Ngày 29-4-2017, ông Nguyễn Thanh Tú - con trai của nhà báo Đạm Phong (người bị giết hại dã man tại Mỹ năm 1982), đã tổ chức họp báo ở thành phố San Jose, California (Xan Giô-sê, Ca-li-pho-ni-a), cung cấp một số tài liệu liên quan đến tổ chức khủng bố Việt tân như: giết người; lập nhiều tổ chức “ma” và quyên góp dưới danh nghĩa “ủng hộ quốc nội” để lừa gạt, trục lợi; thao túng chương trình tiếng Việt của RFA cùng một số cơ sở báo chí của người gốc Việt ở nước ngoài… Lược ghi từ video clip (đoạn phim) về cuộc họp báo được công bố trên YouTube sẽ giúp bạn đọc có thêm tư liệu nhận rõ bản chất xấu xa, âm mưu đen tối, thủ đoạn tàn bạo của một tổ chức khủng bố đã và đang tiến hành nhiều hoạt động phá hoại sự ổn định, phát triển của Việt Nam.
|
(Kỳ 1)
“Tôi là Nguyễn Thanh Tú, con của cố ký giả Đạm Phong. Bố tôi là cố ký giả Nguyễn Đạm Phong. Ngày 24-8-1982, băng đảng Việt tân đã thủ tiêu bố tôi. Trước khi A.C Thompson (A.C Thôm-xơn, phóng viên PBS - chú thích của người viết) gặp tôi để thực hiện cuốn phim Khủng bố ở Sài Gòn nhỏ (Terror in Litte Saigon), năm 2015 có hai phóng viên điều tra cũng muốn làm phim về tội ác này, nhưng vì lý do riêng, tôi đã từ chối. Sau khi bộ phim được phát hành năm 2015, tôi nhận được hàng chục nghìn email từ trong và ngoài nước Mỹ. Tôi đã so sánh quan điểm giữa các cộng đồng Việt Nam ở trong nước và hải ngoại. Với những người ở trong nước, hàng chữ đầu tiên của họ là xin chia buồn cùng gia đình anh Tú. Về làng báo chí của Mỹ, họ ủng hộ và tất cả đều hỏi thăm gia đình tôi, cũng như đề nghị giúp đỡ. Nhưng cộng đồng người Việt Nam hải ngoại, nhất là truyền thông hải ngoại lúc nào cũng bận rộn với câu hỏi ai đứng sau lưng anh, cộng sản là ai. Họ hỏi những điều mà tôi không hiểu gì cả. Tôi buồn cười vì tôi là một người con đi tìm công lý nhưng bị chụp mũ là cộng sản! Tôi hổ thẹn với làng báo chí Mỹ. Cộng đồng Việt Nam hải ngoại có cả trăm hội đoàn, hội đồng liên tôn, tổ chức chính trị và truyền thông nhưng chưa ai lên tiếng hỏi về gia đình tôi, hay muốn biết tôi hiện sống ra sao. Tôi ước chi các anh hỏi thăm những phút cuối cùng bố tôi sống ra sao. Vì nếu các anh đặt ra hỏi câu đó thì các anh sẽ hiểu tại sao có ngày hôm nay.
Bấy giờ bố tôi đã bị đe dọa. Lúc đầu, họ mua chuộc nhưng không được, dù khi ấy nhà tôi nghèo lắm. Bố tôi không chịu. Rốt cuộc, họ đã đưa ra ba thông điệp cho bố tôi và hai cộng sự. Hai người đó đã hẹn với bố tôi để bàn về thông điệp đó ở một quán cà-phê. Thông điệp rất đơn giản “ngừng hay là mất mạng?”. Bố tôi nói câu này: “Các anh muốn sống tự do, đừng sợ chết. Hai anh về nhà với vợ con đi”. Tôi cũng có mặt ở đó. Một người nói với tôi: “Tú, bố cháu cứng đầu quá”. Bố tôi đã nói: “Việc này tôi phải làm. Nếu tôi không làm, các anh sẽ sống, tranh đấu trong một bóng tối”. Tôi không ngờ mấy chục năm sau mình lại đứng trước cộng đồng để nhắc lại những câu như thế. Việc này tôi phải làm, nếu tôi không làm thì thế hệ một rưỡi, thế hệ hai sau này vẫn đang tranh đấu trong một bóng tối. Tôi biết họ dọa tôi, nhưng tôi cũng như bố tôi, trong lúc bị dọa, bố tôi đã không bỏ trốn. Ông vẫn tiếp tục đấu tranh. Tôi từng thắc mắc chuyện này: cộng đồng Việt Nam vẫn nói Việt tân là “hậu thân”, “Mặt trận” là “tiền thân” (“Mặt trận”: tên đầy đủ là “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” thành lập năm 1980 tại Mỹ, Hoàng Cơ Minh làm “chủ tịch”, thành phần chủ yếu là sĩ quan, viên chức của chính quyền Sài Gòn trước đây, đã tiến hành một số cuộc xâm nhập vũ trang nhằm lật đổ chính quyền Việt Nam nhưng đều thất bại. Năm 1987, Hoàng Cơ Minh bị bắn chết trong một lần xâm nhập. Năm 2004, “Mặt trận” tuyên bố giải tán, tổ chức khủng bố Việt tân ra đời với vai trò là tổ chức kế tục của “Mặt trận” - chú thích của người viết). Lúc ấy, tôi mới biết cộng đồng Việt Nam bị lừa gạt. Muốn hiểu Việt tân, cộng đồng Việt Nam phải hiểu chính sách của họ là gì. Chiến lược là “Việt tân” và chiến thuật là “Mặt trận”. “Đảng” là trường kỳ, “Mặt trận” là giai đoạn. Năm 2004, khi Việt tân giải tán “Mặt trận Hoàng Cơ Minh” để chứng minh ai có quyền, ai là đầu não, chính sách mới của Việt tân là bất bạo động. Thế nhưng, hãy xem chính sách bất bạo động mà ông Hoàng Cơ Định (em trai Hoàng Cơ Minh, hiện là một trong những kẻ cầm đầu và là người phụ trách tài chính của “Việt tân” - chú thích của người viết) đã gửi cho tôi: “Ông Đạm Phong, bố của Tú qua đời. Vì tôn trọng người quá cố, người ta không muốn nhắc hay phê bình việc làm của ông ta trước kia. Tuy nhiên, hành vi và tư cách của Nguyễn Thanh Tú đã làm sống lại con người của Đạm Phong. Nguyễn Thanh Tú cũng noi gương cha đùa bỡn với cuộc đấu tranh vì tự do và dân chủ Việt Nam của đồng bào mình. Nguyễn Thanh Tú đã không đưa ra những bằng cớ cho phép tìm ra thủ phạm - kẻ hạ sát bố mình nhưng anh đã cho nhiều người cảm nhận chuyện không may xảy ra cho ông Đạm Phong trước kia”. Tóm lại, ý của ông Hoàng Cơ Định muốn nói rằng: Đạm Phong cha xứng đáng bị giết, Đạm Phong con cũng như vậy. Đó là chính sách của Việt tân về bất bạo động. Còn đây là những gì Hoàng Tứ Duy (Hoàng Tứ Duy: con trai của Hoàng Cơ Định, hiện nay là “người phát ngôn” của “Việt tân” - chú thích của người viết) viết: “Việc Nguyễn Thanh Tú và đồng bọn đang làm là tiếp tay giải tỏa áp lực cho chế độ cộng sản Việt Nam, làm tản lực đấu tranh chung của người Việt. Chúng tôi kính kêu gọi mọi ban chấp hành, cộng đồng, mọi cơ quan truyền thông và hội đoàn hãy cảnh giác và cô lập những kẻ phá hoại”. Chữ “cô lập” cũng là chữ họ dùng với bố tôi trước khi thủ tiêu ông. Còn đây là nội dung của thành viên Việt tân thứ ba: “Thằng Tú phải tử thôi, chó chết! Bà con xem nó ở đâu xử trảm con trùm khuyết tật Việt gian này”. Thành viên thứ tư viết: “Tôi ủng hộ bất cứ tổ chức hải ngoại nào tổ chức tiêu diệt ám sát bọn cộng sản nằm vùng”…
Tôi là một nạn nhân. Thủ đoạn của họ là gọi tôi là cộng sản. Bố tôi cũng là một nạn nhân như vậy. Họ vứt báo, chặn đường, đánh và chĩa súng vào bố tôi. Khi phim Khủng bố ở Sài Gòn nhỏ ra mắt, họ gọi A.C.Thompson, D.Doug (D.Đâu), Tony (Tô-ni) Nguyễn là cộng sản… 42 năm qua chúng ta bước vào đất nước được coi là “thiên đàng của tự do ngôn luận, tự do báo chí”. Tự do ngôn luận không phải là cứ bất đồng quan điểm thì bị coi là cộng sản. Tự do ngôn luận có nghĩa là chúng ta phải đối xử với nhau một cách quân tử. Còn với quyền tự do báo chí, tôi không được phép cấm ông Nguyễn Phương Hùng và Vũ Hoàng Lân quay phim (Nguyễn Phương Hùng và Vũ Hoàng Lân là phóng viên của KBC hải ngoại và Phố BolsaTV tại Mỹ - chú thích của người viết). Tôi không phải là con cờ chính trị của bất kỳ phe phái nào. Trước khi tôi thực hiện cuộc điều tra này, bố tôi đã lường trước rằng, khi ông nằm xuống truyền thông Việt Nam hải ngoại sẽ bị “Việt tân hóa” hết. Chiến lược của bố tôi là phải đóng hết những cái vòi bạch tuộc, những cái loa phát ngôn để cô lập nó. Bạch tuộc ở đây là Việt tân.
Tôi muốn trình bày sơ bộ về VOISE và lý giải tại sao tổ chức này quan trọng với Việt tân như vậy? (VOISE: tổ chức ngoại vi của Việt tân do Trịnh Hội cầm đầu - chú thích của người viết). VOISE xin gây quỹ của chương trình NED (Quỹ quốc gia phát triển dân chủ - National Endowment for Democracy). VOISE được NED tài trợ nhờ sự “tín nhiệm” của NED dành cho tổ chức này. Để nhận được sự tín nhiệm, VOISE làm đơn xin tài trợ. Trong đơn xin tài trợ công bố trên internet (in-tơ-nét), VOISE tự nhận tổ chức của họ được thành lập từ năm 1997; và họ tự nhận từ năm 1997 đã cứu được 1.573 người tị nạn từ châu Phi qua. Chuyện này không có thật. Tôi biết điều đó, vì tôi đã viết một lá thư cho NED nhờ họ thẩm định. Giai đoạn 1997 - 2001, VOISE không hề tồn tại. Lúc đó, Trịnh Hội còn làm việc cho LAVAS (Tên viết tắt tiếng Anh của cái gọi là “Dự án hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam tị nạn” - chú thích của người viết) một tổ chức dưới quyền BPSOS (tên viết tắt tiếng Anh của cái gọi “Ủy ban cứu trợ thuyền nhân - chú thích của người viết). Điều thứ hai, VOISE nhận rằng đã cứu được 1.573 người tị nạn và đưa đến nước Mỹ. Đây là thông tin bịa đặt, vì Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xác nhận một sự thật khác. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không cho phép và không cần VOISE giúp đỡ những người này. Chính Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa gần 2.000 người đó đến Mỹ chứ không phải VOISE.
Thật ra bấy giờ LAVAS cũng không còn hợp tác với BPSOS. Tuy nhiên, LAVAS vẫn hoạt động do được gây quỹ bởi luật sư Nguyễn Quốc Lân. Ông này đã gây quỹ cho Trịnh Hội. Chính sách và cách thức làm ăn của LAVAS giống hệt Việt tân, không ghi danh với sở thuế, không nộp tiền vào ngân hàng. Họ gây quỹ ít nhất là 300 nghìn USD nhưng số tiền này đã đi về đâu khi họ không hề có tài khoản tại ngân hàng. Nguyễn Đình Thắng (nhân vật có nhiều hoạt động chống phá Việt Nam, là kẻ cầm đầu BPSOS - chú thích của người viết) tố cáo LAVAS không được làm điều này, nhưng họ vẫn tiếp tục gây quỹ. Một trong những người dính líu đến việc đó là nhạc sĩ Nam Lộc. Quỹ nào liên quan đến Việt tân như SBTN (một địa chỉ truyền thông chống cộng cực đoan của người Mỹ gốc Việt, trước đây ông Nguyễn Thanh Tú cho biết SBTN có quan hệ rất chặt chẽ với Việt tân - chú thích của người viết), “Quỹ bên em đang có ta” (Một hoạt động do SBTN tổ chức dưới danh nghĩa “ủng hộ đồng bào trong nước” nhằm quyên góp tiền bạc từ người Mỹ gốc Việt - chú thích của người viết) đều có sự xuất hiện của Nam Lộc. Nam Lộc đã đồng lõa với họ. Như vậy tại thời điểm 2004, LAVAS “ma” giống như Việt tân “ma” ra đời.
Trong giai đoạn 2005-2007, Trịnh Hội đã mua liên tiếp ba cái nhà, trong khi anh ta mới chỉ sang Mỹ từ năm 2002 và bố mẹ thì rất nghèo. Vậy anh ta làm gì có tiền. Năm 2007, Hoàng Tứ Duy là một trong những người lập ra VOISE. Hoàng Tứ Duy chính là phát ngôn viên của Việt tân. Lúc này, Trịnh Hội lại đang ở Việt Nam đóng phim 14 ngày phép.
(Còn nữa)
|
VIỆT QUANG - lược ghi Theo Báo Nhân dân điện tử |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét