ứng, tương tác của nhiều người, tạo thành “trend” để một bộ phận người dân hai miền bêu xấu lẫn nhau. Một bộ phận giới trẻ có tư tưởng lệch lạc, thiếu hiểu biết, dễ bị kích động đã đi theo trào lưu như một trò tiêu khiển để mua vui và nhiều người đã có thái độ tức giận phản pháo lại khiến sự chia rẽ dân tộc càng thêm sâu sắc. Tất cả đều có thể trở thành “chiến trường”, nơi “xung đột” nổ ra để mắng chửi hay thậm chí là miệt thị lẫn nhau.

Nguy hiểm hơn, vấn đề này lại được một bộ phận cộng đồng mạng hoan nghênh như một cách “giải trí tai hại”, phản ánh những giá trị thiếu văn minh của một bộ phận người dùng mạng xã hội và ẩn chứa những âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của thế lực thù địch, đối tượng phản động lưu vong, các đối tượng xấu; dễ dàng nhận thấy chúng đã triệt để lợi dụng tâm lý “phân biệt vùng miền” của một bộ phận người dân để rêu rao, xuyên tạc, chống phá những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc với các luận điệu lạc lõng như “Trung ương đang vắt kiệt sức của Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai để nuôi các tỉnh khác ở phía Bắc”; “dân miền Nam làm nhiều, nộp ngân sách nhiều, còn miền Bắc làm ít, nộp ít, thậm chí không nộp”

Những quan điểm, luận điệu tiêu cực nói trên đều có những ảnh hưởng tiêu cực đến mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội. Trong phạm vi đời sống của mỗi cá nhân, mỗi một nhóm người, những hành vi giải trí tai hại có tính “phân biệt vùng miền” về lâu dài sẽ tạo thành những định kiến tiêu cực ở mỗi cá nhân, gây tâm lý “tự ti”, “tổn thương” những người đối diện. Ở phạm vi rộng hơn - trên bình diện xã hội thì những lời nói, hành động “phân biệt vùng miền” sẽ tác động đến các giá trị truyền thống, văn hóa dân tộc về đoàn kết, sự tương thân, tương ái; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ sự quan tâm, học hỏi, trao đổi, giao thương giữa các vùng miền, các dân tộc; từ đó, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan, ly khai, tự trị, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động “cách mạng màu”, khủng bố, chống phá chế độ.

Hành vi phân biệt vùng miền, gây ảnh hưởng khối đại đoàn kết dân tộc, có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tại Điều 5, Hiến pháp 2013 đã quy định rõ “các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”. 

Hay trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định tội “Phá hoại chính sách đoàn kết” theo Điều 116 có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm hoặc cao nhất từ 07 đến 15 năm nếu: “Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”; tội “Làm nhục người khác” theo Điều 155 có thể bị phạt tù cao nhất từ 03 tháng đến 02 năm; tội“Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331 có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm hoặc cao nhất từ 02 đến 07 năm.

Ngoài ra, việc đăng tải, chia sẻ các bài viết, hình ảnh hoặc bình luận các nội dung về “phân biệt vùng miền” để miệt thị, xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân thì có thể bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ.

Tuy nhiên tình trạng phân biệt vùng miền trên không gian mạng vẫn không có dấu hiệu suy giảm vì việc xử lý còn nhiều khó khăn; do đó, người dùng mạng xã hội nên tỉnh táo khi gặp bình luận chia rẽ vùng miền vì có những người chỉ muốn tạo sự chú ý, “câu like”, “câu view” nên mới bất chấp để bình luận những lời tiêu cực. Không lãng phí thời gian để tranh cãi, thay vào đó khi phát hiện tình trạng phân biệt vùng miền hãy báo cáo với cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý.

Việt Nam là một dân tộc có truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái từ lâu đời, nhất là trong trước những thời điểm thiên tai, địch họa. Vì lẽ đó, trong quá trình hội nhập, phát triển như ngày nay, mỗi cá nhân, cộng đồng người, mỗi địa phương, dân tộc… cần phải quan tâm, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, tinh thần chỉ đạo về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng nhau ​phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, khắc ghi và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Vì vậy, mỗi cá nhân nên rèn luyện cho mình đức tính tôn trọng những đặc trưng của mỗi người, mỗi vùng miền, nhất là những sự khác biệt về văn hóa, phong tục, lối sống, phong cách…; từng bước rèn luyện cho mình tâm lý tự hào về quê hương, dân tộc, xác định rõ đâu là cái chung, đâu là cái riêng để có những cách cư xử đúng mực, phù hợp với cá nhân, trong từng trường hợp đối với từng vấn đề cụ thể. Chỉ bằng sự tôn trọng người khác, chúng ta mới nhận lại được sự tôn trọng từ mọi người. Và trong khi tham gia các nền tảng mạng xã hội hiện nay, mỗi người cần học hỏi và chịu trách nhiệm của mình đối với từng bình luận, các nút like, share… của mình. Chủ động tham gia, thực hiện các hoạt động kết nối văn hóa giữa các vùng miền, phủ xanh thông tin tích cực, đẩy lùi thông tin tiêu cực liên quan vấn nạn “phân biệt vùng miền” và cùng nhau xây dựng không gian mạng thực sự lành mạnh với những nội dung, hình ảnh về một dân tộc Việt Nam đoàn kết, tự cường, giàu lòng nhân ái trong lòng bạn bè quốc tế./.

NTĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét