Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

Cần ứng xử đặc biệt với tác phẩm văn học

Để có các tác phẩm văn học có giá trị tư tưởng - nghệ thuật cao, nhà văn, nhà kinh doanh sách, nhà phê bình cần nhận thức tác phẩm văn học là hàng hóa đặc biệt. Từ đó, cùng có trách nhiệm hướng tới mục đích chung vì một nền văn học phát triển lành mạnh.
Kinh tế thị trường không chỉ có các ưu việt mà còn có những mặt trái tiêu cực. Không ít người đang coi kinh tế thị trường là cơ hội trục lợi, và họ trục lợi bằng mọi giá với rất nhiều mánh lới chụp giật, lừa đảo, tùy tiện, thậm chí là bất chấp nhân tính,... Hiện tượng này cũng ảnh hưởng tới thị trường văn học. Có tác giả coi kinh tế thị trường là sự sàng lọc mà qua đó, chỉ nhà văn thực tài mới có thể tồn tại, điều đó đúng song không phải tất cả. Bởi trên thực tế, từ quan niệm méo mó về kinh tế thị trường với mục đích vì lợi nhuận mà cuộc sàng lọc này nhiều khi như đã bị biến thành nơi giúp một số người chỉ lựa chọn những gì bán được, bán chạy, bán đắt,... Các cuốn sách bị đình chỉ phát hành và thu hồi, phản ứng của báo chí và dư luận về một số cuốn sách, sự tôn vinh một số tác giả mà bản thân họ chỉ mới làm ra vài giá trị nhất thời, chưa chứng tỏ khả năng sáng tạo giá trị đích thực và tồn tại chủ yếu nhờ cổ xúy của báo chí, thậm chí sau thời gian ngắn không còn bóng dáng trên văn đàn,… là minh chứng cho thấy sự nhộn nhạo trong sáng tạo các giá trị văn học. Về tình trạng này, một nhà phê bình, dịch giả và biên tập viên viết trên blog: “Tôi là một editor, nghĩa vụ của tôi là xem các bản thảo gửi đến. Tôi đã từ chối vô số bản thảo (tôi không đứng về phe phá rừng), kể cả những bản thảo từ những người nghĩ rằng một khi họ là bạn tôi thì tôi sẽ phải in sách của họ, tôi đã nói với không ít người là thôi, đừng viết nữa, trong đó một số, sau cơn tức tối ban đầu, hiểu là tôi đúng. Một số người khác thì không hiểu; nhưng trời mới hiểu nổi tại sao họ lại không hiểu”!
Là hàng hóa đặc biệt, có giá trị đặc thù, liên quan các giá trị chân - thiện - mỹ, đến sự hình thành nhân cách, sự lành mạnh đời sống tinh thần con người và xã hội, giúp con người giải trí một cách trong sáng,... cho nên việc sáng tạo giá trị tác phẩm văn học và quảng bá giá trị sử dụng tác phẩm cần được ứng xử một cách đặc biệt, không thể đánh đồng với hàng hóa tiêu dùng khác. Lịch sử văn học cho thấy tác phẩm được đánh giá cao không đến một cách ngẫu nhiên mà là kết quả của quá trình tìm tòi, sáng tạo lao tâm, khổ tứ, hao tổn công sức. Giá trị tác phẩm văn học khó có thể ra đời từ sự hời hợt, cảm tính, thiếu tri thức và sự trải nghiệm, càng khó ra đời khi tác giả bị cuốn theo thị hiếu thời thượng. Một nền văn học mà ở đó nhà văn chủ yếu chạy theo, chiều theo thị hiếu thời thượng của một bộ phận người đọc sẽ chỉ là nền văn học của lễ hội, không phải là văn học của cuộc sống. Bởi khi lễ hội qua rồi thì cờ quạt, trống phách cất vào kho, chờ tới hội sau, còn khách thập phương lại lục tục tìm đến hội khác. Chạy theo, chiều theo thị hiếu có thể đem đến lợi ích vật chất nhất định, sự nổi tiếng nhất thời cho nhà văn, nhưng khó có thể sản sinh ra giá trị văn học lớn. Tác phẩm nổi tiếng nhất thời có thể đáp ứng nhu cầu thời sự, giúp bạn đọc thỏa mãn trong thời gian nhất định, nhưng khi vấn đề thời sự mới xuất hiện và tác phẩm khác thay thế, thì tác phẩm vốn được coi nổi tiếng trước đó lập tức rơi vào quên lãng.
Mỗi nhà văn cần tìm ra cách thức giải quyết hài hòa quan hệ giữa giá trị trường tồn với giá trị nhất thời, không nên mải mê với giá trị nhất thời mà lãng quên giá trị trường tồn. Dù phải mưu sinh, nhà văn vẫn cần trải nghiệm, tích lũy, suy ngẫm, trăn trở để viết từ sự câu thúc nội tâm, viết như là không thể không cầm bút hướng tới tác phẩm có giá trị đối với xã hội, con người. Đó là các giá trị đôi khi không gắn với điều to tát, vĩ mô mà là cái hằng ngày với “vỉa quặng nhân tính” lấp lánh ẩn giấu phía sau ngôn từ dung dị, cấu trúc mở một cách hoàn hảo để mỗi thế hệ lại khai thác từ đó các ý nghĩa, vẻ đẹp xuyên thời gian, xuyên không gian, có khả năng đến với bạn đọc ở những không gian văn hóa khác. Làm được như vậy, nhà văn không những sáng tạo nên giá trị văn hóa cho dân tộc và đất nước mình, mà còn đóng góp vào văn hóa nhân loại, qua đó tầm vóc của nhà văn được khẳng định. Nếu tác phẩm chứa đựng giá trị chân - thiện - mỹ đích thực, ngầm ẩn những ý nghĩa vô giá thì nỗ lực của nhà văn vẫn được đền đáp, bạn đọc tìm đến với tác phẩm, giới xuất bản và phát hành cũng không dễ ngoảnh mặt làm ngơ.
Xã hội đang tạo ra nhiều cơ hội để tác phẩm văn học có thể đến với công chúng, vấn đề là nhà văn sẽ viết như thế nào, sẽ sáng tạo ra sao. Điều này luôn cần thiết với mọi tác giả, nhất là các tác giả trẻ, vì dường như một số người trong số họ vì thấy xuất bản tác phẩm dễ dàng, được giới truyền thông dễ dãi cổ xúy mà ngỡ viết văn như là “cuộc chơi”. Gần đây, sau khi nhận một giải thưởng văn học, một cây bút trẻ lên facebook bày tỏ ý tưởng viết một cuốn tiểu thuyết và kêu gọi bạn đọc đóng góp; kỳ khôi là cây bút này cho rằng nếu thiếu sự đóng góp tiền bạc thì tác phẩm khó hoàn thành, vậy chẳng hóa ra là viết vì tiền, không vì văn học? Và có thể coi sự ồn ào quanh tác phẩm Thành kỳ ý là thí dụ về sự hạn chế tri thức và sự hiểu biết sẽ dẫn tới kết quả như thế nào. Tác giả và một số đơn vị truyền thông rộn rã đề cập tới một cuốn sách khó xác định thể loại, lúc gọi là “tiểu thuyết lịch sử”, lúc lại gọi là “tiểu thuyết lãng mạn mang yếu tố lịch sử”, còn Wikipedia (Bách khoa toàn thư mở) tiếng Việt thì coi đó là “tiểu thuyết ngôn tình”! Tuy nhiên rất nhanh chóng, tác phẩm bị phát hiện đạo văn, dù đã phải đứng ra xin lỗi song tác giả vẫn lên facebook ca ngợi tác phẩm của mình: “Điều tôi nghe nhiều nhất thời gian gần đây chính là câu: Thành kỳ ý dùng lịch sử để PR. Cá nhân tôi thì nghĩ ngược lại, rằng Thành kỳ ý đang PR cho lịch sử Việt Nam, giống như cách mà Hoàng hậu Ki PR cho lịch sử Hàn Quốc, giống như cách mà Bộ bộ kinh tâm PR cho lịch sử Trung Quốc”! Thử hỏi có người đọc nào ở Việt Nam đồng tình với việc đạo văn để “PR cho lịch sử Việt Nam”? Cũng phải lưu ý, phim truyền hình nhiều tập Hoàng hậu Ki là phim dã sử, Bộ bộ kinh tâm của Đồng Hoa là truyện kiếm hiệp, phim truyền hình nhiều tập Bộ bộ kinh tâm là phim cổ trang; vì thế nếu hiểu lịch sử là gì, dã sử, kiếm hiệp, cổ trang là gì thì khó thể coi dã sử, kiếm hiệp, cổ trang lại có thể… PR cho lịch sử!
Với doanh nhân kinh doanh sách, nếu thật sự yêu văn học và muốn đóng góp vào sự phát triển của văn học nước nhà, hãy xuất bản các tác phẩm có giá trị tư tưởng - nghệ thuật cao, có ý nghĩa sâu sắc, rộng rãi đối với đời sống tinh thần của con người, không chỉ nhằm vào thị hiếu dễ dãi của một bộ phận người đọc; không làm ra những cuốn sách có cái giá “trên trời” để sớm thu hồi vốn, hoặc móc túi người mua. Hơn nữa, không phải hễ cứ kinh doanh văn hóa phẩm, kinh doanh sách văn học sẽ nghiễm nhiên trở thành người yêu văn hóa, yêu văn học. Không dễ để được xã hội công nhận là người yêu văn hóa, yêu văn học, vì tình yêu ấy được đánh giá qua việc đã làm, không qua lời nói. Vì không thể coi là người yêu văn hóa, yêu văn học khi xuất bản, phát hành mấy cuốn sách bậy bạ, nhảm nhí; không từ thủ đoạn nào, kể cả đánh lừa người đọc để bán được sách. Là doanh nhân chân chính, hãy góp phần tăng giá trị sử dụng của tác phẩm văn học bằng cách lựa chọn, quảng bá những giá trị văn học đích thực. Khi tác phẩm được bạn đọc tìm mua, thì lợi nhuận sẽ không còn là nỗi lo đến mức phải dùng thủ pháp tiêu cực của thương trường để thu hồi vốn.
Không có chứng cứ khẳng định một số nhà phê bình đã viết vì lợi nhuận, nhưng căn cứ vào hiện tượng sau khi một số tác phẩm xoàng xĩnh được xuất bản, lập tức một số nhà phê bình lại hăng hái ca ngợi, không thể không nghĩ tới năng lực thẩm định, động cơ làm việc, và liệu có thể tin những việc làm này là nỗ lực góp phần phát triển văn học, là hướng dẫn hữu ích với người đọc? Một hiện tượng đáng lo ngại là sau khi báo chí phê phán một tác phẩm hay vấn đề văn học nào đó thì một số nhà phê bình mới hăng hái “nói theo”, trong khi đúng ra, họ phải là người lên tiếng trước! Khi một số nhà phê bình tự hạ thấp uy tín qua việc ca ngợi mấy điều vô bổ thì việc phê bình, đánh giá tác phẩm văn học cũng là điều đáng bàn. Trước tình trạng ít nhiều còn nhốn nháo của thị trường văn học, nhà phê bình phải là người đi tiên phong đưa ra ý kiến đánh giá nghiêm túc, đúng mực để khẳng định các giá trị tích cực, lành mạnh của tác phẩm văn học, đồng thời kịp thời lên tiếng phê phán một cách có lý, có tình nếu xuất hiện tác phẩm chứa đựng yếu tố tác động tiêu cực tới nhận thức thẩm mỹ, nhận thức xã hội của bạn đọc, qua đó góp phần sàng lọc, giúp bạn đọc lựa chọn,... Và sự tin cậy của bạn đọc, uy tín của giới phê bình, uy tín của chính nhà phê bình cũng từ đó mà ra.
Từ thực tế văn học, từ tính chất của công việc mà giữa nhà văn, nhà kinh doanh sách và giới phê bình luôn có mối tương tác, có liên đới trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm với bạn đọc, rộng hơn là trách nhiệm với xã hội. Mối tương tác, sự liên đới đòi hỏi nhà văn, nhà kinh doanh, nhà phê bình luôn cần có tiếng nói chung. Mà để có tiếng nói chung, điều cơ bản là phải nhận thức được tác phẩm văn học là hàng hóa đặc biệt, từ đó có thái độ ứng xử đặc biệt hướng tới mục đích chung là vì sự phát triển lành mạnh - đời sống tinh thần xã hội.
HÒA PHONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét