Nhân việc Hội Ân xá quốc tế mới đây đưa ra một bản báo cáo thiếu khách quan và thiếu trung thực về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân xin giới thiệu với bạn đọc bài viết “Việt Nam không ngừng tăng cường vị thế tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc”được đăng trên trang mạng http://www.sharh.uz của U-dơ-bê-ki-xtan.
Bài báo nhấn mạnh sự phát triển kinh tế của Việt Nam đi đôi với việc đạt được bước tiến lớn trong bảo vệ quyền con người trong hơn 70 năm độc lập...
Trong năm 2014, Việt Nam chính thức trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC) nhiệm kỳ 2014-2016. Trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế và vai trò tại các diễn đàn của tổ chức liên chính phủ hàng đầu này của LHQ trong lĩnh vực quyền con người và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Lần đầu tiên trên cương vị thành viên chính thức của UNHRC, Việt Nam đã thể hiện mình là một thành viên tích cực và có trách nhiệm trong việc giải quyết những thách thức chung trong lĩnh vực nhân quyền. Tại hàng trăm kỳ họp và thảo luận về bảo vệ quyền con người, Việt Nam tích cực bày tỏ quan điểm về các nội dung cụ thể của chương trình nghị sự liên quan đến các quyền kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế và tự do ngôn luận và báo chí.
Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể vào việc dự thảo các nghị quyết và quyết định của UNHRC trên cơ sở ủng hộ cách tiếp cận cân bằng, toàn diện, bảo đảm quyền lợi và đồng thuận của tất cả các bên. Hoạt động tích cực của Việt Nam trong UNHRC cũng được thể hiện qua việc thực thi nghiêm túc Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (Universal Periodic Review) - cơ chế quan trọng nhất của UNHRC, cũng như qua việc thực hiện nghiêm túc các cam kết liên quan đến nhân quyền.
Việt Nam rất coi trọng đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực nhân quyền. Là một thành viên của UNHRC, Việt Nam ủng hộ giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Trong 2 năm qua, Việt Nam áp dụng các cơ chế khác nhau của UNHRC một cách hài hòa và hiệu quả nhằm khẳng định quan điểm nói trên. Bằng cách tham gia diễn đàn này, Việt Nam kêu gọi tăng cường đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia thành viên, coi việc bảo đảm nhân quyền là trách nhiệm của mỗi quốc gia trên cơ sở mỗi quốc gia phải độc lập xác định các biện pháp bảo đảm nhân quyền phù hợp với tình hình kinh tế, văn hóa xã hội và lịch sử đất nước của mình. Tham gia vào các định chế đa phương của UNHRC tạo cơ hội cho Việt Nam bày tỏ quan điểm về các vấn đề khác nhau liên quan đến việc đấu tranh chống bạo lực và phân biệt đối xử, buôn người, bảo đảm các quyền của phụ nữ và trẻ em. Đến nay, Việt Nam đã tham gia soạn thảo hơn 30 nghị quyết về các vấn đề trên, qua đó củng cố hiểu biết chung của của cộng đồng quốc tế về các giá trị quyền con người. Có thể nói Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại đa phương tích cực, đóng góp đáng kể vào thảo luận và dự thảo các văn kiện nhân quyền của Liên hợp quốc.
Sau hơn 70 năm thành lập, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc bảo vệ các quyền con người. Những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người được thể hiện trong nhiều khía cạnh, bao gồm luật hóa tất cả các vấn đề liên quan đến quyền con người, và xây dựng một quốc gia pháp quyền. Việt Nam cũng đã đạt được những kết quả tích cực trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Điều đáng chú ý là Hiến pháp năm 2013 có 36 điều về quyền con người và quyền công dân. Những quyền này, cũng như các điều kiện bảo đảm an sinh cho nhân dân, được phản ánh trong tất cả các lĩnh vực của đời sống văn hóa - xã hội. Hiện nay, các dự án sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 đều dành ưu tiên quan trọng cho quyền con người. Việt Nam tham gia 7 trong 9 văn kiện nhân quyền quốc tế. Từ năm 2009 đến nay, 25 đạo luật quan trọng đã được Quốc hội Việt Nam thông qua và sửa đổi, đó là một cơ sở pháp lý đáng tin cậy cho việc tôn trọng và thực hiện các quyền con người. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đã thông qua và thực hiện 41 chiến lược quốc gia và chương trình phát triển kinh tế-xã hội, trong đó ưu tiên các thành phần dễ bị tổn thương trong xã hội. Hiện tại, pháp luật Việt Nam khẳng định tất cả các quyền của dân tộc thiểu số, được quy định tại Điều 5 của Hiến pháp.
Việt Nam cũng đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ trong lĩnh vực quyền con người theo Công ước LHQ về Quyền con người. Kể từ khi phê chuẩn Công ước LHQ về Quyền Trẻ em, Việt Nam đã xây dựng và nỗ lực thực hiện chương trình hành động quốc gia vì trẻ em, cũng như kiên trì vận động để nâng cao nhận thức của các tầng lớp xã hội về quyền trẻ em. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một số cam kết quan trọng để bảo vệ quyền trẻ em được chăm sóc nuôi dưỡng, học tập, sử dụng nước sạch và sống trong điều kiện vệ sinh tốt nhất. Đây là nỗ lực to lớn của Việt Nam để bảo đảm trẻ em được sống và phát triển trong một môi trường lành mạnh và an toàn.
Ở Việt Nam, rất nhiều các hội, hiệp hội và tổ chức hoạt động theo nguyên tắc Nhà nước sẽ bảo đảm mọi lợi ích chính đáng của công dân, trong đó có quyền lập hội. Điều 10 của Hiến pháp Việt Nam năm 1946 quy định: "Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài." Điều 25 của Hiến pháp năm 1959 một lần nữa khẳng định: "Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó". Điều 67 của Hiến pháp năm 1980 quy định: "Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội và tự do biểu tình phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân. Nhà nước tạo điều kiện vật chất cần thiết để công dân sử dụng các quyền đó". Điều 69 của Hiến pháp năm 1992 quy định: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật". Điều 25 của Hiến pháp năm 2013 khẳng định: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội và biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".
Việt Nam rất coi trọng vai trò của phụ nữ trong lãnh đạo và quản lý đất nước. Để đạt mục tiêu tăng số lượng nữ Đại biểu Quốc hội đến 35%, trong danh sách ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XIV quy định cơ cấu ít nhất 35% đại biểu là phụ nữ.
Sau cuộc bỏ phiếu vào ngày 31-3-2016, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã trở thành Chủ tịch mới của Quốc hội Việt Nam. Bà là người phụ nữ đầu tiên được bầu vào vị trí cao nhất trong lịch sử 70 năm của cơ quan lập pháp tối cao Việt Nam. Sự kiện này là một sự tiếp nối của những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, cũng như khẳng định sự bình đẳng giới ở Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội là một trong bốn vị trí cao nhất trong bộ máy nhà nước. Bà hy vọng sẽ đưa ra nhiều sáng kiến để hoàn thiện các hoạt động của Quốc hội và tạo bước đột phá, đáp ứng nguyện vọng của cử tri cả nước. Đến nay, Việt Nam đã ban hành và tích cực thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện các quyền con người trong thực tế, để bảo đảm một cuộc sống tự do, công bằng và hạnh phúc cho mọi người dân.
LÊ XUÂN KHANH (giới thiệu)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét